Những lời chia sẻ thật lòng từ một người mẹ có con là đồng tính nữ. Thông qua lá thư này, bà muốn gửi một thông điệp đến tất cả những bậc cha mẹ có con là người đồng tính trong xã hội.
Trước đó, phóng viên Một Thế Giới gặp mẹ Vượng tại hội thảo “Đồng hành cùng con” được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 13.10. Đây là lần đầu tiên mẹ tham dự một buổi giao lưu với cộng đồng LGBT và PFLAG (Hội người thân của người đồng tính). Tuy ban đầu có hơi không quen nhưng mẹ cũng đã chia sẻ rất thật lòng về trải nghiệm của bản thân mình. Theo đó, đứa con gái nuôi 14 tuổi của mẹ là người đồng tính nữ và đã trải qua một giai đoạn rất khó khăn.
Một Thế Giới sau đó có liên hệ với mẹ, mong muốn chia sẻ câu chuyện. Mẹ Vượng đã gửi đến cho chúng tôi một lá thư đầy tâm sự.
Những lời tâm sự thật lòng từ một người mẹ, dù không phải là con ruột của mình đã cho chúng thấy về sự vĩ đại của tình mẫu tử.
“Tôi chỉ là một người mẹ bình thường của 2 đứa con. Cuộc sống sẽ êm đềm trôi qua nếu như tôi không đọc được loạt bài nói về người đồng tính được đăng trên báo Tuổi trẻ cách đây ít lâu. Lúc đầu, tôi cũng không quan tâm. Nhưng càng đọc tôi lại càng cảm thông hơn về những nỗi khổ, đau thương và sự sợ hãi mà những người đồng tính phải gánh chịu. Chính những loạt bài đó đã khiến cho tôi có những hành động đối với đứa con gái nuôi của mình (cháu nhận tôi làm mẹ nuôi vì có thể tâm sự lên những điều mà không thể nào trình bày được với cha mẹ ruột).
Cháu là một đứa con gái xinh xắn và học giỏi thế nhưng cuộc sống đã quá khắt nghiệt. Đời sống tình cảm của cha mẹ cháu có nguy cơ bị đỗ vỡ. Chính điều này đã ảnh hưởng đến tinh thần của cháu. Cháu đâm ra phá phách, bướng bỉnh không màng đến việc học hành. Sau một thời gian dài ngấm ngầm bất mãn với cha mẹ, cháu bỏ nhà ra đi. Cả nhà hốt hoảng đi tìm. Gọi điện thoại cháu không nghe máy, nhắn tin cháu không trả lời. Mẹ cháu đã phải cầu cứu tôi. Sau một loạt điện thoại nhắn tin không thành công, tôi đưa ra chiêu bài cuối cùng: nếu cháu không trả lời thì tôi sẽ báo Công an về sự mất tích của cháu. Cuối cùng thì cháu cũng cho biết địa chỉ nhà người bạn cháu đang tá túc tại Đồng nai và hứa sẽ về sau 2 ngày.
Tôi khuyên mẹ cháu, khi cháu về không nên đánh đập cũng như tịch thu điện thoại (vì trong thời gian cháu bỏ đi cháu có dọa rằng nếu cháu về mà bị tịch thu điện thoại thì cháu sẽ bỏ đi luôn.). Một tuần sau khi cháu về , mẹ cháu có điện lên vào báo cho tôi biết sau một hồi chất vấn, cháu tuyên bố là có cảm tình với một bạn lớn hơn mình 4 tuổi (cháu năm nay 14 tuổi ). Người bạn đó luôn nhắn tin an ủi động viên cháu mỗi khi cháu buồn. Cháu đã từng cãi mẹ rằng nếu không được quen với người đó sẽ tự tử. Mẹ cháu cũng tuyên bố: “Đằng nào cũng một lần chết, vậy thì mày chết luôn cho rồi khỏi làm tao đau khổ.” Mẹ cháu vì chuyện gia đình lục đục, con cái lại như vậy nên tỏ ra đai khổ vô cùng. Tôi khuyên mẹ cháu cứ để cháu quen một thời gian với tính cách như những người bạn, không nên quyết liệt quá sẽ dẫn đến hậu quả không hay. Đến giờ cháu đã sống vui vẻ trở lại học hành có nhiều tiến bộ, tình cảm mẹ con đã trở lại bình thường.
