Giáo viên hiện nay đời sống cực kỳ khó khăn. Loại được hưởng lương trong biên chế tuy ít ỏi nhưng cũng còn là may mắn. Có những giáo viên ở nông thôn, lương chỉ là thứ phụ cấp vài trăm ngàn/tháng (giáo viên mẫu giáo...) thì xin hỏi họ sống sao nổi nếu không có nghề phụ? Trách nhiệm của nhà nước ở đây là cần có cách xử lý thật thấu đáo chuyện này nếu không muốn đất nước bị tụt hậu về tri thức.

Khi Bộ trưởng Giáo dục loay hoay với đầu vào của ngành

21/08/2017, 07:33

Giáo viên hiện nay đời sống cực kỳ khó khăn. Loại được hưởng lương trong biên chế tuy ít ỏi nhưng cũng còn là may mắn. Có những giáo viên ở nông thôn, lương chỉ là thứ phụ cấp vài trăm ngàn/tháng (giáo viên mẫu giáo...) thì xin hỏi họ sống sao nổi nếu không có nghề phụ? Trách nhiệm của nhà nước ở đây là cần có cách xử lý thật thấu đáo chuyện này nếu không muốn đất nước bị tụt hậu về tri thức.

Giáo viên hiện nay đời sống cực kỳ khó khăn

Ở nhiều quốc gia văn minh như châu Âu hay Mỹ, ngành sư phạm, y dược, luật học... luôn được đề cao và là mơ ước của lớp trẻ khi họ quyết định chọn trường đại học. Còn chúng ta, nhiều năm gần đây, do ảnh hưởng của cơ chế thị trường, do thực tế cuộc sống đã khiến cho người trẻ nhận ra học sư phạm hoá ra rất chông chênh. Lương thì thấp, thậm chí có nơi, có lúc lại cấm cả dạy thêm đông người và không biết đến khi nào thì được ký hợp đồng tuyển dụng với nơi họ làm việc? Tất cả, thật chẳng dễ dàng, dù có là nơi đèo heo hút gió thì các thầy cô đem cái chữ đến với các em nhỏ miền núi cao cũng vẫn phải "chạy", cũng vẫn phải chật vật lắm mới được chứ nói gì đến chốn thị thành hoa lệ!

Vài năm gần đây, tôi ít có dịp đi vùng sâu, vùng xa để tìm hiểu về đời sống của người giáo viên cắm bản đã hết lòng vì trẻ em miền núi. Nhưng cứ vào trang "Cơm có thịt" của nhà báo Trần Đăng Tuấn bạn tôi thì có lẽ cũng tạm đủ để hình dung ra nỗi vất vả của cả cô, thầy lẫn trò nơi núi cao, suối sâu... Đến mùa lũ dâng, họ phải đu dây, phải chui trong túi nylon để người lớn túm kín lại rồi đẩy qua sông, qua suối sâu đến trường. Chỉ nhìn như thế mà đã thấy rớt nước mắt và tim nhói đau. Chỉ nhìn vậy là càng thêm thương và cảm phục cả cô, thầy lẫn các trò nhỏ kia.

Tôi cũng được biết, chế độ ưu đãi giáo viên miền núi gần đây cũng có được nhà nước quan tâm. Nhưng sự thực thì chừng đó là chưa đủ để khuyến khích giáo viên sống chết với nghề, rời bỏ quê hương, gia đình để mang con chữ đến những vùng miền heo hút, nhiều khi còn phải nhường cơm sẻ áo cho học trò, đói no cùng nhau... Họ thật đáng trân trọng biết nhường nào!

Tôi được biết, trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông vừa qua, chất lượng điểm thi của học sinh không đến nỗi nào. Vì sao mà được vậy, tôi không nắm chắc nên không dám bàn. Nhưng câu chuyện những học sinh có kết quả thi gần 30 hoặc đủ 30 điểm (có cả điểm ưu tiên) mà vẫn trượt đầu vào một số trường đại học thì khủng khiếp quá, nếu không nói nền giáo dục Việt Nam là "nhất thế giới!". Điều này theo tôi cũng nên xem lại.

