Trước tình hình sa sút của học sinh trung học, tháng 8/1981, Tổng thống đương nhiệm Ronald Reagan ra lệnh thành lập một Ủy ban Cố vấn gồm các chuyên gia hàng đầu và giao cho họ trách nhiệm, trong vòng 18 tháng, phải hoàn tất một bản điều tra xã hội học “Về chất lượng Hoa Kỳ”.

Học kinh nghiệm xử lý khủng hoảng giáo dục Mỹ từ giữa thế kỷ 20

Anh Đủ | 22/11/2018, 17:05

Trước tình hình sa sút của học sinh trung học, tháng 8/1981, Tổng thống đương nhiệm Ronald Reagan ra lệnh thành lập một Ủy ban Cố vấn gồm các chuyên gia hàng đầu và giao cho họ trách nhiệm, trong vòng 18 tháng, phải hoàn tất một bản điều tra xã hội học “Về chất lượng Hoa Kỳ”.

Bản báo cáo được hoàn tất hai năm sau đó, với tựa đề gây sốc: “Đất nước lâm nguy” (A nation at Risk), mở đầu: “Các nền tảng giáo dục của xã hội chúng ta đang bị xói mòn bởi các đợt thủy triều tàn bạo, đe dọa tương lai của đất nước và dân tộc chúng ta”.

Bản báo cáo ngay lập tức thu hút sự quan tâm của đông đảo mọi tầng lớp của xã hội Mỹ. Một con số gây sửng sốt: cứ 5 em học sinh tốt nghiệp trung học thì có 4 em không đạt tối thiểu về tiếng Anh, Toán học, Khoa học tự nhiên, Xã hội học và vi tính.

Cùng năm đó, Ủy ban Phát triển kinh tế, một tổ chức độc lập gồm 200 giám đốc điều hành và nhà giáo dục, đã đưa ra một điều tra tương tự, cảnh báo rằng chất lượng giáo đạo đức của hệ thống giáo dục đã đặt tương lai kinh tế của Hoa Kỳ vào tình trạng nguy hiểm.

Cựu nhà báo Trần Ngọc Châu- Phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt Mỹ đã đưa ra 4 kinh nghiệm chính của giáo dục Mỹ vào thời điểm đó, ông nhấn mạnh bài học kinh nghiệm thứ nhất: Cần thực hiện Điều tra xã hội học về giáo dục và công khai hóa tất cả các dữ liệu của bản điều tra cho tất cả các thành phần của xã hội biết để cùng chung tay tham gia vào công cuộc cải tổ triệt để này.

Trong số báo 47 của báo Thế Giới Tiếp Thị (ngày 18/11/2018), có bài viết giới thiệu một tập sách mới của PGS TS Trần Hữu Quang với tựa “Từ phụ huynh đến giáo viên”, Đây vốn là bản phúc trình kết quả cuộc khảo sát XHH năm 2007-2008 dưới đơn đặt hàng của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt cho nhóm Think tank ngày đó, mà ông Quang là một thành viên. “Trong bối cảnh đổi mới, ông Sáu Dân đưa hai đề tài chính để chúng ta nghiên cứu: một là về giáo dục và hai là lãnh vực tư pháp. Sau đó chúng tôi cũng tạm hoàn thành đề tài về GD còn tư pháp thì chúng tôi chưa đủ nhân lực. Chỉ ít lâu sau thì ông Võ Văn Kiệt qua đời. Kết quả đã có nhưng rơi vào quên lãng”, ông Quang nói.

Điều này có nghĩa là không phải chúng ta chưa thực hiện cuộc khảo sát nào với chuyện giáo dục của chúng ta đã xảy ra từ hơn mười năm trước, tuy nhiên chúng ta sử dụng nó ra sao thì lại là một vấn đề khác.

Kinh nghiệm thứ hai của nước Mỹ, đó là tập trung cải cách trước nhất tại cấp trung học cơ sở. Cuộc cải cách đã củng cố các tiêu chuẩn tốt nghiệp trung học và thậm chí còn quy định rằng những học sinh trung học phải hoàn tất cả tiêu chuẩn cưỡng bách về học lực và hạnh kiểm.

Hai từ “cưỡng bách” trong giáo dục không phải là mới, từ năm 1946, Hiến pháp 1946 của Việt Nam đã dùng từ này trong việc “phổ cập tiểu học”- nhằm “giết giặc dốt” của chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai mở. Đáng tiếc là đến nay, nó đã bị loại bỏ hẳn trong giáo dục VN và thậm chí, thay thế cho nó là từ “xã hội hóa”.

