Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nếu so sánh giữa sự phân biệt đối xử thì tình trạng ưu ái doanh nghiệp nhà nước, ưu ái doanh nghiệp FDI không nghiêm trọng bằng việc ưu ái các doanh nghiệp thân hữu.

Hơn 70% doanh nghiệp ‘tố’ chính quyền ưu ái doanh nghiệp thân hữu

17/12/2019, 17:31

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nếu so sánh giữa sự phân biệt đối xử thì tình trạng ưu ái doanh nghiệp nhà nước, ưu ái doanh nghiệp FDI không nghiêm trọng bằng việc ưu ái các doanh nghiệp thân hữu.

Hơn 70% doanh nghiệp cho rằng có tình trạng ưu ái cho DN thân hữu - Ảnh: minh họa

Sáng 17.12, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nghị quyết 02/NQ-CP năm 2019 (về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia) và nghị quyết 35/NQ-CP năm 2016 (về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020) từ góc nhìn của các doanh nghiệp.

Dữ liệu về đất đai kém minh bạch hơn

Theo VCCI, tuy không có cải thiện về quy định pháp luật, nhưng các kết quả khảo sát liên quan đến thủ tục tiếp cận đất đai cho thấy có sự chuyển biến nhất định. Ở phía các doanh nghiệp có nhu cầu nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng họ bị cản trở do thủ tục hành chính rườm rà hoặc lo ngại cán bộ nhũng nhiễu cũng đã giảm từ 15,4% xuống còn 10,4%.

Tuy nhiên, vấn đề cung cấp thông tin, dữ liệu về đất đai trong năm 2018 lại dường như kém minh bạch hơn. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết họ gặp khó khăn lớn nhất là việc cung cấp thông tin, dữ liệu về đất đai không được thuận lợi, nhanh chóng, đã tăng từ 28,6% trong năm 2017 lên 30,6% trong năm 2018.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp sẵn sàng khởi kiện khi có tranh chấp giảm liên tục trong giai đoạn 2013-2016 và bắt đầu tăng trở lại trong 2 năm gần đây. Kết quả này cho thấy những nỗ lực cải cách tư pháp trong vài năm qua đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận.

Theo đánh giá của một số luật sư, kết quả này có thể được giải thích dựa trên 2 biện pháp cải cách quan trọng được tòa án thực hiện gần đây là công bố án lệ và công khai bản án. Các biện pháp này giúp giảm sự tuỳ tiện trong các phán quyết của hệ thống toà án, từ đó khiến hệ thống tư pháp bớt rủi ro hơn.

Tuy nhiên, theo VCCI, hiện nay số lượng các bản án được công bố chưa đầy đủ nên chưa thực sự phát huy tác dụng. Hơn nữa, cách viết bản án hiện nay của toà án chỉ tập trung vào miêu tả vụ việc và kết quả phân xử mà rất ít những nội dung về lập luận, đưa các lý lẽ pháp lý. Điều này làm giảm khả năng nghiên cứu, viện dẫn các bản án trước đó cho vụ việc sau.

Hiện tượng nhũng nhiễu không chuyển biến

Kết quả khảo sát PCI qua các năm cho thấy, vấn đề kiểm soát tham nhũng, giảm thiểu chi phí không chính thức đối với các doanh nghiệp trên phạm vi rộng vẫn có nhiều diễn biến phức tạp.

Xét về tổng thể, điểm sáng đáng ghi nhận là tỷ lệ doanh nghiệp cho biết, các doanh nghiệp cùng ngành thường phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức có xu hướng giảm từ mức 66% năm 2016 xuống mức 54,8% năm 2018. Để giảm xuống mức dưới 30% thì đòi hỏi các nỗ lực chống tham nhũng phải được thực hiện mạnh hơn nữa.

Điểm sáng thứ hai là tỷ lệ các doanh nghiệp phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức đã giảm từ mức 9,1% năm 2016 và 9,8% năm 2017 xuống mức 7,1% trong năm 2018. Xét về mặt giá trị, chi phí dành cho tham nhũng đối với các doanh nghiệp cũng có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết chi phí không chính thức ở mức chấp nhận được tăng từ mức 79% lên mức 81%.

