TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng phục hồi kinh tế, trong đó có phục hồi bất động sản du lịch, là chiến lược quan trọng. Theo đó, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho loại hình bất động sản du lịch, tạo điều kiện cho loại hình này phát triển.

Hoàn thiện pháp lý để phục hồi bất động sản du lịch, phục hồi kinh tế

Lam Thanh | 16/11/2021, 16:22

TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng phục hồi kinh tế, trong đó có phục hồi bất động sản du lịch, là chiến lược quan trọng. Theo đó, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho loại hình bất động sản du lịch, tạo điều kiện cho loại hình này phát triển.

Ngày 16.11, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp với Trường đại học Luật Hà Nội tổ chức hội thảo “Chính sách, pháp luật về bất động sản du lịch - Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam”.

TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia chia sẻ: “Chúng ta đang ở trong giai đoạn khủng hoảng bởi COVID-19. Đây là khủng hoảng tai họa chứ không phải khủng hoảng do kinh tế, bởi vậy nhiều quốc gia đã bỏ ra chi phí lớn để có thể khắc phục khủng hoảng này”.

“Các doanh nghiệp biết rằng đây không phải là khủng hoảng cấu trúc, do đó khi khắc phục xong tất cả sẽ bật trở lại “đường đua”. Người nào đi trước người đó sẽ thắng, nhưng chúng ta vẫn đang ở giai đoạn sửa đổi luật, vẫn đang chậm trễ về thủ tục tháo gỡ, nếu chần chừ, chúng ta sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội”, ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa cho rằng phục hồi lại kinh tế, trong đó có phục hồi bất động sản du lịch, là chiến lược quan trọng. Theo đó, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho loại hình bất động sản du lịch, tạo điều kiện cho loại hình này phát triển.

Ông Đoàn Văn Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng hiện chưa có chính sách thật sự phù hợp nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch và phân khúc bất động sản du lịch.

bds.jpg
Cảnh cuộc hội thảo

Một số hạn chế lớn trong pháp luật về đầu tư, kinh doanh bất động sản có thể kể tới như: thủ tục đầu tư phức tạp, khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian, chi phí để hoàn thiện thủ tục đầu tư, vận hành dự án; chưa có quy định cụ thể về cơ chế quản lý, sử dụng đất vào mục đích hỗn hợp (vừa sử dụng làm đất ở, vừa sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ và văn phòng) cũng như việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (giấy chứng nhận) đối với loại hình bất động sản này.

Ngoài ra, ông Bình cho rằng hiện chưa có quy định, chính sách nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào bất động sản du lịch. Từ góc độ pháp luật đất đai, mặc dù người nước ngoài được phép mua nhà ở theo Luật Nhà ở nhưng Luật Đất đai năm 2013 không ghi nhận quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất của người nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở; chưa có quy định pháp luật nhằm kiểm soát tình trạng không rõ ràng trong cam kết lợi nhuận, huy động vốn và điều chỉnh đối với một số loại hình giao dịch, cho thuê sở hữu kỳ nghỉ.

Ông Nguyễn Đỗ Dũng, Tổng giám đốc enCity cho rằng sau đại dịch, xu hướng du lịch nội địa dần thay thế du lịch quốc tế. Các tuyên bố giá trị mới có thể đưa ra và các khách sạn có thể phải điều chỉnh lại, cải tạo cơ sở vật chất để thu hút nhiều khách hàng hơn tại thị trường trong nước.

Ngoài ra, điểm đến an toàn trở thành một tiêu chí lựa chọn chính: Các du khách trong tương lai được dự đoán sẽ ưu tiên đến các nhu cầu về vệ sinh, an toàn và an ninh.

Ông Dũng cũng cho rằng cần áp dụng công nghệ lữ hành trong hành trình du lịch. Các kênh trực tuyến đã trở thành một nền tảng quan trọng trong việc du lịch. Do du khách luôn cần phải được thông báo và cập nhật liên tục về các hướng dẫn, quy định mới nhất về việc di chuyển, khai báo y tế hoặc hướng dẫn cách ly... nên nhu cầu được kết nối để giảm thiểu sự lo lắng cũng như sự thiếu chắc chắn tăng cao.

Hơn nữa, khách du lịch đang đòi hỏi sự kết nối sâu sắc hơn với những địa điểm mà họ tới và với người dân địa phương mà họ gặp. Ngoài ra, ngày càng có nhiều người mong muốn tiếp cận và tìm kiếm các lựa chọn du lịch bền vững ở cấp độ vi mô do chúng ta đã có nhận thức rõ ràng hơn về tác động của hệ thống toàn cầu hóa.

Đề cập đến chiến lược phát triển đô thị du lịch trong bối cảnh “bình thường mới”, ông Dũng nêu rằng một trong những sản phẩm du lịch phổ biến nhất chính là môi trường của một địa phương, bao gồm cả môi trường tự nhiên và môi trường đô thị. Thành phố Hội An của Việt Nam là ví dụ thành công về việc bảo tồn môi trường thiên nhiên và di sản đô thị giúp thu hút du khách quốc tế và nội địa đến với địa phương.

Song song với đó, ông Dũng cho rằng cần kiến tạo các điểm đến địa phương mới. Khi du khách nội địa trở thành nguồn thu chính của ngành du lịch, bài toán đặt ra cho ngành du lịch và các thành phố là làm sao có thể làm mới các điểm đến vốn đã quá thân thuộc với đối tượng khách hàng này.

Ngoài ra, cần linh hoạt trong chính sách về sử dụng đất. Bất động sản du lịch là sản phẩm nhạy cảm hơn cả. Do đó, các thành phố coi trọng du lịch như là một ngành kinh tế mũi nhọn sẽ phải có chính sách để vừa đảm bảo nguồn cung đất đai khi phải cạnh tranh với các nhu cầu khác, vừa hỗ trợ tạo ra nhu cầu cho loại hình nhiều rủi ro này.

Ông Dũng cũng cho rằng cần nâng cao năng lực kết nối giao thông. Tất cả các điểm đến du lịch lớn trên toàn thế giới đều có cơ sở hạ tầng giao thông vững chắc, kết nối các nơi này với phần còn lại của thế giới. Chúng ta không nên xem xét yếu tố này một cách riêng lẻ nhưng chắc chắn đây là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất để duy trì phát triển cho ngành du lịch.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 2: Những giọt nước nghĩa tình
2 giờ trước Bảo vệ môi trường
Bước vào cao điểm mùa khô, vùng ĐBSCL hiện có hơn 50.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Nguồn nước khan hiếm khiến cho bà con gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, sinh hoạt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hoàn thiện pháp lý để phục hồi bất động sản du lịch, phục hồi kinh tế