Hồ Quý Ly rơi vào cảnh như Khánh Phong bị vua Minh Thành Tổ là Chu Đệ hỏi "Giết vua, cướp nước, như thế có phải là đạo người bầy tôi không?" thì có thể dùng cách nói gậy ông đập lưng ông để vặn lại.

Hồ Quý Ly và cơ hội ghi điểm danh dự khi chạm mặt vua Minh

26/02/2018, 11:30

Hồ Quý Ly rơi vào cảnh như Khánh Phong bị vua Minh Thành Tổ là Chu Đệ hỏi "Giết vua, cướp nước, như thế có phải là đạo người bầy tôi không?" thì có thể dùng cách nói gậy ông đập lưng ông để vặn lại.

Ảnh vua Minh Chu Đệ

Sau khi thất bại trong cuộc chiến chống lại quân Minh, bảo vệ bờ cõi, cha con Hồ Quý Ly đều không chịu tuẫn tiết mà chịu cảnh bị bắt sống. Các sử liệu sau đó đều chép cha con Hồ Quý Ly bị đưa sang Trung Quốc cả và phải đối diện với Minh Thành Tổ.

Khâm Định Việt sử thông giám cương mục chép việc vua tôi Hồ Quý Ly bị quân Minh bắt năm 1407 như sau: “Trương Phụ biết Hán Thương trốn chạy vào Nghệ An, bèn cùng tả phó tướng Thạnh theo đường bộ tiến quân, lại phân phái Liễu Thăng đem chu sư do đường thủy đuổi theo, khi đuổi đến cửa biển Kỳ La, đánh cho quân nhà Hồ phải thua to, bắt được Quý Ly, hôm sau lại bắt được Hán Thương cùng con hắn là Nhuế ở núi Cao Vọng. Những tướng tá sau này đều bị bắt: Hữu tướng quốc Quý Tì và con hắn là Phán trung đô Vô Cữu, Tả tướng quốc Nguyên Trừng, tướng quân Hồ Đỗ, Phạm Lục Tài, Nguyễn Nghiện Quang và Đoàn Bồng. Còn những người khác như Trần Nhật Chiêu, Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Cẩn và Đỗ Mẫn thì đã đầu hàng quân Minh từ trước rồi”.

Và kể việc bị đưa sang Trung Quốc được Đại Việt sử ký toàn thư kể như sau: "Trương Phụ, Mộc Thạnh sai Đô đốc thiêm sự Liễu Thăng; Hoành hải tướng quân Lỗ Lân; Thần cơ tướng quân Trương Thăng, Đô chỉ huy sứ Du Nhượng; Chỉ huy đồng tri Lương Định; Chỉ huy thiêm sự Thân Chí bắt giải Quý Ly và các con là Hán Thương, Trừng, Triết, Uông, các cháu là Nhuế, Lô, Phạm, cháu nhỏ là Ngũ Lang, em là Quý Tỳ, cháu gọi bằng bác là Nguyên Cữu, Tử Tuynh, Thúc Hoa, Bá Tuấn, Đình Việp, Đình Hoảng; các tướng thần là Đông Sơn hương hầu Hồ Đỗ, Hành khiển Nguyễn Ngạn Quang, Lê Cảnh Kỳ; các tướng quân là huyện bá Đoàn Bổng, đình bá Trần Thang Mông, trung lang tướng Phạm Lục Tài cùng các ấn tín đến Kim Lăng để dâng. Vua Minh hỏi rằng : "Trung Quốc như vậy, sao không sợ phục mà dám láo xược chống cự?". Đều trả lời là không biết. Vua Minh nói: "Từng sai sứ giả sang bảo, không phải là không biết".

Riêng đoạn đối đáp giữa vua Minh với Quý Ly còn được Khâm Định Việt sử thông giám cương mục nói rõ thêm như sau: “Vua nhà Minh ngự điện nhận tù binh và hỏi Quý Ly rằng: "Giết vua, cướp nước, như thế có phải là đạo người bầy tôi không?". Quý Ly không trả lời được, bèn giao cả xuống giam vào ngục tù, chỉ tha cho con là Trừng, cháu là Nhuế.

