Kịp thời giúp đỡ những người trẻ có ý định tự tử đang là vấn đề cấp bách mà chính quyền Hồng Kông phải giải quyết.

Hồng Kông đau đầu với nạn tự tử ở lớp trẻ

28/03/2016, 19:27

Kịp thời giúp đỡ những người trẻ có ý định tự tử đang là vấn đề cấp bách mà chính quyền Hồng Kông phải giải quyết.

Tại đặc khu kinh tế này, đang có ngày càng nhiều người trẻ chia sẻ ý định tự tử của mình lên Facebook nhưng cơ quan chức năng thì không giúp được gì vì họ không có cách nào tiếp cận được với những người định tự tử và chính sách bảo mật truyền thông cũng khiến họ không tìm ra thông tin của người muốn tự tử. Tuy nhiên, một loạt vụ học sinh tự tử gần đây đã khiến chính quyền tại đây phải tìm cách để tiếp cận và giúp đỡ những người trẻ muốn tự tử trước khi quá muộn.

Trong vòng 6 tháng tính từ tháng 9.2015, đã có 24 trường hợp tự tử, trong đó có một trường hợp chỉ mới 11 tuổi, 12 trường hợp là học sinh tiểu học và trung học và 11 trường hợp là sinh viên, vượt quá số lượng học sinh, sinh viên tự tử hằng năm (23 người) trong những năm gần đây. Sự gia tăng đột biến các vụ tự tử đã gây sốc cho người dân và khiến Cơ quan giáo dục đặc khu này phải mở một cuộc họp để đưa ra các biện pháp giải quyết.

Các biện pháp mà Cơ quan giáo dục Hồng Kông đưa ra bao gồm tổ chức các cuộc hội thảo cho giáo viên và phụ huynh, cải thiện các dịch vụ tư vấn trong trường học và cung cấp các gói thông tin. Một lực lượng chuyên trách chịu trách nhiệm ngăn chặn các vụ tự tử cũng đã được thành lập.

Vào ngày 21.3, ông Eddie Ng thuộc Cơ quan giáo dục Hồng Kông đã công bố thông tin mỗi trường học công lập sẽ nhận được khoản tiền 5,000 HKD (880 USD) để tổ chức các hoạt động tuyên truyền.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những biện pháp là chưa đủ mà nên sử dụng thêm công nghệ để tiếp cận với các đối tượng muốn tự tử. Gần đây, có một xu hướng đang nổi lên là các đối tượng người Hồng Kông trẻ muốn tự tử thường đăng tải ý định kết thúc cuộc sống của mình trên trang Facebook cá nhân.

Thời báo Hoa Nam mới đây đã đưa tin, thậm chí trên trang Facebook nhóm của ĐH Trung Văn Hồng Kông (CUHK Secrets) vừa có một dòng trạng thái nói muốn tự tử được đăng trên đây. Tuy nhiên, theo Tsang Chin Kwok, giám đốc Tổ chức phi chính phủ Samaritan Befrienders chuyên cung cấp dịch tư vấn cho người có ý định tự tử tại Hồng Kông, việc tìm ra và tiếp cận với những người đã đăng dòng trạng thái muốn tự tử lên Facebook là rất khó khăn.

Nguồn lực của các tổ chức phi chính phủ như Samaritan Befrienders là có hạn và do đó không thể nào “lật tung” tất cả những trang Facebook công khai để tìm ra thông tin của người muốn tự tử. Hơn nữa, họ cũng không có quyền truy cập vào những thông tin riêng tư của người dùng Facebook.

Ông Tsang cho biết, trước đây Facebook sẽ tự động gửi số điện thoại của Samaritan Befrienders đến những người dùng cần đến, “nhưng những năm gần đây thì họ đã không làm như vậy nữa. Có thể là do chính sách của chính phủ có thay đổi hoặc do người dùng phàn nàn”.

Còn phía đại diện của Facebook cho biết, luôn có một đội ngũ “bảo vệ người dùng” được duy trì thường trực. Nếu đội ngũ này nhận được báo cáo về người dùng nào đó đăng “những nội dung báo rằng mình đang bị phiền phức” thì thông tin này sẽ lập tức được xem xét, sau đó phía Facebook sẽ cung cấp những dịch vụ có thể trợ giúp, số điện thoại của Samaritan Befrienders đến cho người cần dùng.

