Jack Ma biến mất giữa bối cảnh các nhà chức trách Mỹ hiện đang tranh luận về việc có nên cấm các khoản đầu tư vào Alibaba và Tencent hay không.
Các công ty công nghệ Trung Quốc đã làm khá tốt khi thuyết phục các nhà đầu tư toàn cầu rằng họ hoạt động độc lập với Bắc Kinh Giờ đây, Jack Ma đã trở thành một điển hình trước những hoài nghi.
Các công ty từ Alibaba Group Holding Ltd. đến Tencent Holdings Ltd. đã chi hàng tỷ USD cho các thương vụ mua lại ở nước ngoài cùng lúc phát triển các ứng dụng và công nghệ thách thức các đối thủ phương Tây, mà không có (hoặc ít có) sự can thiệp của nhà nước. Nhưng việc Bắc Kinh cho Ma và Ant Group của ông vào tầm ngắm sau khi vị tỷ phú chỉ trích các cơ quan quản lý đã khiến người Mỹ nghĩ lại.
Ma đã không được xuất hiện trước công chúng kể từ tháng 11 và sự vắng mặt của ông trong buổi ghi hình chương trình truyền hình châu Phi vốn do ông khởi xướng, đã làm dấy lên những đồn đoán.
Và những lời đồn đoán càng có cơ sở trong bối cảnh Bắc Kinh tiến tới việc đại cải cách đế chế internet nghìn tỉ USD của Ma kể từ khi phá bỏ đợt chào bán công khai trị giá 35 tỉ USD của Ant vào tháng 11 năm ngoái. Các nhà chức trách sau đó đã buộc công ty tài chính trực tuyến của Ma phải giới hạn các khoản vay và đặt ra một kế hoạch để phát triển các mảng kinh doanh sinh lợi nhất. Chính phủ cũng tiến hành một cuộc điều tra về các hành vi bị cáo buộc chống cạnh tranh tại Alibaba.
Điều đó khiến người ta dễ dàng tin rằng Alibaba nằm trong sổ đen của chính quyền, nhất là sau khi Ma lên tiếng chỉ trich các nhà quản lý. Nhưng tại sao rạn nứt giữa Alibaba và chính quyền vốn từng rất thắm thiết, lại xuất hiện đúng thời điểm gay cần như hiện nay.
Cần nhớ rằng từ lâu, đảng cầm quyền Trung Quốc đã thắt chặt quản lý các công ty tư nhân, gồm cả các công ty nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc. Một cách để thực hiện điều đó là thông qua sự hiện diện của các cấp ủy đảng trong các công ty, trong đó có các doanh nghiệp công nghệ.
Ngoài ra, họ cử các quan chức đến các công ty để giám sát các hoạt động nhất định. Nhiều nhà lãnh đạo công nghệ cũng là đảng viên, bao gồm Ma; người sáng lập Lenovo là Liu Chuanzhi và cả người đứng đầu Huawei Ren Zhengfei. Pony Ma của Tencent và Lei Jun của Xiaomi Corp. đều là đại biểu của Đại hội Nhân dân Toàn quốc. Ủy ban kiểm tra cũng đã vào cuộc nhiều lần để kỷ luật các giám đốc điều hành vì quản lý yếu kém, gồm cả Wu Xiaohui của Tập đoàn Bảo hiểm Anbang.
Liệu có chăng Ma đang bí mật lùi vào đâu đó để tạo khoảng trống cho những đồn đoán. Từ đó, sẽ giúp cho Alibaba khỏi mang tiếng là làm việc cho Bắc Kinh và sẽ dễ thở hơn trước những đòn trừng phạt của Mỹ. Với người Trung Quốc, họ rất hay dùng câu “binh bất yếm trá”.
Jack Ma đột ngột vắng bóng giữa bối cảnh các nhà chức trách Mỹ hiện đang tranh luận về việc có nên cấm các khoản đầu tư vào Alibaba và Tencent hay không. Quyết định trừng phạt sẽ là một đòn mạnh đối với hai trong số các công ty có cổ phần được các nhà đầu tư toàn cầu nắm giữ nhiều nhất. Hôm thứ ba tuần trước, Tổng thống Donald Trump đã ký lệnh cấm giao dịch với tám ứng dụng phần mềm của Trung Quốc bao gồm Alipay của Ant và WeChat Pay của Tencent, với lý do lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ có quyền truy cập vào dữ liệu mà các nền tảng thu thập được. “Tôi ủng hộ cam kết của Tổng thống Trump trong việc bảo vệ quyền riêng tư và an ninh của người Mỹ khỏi các mối đe dọa từ đảng cầm quyền Trung Quốc”, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross phát biểu.
Mỹ cũng viện dẫn những lo ngại về ảnh hưởng của chính phủ Trung Quốc đối với ngành công nghiệp tư nhân để biện minh cho nỗ lực buộc ByteDance Ltd. bán thị phần trên mạng xã hội TikTok cho người Mỹ và thực chiến dịch toàn cầu để thuyết phục các đồng minh từ bỏ thiết bị do Huawei sản xuất
Giống như Huawei, Ant cũng đã khẳng định sự độc lập của mình với chính phủ Trung Quốc, khi viết trong đơn gửi cơ quan quản lý chứng khoán Mỹ năm 2017 rằng họ là “một công ty thuộc khu vực tư nhân” và “nhà nước chỉ sở hữu phần nhỏ cổ phần, không có tiếng nói quyết định”.
Do vậy, cũng không nên ngạc nhiên về chuyện Jack Ma đi tĩnh dưỡng đâu đó vài tháng như cách giúp Alibaba khỏi rơi vào thế kẹt như Huawei.