Xác định hệ thống kết cấu hạ tầng sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế và góp phần giải quyết các vấn đề xã hội.
Chú trọng xây dựng hạ tầng giao thông
Huyện U Minh là đơn vị hành chính cấp huyện thuộc vùng sâu, vùng xa của tỉnh Cà Mau. Đời sống kinh tế chủ yếu của người dân địa phương là kinh tế nông nghiệp. Những năm qua, nhờ được sự quan tâm của các cấp có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương từ nhiều nguồn vốn để đầu tư, xây dựng hạ tầng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội nên mạng lưới hạ tầng của huyện U Minh đến nay cơ bản đã đạt được những kết quả nổi bật.
Ông Nguyễn Hoàng Huy, ngụ huyên U Minh phấn khởi, những năm trở lại đây đường sá ở địa phương luôn được các cấp, các ngành đầu tư, mở rộng khiến người dân địa phương vô cùng vui mừng. Nhờ có đường sá khang trang mà các sản phẩm nông nghiệp của người dân làm ra được thương lái đến tận nhà thu mua vói giá cao. Nhiều hộ dân địa phương đã phất lên làm giàu từ kinh tế nông nghiệp và xây dựng được nhà cửa khang trang, tiện nghi.
Đến nay, tỷ lệ người dân sử dụng điện an toàn trên địa bàn huyện U Minh đạt 98%. Về hạ tầng giao thông, hệ thống đường tỉnh được xây dựng là 86km; đường huyện là 257km; đường đô thị là 10km; đường xã được 589km và đường GTNT là 260km. Mạng lưới trường học từ bậc mầm non đến THPT được đầu tư xây dựng cơ bản hoàn chỉnh, hướng đến trường đạt chuẩn Quốc gia. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm trường lẻ chưa được đầu tư xây dựng, một số điểm trường xuống cấp nghiêm trọng, cần được nâng cấp, sửa chữa.
Về hạ tầng y tế, địa phương có 1 bệnh viện cấp huyện với quy mô 100 giường và 1 Phòng khám Đa khoa khu vực và Trạm y tế được đầu tư xây dựng ở tất cả các xã đáp ứng kịp thời công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân địa phương.
Ông Lê Hồng Thịnh, Phó chủ tịch UBND huyện U Minh đánh giá, hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế và góp phần giải quyết các vấn đề xã hội. Ngược lại, hệ thống cơ sở hạ tầng kém phát triển là một trở ngại lớn đối với sự phát triển. “Kết cấu hạ tầng nói chung và kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng là nền tảng, có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại sẽ kết nối đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách… sẽ góp phần đưa nền kinh tế có điều kiện để tăng trưởng nhanh, ổn định và bền vững”.
Theo ông Thịnh, với quan điểm “cơ sở hạ tầng đi trước”, hàng năm huyện U Minh đã ưu tiên, dành mọi nguồn lực đầu tư, phát triển mạng lưới hạ tầng của địa phương. Từng bước hoàn thành các tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, tiến tới huyện đạt chuẩn nông thôn mới. “Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, điều kiện tự nhiên còn nhiều khó khăn, hệ thống sông ngòi chằng chịt, nguồn vốn đầu tư còn khó khăn, hạn chế… Mặt khác, huyện U Minh là địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặt biệt khó khăn. Do đó, trong thời gian tới, địa phương rất mong các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm, giúp đỡ, cùng với địa phương xây dựng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân”, ông Thịnh mong muốn.
Thích ứng an toàn với dịch bệnh
Ông Lê Hồng Thịnh, Phó chủ tịch UBND huyện U Minh cho biết, từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã tạo ra nhiều thách thức không nhỏ trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Song với sự quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ của các cấp, các ngành từ tỉnh đến huyện và sự đồng thuận của nhân dân đã góp phần đưa tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn huyện U Minh từ đầu năm đến nay cơ bản ổn định.
Với phương châm “an toàn thì sản xuất, sản xuất phải an toàn”, thời gian qua, UBND huyện U Minh đã kịp thời nắm bắt, chủ động tìm hiểu, hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn cho các tổ chức, doanh nghiệp bị dừng hoạt động hoặc hạn chế hoạt động do dịch bệnh Covid-19. Từ đó, có biện pháp hỗ trợ phù hợp, giúp doanh nghiệp hạn chế tối đa về thiệt hại, tạo được việc làm cho người dân và bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.
Đồng thời, địa phương đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư và thanh quyết toán vốn đầu tư các dự án, công trình. Địa phương xem đây là nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế huyện, vừa tạo được việc làm cho người lao động ở địa phương.
“Trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, đã làm cho tình hình triển khai thi công tại công trình của chúng tôi đã gặp không ít khó khăn. Nhờ được UBND huyện và các đơn vị có liên quan tiếp cận, nắm bắt nên đã kịp thời tháo gỡ được nhiều vấn đề phức tạp cho doanh nghiệp. Nhờ vậy mà chúng tôi tránh được những rủi ro, thiệt hại lớn do dịch bệnh và an tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình của mình”, chủ một doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn huyện U Minh cho hay.
Phó chủ tịch UBND huyện U Minh nhấn mạnh, trong điều kiện hiện nay mặc dù đã sống thích ứng với dịch bệnh nhưng công tác phòng chống dịch vẫn là việc được quan tâm hàng đầu. Cùng với đó, huyện luôn quan tâm song song với nhiệm vụ phòng chống dịch là các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã được đề ra ngay từ đầu năm. Từ đó có biện pháp phù hợp, hoạch định lâu dài để triển khai thực hiện một cách hiện quả và an toàn nhất.
“Đối với các chỉ tiêu đã đề ra theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện, đến nay địa phương đã hoàn thành và vượt 8/26 chỉ tiêu kế hoạch năm 2021, có 9 chỉ tiêu đạt trên 90% trở lên, các chỉ tiêu còn lại đạt trên 60% kế hoạch; một số chỉ tiêu do ảnh hưởng của dịch bệnh nên chưa thể thống kê, rà soát”, ông Thịnh nói.
Đồng thời ông cho biết thêm hiện các chỉ tiêu về sản xuất nông – ngư – lâm nghiệp của huyện năm 2021 cơ bản đều đạt và vượt so với chỉ tiêu đầu năm đã đề ra. Công tác thu ngân sách trên địa bàn huyện đến nay đã đạt theo chỉ tiêu được giao đầu năm, huyện đang có gắng hoàn thành đạt chỉ tiêu phấn đấu là 51 tỷ đồng.
Thời gian tới, huyện U Minh tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chống dịch và phát triển kinh tế là nhiệm vụ then chốt. Đồng thời, tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp hữu cơ ở những nơi có điều kiện, nâng cao hiệu quả về sản xuất, chuyển đổi cây trồng vật nuôi có hiệu quả kinh tế. Trọng tâm là xây dựng 4 ngành hàng chủ lực của huyện để tập trung đầu tư, phát triển. Phát huy lợi thế vùng ngọt hóa của huyện, giữ ổn định diện tích sản xuất lúa chất lượng cao, kết hợp nuôi cá đồng và trồng rau, màu xen canh, liên kết xây dựng vùng ứng dụng công nghệ cao; mở rộng diện tích sản xuất theo mô hình “Cánh đồng lớn”.