Hóa ra, lâu nay người ta vẫn trao gửi thế hệ tương lai cho cái nơi chỉ chăm chăm buôn... thành tích để thu lợi về cho trường, còn chất lượng thật của “sản phẩm”, của các chủ nhân tương lai của đất nước thì mặc kệ.

Hiệu trưởng phát phiếu điều tra: Giáo dục hay đi buôn?

06/12/2018, 17:20

Hóa ra, lâu nay người ta vẫn trao gửi thế hệ tương lai cho cái nơi chỉ chăm chăm buôn... thành tích để thu lợi về cho trường, còn chất lượng thật của “sản phẩm”, của các chủ nhân tương lai của đất nước thì mặc kệ.

Trường THCS Duy Ninh, nơi xảy ra vụ 231 cái tát làm rúng động dư luận - Ảnh: MTG

Sau khi cô giáo Thủy của Trường THCS Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) gây rúng động dư luận với "kịch bản giáo dục" 231 cái tát vào má em N. học sinh lớp 6 khiến em phải nhập viện, thì liền sau đó cô Phạm Thị Lệ Anh, hiệu trưởng nhà trường lại... "bỏ bom" dư luận thêm một lần nữa khi chỉ đạo phát phiếu “điều tra” với 23 học sinh tát bạn theo lệnh cô giáo.

Sóng phẫn nộ của dư luận lại nổi lên lần nữa. Vội phân trần với báo chí, cô hiệu trưởng cho biết: “Phiếu điều tra” được thực hiện vào chiều 24.11.2018. Lúc này nhà trường chỉ mới nắm được thông tin nhưng chưa biết cụ thể như thế nào, công an cũng chưa vào cuộc. Mục đích của cuộc khảo sát là để nắm rõ, chính xác, khách quan vụ việc để một mặt báo cáo cấp trên, mặt khác có hướng xử lý phù hợp, khách quan.

Theo cô Lệ Anh, có thể phương pháp và nội dung các câu hỏi trong phiếu “điều tra” chưa phù hợp nhưng mục đích của nhà trường là để làm sáng tỏ, khách quan bản chất vụ việc. Không có chuyện nhà trường dùng phương pháp này để có mục đích gì đó với học sinh. Còn kể từ khi công an vào cuộc, nhà trường đã tích cực phối hợp chặt chẽ với công an để sớm làm rõ vụ việc.

Tuy nhiên, cô hiệu trưởng cũng nên biết rằng dư luận chưa thể quên việc khi xảy ra sự kiện 231 cái tát thì chính cô hiệu trưởng đã nói với báo giới rằng nhà trường sắp đón nhận danh hiệu trường đạt chuẩn quốc gia nên... xin báo chí đừng đưa tin (về tiêu cực này)!

Cho nên dư luận cũng thừa hiểu khi cô bắt các em phải đề "lời khai của em..." cùng với tên tuổi, lớp học đầy đủ trong phiếu gọi là ... “tìm hiểu thông tin” đó của cô, thì các em đã phải chịu một sức ép răn đe lớn thế nào từ vị hiệu trưởng "xin báo chí đừng đưa tin" về tiêu cực của nhà trường như thế. Hiển nhiên các em hiểu nếu nói ra sự thật là chống lại ý muốn "xin báo chí đừng đưa tin" về tiêu cực của cô hiệu trưởng. Vậy thì thử hỏi, liệu có học sinh nào dám chống lại ý muốn của hiệu trưởng trường mình không, khi kết quả học tập của các em nằm trong tay các cô? Thế cho nên, cái phiếu... “tìm hiểu thông tin” của cô hiệu trưởng chẳng khác nào cái phiếu điều tra có tính mớm cung, bức cung của cán bộ điều tra, với sự đe dọa ngầm với người đang phải chịu lệ thuộc vào mình.

Và cả xã hội đã... ngã ngửa trước quan điểm làm giáo dục này của một vị hiệu trưởng. Hóa ra, bấy lâu nay trường học là cái nơi... kinh doanh giáo dục, chăm chăm kiếm thành tích để thu về quyền lợi cho giáo viên, đặc biệt là hiệu trưởng. Hóa ra, lâu nay người ta vẫn trao gửi thế hệ tương lai cho cái nơi chỉ chăm chăm buôn... thành tích để thu lợi về cho trường, còn chất lượng thật của “sản phẩm”, của các chủ nhân tương lai của đất nước thì mặc kệ.

Xin các vị trong ngành sư phạm nói chung và ở Trường THCS Duy Ninh nói riêng hiểu cho rằng, tương lai vận mệnh của dân tộc cần chất lượng cao thật sự về đào tạo những chủ nhân tương lai của đất nước, để khi các em rồi đây bước vào đời có thể đóng góp kết quả có chất lượng thực sự cho sự nghiệp chung xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chứ không cần những thành tích trên... giấy, không cần cái chất lượng mà khi tan giờ học cũng tan theo mây khói.

Nếu cố công chạy theo những thành tích để... kinh doanh giáo dục, thì các vị nên nhớ, trường học được xây dựng nên không phải là để đi buôn chữ, mà trường học luôn phải là cái nôi nuôi dưỡng nên những phẩm cách của con người, đào tạo nên những con người có khả năng đóng góp thực sự cho đất nước chứ không phải để đạt các tiêu chí thành tích về trường chuẩn quốc gia mà nó chỉ tồn tại ở... trong trường, còn khi các em ra ngoài xã hội thì nó... biến mất!

Và để chữa cái bệnh thành tích... như thế, phải chữa bệnh từ gốc; Bộ GD-ĐT phải cải tổ lại toàn bộ tiêu chí đánh giá về chất lượng giáo dục.

Có như vậy, xã hội và các ngành các cấp mới đỡ phải xem những kịch bản dự giờ dàn dựng, những bằng chứng nhận trường chuẩn quốc gia mà thực tế trong đó lại tồn tại ... 231 cái tát với học sinh như vừa qua.

Phạm Mạnh Hà

Bài liên quan
Cựu Chủ tịch NXB Giáo dục bị tuyên án 12 năm tù
HĐXX cấp sơ thẩm quyết định tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Thái (cựu Chủ tịch NXB Giáo dục) 12 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
7 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hiệu trưởng phát phiếu điều tra: Giáo dục hay đi buôn?