Hai bộ phim “Đất rừng phương Nam” và “Nhà bà nữ” dù đạt doanh thu cao nhưng lại trắng tay tại Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 23 đang là chủ đề quan tâm và tạo làn sóng trong dư luận.

Hậu LHP Việt Nam lần thứ 23: ‘Trắng tay’ có đồng nghĩa với kém chất lượng?

Hoàng Lê | 27/11/2023, 20:49

Hai bộ phim “Đất rừng phương Nam” và “Nhà bà nữ” dù đạt doanh thu cao nhưng lại trắng tay tại Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 23 đang là chủ đề quan tâm và tạo làn sóng trong dư luận.

LHP Việt Nam lần thứ 23 vừa khép lại, ngay lập tức một số trang báo đồng loạt giật tít: "Nhà bà Nữ, Đất rừng phương Nam trắng tay tại giải Bông sen vàng". Nhiều độc giả các báo và khán giả trên mạng xã hội coi đó là một bằng chứng cho sự kém chất lượng của hai bộ phim này.

Có thể thấy trên mạng xã hội như facebook, nhiều người đã dẫn link các bài báo nói trên về kèm theo lời nhận xét rất chắc nịch rằng: “Một bộ phim chất lượng kém thì không có giải, không cần phải giải thích gì cả", hoặc "Điều này cho thấy cái gọi là chất lượng của mấy phim trăm tỉ của Trấn Thành...". Những ý kiến này đã nhận được khá nhiều sự đồng thuận của cộng đồng mạng thông các bình luận bên dưới.

Từ nhận định trên chúng ta cùng nhìn qua những bộ phim trượt giải Oscar - giải thưởng điện ảnh danh tiếng hàng đầu thế giới để xem liệu những bộ phim “trắng tay” có phải là những sản “kém chất lượng”?

Phim giành giải Cành cọ vàng nhưng lại “trắng tay” ở Oscar

LHP Cannes năm 2022, giải thưởng cao nhất - Cành cọ vàng đã được trao cho bộ phim Triangle of sadness (tựa tiếng Việt "Đáy thượng lưu") của đạo diễn người Thuỵ Điển Ruben Ostlund. Bộ phim kể về một cặp đôi người mẫu được mời lên trải nghiệm một du thuyền xa hoa với những hành khách thượng lưu. Tuy nhiên, một trận bão ngoài dự liệu trên hành trình khiến con tàu bị mắc kẹt tại một hoang đảo. Tất cả mọi người từ các ông bà chủ siêu giàu, cặp trai gái thanh tân đến bà lao công thấp kém đều phải đối diện với sự sinh tồn, và từ đây những bi hài, những cuộc đổi ngôi không ngờ diễn ra làm đảo lộn tất cả...

Bộ phim đã nhận được tràng vỗ tay dài 8 phút khi công chiếu ở Cannes năm ngoái, trở thành một hiện tượng trong kỳ LHP và giành giải thưởng danh giá nhất. Đến mùa giải Oscar năm sau, Triangle of sadness nhận được 3 đề cử, dành cho "Phim hay nhất", "Đạo diễn xuất sắc nhất" và "Kịch bản gốc hay nhất". Tuy nhiên, khi đến lễ trao giải vào tháng 3.2023, bộ phim đã không giành được bất cứ giải thưởng nào.

404665032_10161739893140087_2376519993471041401_n.jpg
 Bộ phim "Triangle of sadness" giành giải Cành cọ vàng nhưng "trắng tay" tại lễ trao giải Oscar - Ảnh: NSX

Nếu chỉ nhìn vào kết quả sau cùng ở đêm trao giải Oscar, với thực tế rằng bộ phim này đã ra về "trắng tay" và áp dụng cách suy diễn như với hai phim Việt trượt giải Bông sen vàng ở trên, ta có thể đưa ra những kết luận xanh rờn: "Phim không đủ tầm Oscar" hay mạnh miệng hơn là "điều này cho thấy cái gọi là chất lượng của mấy phim Cành cọ vàng"...

