Chỉ riêng mấy câu: "Phàm người khéo cầm quân thì không cần bày trận, khéo bày trận thì không cần giao chiến, khéo giao chiến thì không thể thất bại, khéo thất bại thì không thương vong" đã toát lên cả triết lý quân sự mà Trần Khánh Dư, triết lý của một vị soái chứ không còn là một vị tướng bình thường nữa.

Hưng Đạo vương là danh tướng số 1 thì Trần Khánh Dư xếp thứ mấy?

09/05/2018, 07:14

Chỉ riêng mấy câu: "Phàm người khéo cầm quân thì không cần bày trận, khéo bày trận thì không cần giao chiến, khéo giao chiến thì không thể thất bại, khéo thất bại thì không thương vong" đã toát lên cả triết lý quân sự mà Trần Khánh Dư, triết lý của một vị soái chứ không còn là một vị tướng bình thường nữa.

Hưng Đạo vương là tác giả của Vạn Kiếp tông bí truyền thư

Đọc thêm:

Từ bê bối của Trần Khánh Dư đến cái đức của Hưng Đạo Vương

Trần Khánh Dư dùng khổ nhục kế trong cuộc đấu trí với Ô Mã Nhi

Trong thời kỳ vua tôi nhà Trần đánh bại các cuộc xâm lược của quân Nguyên Mông thì nước ta lúc đó xuất hiện nhiều danh tướng lừng lẫy. Ngoài Hưng Đạo vương thì phải kể đến Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Khoái... Còn theo một số tài liệu, nhà sử học Phan Huy Chú xếp ông ở hàng thứ tư đời Trần, chỉ sau Hưng Đạo vương, Trần Nhật Duật và Phạm Ngũ Lão, đứng trên các tướng tài kiệt hiệt như Trần Quang Khải, Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản, Nguyễn Khoái, Trần Quốc Nghiễn, Trần Quốc Tảng... Tuy nhiên, Hưng Đạo vương đánh giá Trần Khánh Dư có lẽ còn cao hơn vị trí thứ tư đương thời.

Như đã đề cập trong bài trước, Hưng Đạo vương không để bụng chuyện Trần Khánh Dư có lỗi với gia đình ông khi tư thông với công chúa Thiên Thụy, vốn là con dâu của Hưng Đạo vương. Khi có chiến tranh, Hưng Đạo vương đã trao cho Trần Khánh Dư toàn quyền hành xử ở vị trí chiến lược Vân Đồn. Một phần, Hưng Đạo vương có thể thông cảm cho sai lầm trong chuyện tình cảm của Khánh Dư và quan trọng hơn là Hưng Đạo vương công tư phân minh, đánh giá cao tài năng quân sự của Trần Khánh Dư.

Sau khi chiến tranh kết thúc, Hưng Đạo vương có viết một cuốn võ kinh là Vạn Kiếp tông bí truyền thư hay gọi tắt là Vạn Kiếp binh thư. Khác với cuốn Binh thư yếu lược được viết phổ biến cho tướng sĩ, cuốn Vạn Kiếp tông bí được "đóng dấu mật", chỉ lưu hành nội bộ cho con em trong tôn thất. Nội dung được đồn là sưu tập binh pháp các nhà, làm thành bát quái cửu cung đồ được Hưng Đạo vương phân tích đúc kết. Đáng tiếc là về sau Vạn Kiếp binh thư không tìm ra được và người ta chỉ còn biết cuốn võ kinh này qua lời tựa.

Ai là người viết lời tựa cho Vạn Kiếp tông bí truyền thư của Hưng Đạo vương? Dù đương thời cả Chiêu Minh vương Trần Quang Khải hay Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật đều văn tường Khổng Mạnh, võ thạo Tôn Ngô nhưng người viết lời tựa lại là Trần Khánh Dư. Chỉ riêng lời tựa này cũng đáng là một tác phẩm bất hủ vì nó không chỉ đề cao giá trị của Vạn Kiếp binh thư, về tài năng quân sự của Hưng Đạo vương mà còn cho thấy tư duy quân sự đáng nể của Trần Khánh Dư.

