Nước Mỹ (Hoa Kỳ) được thành lập với tuổi đời chưa đến 300 năm nên những công trình kiến trúc được xây dựng trên lãnh thổ nước này không cổ kính như ở Âu châu hay các lục địa khác. Thế nhưng, khoảng thời gian này cũng đủ dài để tạo nên những di sản cho nước Mỹ, chẳng hạn như phố cổ San Diego.
Thành phố San Diego (thuộc tiểu bang California, thuộc Bờ Tây nước Mỹ) là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng và là khu khu vực được nhắc đến nhiều nhất ở miền Nam nước Mỹ. Di sản lịch sử xung quanh khu vực này khiến nó trở thành địa điểm du lịch không thể bỏ lỡ của khách nước ngoài khi đến Mỹ.
Như bao thành phố khác, San Diego có những tòa nhà cao tầng vuông góc rất đặc trưng kiểu Mỹ hiện đại. Thế nhưng, trong cái thành phố nhộn nhịp nằm cạnh biển Thái Bình Dương ấy, có một phố cổ thuộc Công viên lịch sử rất khác biệt, với nét kiến trúc thuộc về những năm đầu của thế kỷ 19. Đó là phố cổ San Diego những căn nhà đơn giản với tường gỗ và mái gỗ, hoặc mái gỗ tường gạch một tầng, hoặc không có tầng… được sơn nhiều màu khác nhau. Các ngôi nhà mang vẻ đẹp đặc trưng mà những ai mê phim cao bồi miền viễn Tây Hoa Kỳ vẫn thường thấy.
Bên ngoài cổng chính của phố cổ có tấm biển ghi dòng chữ “Old Town San Diego State Historic Park”.
Lịch sử của phố cổ San Diego bắt đầu vào năm 1769, đó là khi Cha Junípero Serra, người sáng lập chuỗi truyền giáo của California, xây dựng một khu định cư lâu dài của người Tây Ban Nha, nằm cách các tòa nhà cao tầng ở trung tâm thành phố ngày nay chỉ vài dặm.
Di sản đó được vinh danh tại Công viên Lịch sử Tiểu bang Old Town San Diego, nơi các công trình kiến trúc bằng gỗ và gạch mộc mạc bao quanh Old Town Plaza sôi động.
Gần tấm biển, ở khu vực ngoài đường lớn là những chiếc xe bus có màu sơn đen họa tiết trắng với kiểu dáng xưa cũ. Những chiếc xe này còn hoạt động tốt và để chở du khách đi tham quan. Bước qua cổng phố cổ, du khách như bước vào thế giới của miền Viễn Tây nước Mỹ rộng lớn, chính giữa có con đường lát đá dẫn đến một khoảng sân cỏ rộng mênh mông với một vài cái cây cổ thụ, chiếc xe ngựa, ghế ngồi để du khách ngồi nghỉ ngơi.
Xung quanh đó là hình ảnh bệnh viện, khách sạn, nhà xưởng, văn phòng, quán bar, cửa hiệu… với phong cách kiến trúc đưa du khách trở về cảnh sinh hoạt đời sống của người Mỹ cách đây hơn 200 năm. Tất cả có màu sắc tươi sáng, trật tự, ngăn nắp và du khách tham quan vẫn nhìn thấy nét xưa cũ trên toàn bộ mọi góc cạnh của các căn nhà. Với những bạn trẻ thích chụp hình check-in thì nơi này là thiên đường. Còn du khách trung tuổi, đặc biệt là những người sống hoài niệm thì đây là nơi yên tĩnh tuyệt vời cho sự suy niệm.
Trong hành trình nước Mỹ mở rộng lãnh thổ về phía tây, nhiều vùng đất được sát nhập. Khởi đầu, nước Mỹ chỉ có vài tiểu bang ở phía đông nhưng rồi sau đó có thêm nhiều tiểu bang mới ở khu vực phía tây… Nước Mỹ rất đa dạng lên về chủng tộc.
Theo nhiều tài liệu lịch sử Mỹ, thành phố San Diego được phát hiện bởi người Thổ Nhĩ Kỳ và được xem là địa điểm đầu tiên người châu Âu đặt chân đến miền Tây Hoa Kỳ. Lịch sử nước Mỹ bắt đầu từ phía Đông, nơi đầu tiên người Anh đến để bắt đầu lập quốc. Thế nhưng, những người am hiểu kiến trúc thì kiểu dáng nhà cửa trong khu phố cổ bị ảnh hưởng đậm nét phong cách Tây Ban Nha cổ xưa.