Tôi không biết mình đã hướng cho cháu đi đúng đường hay không nhưng mẹ cháu có điện lên khoe rằng cháu đang đăng ký thi học sinh giỏi, đang sống rất thoải mái. Người bạn của cháu có gọi điện nói chuyện với tôi và tỏ ra vui mừng vì đã có một người thông cảm với mình. Ngoài ra, còn hứa sẽ học hành thật tốt. Các cháu và con tôi có hỏi tôi: “Nếu con má cũng là lesbian thì má tính sao?” Tính sao ư? Con mình là do mình mang nặng đẻ đau, nuôi lớn tới bây giờ. Nếu cháu là đứa dị tính bình thường , ngoan ngoãn thì đó là một niềm vui của mình. Nhưng nếu điều đó xảy ra thì sao?
Chúng ta là bậc cha mẹ đã nuôi và dạy con chúng ta nên người. Nếu chúng vướng vào trộm cướp, ma túy thì chúng ta vẫn luôn là người dang rộng vòng tay để giúp đỡ và sửa đổi lỗi lầm. Vậy thì những đứa con của chúng ta, nếu chúng vẫn học tập tốt vẫn là những đứa con ngoan thì tại sao chúng ta lại phải từ bỏ chúng, lại gán ghép cho chúng đủ thứ tội trên đời chỉ vì chúng là người đồng tính. Nếu chúng không làm gì gây hại cho xã hội thì tại sao chúng ta lại phải đẩy chúng vào một cuộc sống bế tắc và bi quan?
Những đứa con là châu báu trời cho của các bậc cha mẹ. Cha mẹ nên nâng niu và đừng hủy hoại chúng đi. Đừng để một ngày nào đó con cái mất rồi, chúng ta mới lại thấy hối tiếc. Ai cũng nghĩ tôi là một người mẹ bình thường nên nói thế. Vậy còn những bà mẹ có con bị khuyết tật, bị bịnh nan y…họ đã từ bỏ con mình đâu? Vậy thì tại sao các con của chúng ta không bị tổn thương về thể xác nhưng chúng ta lại làm chúng bị tổn thương về tinh thần?
Các con chúng ta khi còn trẻ thì chúng ta nâng niu nhưng chúng ta cũng luôn hướng chúng theo những khuôn mẫu do ta đề ra. Rồi khi cái khuôn ấy bị chệch ra ngoài thì chúng ta lại đổ lỗi cho chúng mà không chịu tìm hiểu nguyên nhân từ đâu ra? Trong cuộc sống, không hiếm những bậc cha mẹ có thể đi khắp nơi để làm từ thiện, có thể xin con nuôi để chia sẻ tình thương cho những người khác nhưng lại không thể chấp nhận sự thật của con cái mình.
Chúng ta có thể mở lòng ra để đón nhận những người nghiện ma túy hồi gia, nhưng lại khó có thể chấp nhận có con là người đồng tính. Mỗi cha mẹ chúng ta có thể hát ngân nga mỗi ngày câu hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “sống trong đời sống cần có một tấm lòng” và ca ngợi tình mẹ bao la, tình cha biển rộng với tất cả mọi người xung quanh nhưng với con cái chúng ta, chúng ta lại khép chặt lòng mình lại để con cái chúng ta chúng ta mất phương hướng.
Là một người mẹ, tôi mong rằng chúng ta phải luôn đón nhận con cái bằng một tấm lòng rộng mở. Hãy tạo dựng cho con của chúng ta một lối đi đẹp đẽ hơn.
Lời nói riêng mà mẹ muốn gởi tới tất cả nhưng người mẹ có mặt trong buổi hội thảo ngày 13/10, các mẹ thật là dũng cảm dám chấp nhận và đương đầu với sự thật, những người con thuộc LGBT thật mạnh mẽ , các con đã sống thật với chính mình. “Sống để yêu thương”, mẹ mong rằng các con sẽ nhận được hạnh phúc đó giống như tất cả mọi người.”
- Một người mẹ
Sài Gòn – buổi tối ngày 13.10.13 – Sau hội thảo “Đồng hành cùng con”
Chí Thiện