Bên cạnh đó, một sự thật đáng lưu tâm, đó là chỉ tiêu tuyển sinh vào ngành giáo dục của cả nước ta vừa rồi lại thật đáng buồn vì điểm sàn rất thấp. Có thể thuộc loại thấp nhất trong các trường đại học. Thậm chí chỉ cần 3 điểm/môn đã có thể vào học ngành sư phạm.

Nhìn vào điểm chuẩn đầu vào của các trường vừa qua, chúng ta đều có thể dễ dàng nhận thấy đã có sự phân hóa khá rõ ràng về mức độ thu hút người học của mỗi ngành. Điều này đã thể hiện rõ khi nó có độ vênh về điểm chuẩn giữa các trường từ 5 - 7 điểm, thậm chí là trên 10 - 12 điểm.

Có một điểm "lạ" mà thực ra cũng "không lạ" nếu so sánh cụ thể một vài ngành khác. Trong hầu hết các trường tốp đầu như: công an, quân đội, y, dược đều có mức điểm chuẩn cao ngất ngưởng. Thậm chí, có thí sinh đạt 29 điểm mà vẫn không trúng tuyển vào Trường ĐH Y Hà Nội. Rồi thì có em đạt 30 điểm vẫn không vào nổi ngành Ngôn ngữ Anh của Học viện An ninh Nhân dân...

Cách đây vài năm, con một người bạn thân của tôi bị thiếu nửa điểm để vào Đại học Cảnh sát Nhân dân. Cháu đạt điểm cũng rất cao và thừa vài điểm nếu xin vào một trường cao đẳng cảnh sát nào đó. Tôi biết chuyện mà thấy tiếc cho cháu nên có gọi điện nhờ người bạn học thân thiết với tôi từ khi còn trong Học viện Chính trị Cao cấp Nguyễn Ái Quốc (khoá 1988-1990). Tôi cứ nghĩ thầm chắc chuyện "nhỏ như con thỏ" này bạn tôi sẽ cố giúp vì anh lúc đó đang là trung tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị, Bộ Công an. Ngành này có bao nhiêu trường mà chẳng dưới trướng anh nắm (!), tôi nghĩ thế. Ấy thế mà ngay hôm sau, khi anh đã hỏi một hồi các cơ sở rồi thì anh gọi cho tôi trong sự day dứt của tình bạn đồng môn, đồng tuế. Anh bảo không thể giúp được cháu vì năm nay Bộ quy định chặt lắm, dù có thừa điểm nhưng nếu không có trong nguyện vọng đề xuất ghi tại hồ sơ dự thi ban đầu thì cũng không chấp nhận vì đã bạch hoá trên mạng cả rồi...

Anh khuyên tôi nên bảo với cháu xin tham gia đi nghĩa vụ (kiểu như đi nghĩa vụ quân sự) trong ngành công an rồi sau khi hoàn thành thì thi lại. Cháu sẽ được xét ưu tiên. Tôi thú thực cũng không quan tâm chuyện này lâu nay nên cũng rất lấy làm lạ. Nhưng qua đó cũng thấy vào ngành công an, quân đội bây giờ rất khó. Mà phải nói là khó đến khủng khiếp vì họ lấy điểm rất cao. Vì sao?

Nếu nhìn bề ngoài, đây đều là những ngành gần như tất cả sẽ phải sống xa nhà nếu không phải diện "con ông cháu cha", không "mạnh" vì chuyện này chuyện nọ... để được gần gia đình sau khi tốt nghiệp.

Nghiệp sĩ quan chuyên nghiệp, có nhiều ngành đầy hiểm nguy, có thể phải hy sinh bất kể khi nào dù là thời bình. Một khi đã dấn thân vào, nếu là con em nông dân, công nhân bình thường thì có lẽ các em cũng đã chủ động biết mình, biết người và đã chấp nhận dấn thân phụng sự và hy sinh vì Tổ quốc.

Còn ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo thì lại bày tỏ rằng ngành giáo dục của ông cần phải học cách tuyển sinh và đào tạo của công an, quân đội. Tôi e rằng vô cùng khó vì ông lấy tiền ở đâu để làm được như thế?