Tuy nhiên, trong thực tế, ngay cả những người không am hiểu nhiều về điện ảnh cũng biết LHP Cannes là LHP phim danh tiếng bậc nhất thế giới. Thế nên, việc giành giải tại LHP này là niềm tự hào của bất cứ người làm phim nào chứ chưa nói gì đến dành giải cao nhất là Cành cọ vàng cho phim hay nhất. Vậy thì, việc bộ phim Triangle of sadness hoàn toàn trắng tay tại lễ trao giải Oscar không đủ phản ánh rằng nó "chất lượng chưa cao".

Suy ngược lại, phim Nhà bà NữĐất rừng phương Nam trắng tay tại giải Bông sen vàng cũng không đồng nghĩa với việc chúng kém chất lượng.

Các siêu phẩm điện ảnh của thập kỷ đồng loạt thất bại tại Oscar

Lễ trao giải Oscar năm nay không chỉ chứng kiến sự thất bại đơn lẻ của Triangle of sadness mà đồng thời 3 bộ phim xuất sắc khác là Babylon (đạo diễn Damien Chazelle), The Banshees of Inisherin (Martin McDonagh) và Tár (Todd Field) đều ra về trắng tay.

Đây là 3 bộ phim không chỉ hay nhất trong năm mà có thể nói là thuộc diện hay hàng đầu của thập kỷ của những đạo diễn tài năng nổi bật điện ảnh thế giới. Thậm chí ở khía cạnh nào đó, đây còn là những bộ phim cách mạng trong việc mang đến những trải nghiệm điện ảnh độc đáo cho khán giả. Tuy nhiên, cả 3 bộ phim đều không một lần nào được xướng tên tại lễ trao giải Oscar 2023.

Nhưng, hãy dừng lại một chút. Trước khi thất bại hoàn toàn tại đêm trao giải Oscar thì các tác phẩm này đều được vinh danh trong danh sách đề cử công bố trước đó gần 2 tháng.

Cụ thể, Babylon - siêu phẩm về hậu trường nghề làm phim của Hollywood nhận 3 đề cử về Thiết kế sản xuất, Nhạc phim và Thiết kế trang phục; Banshees of Inisherin - bộ phim từng nhận được tràng vỗ tay dài 13 phút tại LHP Venice năm 2022 thậm chí còn về nhì trong cuộc đua đề cử Oscar với 9 đề cử ở các hạng mục: Phim hay nhất, Đạo diễn, Kịch bản gốc, Nam chính, 2 Nam phụ, Nữ phụ, Nhạc phim, Dựng phim; Tár - tuyệt tác với sự gần như độc diễn của minh tinh hàng đầu Cate Blanchett cũng nhận tới 6 đề cử, gồm: Phim hay nhất, Đạo diễn, Kịch bản gốc, Nữ chính, Quay phim và Dựng phim.

Nếu chỉ nhìn vào kết quả đêm trao giải, với hiện thực là các bộ phim này ra về tay trắng thì có lẽ ta chỉ thấy một góc nhỏ của bức tranh. Trong khi đó, bức tranh rộng lớn và chính xác hơn là, trong bảng đề cử tung ra trước đó 2 tháng, các bộ phim này đều là nhân tố tỏa sáng ở nhiều hạng mục.

unnamed.jpg
"Babylon", "The Banshees of Inisherin" và "Tár" là 3 tác phẩm xuất sắc mang tầm thập kỷ nhưng đều là những thất bại tại Oscar - Ảnh: Internet

Vấn đề là, phim hay, phim khá thì nhiều mà mỗi hạng mục giải thưởng chỉ có một cái tên duy nhất dành chiến thắng. Do đó, việc thua cuộc đến 6 lần (như với Tár) hay thậm chí dừng bước đến 9 lần (như với Banshees of Inisherin) không đồng nghĩa với việc nó kém chất lượng. Chỉ là nó chưa được đánh giá là xuất sắc nhất thôi. Trong khi đó, với việc lọt vào top 10 đề cử "Phim hay nhất", Top 5 đề cử ở nhiều hạng mục cá nhân, đủ chứng minh nó là "một trong những phim hay nhất".

