Chúng ta có biết trân trọng những gì mình đang có không? À, không. Như Schopenhauer đã nói: “Chúng ta ít khi nghĩ đến những gì mình có mà chỉ luôn nghĩ đến những gì mình thiếu”.

'Học viện Thành Công' - Sao lại phải lo lắng về những gì mình không có?

H.V | 21/12/2022, 16:52

Chúng ta có biết trân trọng những gì mình đang có không? À, không. Như Schopenhauer đã nói: “Chúng ta ít khi nghĩ đến những gì mình có mà chỉ luôn nghĩ đến những gì mình thiếu”.

Tôi học được cách sống khi suýt phải đối diện cái chết

Lucile Blake suýt rơi vào bi kịch nếu cô không kịp nhận ra rằng phải biết hạnh phúc với những gì mình đang có, thay vì lo lắng về những gì mình không có.

Cách đây nhiều năm, tôi gặp Lucile khi hai chúng tôi cùng theo học khóa viết truyện ngắn ở trường báo chí Đại học Columbia. Vài năm trước đó, cô đã gặp một cơn chấn động lớn trong đời. Khi ấy, cô đang sống ở Tucson, bang Arizona: “Ngày ấy tôi sống trong guồng quay: học organ ở Đại học Arizona, quản lý một trường chữa các tật về nói trong thị trấn, dạy một lớp cảm thụ âm nhạc ở Desert Willow Ranch, nơi tôi cư ngụ. Tôi đến tham dự các bữa tiệc, khiêu vũ, cưỡi ngựa dưới ánh sao. Thế rồi, một buổi sáng, tôi quỵ ngã. Vì tim của tôi! Bác sĩ nói: "Cô sẽ phải nằm trên giường trong một năm, tĩnh dưỡng hoàn toàn".

Nằm trên giường suốt một năm! Trở thành phế nhân. Có thể chết! Tôi hoang mang cực độ. Tại sao điều này lại xảy đến với tôi? Tôi đã làm gì nên tội? Tôi than khóc và rên rỉ, trong lòng trào dâng cảm giác cay đắng và muốn nổi loạn.

Một người hàng xóm của tôi, họa sĩ Rudolf, nói: "Bây giờ cô cho rằng cả một năm nằm trên giường là một thảm kịch. Nhưng không phải thế đâu. Cô sẽ có thời gian để suy nghĩ và hiểu rõ mình hơn. Trong vài tháng tới, cô sẽ phát triển tâm hồn nhiều hơn toàn bộ quãng đời trước đó của cô!". Tôi dần trấn tĩnh lại, và cố gắng hoàn thiện những nhận thức về giá trị. Tôi đọc các sách truyền cảm hứng.

hoc-vien-thanh-cong-5.jpg

Một hôm, tôi nghe phát thanh viên trên đài nói: "Bạn chỉ có thể thể hiện được những gì có trong chính tâm thức của bạn". Tôi đã nghe những lời như thế nhiều lần trước đây, nhưng bây giờ chúng mới chạm được và bám rễ trong tâm trí tôi. Tôi hạ quyết tâm sẽ chỉ sống với những suy nghĩ tích cực về niềm vui, hạnh phúc và sức khỏe.

Ngay khi thức dậy mỗi sáng, tôi ép bản thân phải nhắc lại những điều mình cần biết ơn. Thân thể tôi không đau đớn. Tôi có một đứa con gái nhỏ dễ thương. Tôi có thể nhìn, có thể nghe, được thưởng thức những bản nhạc hay trên đài, có thời gian đọc sách, có thức ăn ngon, bạn bè tốt. Tôi đã rất vui vẻ và có nhiều người tới thăm đến nỗi bác sĩ phải đặt một tấm biển quy định mỗi lần chỉ được một người vào thăm, và chỉ được vào những giờ nhất định.

Chín năm trôi qua và giờ đây tôi đã sống một cuộc sống trọn vẹn và tích cực. Tôi rất biết ơn một năm nằm trên giường ấy. Đó là năm hạnh phúc nhất và hữu ích nhất của tôi ở Arizona. Từ đó đến nay, tôi tạo thói quen mỗi sáng nghĩ về những điều tốt đẹp mà tôi đang có, và điều này đã trở thành một trong những thói quen quý giá nhất của tôi. Tôi cảm thấy thật xấu hổ vì chỉ mới học được cách sống khi suýt phải đối diện cái chết.

Lucile bạn tôi có thể không nhận ra, nhưng cô đã hiểu được bài học mà tiến sĩ Samuel Johnson rút ra từ cách đây hơn hai trăm năm. Ông nói: “Thói quen nhìn mọi việc một cách tích cực còn quý giá hơn kiếm được một ngàn bảng mỗi năm”.

Những lời ấy, hãy nhớ, được thốt ra từ miệng một người không phải giàu có và quá ư lạc quan, mà bởi một người đã từng nếm trải những lo âu, đói khát và nghèo túng trong 20 năm, và cuối cùng trở thành một trong những tác giả lỗi lạc và là người có tài nói chuyện nổi tiếng nhất thời đó.

