Việc nước Pháp trao bằng Agrégé về Công pháp quốc tế cho ông Nguyễn Quốc Định năm 1949 là một sự kiện lớn của Việt Nam và Đông Dương, bởi ông là một trong bốn người Đông Dương đầu tiên được trao học vị cao nhất của quốc tế, khi mà toàn xứ Đông Dương thời đó có tới gần 100% người dân chưa biết chữ.

Học giả Nguyễn Quốc Định: Người Việt thành danh ở tuổi 34 trên đất Pháp

20/07/2017, 05:35

Việc nước Pháp trao bằng Agrégé về Công pháp quốc tế cho ông Nguyễn Quốc Định năm 1949 là một sự kiện lớn của Việt Nam và Đông Dương, bởi ông là một trong bốn người Đông Dương đầu tiên được trao học vị cao nhất của quốc tế, khi mà toàn xứ Đông Dương thời đó có tới gần 100% người dân chưa biết chữ.

Bàn thờ gia tiên của ông Nguyễn Quốc Định tại 65 Minh Khai (Hàng Song cũ) TP.Nam Định vẫn giữ nguyên từ ngày ông sinh ra cho tới nay

Đáng khâm phục hơn khi ông sang Pháp du học mới được hơn chục năm, lúc ấy mới 37 tuổi và đáng ra đã được nhận bằng trước đó ba năm, khi mới 34 tuổi.

Ông Nguyễn Quốc Định sinh năm 1912 tại Nam Định. Từ nhỏ ông được sống cùng cha mẹ tại 65 phố Hàng Song, nay là phố Minh Khai, TP.Nam Định. Chính tên của thành phố quê hương nơi ông sinh ra đã được cha mẹ lấy để đặt cho ông. Ông đã từng học tại Hà Nội và dạy tại trường Thăng Long ở phố Ngõ Trạm (Hoàn Kiếm) ngày nay.

Sau năm 1930, ông được gia đình cho du học Pháp sau khi đã tốt nghiệp khoa Luật ở Hà Nội và tuổi đời mới ngoài 20. Thật không ngờ, chỉ sau khoảng trên 10 năm, vào năm 1946, ông đã bảo vệ thành công luận án Agrégé (học vị cao nhất của thế giới dành cho những người làm việc trong nghành luật, Agrégé chỉ trao cho những người thật xuất sắc và được cả một hội đồng các nhà khoa học cao cấp sát hạch công nhận, nhiều người qua sát hạch nhưng không được công nhận là Agrégé vẫn tự hào là đã được sát hạch Agrégé).

Nhưng do có một sự kiện mà nước Pháp ngày ấy đã không trao cho ông học vị Agrégé ngay năm 1946 là bởi năm đó Chủ tịch Hồ Chí Minh và cố vấn Phạm Văn Đồng đã có chuyến công du sang Pháp để đàm phán với Chính phủ Pháp. Không may khi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cộng sự vừa tới Pháp thì chính phủ của Pháp đã bị đổ. Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn chính phủ Việt Nam phải lưu lại đất Pháp, chờ thêm hai tháng sau để cho Pháp thành lập được chính phủ mới mới tiến hành đàm phán được.

Trong hai tháng đó, ông Nguyễn Quốc Định là một trong những Việt kiều có uy tín đã đứng ra hỗ trợ đưa đoàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đi làm việc với các giới chức Pháp và các Việt kiều. Khi ấy quan hệ của Việt Nam và Pháp còn chưa tốt, nên nước Pháp đã tạm đình chỉ việc trao bằng Agrégé cho ông Nguyễn Quốc Định vì ông đã có quan hệ với chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phải tới ba năm sau, năm 1949, trước những thành tựu to lớn mà ông Nguyễn Quốc Định đã đem lại cho thế giới và nước Pháp, chính phủ Pháp mới quyết định chính thức trao học vị đó cho ông. (Ông Nguyễn Quốc Định là bậc thầy về Công pháp Quốc tế, thầy dạy của Tổng thống Pháp sau này là ông Pompidou và nhiều nguyên thủ quốc gia, chính trị gia khác của nước Pháp và thế giới).

Việc nước Pháp trao bằng Agrégé cho ông Nguyễn Quốc Định là một sự kiện lớn của Việt Nam và Đông Dương, bởi ông là một trong bốn người Đông Dương đầu tiên được trao học vị cao nhất của quốc tế, khi mà toàn xứ Đông Dương thời đó có tới gần 100% người dân chưa biết chữ. Đáng khâm phục hơn khi ông sang Pháp du học mới được hơn chục năm, lúc ấy mới 37 tuổi và đáng ra đã được nhận bằng trước đó ba năm, khi mới 34 tuổi, nếu như nước Pháp không gây khó cho ông bởi sự kiện đã nêu trên.

