Suốt 200 năm qua, kênh Vĩnh Tế (An Giang) luôn là biểu tượng hào hùng ở ĐBSCL về một thời mở đất, lập làng gắn liền với công lao, xương máu của tiền nhân trong sự nghiệp giữ đất, bảo vệ chủ quyền miền biên viễn Tây Nam Tổ quốc.
Khoa học - công nghệ

Kênh Vĩnh Tế - biểu tượng hào hùng ở ĐBSCL

Tô Văn 14/11/2024 09:52

Suốt 200 năm qua, kênh Vĩnh Tế (An Giang) luôn là biểu tượng hào hùng ở ĐBSCL về một thời mở đất, lập làng gắn liền với công lao, xương máu của tiền nhân trong sự nghiệp giữ đất, bảo vệ chủ quyền miền biên viễn Tây Nam Tổ quốc.

Biểu tượng hào hùng ở ĐBSCL

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới vào sáng 14.11, TS Ngô Quang Láng, Ủy viên Ban chấp hành Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Phó chủ tịch thường trực Hội Khoa học lịch sử An Giang cho biết, suốt 200 năm qua (1824-2024), kênh Vĩnh Tế luôn là một biểu tượng hào hùng ở ĐBSCL về một thời mở đất, lập làng gắn liền với công lao, xương máu của tiền nhân trong sự nghiệp giữ đất, bảo vệ chủ quyền miền biên viễn Tây Nam Tổ quốc.

“Trong dòng chảy 200 năm đó, kênh Vĩnh Tế như là một chứng nhân của thời đại, chứng kiến, ghi nhận biết bao sự kiện lịch sử đã diễn ra, từ việc đưa dòng nước ngọt Hậu Giang chảy ra biển Tây để tạo nên những cánh đồng phì nhiêu với các làng mạc, đô thị trù phú, cho đến những chiến công hiển hách, những hy sinh mất mát, đau thương... qua các cuộc chiến tranh vệ quốc vinh quang của dân tộc”, TS Láng nói.

2-vinh-te2.jpg
Kênh Vĩnh Tế nhìn từ trên cao - Ảnh: Kim Luận

Theo TS Láng, có thể nói kênh Vĩnh Tế đã chất chứa trong lòng mình một không gian - thời gian lịch sử thống nhất, là một di sản văn hóa lớn của dân tộc qua việc góp phần khai thác tự nhiên, xây dựng cộng đồng dân cư, phát triển đời sống xã hội, bảo vệ chủ quyền... biến vùng đất bán sơn địa hoang vu từng bước trở thành một góc phát triển quan trọng của Tứ giác Long Xuyên, một trong những vùng kinh tế nông nghiệp trọng điểm của cả nước.

“Với quan điểm “ôn cố tri tân”, nhiều năm qua tỉnh An Giang đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh tổ chức nhiều hội thảo khoa học, có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến kênh Vĩnh Tế”, TS Láng nhấn mạnh.

1-vinh-te.jpg
Một đoạn kênh Vĩnh Tế với hai bên bờ trù phú, dân cư đông đúc - Ảnh: Kim Luận

Trong khi đó, PGS-TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng, đến nay sông Vĩnh Tế tồn tại đã được 200 năm. Trong thời gian ấy, con sông nhân tạo được đào theo chủ trương và sự chỉ đạo trực tiếp của hai vị hoàng đế đầu triều Nguyễn là Gia Long và Minh Mệnh đã đem lại nhiều lợi ích.

Trước hết là mang lại thuận lợi cho nông dân ĐBSCL ở những vùng con sông đi qua, giúp họ làm công tác thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Thứ hai là tạo con đường thủy quan trọng ở các vùng. Và thứ ba là yếu tố quan trọng góp phần bảo vệ an ninh cho Tổ quốc vì cuộc sống an lành cho người dân.

“Chính vì vậy, có thể nói sông Vĩnh Tế thể hiện tầm nhìn chiến lược của các vị vua đầu triều Nguyễn và có giá trị kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị và lịch sử đến tận ngày nay”, PGS-TS Trần Đức Cường nói.

Tầm nhìn và tương lai

Sáng 14.4, tại TP.Châu Đốc, UBND tỉnh An Giang phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “200 năm kênh Vĩnh Tế - Giá trị lịch sử và tầm nhìn tương lai”, mục tiêu chủ yếu là làm rõ giá 5 giá trị lịch sử, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh của kênh Vĩnh Tế, qua đó đề xuất những giải pháp phát huy giá trị của con kênh trong thời kỳ phát triển và hội nhập.