Hãy nhớ đến những phúc lành, chứ không phải những rắc rối

Bạn có biết làm sao để ngay cả việc rửa bát trong bếp cũng trở thành một trải nghiệm xúc động? Vậy hãy đọc quyển sách truyền cảm hứng về lòng can đảm phi thường của Borghild Dahl với nhan đề Tôi muốn nhìn thấy (I Wanted to See).

Cuốn sách là tác phẩm của một phụ nữ đã trải qua cảnh mù lòa suốt nửa thế kỷ. Bà kể: “Tôi chỉ còn một mắt trái với nhiều sẹo đến nỗi tôi phải nhìn mọi thứ qua khe nhỏ của mắt đó. Tôi chỉ có thể đọc sách bằng cách dí sát vào mặt và cố sức căng mắt về phía góc trái đó”.

Nhưng bà không hề than thân trách phận, cũng không muốn bị coi là “khác biệt”. Hồi nhỏ, bà rất muốn chơi nhảy lò cò với những đứa trẻ khác, nhưng lại không thể nhìn thấy những vạch kẻ. Vì thế, đợi các bạn về hết, bà liền xuống sân và vừa bò vừa kề sát mặt xuống đất để có thể nhìn thấy những đường kẻ.

Nhờ cách đó, bà có thể nhớ nằm lòng từng khoảng sân chơi và không lâu sau đã chơi trò này rất giỏi. Khi tập đọc ở nhà, bà cầm những quyển sách được in khổ to và dí sát mắt đến nỗi lông mi chạm cả vào trang sách. Cuối cùng bà đã tốt nghiệp Đại học Minnesota và lấy thêm một bằng thạc sĩ ở Đại học Columbia.

Công việc đầu tiên của bà là dạy học ở một ngôi làng nhỏ ở Twin Valley, bang Minnesota, và bà phấn đấu cho tới khi trở thành giáo sư ngành báo chí và văn học của Đại học Augustana ở Sioux Falls, bang South Dakota. Bà dạy ở đó suốt 13 năm, giảng cho các câu lạc bộ của phụ nữ và nói chuyện trên radio về các tác phẩm văn chương và tác giả. Bà viết: “Trong ký ức của mình, tôi luôn nơm nớp lo sợ sẽ bị mù hoàn toàn. Để vượt qua nỗi sợ hãi đó, tôi đã chọn một thái độ sống vui vẻ, gần như lúc nào cũng tràn đầy tiếng cười”.

hoc-vien-thanh-cong-quote-3.jpg

Rồi vào năm 1943, khi đã 52 tuổi, một điều kỳ diệu đã xảy đến với Borghild Dahl: Bà có thể nhìn rõ hơn trước gấp 40 lần, sau một ca phẫu thuật ở Bệnh viện chuyên khoa Mayo Clinic danh tiếng.

Một thế giới mới mẻ, thú vị và đáng yêu mở ra trước mắt bà. Giờ đây, ngay cả việc rửa bát trong bồn nước ở bếp cũng khiến bà bồi hồi xúc động. Bà viết: “Tôi bắt đầu nghịch những bọt xà phòng trắng xóa trên bát đĩa. Tôi nhúng tay vào chậu và vớt lên những bong bóng xà phòng bé nhỏ. Tôi hướng chúng về phía ánh sáng và có thể nhìn thấy trong đó là những sắc màu rực rỡ như cầu vồng”.

Khi nhìn qua ô cửa sổ phía trên bồn rửa bát, bà thấy “những chú chim sẻ đang vỗ những đôi cánh màu xám đen, bay trong làn tuyết rơi dày trắng xóa”.

Ngây ngất trước những bong bóng xà phòng và những chú chim sẻ, bà đã viết lời kết cho quyển sách của mình như sau: “Tôi thầm nhủ: "Lạy Thiên Chúa, Cha chúng con ở trên trời, con tạ ơn Người. Con tạ ơn Người”.

Hãy tưởng tượng mình tạ ơn Chúa vì có thể rửa bát đĩa, nhìn thấy ánh cầu vồng trong bong bóng xà phòng và chim sẻ bay trong tuyết!

Chúng ta nên tự xấu hổ với chính mình. Những năm tháng trong đời mình chúng ta được sống trong một xứ sở thần tiên đẹp tuyệt vời, nhưng lại quá mù quáng đến nỗi không nhận ra điều đó, có lẽ vì quá đầy đủ nên không biết hưởng thụ nó.

Nếu bạn muốn quẳng gánh lo đi và vui sống thì: Hãy nhớ đến những phúc lành bạn có được, chứ không phải những rắc rối!

Trong tất cả chúng ta có những hạt giống tự hủy hoại mà nếu để chúng sinh trưởng sẽ chỉ đem lại bất hạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Học viện Thành Công' - Sao lại phải lo lắng về những gì mình không có?