Tuy nhiên, khi đi sâu vào “tham nhũng vặt” thì vẫn còn nhiều vấn đề. Hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính không có nhiều chuyển biến. Năm 2018 vẫn có 58,2% các doanh nghiệp cho biết họ gặp nhũng nhiễu khi làm thủ tục hành chính.

Vẫn ưu ái DNNN, thân hữu

Theo VCCI, Nghị quyết 35 đưa ra nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng, theo đó không được phân biệt đối xử với các doanh nghiệp dựa trên thành phần kinh tế, đặc biệt là trong việc tiếp cận các nguồn lực, cơ hội kinh doanh.

Theo khảo sát, các cảm nhận nói chung như liệu chính quyền có ưu ái doanh nghiệp nhà nước, liệu các doanh nghiệp nhà nước có đặc quyền trong tiếp cận tín dụng, tiếp cận quyền khai thác khoáng sản, làm thủ tục hành chính hay tham gia các gói thầu mua sắm công đều giảm.

Tuy nhiên, vấn đề duy nhất có diễn biến xấu là tình trạng ưu ái, trao đặc quyền cho doanh nghiệp nhà nước trong việc tiếp cận đất đai. Không chỉ vậy, đất đai cũng là nguồn lực mà có sự phân biệt đối xử rõ ràng nhất khi trao nó cho doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp nhà nước.

Về vấn đề cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp dân doanh trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), về tổng thể mức độ phân biệt đối xử cũng có xu hướng giảm qua các năm. Các ưu đãi dành cho các doanh nghiệp FDI như được quan tâm hỗ trợ hơn, làm thủ tục hành chính nhanh chóng và đơn giản hơn, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, được ưu tiên thu hút đầu tư, được ưu tiên giải quyết vấn đề, khó khăn thì đều có chiều hướng giảm trong 4 năm qua.

Tuy nhiên, lại một lần nữa, tiếp cận đất đai là vấn đề có cảm nhận sự bất bình đẳng lớn nhất giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp dân doanh lại không được cải thiện đáng kể.

Ngoài vấn đề cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI, khảo sát PCI còn hỏi các doanh nghiệp dân doanh cảm nhận về sự bất bình đẳng với các doanh nghiệp thân hữu và doanh nghiệp lớn.

Kết quả cho thấy, có một sự chuyển biến nhẹ trong tình trạng ưu đãi doanh nghiệp lớn hơn so với doanh nghiệp nhỏ. Đối với vấn đề ưu đãi doanh nghiệp thân hữu thì có sự giảm điểm mạnh hơn, từ 77% năm 2015 xuống còn 70% trong năm 2018. Nhưng nếu so sánh giữa các sự phân biệt đối xử thì tình trạng ưu ái doanh nghiệp nhà nước, ưu ái doanh nghiệp FDI không nghiêm trọng bằng việc ưu ái các doanh nghiệp thân hữu.

Trong 4 năm khảo sát, cao nhất cũng chỉ có 41% doanh nghiệp cho rằng có sự ưu ái doanh nghiệp nhà nước, hay cao nhất chỉ có 49% doanh nghiệp cho rằng có sự ưu ái các doanh nghiệp FDI, thì tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng có sự ưu ái doanh nghiệp sân sau, doanh nghiệp thân hữu chưa bao giờ dưới 70%.

Đây là vấn đề khá nghiêm trọng và cần có nghiên cứu những giải pháp căn cơ hơn, bởi lẽ việc nhận biết và ngăn chặn những đặc quyền dành cho doanh nghiệp thân hữu khó khăn hơn rất nhiều.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả vụ nổ lò hơi làm 6 người chết ở Đồng Nai
10 giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương làm rõ nguyên nhân, khắc phục hậu quả vụ nổ lò hơi làm 6 người chết, 5 người bị thương tại Đồng Nai.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hơn 70% doanh nghiệp ‘tố’ chính quyền ưu ái doanh nghiệp thân hữu