3-ong-quang.jpg
Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học cấp quốc gia “200 năm kênh Vĩnh Tế - Giá trị lịch sử và tầm nhìn tương lai” - Ảnh: Tô Văn

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Hồng Quang, Bí thư Tỉnh ủy An Giang cho biết, kênh Vĩnh Tế là một công trình lịch sử vĩ đại ở ĐBSCL đầu thế kỷ XIX, là niềm tự hào của triều Nguyễn, được ghi tên vào Cao đỉnh ở Huế.

Trải qua hai thế kỷ, kênh Vĩnh Tế luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trên nhiều phương diện. Trước hết, đó là tuyến giao thông huyết mạch, kết nối các vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, đem lại nhiều nguồn lợi cho cư dân vùng. Ngoài ra, kênh cũng cung cấp nước ngọt phù sa vun đắp cho ruộng đồng An Giang, cả vùng tứ giác Long Xuyên và toàn bộ diện tích tiếp giáp Campuchia. Đặc biệt, kênh Vĩnh Tế còn đóng vai trò như một tuyến phòng thủ tự nhiên vững chắc để bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang nhận định thêm, ngày nay, bên cạnh vai trò quan trọng trong việc tưới tiêu, cung cấp nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, kênh Vĩnh Tế còn là tuyến giao thông thủy huyết mạch, kết nối các vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa và giao lưu văn hóa.

“Theo quyết định số 1369/QĐ-TTg, ngày 15.11.2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã xác định kênh Vĩnh Tế nằm trên hành lang biên giới từ tỉnh Long An đến tỉnh Kiên Giang, chủ trương phát triển kinh tế cửa khẩu gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Kênh này tạo nên hành lang kinh tế nối liền các cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, Vĩnh Xương (tỉnh An Giang) với cảng biển Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang). Qua đó, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển thương mại biên giới, tạo điều kiện cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa, nông sản một cách nhanh chóng và tiết kiệm”, Bí thư Tỉnh ủy An Giang nhấn mạnh.

2-ong-quang.jpg
Ông Lê Hồng Quang, Bí thư Tỉnh ủy An Giang phát biểu - Ảnh: Tô Văn

Cũng theo ông Lê Hồng Quang, kênh Vĩnh Tế là sản phẩm của tiền nhân để lại, chứa đựng tiềm năng phát triển rất lớn. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả tiềm năng này, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp mang tính cấp bách như: Đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi trên trục chính là kênh Vĩnh Tế để tạo thuận lợi cho thương mại, tạo ra sự phồn thịnh cho khu vực; xây dựng thêm những hồ lớn để dự trữ nước ngọt cho toàn vùng nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước cho các tỉnh ĐBSCL. Bên cạnh đó, cần mở rộng hệ thống giao thông đường bộ gắn với đường thủy ở hai bên bờ kênh; nâng cấp và mở rộng các cửa khẩu, tăng cường kết nối giao thông, thương mại xuyên biên giới.

Đồng thời, đẩy mạnh liên kết vùng; phát triển du lịch sinh thái thủy - bộ miền sông nước gắn với các di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh nổi tiếng; phát triển nông nghiệp công nghệ cao; bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên nước hiệu quả; xây dựng các cụm dân cư vùng biên kết hợp với củng cố khu vực phòng thủ vững chắc để bảo vệ biên giới “từ sớm, từ xa”.

“Kỷ niệm 200 năm hoàn thành việc đào kênh Vĩnh Tế, 198 năm ngày mất bà Châu Thị Tế và 192 năm Ngày truyền thống thành lập tỉnh An Giang (22.11.1832 - 22.11.2024) là dịp để chúng ta tìm hiểu, ôn lại và tri ân công lao, những đóng góp to lớn của các bậc tiền nhân đối với đất nước nói chung và với vùng đất Nam Bộ, đặc biệt là đối với vùng đất An Giang, nói riêng.

Với tất cả tấm lòng thành kính, tri ân sâu sắc, Đảng bộ, chính quyền và người dân An Giang sẽ tiếp tục phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống yêu nước; nêu cao ý chí tự lực tự cường, quyết tâm xây dựng quê hương An Giang xứng tầm khu vực và cả nước. Đó chính là việc làm thiết thực nhằm tri ân bậc tiền nhân có công khai mở, vun bồi, bảo vệ vùng đất An Giang - Cương thổ Tổ quốc”, Bí thư Tỉnh ủy An Giang nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quan hệ Việt Nam-Lào là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam
5 giờ trước Sự kiện
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh trước sau như một, quan hệ Việt Nam-Lào luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng, là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kênh Vĩnh Tế - biểu tượng hào hùng ở ĐBSCL