Doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phụ thuộc vào cảnh sát giao thông trong việc giám định tai nạn và mức tổn thất khiến thời gian đền bù kéo dài khiến cho khách hàng xem thường.
Thông tư 126/2008/TT-BTC đã quy định rõ về quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, trong đó nói rõ vai trò chủ đạo của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc giám định tổn thất, xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất.
Tuy nhiên, đã nhiều năm từ khi được “giao quyền”, các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn không phát huy được vai trò giám định của mình mà vẫn phụ thuộc phần lớn vào các văn bản giám định của cảnh sát giao thông, khiến thời gian giải quyết bồi thường bị kéo dài. Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên là do khách hàng không tin tưởng vào kết quả giám định của doanh nghiệp bảo hiểm.
Theo Thông tư 126/2008/TT-BTC, khi xảy ra tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền phải phối hợp chặt chẽ với chủ xe cơ giới, bên thứ ba hoặc người đại diện hợp pháp của các bên liên quan thực hiện việc giám định tổn thất để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất.
Trong trường hợp chủ xe cơ giới không đồng ý với kết luận giám định của doanh nghiệp bảo hiểm thì 2 bên mới chọn cách mời cơ quan giám định độc lập. Và trong trường hợp đặc biệt cuối cùng là một trong 2 bên (khách hàng/doanh nghiệp bảo hiểm) không đồng ý với kết luận của cơ quan giám định độc lập thì doanh nghiệp bảo hiểm được căn cứ vào biên bản kết luận của cơ quan chức năng có thẩm quyền là cảnh sát giao thông và các tài liệu liên quan để xác định nguyên nhân và mức độ thiệt hại.
Tuy nhiên trên thực tế, hầu hết khi giải quyết bồi thường, đa số khách hàng cho rằng, các kết quả giám định của cảnh sát giao thông sẽ khách quan và chính xác hơn. Họ e dè kết quả giám định của doanh nghiệp bảo hiểm, đồng thời ví doanh nghiệp bảo hiểm ”vừa là người đá bóng, vừa là người thổi còi”, vì vậy mình sẽ thiệt thòi.
Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho thời gian giải quyết bồi thường bị kéo dài, vì lúc này việc giải quyết bồi thường bị phụ thuộc vào bên thứ 3. Thậm chí khi mọi biên bản, giấy tờ được hoàn tất thì doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải thực hiện việc xác minh, rồi mới tiến hành giải quyết bồi thường được cho khách hàng. Vì vậy, dù doanh nghiệp bảo hiểm muốn giải quyết bồi thường ngay cho khách hàng cũng buộc phải chờ khách hàng có đủ biên bản, giấy tờ của cảnh sát giao thông mới tiến hành được. Như vậy, từ chỗ được giao vai trò chủ động, doanh nghiệp bảo hiểm tự biến mình thành bị động và bị khách hàng xem nhẹ. Không hiểu các doanh nghiệp bảo hiểm khi khai thác các hợp đồng bảo hiểm xe cơ giới có bao giờ nghĩ về điều này?
Nguồn: Báo Lao Động