Vì Quý Ly bạc nhược khi đối diện với vua Minh mà về sau sử gia nhà Nguyễn chê là: “Rất đáng tiếc Quý Ly không được như Khánh Phong nước Tề, đối đáp với Công tử Vi, để làm sướng tai mắt ngàn đời”.

Để làm rõ lời phê của sử gia nhà Nguyễn thì chúng ta cần phải lật chút sử Trung Quốc để tìm hiểu điển tích Khánh Phong. Theo Sử ký và Tả Truyện thì: Khánh Phong vốn là đại phu nước Tề. Năm 548 TCN, đại phu Thôi Trữ giết chết Tề Trang công, lập Tề Cảnh công lên ngôi và mời Khánh Phong cùng dự triều chính. Hai người chuyên quyền, muốn chèn ép các quan nước Tề, bắt họ thề theo mình. Sau Khánh Phong lập mưu trừ Thôi Trữ để một mình chuyên quyền.

Vua Tề sau dùng mưu của Án Anh tước binh quyền Khánh Phong khiến họ Khánh phải trốn sang Lỗ rồi Ngô. Vua Ngô Dư Sái thu nhận ông, gả con gái và cho Khánh Phong ở huyện Chu Phương.

Năm 538 TCN, Sở Linh vương muốn ra uy với chư hầu và trả thù nước Ngô nhiều lần lấn cướp biên giới, bèn lấy danh nghĩa trừng phạt Khánh Phong và mang quân đánh huyện Chu Phương.

Khánh Phong không chống cự nổi, bị quân Sở bắt. Sở Linh vương mang Khánh Phong ra, đặt đao búa lên người và dẫn đi rao trong doanh trại quân Sở, sai người hô to: Không ai được theo gương Khánh Phong!

Khánh Phong bèn hô lại: Đừng ai bắt chước con thứ Sở Cung vương là Vi (tức là Sở Linh vương) giết vua cướp ngôi và giao ước với chư hầu!

Trong quân Sở nhiều người bật cười. Sở Linh vương xấu hổ vì bản thân mình vốn giết vua cũ để giành ngôi, vội sai mang Khánh Phong tử hình ngay.

Có thể thấy Khánh Phong dù là kẻ phản thần, tặc tử nhưng đến khi rơi vào cảnh bị kẻ thù bắt mà vẫn giữ được tính cách cao ngạo của mình, sỉ nhục Sở Linh vương (tức công tử Vi). Đó đáng gọi là điểm sáng của Khánh Phong lưu lại cho đời sau để trở thành điển tích.

Hồ Quý Ly rơi vào cảnh như Khánh Phong bị vua Minh Thành Tổ là Chu Đệ hỏi "Giết vua, cướp nước, như thế có phải là đạo người bầy tôi không?" thì có thể dùng cách nói gậy ông đập lưng ông để vặn lại. Chu Đệ vốn là một phiên vương cũng dấy binh làm loạn cướp ngôi vua của cháu là Minh Huệ Tông Chu Doãn Văn. Nếu Hồ Quý Ly có thể đối đáp với Chu Đệ bằng việc kể tội của Đệ thì hậu thế chúng ta đáng chấm điểm cộng cho trí thông minh, lòng dũng cảm của Quý Ly. Và như vậy, lịch sử nước ta đã có thêm một giai thoại đáng tự hào.

Hồ Quý Ly là người thông minh và khá mau lẹ trong đối đáp nhờ đó mà nhiều lần che mắt được Trần Nghệ Tông trước đây (Nghệ Tông tin lời Quý Ly đến mức phế cả vua là Phế Đế). Vậy tại sao không dùng cơ trí đó để đối đáp với Chu Đệ?

Tiếc thay.