Tôi nghĩ, vào nghề sĩ quan chuyên nghiệp, có một điều dễ thấy, đó là ngay từ khi ngồi ghế nhà trường họ đã là người nhà nước. Quân đội, công an đã lo cho học viên khâu ăn, mặc, nơi nghỉ đàng hoàng và sau khi về hưu, thời gian học nói trên cũng đã được tính bảo hiểm xã hội. Như vậy thì đã là quá tốt. Đó là chưa kể, bậc lương sĩ quan trong quân đội hoặc công an cũng rất cao so với dân sự.

Tôi là một người lính tham gia nghĩa vụ quân sự trong thời kỳ đất nước đang có chiến tranh ở 2 miền biên giới (1978-1987). Tôi cũng có lúc bị thiệt thòi chuyện quân hàm khi mới nhập ngũ, phải đeo lon binh nhì những 1 năm dù lúc này tôi đã tốt nghiệp đại học và đã công tác một thời gian. Theo quy định của luật nghĩa vụ quân sự thì tôi chỉ cần 6 tháng đã được lên binh nhất. Nguyên nhân chỉ vì ở Phòng Chính trị sư đoàn nơi tôi công tác duy nhất chỉ có tôi là chiến sĩ. Vì thế nên tôi đã bị Ban Quân lực sư đoàn... quên, không hề biết là còn có 1 lính nghĩa vụ ở đó. Nhưng cuộc đời binh nghiệp của tôi, tuy cũng ngắn ngủi với 9 năm ấy lại khá ổn sau đó vì có Luật sĩ quan ra đời (1982).

Năm 1986 tôi đã đeo lon sĩ quan cấp đại uý và năm 1987 thì chuyển ngành về cơ quan cũ đã từng công tác. Sau 9 năm xa cơ quan cũ, khi về, tôi đã hơn bạn bè cùng lứa đến 2 bậc lương khiến tôi cảm thấy rất áy náy. Theo quy định, tôi được trả phụ cấp chuyển ngành 5% lương cơ bản trong 18 tháng tiếp theo. Có lẽ đây là chính sách cho quân nhân chuyển ngành để đỡ bị hụt hẫng? Tôi không dám nộp cho tổ chức nhân sự tờ giấy này vì thấy mình lương đã quá cao. Nhiều bạn biết chuyện tôi huỷ tờ xác nhận này, họ cười, chê tôi " hâm"...

Kể chuyện cũ để thấy rằng phải chăng, các bạn trẻ hôm nay đăng ký học ngành vũ trang cũng có phần tính toán không nhỏ bởi chế độ đãi ngộ này? Bản thân tôi, có những lúc sau khi chuyển ngành được khoảng hai chục năm, dù lên được khoảng 6 bậc lương ngoài dân sự (3 năm/1 bậc) nhưng hoá ra cũng chỉ hơn có cấp thiếu tá chút đỉnh mà nếu ở quân đội thì có thể chỉ vài năm sau tôi đã được trao quân hàm để có mức lương xêm xêm chỉ sau 3-4 năm. Vậy mà khi ấy, tôi đã chuyển ngành gần 20 chục năm.

Tôi được biết, một sĩ quan, nếu tốt nghiệp đại học mà lại có bằng xuất sắc, họ có thể được phong trung úy, lương họ đã gần gấp đôi so với người tốt nghiệp đại học ở ngoài dân sự (hệ số lương trung úy 4,6/2,34 dân sự). Còn bình thường thì cũng đã khá cao (hệ số lương thiếu úy cũng đã là 4,2 so với ngoài dân sự chỉ có 2,34).

Trong khi đó, giáo viên hiện nay đời sống cực kỳ khó khăn. Loại được hưởng lương trong biên chế tuy ít ỏi nhưng cũng còn là may mắn. Lại có những giáo viên ở nông thôn, lương chỉ là thứ phụ cấp vài trăm ngàn/tháng (giáo viên mẫu giáo...) thì xin hỏi họ sống sao nổi nếu không có nghề phụ? Trách nhiệm của nhà nước ở đây là cần có cách xử lý thật thấu đáo chuyện này nếu không muốn đất nước bị tụt hậu về tri thức.