Ông Nguyễn Quốc Định (chụp thời điểm được cấp bằng Agrégé năm 1949)

Rõ ràng đó là một sự kiện, một thành tựu đáng ghi nhận của trí tuệ Việt Nam buổi đầu hội nhập không thua kém nhân loại. Đã có một chương trình đón nhận tin vui này khá rầm rộ ở Việt Nam, Pháp và những vùng đất có người Việt trên thế giới. Với tài năng và uy tín của mình, Nguyễn Quốc Định được bổ nhiệm là Trưởng khoa Luật của Đại học Paris nổi tiếng, là thầy dạy của nhiều chính trị gia và học giả trên thế giới.

Lớn hơn, ông Nguyễn Quốc Định chính là tác giả hàng đầu của cuốn sách đồ sộ “Droit International Public” (Công pháp Quốc tế - Luật Quốc tế). Cho tới nay, sau nhiều lần hiệu đính và tái bản, cuốn sách vẫn trang trọng đề tên ông là tác giả hàng đầu. Đáng ghi nhận là những tư tưởng của cuốn sách, một cuốn sách được làm ra trên cơ sở thực tiễn các mối quan hệ quốc tế, đạo lý trong ứng xử quốc tế, ứng xử con người với con người, quốc gia với quốc gia do ông Nguyễn Quốc Định và các cộng sự là các tác giả trên thế giới đã dày công nghiên cứu và diễn đạt, được Liên hợp quốc áp dụng thể hiện bằng các văn bản dạng Công ước Quốc tế mà ngày nay các quốc gia đều được khuyến cáo hoặc bắt buộc tuân thủ.

Cuốn sách được đánh giá là cuốn thư văn có tầm cỡ. Nhiều anh em là sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam học luật ở Pháp và các nước châu Âu, Mỹ rất ngạc nhiên là Công pháp Quốc tế lại do một người Việt Nam nghiên cứu thành công hàng đầu và biên soạn. Có lẽ sinh ra từ một đất nước chịu những cảnh bị các nước lớn o ép nên ông đã có động lực để chuyên sâu tìm hiểu về chuyên ngành này chăng?!

Nước Pháp được chọn là nơi tổ chức những hội nghị quan trọng giải quyết những vấn đề nóng của quốc tế. Bản thân ông với tư cách là chuyên gia Luật của nước Pháp và thế giới đã dự nhiều hội nghị quốc tế lớn. Từ 1968, ông được cử làm tư vấn luật cho Hội nghị Paris về Việt Nam. Ông đã giúp để cho các bên đàm phán nắm được những luật lệ quốc tế và đáng chú ý nhất, ông đã bác bỏ luận điểm “miền Bắc xâm lược miền Nam” đã được nêu trong hội nghị. Đây là điều có lợi cho Việt Nam trong đàm phán và báo chí Việt Nam thời đó đã đưa tin.

Rất tiếc do tính học thuật rất cao của cuốn sách Công pháp Quốc tế mà cho tới nay vẫn chưa có tác giả nào dịch ra tiếng Việt cho những người Việt Nam cùng nghiên cứu. Hy vọng tới đây ấp ủ này của các dịch giả Việt Nam sẽ cho ra kết quả.

Cuốn “Công pháp Quốc tế” được dùng làm tài liệu cho những nhà nghiên cứu trên thế giới sau nhiều lần tái bản, cả khi Nguyễn Quốc Định đã mất, tên ông vẫn được ghi nhận là tác giả hàng đầu.

Nguyễn Quốc Định là người có tấm lòng và tâm hồn cao cả. Ông luôn tránh những lời mời có tính chất hưởng thụ cho cá nhân và gia đình và đặt quyền lợi của công lý cộng đồng Quốc tế và đất nước lên trên hết. Ở cương vị như ông, nếu dễ ngã lòng thì ông đã có những vị trí không nhỏ ở các chính quyền bên này, bên khác. Là một học giả hàng đầu trên thế giới, nhưng ông luôn khiêm tốn và tôn trọng tất cả mọi người và càng được kính trọng bởi nhân cách ấy.

Ông đã đột ngột ra đi ở tuổi 65 vào năm 1977, cách đây tròn 40 năm, khi mà sự nghiệp và học vấn của ông đang đạt tới đỉnh cao.

Chánh Đức

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Brazil và Dominicana
2 giờ trước Sự kiện
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana đã thành công tốt đẹp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Học giả Nguyễn Quốc Định: Người Việt thành danh ở tuổi 34 trên đất Pháp