Nhưng điều lạ là trong không gian này người ta tôn vinh nét văn hóa của người bản địa da đỏ qua các ảnh chân dung tiêu biểu, hoặc là các món quà lưu niệm. Tại đây, có một thứ quà tặng mà ai thấy cũng muốn mua về đó là DreamCatcher hay còn gọi là “bùa ngủ ngon” của người da đỏ. Món quà này được cho rằng “trừ tà”và giúp cho người sở hữu nó có giấc ngủ ngon. Cũng dễ hiểu vì sao giá trị văn hóa người da đỏ được trân trọng vì họ chính là chủ nhân cũ, trước khi nhà thám hiểm người Tây Ban Nha Christopher Columbus khám phá ra nước Mỹ vào năm 1492. Thật ra, trong hành trình khám phá của mình, Christopher Columbus hướng tới Ấn Độ, vùng đất mà ông được nghe chứ chưa đặt chân tới. Khi đặt chân đến lãnh thổ là nước Mỹ sau này, ông tưởng nhầm đó chính là Ấn Độ, vì ông thấy màu da nâu sậm của người da đỏ bản địa. Đến lúc qua đời, có lẽ ông cũng không biết sự thật ấy, nhưng thế hệ sau vẫn công nhận ông là người tìm ra châu Mỹ.
Như vậy, nước Mỹ khi chào đón những người châu Âu đầu tiên đã hoàn toàn không phải là vùng đất hoang.
Xen lẫn trong các nhà hàng, cửa hiệu ở phố cổ San Diego có một shop nhỏ mà quý ông rất thích đó là xưởng vấn thuốc xì gà. Người bán xác nhận rằng nếu bạn thấy các diễn viên hút xì gà trong các bộ phim cao bồi có bối cảnh và thời gian đầu thế kỷ 19, thì hương vị của nó giữ nguyên cho đến bây giờ. Giá mỗi điếu thuốc to và đẹp ấy là 20USD. Trong một sự lạ lẫm, trong khu phố cổ này còn xuất hiện một nhà hàng ghi bằng chữ Hoa. Nhiều người ta suy luận rằng người Hoa là người gốc Á di cư đến Mỹ sớm nhất, hoặc là ngày nay du khách Trung Quốc chiếm một lượng lớn khách du lịch đến Mỹ.
Với một du khách Việt lần đầu đến phố cổ San Diego như tôi, được ngồi thưởng thức ẩm thực đặc thù của Mexico, châu Âu, hay Trung Hoa trong không gian này cho tôi một cảm giác đặc biệt. Tôi cảm thấy hương vị món ăn như ngon hơn nhờ cảnh quan và không gian.
Có người cho rằng phố cổ San Diego có nét gì đó mang nét của Hội An ở Việt Nam nhưng tôi lại không có cảm nhận như vậy. Kiến trúc nhà cửa Hội An mang đậm dấu ấn Nhật Bản, Trung Hoa thì phố cổ San Diego cũng chẳng giống phố cổ nào của châu Âu hoặc châu Á, châu Phi mà nó mang dáng dấp riêng từ nguyên vật liệu xây dựng đến kiểu dáng, và cả không khí của nó.
Vào buổi chiều xuống, khi ánh đèn ở phố cổ sáng lên tạo thành khung cảnh lãng mạn. Một quán bar vang lên tiếng nhạc Latinh sôi động. Thực khách ngồi thưởng thức món ăn và rượu vang, xem các nghệ sĩ trình diễn. Có người thấy hứng khởi thì đứng lên và lắc lư theo nhạc điệu. Ngoài bãi cỏ, nhiều gia đình có trẻ con thì vô tư nô đùa.
Phố cổ rộng lớn và được xác định địa giới rõ rệt. Thế nhưng, những khu phố liền kề bên ngoài chu vi của nó cũng mang dáng dấp xưa cũ. Những ngôi nhà trệt, với bức tường thấp vây quanh được tận dụng làm nhà hàng và cửa hiệu. Vì vậy, vô hình chung phố cổ được mở rộng.
Để khám phá trọn vẹn nơi này, du khách cần khoảng 1 tuần lễ. Do thời gian chuyến đi của chúng tôi bị giới hạn, nên chúng tôi chỉ ở phố cổ được nửa ngày. Chừng đó thời gian chỉ xem như là lướt qua chứ chưa thực sự khám phá và tìm hiểu thật sâu vẻ đẹp chốn này.