Giáo sư Paul Yip thuộc Trung tâm nghiên cứu và ngăn chặn nạn tự tử ĐH Hồng Kông cho biết, ông đang nói chuyện với bên Facebook để cải tiến trình tự xử lý này. Cũng theo ông Yip, một vấn đề đáng quan tâm khác là các trang mạng xã hội, trang tin tức và các ứng dụng trò chuyện như WhatsApp đang tạo ra một “hiệu ứng bắt chước” (copycat effect) khủng khiếp hơn trước đây.

“Trong quá khứ, các vụ tự tử có thể được dễ dàng đổ lỗi là do các phương tiện truyền thông, nhưng bây giờ đã không như vậy nữa. Bây giờ rất khó mà kiểm soát những thông tin được đăng trên mạng xã hội, trang tin tức hay các ứng dụng trò chuyện”, giáo sư Yip cho biết.

Tuy nhiên, chính những phương tiện này cũng được sử dụng để ngăn chặn tự tử. Samaritan Befrienders đã phát triển một ứng dụng có chức năng lập một chat-room để khuyến khích những người có ý định tự tử tham gia. Ngoài ra, tổ chức này còn cho đăng những biểu ngữ kêu gọi đừng tự tử lên các diễn đàn mạng.

Cuối cùng, ngoài các biện pháp đã nêu ở trên, chính quyền Hồng Kông cũng đã đề ra những biện pháp để bắt được người muốn tự tử trước khi họ thực hiện được ý định. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất mà Hồng Kông cần giải quyết là tìm ra tại sao nhiều người trẻ lại muốn tự tử như vậy.

Tỷ lệ tự tử của Hồng Kông thấp hơn các nước Đông Á như Nhật Bản hay Hàn Quốc, nhưng lại cao hơn Singapore. Theo thống kê mới nhất của Trung tâm ngăn chặn tự tử SOS (Samaritans of Singapore), trong năm 2014 đảo quốc sư tử có 13 trường hợp từ 10 đến 19 tuổi tự tử. Còn trong những tháng đầu năm 2016 chỉ mới có ít nhất 3 vụ tự tử. Vấn đề mà Singapore lẫn Hồng Kông đang gặp phải chính là sự xói mòn các quan hệ gia đình.

Theo ông Tsang, các bậc cha mẹ Hồng Kông, nhất là những người thuộc tầng lớp trung lưu, luôn phải sống trong lo lắng về việc đảm bảo cho con cái của mình có công ăn việc làm và của cải. Tuy nhiên, họ lại không giao tiếp với con cái. “Chúng ta phải xây dựng lại sự tin tưởng giữa con cái với cha mẹ, cũng như kêu gọi cha mẹ đừng quá chú trọng vào thành tích học tập mà gây áp lực với con cái”, ông Tsang cho biết.

Theo ông Tsang, vấn đế mà Hồng Kông gặp phải hiện nay chính là việc người dân Hồng Kông suy nghĩ “quá hẹp” về thành công. Theo họ, chỉ có một con đường để đến với thành công là học tập. Vấn đề này thậm chí còn trầm trọng thêm khi nền kinh tế Hồng Kông “thiếu đa dạng” khi chỉ phát triển một số thế mạnh như tài chính. Điều này khiến giới trẻ có quá ít lựa chọn nghề nghiệp.

Bị áp lực phải học thật giỏi, có quá ít lựa chọn nghề nghiệp chính là hai nguyên nhân quan trọng khiến ngày càng nhiều người trẻ muốn tự tử, ông Tsang kết luận. Theo giáo sư Yip, xã hội Hồng Kông đang tồn tại nhiều vấn đề và cần được xem xét lại ở nhiều cấp độ.

Cẩm Bình (theo Strait Times)

Bài liên quan
Hồng Kông chọn gấu trúc để thu hút khách du lịch vào dịp Tết Nguyên đán 2025
Thông tin từ Tổng cục Du lịch Hồng Kông cho hay, với lễ hội Pandastic, xứ Cảng thơm chọn gấu trúc làm chủ đề cho dịp Tết Nguyên đán 2025 nhằm thu hút khách du lịch.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hồng Kông đau đầu với nạn tự tử ở lớp trẻ