Nhìn một cách trực quan trên bản đồ, Myanmar giống như lá chắn chống dịch từ Ấn Độ cho các nước ASEAN lưu vực sông Mekong. Khi lá chắn này thủng thì các nước phía sau dễ bị tổn thương.

Khi Myanmar bất ổn, Việt Nam và nhiều nước còn đau đầu với COVID-19

Anh Tú | 13/05/2021, 07:27

Nhìn một cách trực quan trên bản đồ, Myanmar giống như lá chắn chống dịch từ Ấn Độ cho các nước ASEAN lưu vực sông Mekong. Khi lá chắn này thủng thì các nước phía sau dễ bị tổn thương.

aerobic.jpg

Một hình ảnh được thế giới lan truyền trong cuộc đảo chính tại Myanmar là cảnh quay của nữ HLV thể dục Khing Hnin Wai luyện tập buổi sáng 1,2 trên đường phố. Máy quay ghi hình Khing Hnin Wai đang hăng say luyện trong lúc đằng sau là đoàn xe thiết giáp của quân đội tiến vào thủ đô thực hiện cuộc đảo chính. Không khí yên bình của Myanmar thay đổi kể từ đó.

Tuy nhiên, người ta hầu như chỉ chú ý vào những chiếc xe bọc thép mà quên để ý tới việc Khing Hnin Wai khi đó phải đeo khẩu trang. Tình hình dịch khi đó ở Myanmar cũng không quá nghiêm trọng nhưng ghi nhận mức 300 ca nhiễm mỗi ngày (thời điểm các tháng cuối năm ngoái luôn ghi nhận ca nhiễm tính bằng hàng ngàn). Chính phủ dân sự khi đó yêu cầu người dân thực hiện các giao thức giãn cách xã hội để ngăn ngừa dịch COVID-19 và cái khẩu trang của Khing Hnin Wai cho thấy sự hợp tác của người dân khi họ chịu đeo khẩu trang khi tập luyện một mình.

Vậy thì trong lúc các nước xung quanh đang gồng mình trước cơn sóng dịch COVID-19 thì tình hình dịch tại Myanmar lúc này thế nào? Bối cảnh Myanmar đang bất ổn chính trị xã hội như hiện giờ thì việc thống kê quả thực khó tin, nhưng còn khó tin hơn nếu bạn đọc các con số liên quan dịch bệnh tại đây:

Ngày 12.5 ghi nhận 23 ca nhiễm, 1 ca tử vong; ngày 11.5 là 11 ca nhiễm, ngày 10.5 là 16 ca nhiễm, ngày 9.5 là 13 ca... Nhìn rộng ra biểu đồ thì khoảng 1 tuần sau khi xảy ra cuộc đảo chình thì dịch COVID-19 tại Myanmar “biến mất” hay chính xác hơn là số liệu ghi nhận lẻ tẻ.

myanmar.jpg

Rõ ràng các con số mới đây là sự vô lý. Trước hết chúng ta hay giở bản đồ ra để thấy Myanmar phía tây giáp với Ấn Độ. Chúng ta đều biết Ấn Độ thời gian qua là lò ấp các ca mắc COVID-19 với con số 300.000-400.000 ca mỗi ngày và các chuyên gia cho rằng con số thực tế còn cao hơn nhiều. Tình hình biên giới Myanmar - Ấn Độ khoảng 1.500 km với nhiều nơi kiểm soát lỏng lẻo hay đúng hơn là không có ranh giới rõ ràng. Thời điểm Myanmar khủng hoảng thì nhiều người chạy sang Ấn Độ tỵ nạn rất dễ dàng. Sự thẩm thấu COVID-19 từ Ấn Độ sang Myanmar là không tránh khỏi trong điều kiện như vậy mà khi Ấn Độ tăng hàng trăm ngàn ca mỗi ngày còn Myanmar chỉ có vài chục ca thì liệu có phản ánh thực tế?

do-thi.jpg

Bản thân con số vài chục ca mỗi ngày hiện nay của Myanmar cũng vô lý với chính họ. Thống kê cho thấy từ đầu dịch, Myanmar đã có gần 150.000 ca nhiễm và 3.200 ca tử vong, con số cao nhất trong các nước ASEAN lục địa. Chỉ có điều, việc ghi nhận đó chủ yếu diễn ra trong thời kỳ chính phủ dân sự nắm quyền.