Mới đây, trước thực tế đầu vào của ngành quá thấp, Bộ lại đề xuất một giải pháp cho sang năm khi tuyển chọn. Đó là sẽ sàng lọc thêm một bước trước khi tiếp nhận sinh viên vào ngành giáo dục. Nhưng cũng vẫn là ông Bộ trưởng, hôm rồi ông lại phát biểu rằng sẽ tính đến việc bố trí sinh viên thi vào sư phạm có điểm trúng tuyển thấp sang làm việc ở lĩnh vực không phải đứng lớp? Thì ra Bộ GD-ĐT vẫn đang loay hoay mà chưa có đáp án hoàn chỉnh, trong khi ngày nhập học của sinh viên thì đã tới. Nó báo hiệu một viễn cảnh không vui gì cho các em khi các em còn chưa vào lớp một buổi nào!

Tôi vừa đọc trên một tờ báo, có một tác giả đã viết: "Môi trường sư phạm bây giờ không còn tôn nghiêm như trước kia. Sự tôn sư trọng đạo cũng bị biến thái không nhỏ. Nhiều chuyện đáng buồn xảy ra với tình thầy trò và ngay trong nội bộ giáo viên. Sự mẫu mực sư phạm bị uy hiếp". Tôi cảm thấy rất tán đồng với cách nhìn này của ông và cũng có phần ngậm ngùi chua xót.

Mọi so sánh đều là khập khiễng. Tôi hiểu điều đó. Không chăm sóc tốt lực lượng vũ trang để bảo vệ Tổ quốc và giữ gìn trật tự an ninh, an toàn xã hội thì cũng không thể được và ai cũng hiểu điều gì cũng sẽ có thể xảy ra. Nhưng nếu không có chính sách tốt cho ngành giáo dục, lực lượng gián tiếp tạo ra sản phẩm trí tuệ phục vụ đất nước phát triển thì đất nước cũng không thể giàu lên được nếu không nói là sẽ nghèo, sẽ khổ và rồi sẽ luôn kém cỏi so với các nước khác.

Nhưng muốn có chính sách tốt, động viên các bạn trẻ vào ngành sư phạm, chúng ta cần tính toán thấu đáo và khoa học hơn nữa để có những giải pháp tốt. Tôi cũng được biết, đến bây giờ, đầu ra của ngành sư phạm cũng đã bão hoà, thậm chí nhiều tỉnh thành dư thừa. Song, với vùng sâu, vùng xa của Tổ quốc thì giáo viên vẫn chưa đủ. Và nhiều khi 1 lớp học chỉ có vài em nhỏ, lấy đâu ra nhiều học sinh, tuy nhiên, cũng không thể vì thế mà chúng ta để trắng lớp học được.

Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Cổ nhân luôn nhắc nhở chúng ta như vậy. Song hiền tài không phải thứ bỗng dưng mà có. Nó phải trông chờ vào sự phát hiện của những người thầy giỏi cộng với nền tảng xã hội luôn luôn biết chăm chút cho sự nghiệp giáo dục nước nhà qua nhiều năm tích tụ mà thành. Và cũng vì "giáo dục là quốc sách" như Đảng đã nhiều lần đề cập.

Cổ nhân cũng dạy: "Không thầy đố mày làm nên!", cho nên cần phải có rất nhiều biện pháp hỗ trợ, giúp cho ngành giáo dục có được đội ngũ các thầy cô giáo thực sự có chất lượng, đủ trình độ "trồng người". Nếu không làm được công việc này, hậu quả sẽ hiển hiện trước mắt chúng ta chỉ sau chục năm hoặc vài chục năm nữa. Khi đó, dù có tiền của bao nhiêu đổ vào để cải tổ giáo dục thì cũng sẽ khó gỡ.

Quốc Phong

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Khánh thành và khai thác cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Diễn Châu – Bãi Vọt
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Chiều 28.4, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với UBND các tỉnh Ninh Thuận, Nghệ An, Hà Tĩnh tổ chức lễ khánh thành Dự án đường bộ cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và thông xe đưa vào khai thác dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi Bộ trưởng Giáo dục loay hoay với đầu vào của ngành