Ý phong tỏa cả nước và có hơn 1.000 ca tử vong, còn Hàn Quốc chỉ cách ly vài nghìn người và đến nay ghi nhận chưa tới 100 ca tử vong. Những gì diễn ra tại hai quốc gia này phác họa nên vấn đề mà một nước phải đối mặt khi lâm vào cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh.

Khác biệt trong chiến thuật đối phó COVID-19 giữa Hàn Quốc và Ý

14/03/2020, 15:04

Ý phong tỏa cả nước và có hơn 1.000 ca tử vong, còn Hàn Quốc chỉ cách ly vài nghìn người và đến nay ghi nhận chưa tới 100 ca tử vong. Những gì diễn ra tại hai quốc gia này phác họa nên vấn đề mà một nước phải đối mặt khi lâm vào cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh.

Ý phong tỏa toàn quốc - Ảnh: Reuters

Xét nghiệm mọi bệnh nhân tiềm năng là bất khả thi vì vậy giới chức các nước chỉ còn cách phong tỏa. Ý ban đầu xét nghiệm diện rộng nhưng rồi thu hẹp trọng điểm nên bây giờ không phải xử lý hàng trăm nghìn mẫu thử, nhưng làm vậy phải trả giá là không thể nắm bức tranh toàn cảnh, vật lộn hạn chế đi lại với 60 triệu dân. Ngay cả Giáo hoàng Francis cũng cảm thấy như bị “nhốt trong thư viện”.

Hàn Quốc phản ứng khác trước quy mô bùng phát tương tự. Họ xét nghiệm hàng trăm nghìn người và truy tìm trường hợp mang mầm bệnh nhờ điện thoại cùng công nghệ vệ tinh.

Cả hai đều ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên vào cuối tháng 1. Đến nay Hàn Quốc báo cáo 72 ca tử vong trong hơn 8.000 ca, sau khi xét nghiệm hơn 220.000 người (tín đồ giáo phái Shincheonji). Ngược lại Ý tiến hành hơn 73.000 xét nghiệm trên một lượng người không xác định, có 1.266 ca tử vong trên hơn 17.000 ca nhiễm.

Các chuyên gia dịch tễ chỉ ra rằng kết quả khác biệt nêu trên chỉ ra rằng xét nghiệm diện rộng và kéo dài là công cụ chống virus mạnh mẽ.

Chuyên gia Trung tâm Phát triển toàn cầu (Washington) Jeremy Konyndyk nhận định xét nghiệm diện rộng giúp nhìn rõ tình hình dịch bùng phát. Khi công tác xét nghiệm gặp hạn chế thì chính quyền phải có hành động táo bạo hơn để hạn chế đi lại – biện pháp Trung Quốc thực hiện đem lại hiệu quả khá tốt nhưng khó áp dụng rộng rãi.

Rút kinh nghiệm từ dịch Hội chứng Hô hấp Trung Đông (MERS), chính quyền Seoul thu thập và cung cấp nhiều thông tin nhất có thể; triển khai chương trình xét nghiệm rộng khắp không bỏ qua cả trường hợp xuất hiện triệu chứng nhẹ/ không triệu chứng nhưng có khả năng lây nhiễm; ban hành luật cho phép cơ quan chức năng tiếp cận dữ liệu từ máy quay an ninh, định vị từ điện thoại và ô tô, giao dịch thẻ tín dụng cùng thông tin cá nhân khác của ca nhiễm COVID-19. Họ còn có thể công khai một số thông tin nhằm giúp người thân lẫn bạn bè ca nhiễm tự biết mà đi xét nghiệm.

Bên cạnh tìm kiếm trường hợp cần xét nghiệm, hệ thống vận hành bởi dữ liệu còn có ích cho bệnh viện. Người dương tính trước hết tự cách ly, được giám sát từ xa thông qua ứng dụng điện thoại hoặc các cuộc gọi hỏi thăm thường xuyên cho đến khi bệnh viện có giường trống mới nhập viện. Xe cấp cứu đến tận nhà đưa đến phòng cách ly. Toàn bộ đều miễn phí.

Hàn Quốc duy trì chương trình xét nghiệm diện rộng - Ảnh: Reuters

Cách làm của Hàn Quốc tất nhiên không hoàn hảo. Loại ra 209.000 người âm tính, còn khoảng 18.000 trường hợp cần theo dõi kỹ hơn – nghĩa là số ca nhiễm có thể cao hơn. Mức tăng ca nhiễm mới đang giảm dần nhưng chương trình xét nghiệm rộng vẫn cần duy trì để theo dõi kiểm soát ổ dịch mới. Quốc gia Đông Bắc Á hiện không đủ khẩu trang và đang phải tìm thêm nhân lực cho công tác xét nghiệm, truy tìm người mắc. Xâm phạm quyền riêng tư (tiếp cận, công khai thông tin cá nhân) là một khiếm khuyết khác.

Thứ trưởng Y tế và Phúc lợi Kim Gang-lip cho rằng cách thức truyền thống như phong tỏa khu vực bị ảnh hưởng cùng cách ly hiệu quả rất hạn chế. Theo kinh nghiệm của Hàn Quốc thì giảm tiếp xúc giữa người với người mới là mấu chốt.

Ý lâm nguy

Ý và Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng: nơi bùng phát dịch là cộng đồng dân cư nhỏ dễ quá tải, phát hiện trường hợp mắc bệnh (đầu tiên hoặc siêu lây nhiễm) nhờ không tuân thủ quy định.