Bông sen vàng: Cần lắm thêm phần đề cử

Từ thực tế bên trên đối với các tác phẩm hay nhưng chưa phải xuất sắc nhất có hai trạng thái: Được vinh danh tại lễ công bố đề cử và không một lần được vinh danh tại lễ trao giải Oscar, có thể thấy giai đoạn đề cử rất quan trọng. Rõ ràng, so với lễ trao giải chính thức của một LHP, nó là một bức tranh toàn cảnh hơn, rộng lớn hơn, với những nét phác họa tô đậm vào mọi nhân tố nổi bật. Trong khi đó, lễ trao giải là một bức tranh đã tẩy xóa đi (loại đi) nhiều điểm sáng (các đề cử) chỉ để lại những điểm sáng nhất (người đoạt giải sau cùng).

Vấn đề là, không chỉ những ngôi sao sáng nhất mới cần được tôn vinh mà cả những ngôi sao lấp lánh cũng cần được ghi nhận. Lễ công bố bảng danh sách đề cử chính là thực hiện phần việc đó. Những giải thưởng điện ảnh quốc gia, hay gọi cách khác là những giải thưởng điện ảnh quốc nội như Oscar, Quả cầu vàng (Mỹ), Bafta (Anh), César (Pháp), Kim mã (Đài Loan), Kim tượng (Hồng Kông), Kim kê (Trung Quốc) hay Baeksang, Rồng xanh, Chuông vàng (Hàn Quốc)... đều có giai đoạn công bố đề cử thường diễn ra trước lễ trao giải tầm 1 đến 2 tháng.

img_6384.jpeg
Bộ phim "Nhà bà Nữ" có đề cử Nữ chính cho Uyển Ân (ngoài cùng bên phải) và Nam phụ cho Song Luân

Trong khi đó, giải Bông sen vàng và Cánh diều vàng của Việt Nam thì bao lâu nay không đi theo cách tổ chức này của quốc tế. Hai giải thưởng lớn của điện ảnh Việt Nam hoàn toàn không có giai đoạn công bố bảng danh sách đề cử cho các hạng mục giải thưởng (top 5, top 3), mà đến tận đêm trao giải mới đọc tên và chiếu chớp nhoáng các đề cử trong vài giây trước khi xướng tên những người thắng cuộc. Trong khi, ở các giải thưởng điện ảnh quốc gia của nước khác trên thế giới thì "những người thất bại trong các đêm trao giải" đã kịp được vinh danh trước đó ở giai đoạn đề cử rồi.

 Ở Việt Nam, người ta gần như không ai còn nhớ đến các cá nhân được đề cử của những năm trước, thậm chí quên ngay cả những người được đề cử mà không đoạt giải của năm nay. Vậy nên, cần không gian và thời gian vinh danh những nhân tố nổi bật trong top 3, top 5 chứ không chỉ tập trung vào duy nhất cho người người thắng cuộc. Nói cách khác, nghệ sĩ và công chúng cần một bảng đề cử vào mỗi mùa Bông sen vàng hay Cánh diều vàng.

Bài liên quan
Xây dựng điện ảnh Việt Nam trở thành ngành công nghiệp văn hoá mũi nhọn
Nhiều nghệ sĩ điện ảnh, nhà sản xuất, nhà quản lý, chuyên gia… thuộc lĩnh vực công nghệ điện ảnh, truyền thông, tài chính chia sẻ thông tin, bàn thảo, nhận định, đóng góp ý kiến, kinh nghiệm nhằm xây dựng và phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
1 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hậu LHP Việt Nam lần thứ 23: ‘Trắng tay’ có đồng nghĩa với kém chất lượng?