Thời kỳ chính phủ quân sự thì e rằng cũng không có phép màu nào để tự nhiên dịch COVID-19 biến mất. Chúng ta chứng kiến trong tháng 3 là làn sóng biểu tình nổ ra nhiều nơi với liên tiếp các cuộc tập trung đông người thay vì giãn cách xã hội. Đó là thời điểm thế giới chú ý số tử vong vì biểu tình hơn là COVID-19 tại Myanmar, số người bị thương vì biểu tình hơn là số người bị nhiễm COVID-19 tại Myanmar. Bản thân người Myanmar lúc này quan tâm đến việc biểu tình hơn là COVID-19, đến chết và thương vì súng đạn họ còn chẳng màng thì màng chi đến chuyện nhiễm hay không nhiễm COVID-19.

myanmar-bieu-tinh.jpg

Trong hoàn cảnh Myanmar bất ổn thì người viết tin là nguy cơ COVID-19 tại đây sẽ tăng mà không giảm nên những con số thống kê gần đây ở Myanmar khó phản ánh hết thực tế. Liệu rằng do bất ổn nên việc cơ bản trong chống dịch như xét nghiệm, thống kê, khoanh vùng dập dịch đang cũng là bài toán khó tìm đáp án ở Myanmar.

Chuyện ở Myanmar có ảnh hưởng đến chúng ta không? Câu trả lời là có. Xin hãy giở bản đồ để nhìn sang phía đông của quốc gia này. Myanmar giáp Lào và Thái Lan.

myanmar.jpg

Trong những ngày qua, khi biểu tình tại các đô thị ở Myanmar lắng xuống thì tình hình biên giới lại nóng lên cùng giao tranh với lực lượng ly khai. Người dân vùng biên sẽ rơi vào hoàn cảnh tìm đường chạy nạn và họ có thể lẩn trốn sang Thái Lan và Lào.

Chúng ta cũng biết rằng số ca nhiễm ở Thái Lan và Lào thời gian qua đã gia tăng rất nhanh và khó phủ nhận tình hình dịch ở hai nước này cùng Campuchia có thể bị ảnh hưởng bởi làn sóng COVID-19 bùng phát từ Ấn Độ, căn cứ theo chủng mới xuất hiện từ Ấn Độ.

Và đến lượt Việt Nam chúng ta những ngày gần đây xuất hiện nhiều ca. Trước tình hình dịch COVID-19 ở các nước xung quanh Việt Nam đang diễn biến khó lường, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo các viện đầu ngành giải trình tự gien của những người nhập cảnh vào Việt Nam đã mắc COVID-19 để đánh giá, có các biện pháp kiểm soát dịch phù hợp.  Sáng 11.5, Bộ Y tế cho biết 7 mẫu bệnh COVID-19 lây ở Bệnh viện nhiệt đới Trung ương bị nhiễm chủng biến thể từ Ấn Độ.

Giờ chúng ta thấm câu môi hở răng lạnh, các nước láng giềng có chuyện thì tác động đến nước mình. Nhìn một cách trực quan trên bản đồ, Myanmar giống như lá chắn chống dịch từ Ấn Độ cho các nước ASEAN lưu vực sông Mekong. Khi lá chắn này thủng thì các nước phía sau dễ bị tổn thương. Nguy hiểm hơn, nếu Myanmar không giải quyết được đại dịch thì nó dễ tồn tại dai dẳng và là nguy cơ lâu dài trong công tác chống dịch của cả khu vực.

Các nước trong khu vực và Việt Nam cần một Myanmar ổn định, trước hết là để chống dịch COVID-19.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
37 phút trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi Myanmar bất ổn, Việt Nam và nhiều nước còn đau đầu với COVID-19