Anh Tú

Các kỳ trước

Kỳ 1: Cha ông ta từng chỉ huy liên quân Đông Nam Á chống lại phương Bắc

Kỳ 2: Đinh Tiên Hoàng tự coi là cửa trên khiến phương Bắc bực dọc

Kỳ 3: Sứ giả phương Bắc bị hù dọa không dám bước chân vào nước ta

Kỳ 4: Vua Tống chém tướng kiếm chuyện ngoài biên giới để làm vui lòng Đại Việt

Kỳ 5: Vua Tống sợ trái ý Ngọa Triều nhà Lê​

Kỳ 6: Đại Việt tặng ngựa, nhà Tống thất kinh​
Kỳ 7: Hai nhà sư Việt bẻ gãy dã tâm của phương Bắc​

Kỳ 8: Chính sách gả công chúa để phá âm mưu của phương Bắc

Kỳ 9:Khi nhà Tống lấn đất, ông cha ta sẵn sàng tuốt gươm

Kỳ 10: Trước Lý Thường Kiệt, quân ta nhiều lần Bắc phạt sang đất Tống​

Kỳ 11: Chư hầu của Đại Việt uy hiếp nhà Tống, vua Lý toan động binh​

Kỳ 12: Lý Thường Kiệt dùng vũ lực lấy lại đất yết hầu vùng biên trong tay quân Tống​

Kỳ 13: Sợ Lý Thường Kiệt bắc phạt lần 2, vua Tống tính cắt đất​

Kỳ 14: Bị áp lực từ biên giới, vua Tống phải nghiến răng trả đất​

Kỳ 15: Lý Thường Kiệt dùng tù binh mở cho vua Tống con đường thể diện

Kỳ 16: Muốn nhà Tống trả đất, không thể dùng lý lẽ suông​

Kỳ 17: Nhà Trần dẫn quân Bắc phạt, vua Tống vừa sợ vừa mừng​

Kỳ 18: Nhà Trần 4 lần trói sứ giả Mông Cổ vì tội uốn lưỡi cú diều

Kỳ 19: Đại Việt Nguyên Mông thông hiếu, nhà Tống sợ hãi cầu thân

Kỳ 20: Nhà Trần dùng kế trừng trị các quan Đạt lỗ hoa xích​

Kỳ 21: Ba đời vua Trần và 12 lần cự tuyệt nhà Nguyên​

Kỳ 22: Nhà Trần kiên quyết không làm lính đánh thuê cho Nguyên Mông​

Kỳ 23: Nhà Nguyên đòi vũ khí tối thượng, vua Trần từ chối​

Kỳ 24: Căng thẳng đấu tranh trong lễ nghi triều kiến giữa nhà Trần và Nguyên Mông

Kỳ 25: Tranh cãi về chữ tín trong việc xử tù binh nhà Nguyên​

Kỳ 26: Trò hề của sứ Nguyên sau khi thua trận​

Kỳ 27: Nhà Trần tung tình báo, sẵn sàng phương án đánh sang đất Nguyên​

Kỳ 28: Nhà Trần mang 3 vạn quân đánh sang đất Nguyên, bắt hai ngàn tù binh​

Kỳ 29: Dùng áp lực quân sự ép nhà Nguyên trong cơn nguy loạn​

Kỳ 30: Sứ giả nước ta cư xử đàng hoàng hơn sứ giả phương Bắc​

Kỳ 31: Về chuyện Hậu duệ vua Trần xưng làm hoàng đế Đại Hán​

Kỳ 32: Trung Nguyên chiến loạn khốc liệt, nhà Trần cử người sang xem​

Kỳ 33: Đến lượt nhà Minh đòi lính đánh thuê, nhà Trần từ chối

Kỳ 34: Hồ Quý Ly và 2 lần diễn kịch hòng che mắt nhà Minh​

Kỳ 35: Hồ Quý Ly và mưu kế dùng độc trị độc với nhà Minh​

Kỳ 36: Hồ Quý Ly xử lăng trì vua bù nhìn do nhà Minh dựng​

Kỳ 37: Hồ Quý Ly đường cùng không giữ khí tiết là điều đáng thẹn

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
23 phút trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hồ Quý Ly và cơ hội ghi điểm danh dự khi chạm mặt vua Minh