Đến năm 1990, Trung tâm Thống kê Giáo dục Hoa Kỳ đã báo cáo rằng gần 40% học sinh tốt nghiệp trong học đạt được các yêu cầu cốt lõi được đề nghị trong báo cáo. Phong trào tiêu chuẩn hóa giáo dục, với sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, đạt được kết quả khá đồng đều ở khắp các tiểu bang.

Tuy nhiên, một trong những sự hợp tác rất quan trọng thúc đẩy cho nền giáo dục phát triển chính là sự kiểm định đo lường chất lượng nguồn nhân lực thực tế nằm ở các doanh nghiệp. Chính vì vậy vai trò doanh nghiệp là bài học kinh nghiệm thứ ba mà nước Mỹ rút ra cho việc hồi phục nền giáo dục quốc gia. Các nhà lãnh đạo kinh doanh Mỹ đã tham gia tích cực vào cuộc vận động cải tổ giáo dục. Chẳng hạn như ở Pennsylvania, một nhóm các công ty dẫn đầu bởi Westinghouse Electric đã trao các “học bổng sáng tạo” cho các giáo viên và hiệu trưởng- những người có nhiều sáng kiến trong giảng dạy. Cộng đồng doanh nghiệp ở Louisiana đã nỗ lực hết mình vận động một khoản tăng thuế trị giá 20,5 triệu đô-la, tài trợ cho các cải tiến trường học ở New Orleans. Các doanh nghiệp ở Nam Carolina kêu gọi các nhà lập pháp của họ tăng thuế bán hàng 1 xu để giúp tăng lượng cho giáo viên và cho các chương trình cải tổ giáo dục.

Vai trò của cộng đồng kinh doanh Việt Nam trong việc cải cách giáo dục hiện nay rất mờ nhạt. Dù họ vẫn kêu ca về năng suất và chất lượng lao động VN ngày một sụt giảm. Có vẻ như trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp sa đà vào việc làm từ thiện hơn là góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bằng cách tái đầu tư vào giáo dục con người. Phần lớn những người giỏi ở Việt Nam làm việc ở các công ty đa quốc gia có trụ sở ở Việt Nam vì họ xem đây là một phần chiến lược phát triển kinh doanh của công ty chứ không đơn thuần là tuyển nhân viên.

Vào tháng 9.1989, Tổng thống George Bush triệu tập “Hội nghị thượng đỉnh giáo dục quốc gia” gồm tất cả các thống đốc tiểu bang lần thứ I, và lần thứ hai vào tháng 3.1996, lần này Tổng thống không còn là người tổ chức mà chỉ là khách mời. Chịu trách nhiệm tổ chức lần thứ II này chính là Getsner- CEO của IBM.

Từ đó, các Hội nghị thượng đỉnh giáo dục sau đó đều do cộng đồng doanh nghiệp chủ trì.

Cho đến tận hôm nay, âm vang của các Hội nghị thượng đỉnh giáo dục Hoa Kỳ của những năm 90 thế kỷ 20 vẫn còn nghe thấy, vì giáo dục bao giờ cũng cần nhiều hơn những tiếng chuông cảnh báo.

Nhà sư phạm Elbert Hubbart đã nói: “Nghề giáo là nghề dạy tất cả các nghề khác, nhưng ông Trần Ngọc Châu muốn diễn đạt nó theo một cách khác: “Giáo dục là nền tảng của mọi nền tảng trong xã hội”. Theo đó, ông nói: “Giáo dục lẽ ra phải là giải pháp, nhưng nhìn chung giáo dục VN hiện nay, không phải là giải pháp mà là vấn đề”.

Hội thảo Việt Nam và Kinh nghiệm xử lý khủng hoảng giáodục của Hoa Kỳ, thập niên 1990 của thế kỷ 20 diễn ra hôm qua, ngày 21/11/2018 tại Trung tâm hội nghị GEM (TP.HCM) với sự tham gia của khoảng 200 đại biểu, gồm các nhà nghiên cứu giáo dục, doanh nhân, sinh viên cùng những người quan tâm tới giáo dục và quan hệ Việt Nam – Mỹ. Đây là hoạt động thường niên của Hội Hữu nghị Việt – Mỹ.

(*) Trong bài có sử dụng tư liệu từ bài phát biểu của nhà báo Trần Ngọc Châu

Ngân Hà lược thuật
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
1 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Học kinh nghiệm xử lý khủng hoảng giáo dục Mỹ từ giữa thế kỷ 20