Việt Nam là nước xuất khẩu cá tra lớn nhất thế giới với mức xuất khẩu lớn và đa dạng. “Sân chơi” lợi nhuận cao này đã thu hút nhiều ông lớn tham gia.
Nhưng chỉ những ai biết cùng nhau hợp tác tạo nên chuỗi giá trị khép kín mới trở thành những người dẫn đầu thị trường đưa thương hiệu cá tra Việt Nam vươn tầm thế giới.
Cá tra Việt Nam được ưa chuộng trên toàn thế giới vì chất lượng tốt và giá cả hợp lý. Cá nuôi trong môi trường tự nhiên và được kiểm soát chặt chẽ từ con giống, chất lượng thức ăn đến chất lượng cá thương phẩm. Đó là nhờ có hệ thống nuôi trồng và sản xuất cá tra hiện đại tiên tiến, với các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, đáp ứng bộ quy tắc của nhiều quốc gia khó tính như Mỹ, Nhật Bản, các nước EU…
Khả năng tự chủ và quản lý nguồn nguyên liệu đầu vào là yếu tố quan trọng trong đảm bảo chất lượng và sự ổn định của các doanh nghiệp sản xuất cá tra. Doanh nghiệp tự chủ có thể kiểm soát chặt chẽ hơn về tính an toàn của nguồn cung thức ăn, cũng như tùy chỉnh dễ dàng hơn lượng thức ăn phù hợp với yêu cầu của từng thời kỳ phát triển của cá.
Hơn thế, liên kết với doanh nghiệp có chuỗi giá trị khép kín dường như là một cách hiệu quả để ổn định cuộc sống. Chuỗi giá trị này bao gồm kỹ thuật nuôi trồng, cung cấp thức ăn, và thu mua chế biến, cung cấp cho người nuôi cá một nguồn thu nhập ổn định, giúp cho họ có thể tập trung vào việc nuôi cá mà không lo lắng về việc bán sản phẩm của mình.
Những người nuôi cá còn sẽ được tham vấn về số lượng thức ăn, cách cho ăn phù hợp và được hỗ trợ áp dụng công nghệ nuôi trồng mới khi họ liên kết với các doanh nghiệp đang vận hành chuỗi giá trị khép kín này. Điều này sẽ giảm thiểu sự tổn thất trong quá trình nuôi trồng, cũng như góp phần bảo vệ được môi trường nước tự nhiên.
Tuy nhiên, yếu tố quyết định sự thành công của vụ mùa cá thương phẩm thường là ở người nuôi cá. Vì cho dù các yếu tố khách quan được đảm bảo tốt đến mấy, chất lượng cao như thế nào, nhưng người nuôi cá không tự ý thức được những quyết định mang tính chủ quan của cá nhân, đến cuối cùng sẽ dẫn đến lợi nhuận sụt giảm, tỷ lệ thu hồi vốn không cao.
Đơn cử, nếu người nuôi cá chỉ mang mục tiêu giảm thiểu chi phí bằng cách lựa chọn các loại con giống trôi nổi, kém chất lượng cùng nguồn thức ăn không rõ xuất xứ, cá sẽ dễ bị còi cọc, dị hình, màu cơ thịt xấu, không đáp ứng được tiêu chuẩn thu mua của các nhà máy sản xuất do tỉ lệ thu hồi fillet bị giảm…
Vì vậy, lựa chọn nguồn con giống chất lượng và nguồn thức ăn phù hợp cho mùa vụ nuôi trồng là vấn đề “sống còn” cho cả người nuôi cá và doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản khép kín. Khi đó, chất lượng cá tra thương phẩm được nâng cao, đồng nghĩa với việc tăng hiệu quả sản xuất, cùng lượng phế phẩm sau khi thu hồi fillet được giảm xuống mức thấp giúp các nhà sản xuất tránh lãng phí nguyên liệu.
Sự hợp tác cùng phát triển giữa các bên là tiền đề quan trọng để tạo nên thương hiệu cá tra Việt Nam xứng tầm thế giới. Nhà cung cấp nguyên liệu nuôi cá có thể cung cấp thức ăn chất lượng cao và đáp ứng nhu cầu của người nuôi cá. Người nuôi cá có thể sử dụng thức ăn này để nuôi trồng cá một cách hiệu quả hơn và giảm chi phí. Doanh nghiệp khép kín có thể sản xuất và bán cá tra chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trên thị trường quốc tế.
Chỉ khi đó, cá tra Việt Nam mới có thể sánh ngang với các sản phẩm cạnh tranh trực tiếp khác trên quốc tế như tôm hùm Alaska, cá hồi Nauy…