Trần Khánh Dư viết bằng Hán văn và lời văn được dịch ra như sau:

"Phàm người khéo cầm quân thì không cần bày trận, khéo bày trận thì không cần giao chiến, khéo giao chiến thì không thể thất bại, khéo thất bại thì không thương vong. Xưa kia, Cao Dao làm chức sĩ sư mà mọi người không dám trái mệnh, Văn Vương và Vũ Vương nhà Chu là bậc thầy về văn và về võ, ngấm ngầm sửa đức để khuynh loát quyền bính của nhà Thương mà lấy nghiệp vương. Đó đều có thể gọi là những người giỏi cầm quân, không cần bày trận vậy. Vua Thuấn múa lá mộc và lông trĩ mà họ Hữu Miêu tự mình tìm đến, Tôn Vũ nước Ngô đem mỹ nhân trong cung thử tập trận mà phía tây phá nước Sở hùng cường, phía Bắc ra uy với nước Tần nước Tấn, nổi tiếng khắp chư hầu. Đó đều có thể gọi là những người giỏi bày trận, không cần giao chiến vậy. Cho đến Mã Ngập nước Tấn dựa vào bát trận đồ chuyển đánh nghìn dặm, phá được Thụ Cơ Năng mà lấy lại Lương Châu. Thế gọi là người giỏi giao chiến không bao giờ thất bại vậy.

Cho nên, trận nghĩa là bày ra, là khéo léo. Ngày xưa, vua Hiên Viên lập ra phép "tỉnh điền" để đặt binh chế, Gia Cát Lượng xếp đá bên sông để làm bát trận, Vệ công sửa lại làm trận Lục Hoa, Hoàn Ôn định ra trận Xà Thế, trước sau đều có trận đồ nổi tiếng, trình bày tuần tự, thành phép tắc rõ ràng. Nhưng người đương thời ít ai thông hiểu, muôn vàn đầu mối nhìn vào dường như rối loạn, chưa từng nắm được lẽ biến dịch bên trong. Ví như những phép tắc và suy luận của Lý Thuyên, người sau không ai hiểu nghĩa là gì.

Vì thế, Quốc công ta bèn so sánh, kê cứu trận đồ và binh pháp của các nhà, tổng hợp lại thành một bộ sách. Tuy chép cả những điều chi tiết, nhưng người sử dụng thì nên bỏ bớt những chỗ rườm, tóm lấy thực chất. Rồi lấy năm hành ứng với nhau, chín cung câu với nhau, phối hợp cương và nhu, xoay vần chẵn và lẽ, không làm hỗn loạn âm dương và thần sát, phương lợi và sao tốt, hung thần và ác tướng, ba cát và năm hung, việc nào việc ấy thực phân minh rõ rệt. Quốc công lại còn thêm bớt với chiến thuật của thời Tam đại, nhờ đó trăm trận trăm thắng. Cho nên đương thời phía bắc làm cho Hung Nô phải sợ, phía tây làm cho Lâm Ấp phải kinh. Rồi ông đem sách này dạy bảo con em làm gia truyền, không tiết lộ cho người ngoài biết. Lại có lời dặn rằng: "Sau này con cháu và bề tôi phò tá của ta có học được bí thuật này thì nên lấy đầu óc sáng suốt, linh hoạt mà thực hành và sắp đặt nó, chứ không nên lấy đầu óc cứng nhắc, tối tăm mà cất giữ và lưu truyền. Nếu trái đều đó thì sẽ mang vạ vào thân, lại hại lây đến cả con cháu. Đó gọi là tiết lộ cơ trời vậy".

Khoan nói về lời văn trôi chảy, khúc triết thể hiện tài năng của bậc trí giả, chỉ riêng mấy câu: "Phàm người khéo cầm quân thì không cần bày trận, khéo bày trận thì không cần giao chiến, khéo giao chiến thì không thể thất bại, khéo thất bại thì không thương vong" đã toát lên cả triết lý quân sự mà Trần Khánh Dư, triết lý của một vị soái chứ không còn là một vị tướng bình thường nữa. Trên thực tế, cách cầm quân, cách bày trận, cách giao chiến và cả cách thất bại sao cho khéo đã được Trần Khánh Dư thể hiện trong trận Vân Đồn phá tan đạo quân tải lương. Trần Khánh Dư giỏi dùng quân để đạt được mục đích thắng không chỉ một trận mà là thắng cả một chiến dịch dẫn đến thắng trong cả cuộc chiến.

Chúng ta không có điều kiện để so sánh tài năng cầm quân của Trần Khánh Dư với các danh tướng đương thời nhưng có lẽ tầm nhìn, tư duy và triết lý quân sự của Trần Khánh Dư rất tương đồng với thống soái quân đội Đại Việt khi đó, Hưng Đạo vương. Các vua Trần về sau cũng đều đánh giá cao Trần Khánh Dư, chẳng những đời Thánh Tông, Nhân Tông mà đến đời Anh Tông, Minh Tông cũng vậy. Những lần chinh phạt Chiêm Thành sau này, Trần Khánh Dư dù không được thăng chức lớn nhưng đều được trọng dụng thống lĩnh thủy binh. Vua Trần Minh Tông còn có lần ví Trần Khánh Dư như Phạm Lãi trong bài Dưỡng Chân Bình thôn tử Nhân Huệ vương trang với 2 câu kết:

Long chuẩn hà tằng đồng điểu chuế,
Biên chu hưu phiếm Ngũ hồ dao.