Tại Ý, mọi chuyện bắt đầu từ một người đàn ông tên Mattia (38 tuổi) với những triệu chứng như cúm. Bác sĩ thị trấn Lodi không làm xét nghiệm COVID-19 vì ông khai báo chưa từng đến Trung Quốc.

Mattia sau đó quay lại bệnh viện lần nữa. Một bác sĩ quyết định xét nghiệm, kết quả dương tính. Giới chuyên gia giờ đây xác định bệnh nhân này bị lây từ Đức thay vì Trung Quốc.

Thời điểm đó các vùng trên địa bàn Ý triển khai công tác xét nghiệm diện rộng, tính cả trường hợp dương tính dù không triệu chứng. Vài ngày sau họ chuyển sang chiến thuật chỉ xét nghiệm người có triệu chứng với lý do làm vậy sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, nguy cơ lây nhiễm của trường hợp không triệu chứng thấp hơn. Lựa chọn này tiềm ẩn rủi ro: người không triệu chứng vẫn có khả năng đã nhiễm và lây cho người khác.

Chuyên gia Massimo Antonelli thuộc bệnh viện Đại học Gemelli (Rome) lý giải xét nghiệm càng nhiều ca nhiễm càng tăng, gây áp lực cho hệ thống y tế.

Hệ thống y tế Ý quá tải - Ảnh: Reuters

Italy nhìn chung sở hữu hệ thống y tế hiệu quả, chi tiêu cho y tế cao hơn Hàn Quốc. Tuy nhiên tình hình hiện tại mất cân bằng nghiêm trọng, y bác sĩ hoạt động liên tục trong khu cấp cứu đến mức phải hủy bỏ kỳ nghỉ, tất cả nỗ lực tập trung vào những phòng chăm sóc đặc biệt.

Trưởng khoa truyền nhiễm bệnh viện Malpighi (Bologna) Pier Luigi Viale đang làm việc suốt ngày đêm. Bệnh viện của ông điều trị cho lượng lớn bệnh nhân COVID-19, y bác sĩ phải đi giúp cho bệnh viện khác, điều trị cho người mắc bệnh khác.

“Nếu tình trạng kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng, chúng tôi sẽ cần thêm tiếp viện”, theo bác sĩ Pier Luigi Viale.

Tuần trước, thị trưởng Castiglione d’Adda (nằm trong vùng dịch Lombardy) phải lên mạng kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp. Bệnh viện thị trấn đóng cửa vì chỉ còn 1 bác sĩ trị cho hơn 100 bệnh nhân COVID-19, 3 bác sĩ khác đổ bệnh hoặc tự cách ly.

Còn một y tá ở bệnh viện phát hiện ca đầu tiên chia sẻ: “Y bác sĩ đều tới giới hạn chịu đựng. Bạn cần theo dõi liên tục bệnh nhân thở máy nên không thể nào chăm sóc ca nhiễm mới”.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng mỗi ca dương tính lây cho trung bình 2 người. Giới chức Lombardy cảnh báo bệnh viện trên địa bàn sẽ chìm sâu hơn vào khủng hoảng nếu dịch bệnh tiếp tục lan rộng. Nếu COVID-19 bùng phát ở khu vực miền nam nghèo khó hơn, tình hình chắc chắn tệ hơn nữa.

Những đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) chịu áp lực lớn nhất. Họ cần thiết bị đắt tiền, đội ngũ có chuyên môn và không sẵn sàng đối phó dịch bệnh lan rộng.

Hiện Ý có 5.000 giường ICU, nhiều giường dành cho bệnh nhân gặp vấn đề hô hấp trong các tháng mùa đông. Hai vùng dịch Lombardy và Veneto chỉ chiếm 1.800 giường, chỉ một phần dành cho người mắc COVID-19. Chính quyền trung ương đã cung cấp 5.000 mặt nạ phòng độc, đồng thời yêu cầu địa phương tìm cách tăng 50% cơ sở ICU cũng như số giường bệnh, tổ chức lại đội ngũ nhân viên y tế.

Nhân viên y tế tại Ý còn phải làm cả nhiệm vụ xác định xem những ai từng tiếp xúc với ca nhiễm. Một bác sĩ tại Bologna tiết lộ ông phải dành 12 tiếng/ngày thực hiện công việc này.

“Bạn có thể làm vậy trong lúc ca nhiễm ít. Nhưng hệ thống sẽ đổ vỡ nếu chúng tôi cứ phải tiếp tục chủ động xét nghiệm rồi tìm người kiểu như vậy”, theo bác sĩ tại Bologna.

Tại Hàn Quốc cũng có bác sĩ tin vào trực giác thay vì quy định. Dịch bệnh bùng phát mạnh từ ca thứ 31 – một phụ nữ 61 tuổi ở thành phố Daegu. Chính quyền Seoul nhanh chóng truy rõ “ổ dịch” giáo phái Shincheonji, triển khai biện pháp xét nghiệm từng người lái xe (drive-through test).

Tổng cộng 117 tổ chức có thiết bị tiến hành xét nghiệm, đủ sức xử lý 12.000 - 20.000 mẫu mỗi ngày. Công tác xác định người từng tiếp xúc với ca nhiễm do đơn vị chuyên biệt đảm nhận, dưới sự hỗ trợ của công nghệ.

Cẩm Bình (theo Reuters)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
một giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khác biệt trong chiến thuật đối phó COVID-19 giữa Hàn Quốc và Ý