Nghĩa là: Ta có mũi rồng, không có cái mũi mỏ quạ (ý nói mình không giống Câu Tiễn), nên ông không phải bỏ ta mà đi ngao du Ngũ Hồ (ý nói Trần Khánh Dư không phải từ quan cho toàn mạng như Phạm Lãi khi xưa…)

Tuy có triết lý tư duy quân sự tương đồng với Hưng Đạo vương nhưng Trần Khánh Dư không được đời sau đánh giá cao vì cho rằng ông thiếu chữ Đức. Hưng Đạo vương được toàn bộ con dân nước Việt kính trọng ngoài tài cầm quân còn vì tấm lòng trung và đặc biệt là chữ Đức. Năm 1300, Hưng Đạo Vương ốm. Vua Anh Tông ngự tới nhà thăm, hỏi về đạo giữ nước thì Hưng Đạo vương nhấn mạnh: "Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy".

Trong khi đó, năm 1296 khi bị dân kiện về tội “ tham lam, thô bỉ”, Trần Khánh Dư về kinh thành chầu vua Ạnh Tông. Sử chép Trần Khánh Dư nhân đó tâu với vua về đạo nuôi quân, mà rộng hơn là đạo trị quốc rằng: "Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ?".

Hai câu nói để đời của hai danh tướng thời Trần với vua Anh Tông được sử sách chép lại đã khiến hậu thế nhìn Hưng Đạo vương và Trần Khánh Dư bằng con mắt khác nhau.

Anh Tú

Đọc thêm:

Hồ Quý Ly và cơ hội ghi điểm danh dự khi chạm mặt vua Minh

Hồ Quý Ly đầu hàng vì hèn nhát hay muốn bắt chước Việt vương Câu Tiễn

Bàn về vở kịch Hồ Quý Ly 3 lần bị ép lên ngôi

Nguyên Hán văn lời tựa cho Vạn Kiếp bí tông truyền thư do Trần Khánh Dư viết có nội dung là: "Phu thiện sư giả bất trận, thiện trận giả bất chiến, thiện chiến giả bất bại, thiện bại giả bất tử. Tích cao đào tác sĩ sư, nhi nhân bất can kỳ mệnh, cập chu võ thành vi văn võ sư, ẩm mưu tu đức, dĩ khuynh thương chính nhi hưng vương nghiệp, sở vị thiện sư giả bất trận hĩ. Thuấn vũ can vũ, nhi hữu, miêu cách, cập ngô tôn võ dĩ cung trung mỹ nhân thí lặc binh, nhi tây phá cường sở, bắc uy tần, tấn, hiển danh chư hầu, sở vị thiện trận giả bất chiến hĩ. Cập tấn mã ngập y bát trận đồ, phụ chiến thiên lý, phá thụ cơ năng, dĩ phục lương châu, sở vị thiện chiến giả bất bại hĩ. Cố trận giả trần dã xảo dã. Tích giả hoàng đế lập tỉnh điền dĩ chế binh, chư cát luy giang thạch dĩ vi bát trận đồ, vệ công tài vi lục hoa trận, hoàn ôn chế vi xà thế trận, hữu danh đồ tự liệt, chiêu nhiên thành pháp. Thời nhân thiếu hữu năng giả, thiên đoan vạn tự, đồ vi vặn loạn, vị thưởng biến dịch, như lý thuyên tắc định kỳ thôi, hậu nhân bất năng hiểu kỳ nghĩa. Cố ngã quốc công nãi hiệu soạn chư gia đồ pháp, tập thành nhất biên, tuy dĩ thu hào các lục sở dụng chi giả, yếu khứ kỳ nhũng, lược thủ kỳ thực, cụ dĩ ngũ hành tương ứng, cửu cung tương thôi, phối hợp cương nhu tuân hoàn, kỳ ngẫu bất tạp, ẩm dương thần sát, lợi phương cát diệu, hung thần ác tướng, tam cát ngũ hung, các dĩ chiêu chương, xuất nhập tam đại, bách công toàn thắng. Cố năng đương thời bắc chấn hung nô, tây uy lâm ấp, toại dĩ kỳ biên thụ thụ gia truyền, bất vi ngoại thế." Hựu hữu chúc ngữ vân: "Hậu ngã tử tôn bồi thần, đắc kỳ bí thuật giả, khả dĩ minh triết thi hành bố liệt, bất khả dĩ ngoan muội di văn truyền ngôn, phủ tắc thân chiêu ương cữu, họa cập tử tôn, thị vị tiết thiên cơ giả"

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hưng Đạo vương là danh tướng số 1 thì Trần Khánh Dư xếp thứ mấy?