Nhiều dự án ở Đà Nẵng hứng chịu sự bất nhất trong điều hành của chính quyền khiến doanh nghiệp lao đao. Để xử lý việc này, Sở TN-MT Đà Nẵng cho biết đã lên nhiều phương án xử lý, trong đó có cả việc xây dựng kịch bản ứng phó doanh nghiệp khởi kiện.

Khi quan chức phải lo kịch bản ứng phó doanh nghiệp

07/05/2019, 08:19

Nhiều dự án ở Đà Nẵng hứng chịu sự bất nhất trong điều hành của chính quyền khiến doanh nghiệp lao đao. Để xử lý việc này, Sở TN-MT Đà Nẵng cho biết đã lên nhiều phương án xử lý, trong đó có cả việc xây dựng kịch bản ứng phó doanh nghiệp khởi kiện.

Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng cho biết đã chuẩn bị xây dựng cả kịch bản ứng phó với việc doanh nghiệp kiện cáo

Tại buổi họp báo quý 1 do UBND TP.Đà Nẵng tổ chức vào ngày 24.4, giới truyền thông chất vấn nhiều dự án ở Đà Nẵng hứng chịu sự bất nhất trong điều hành của chính quyền khiến doanh nghiệp lao đao.

Đơn cử là số phận 2 nhà máy thép Dana Ý, Dana Úc. Cốt lõi vấn đề của hai nhà máy này là chính quyền cho quy hoạch ngay sát khu dân cư. Sau này người dân phản đối ô nhiễm, chính quyền đã có nhiều động thái tuýt còi.

Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TNMT Đà Nẵng thông tin: ngày 22.11.2018, TP.Đà Nẵng ra 2 quyết định xử phạt 2 nhà máy, chủ yếu về môi trường, không thực hiện đúng ĐTM, thiếu công tác xử lý chất thải nguy hại.

Theo đó, nhà máy thép Dana Úc bị phạt 740 triệu, nhà máy Dana Ý bị phạt 400 triệu, bổ sung đình chỉ hoạt động 6 tháng.

“Qua kiểm tra giám sát 2 nhà máy này hiện tại rất nghiêm túc tạm dừng, sau khi hết thời hạn thì 2 nhà máy vẫn còn có thời gian để tiếp tục khắc phục thêm 6 tháng nữa. Lúc đó nếu không khắc phục được và họ có đơn xin gia hạn thì TP. xem xét cho gia hạn thời gian không quá 24 tháng. Tiền xử phạt họ vẫn chưa nộp, Sở TN&MT đã có văn bản nhưng họ chưa thực hiện”, ông Hùng nói và cho biết Sở TMNT đang giao xây dựng kịch bản ứng phó, cả kịch bản khởi kiện của doanh nghiệp.

Chính quyền có cho phép thì 2 nhà máy thép này mới mọc lên ở vị trí như bây giờ. Yên ắng không sao, lúc đụng chuyện thì xử lý doanh nghiệp và xây dựng cả kịch bản ứng phó kiện cáo!

Nghiêm trọng hơn ở Đà Nẵng là câu chuyện đất đai. Một thời thành phố này cấp đất sai pháp luật vô tội vạ để đến khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc mới phát hiện.

Đó là cấp thời hạn sử dụng đất không đúng, thu hồi tiền tính thiếu, thu hồi tiền giảm 10%... Kết luận 2852 của Thanh tra Chính phủ có khoảng 20 dự án bị cấp phép sai.

Và rồi, doanh nghiệp cũng phải liên lụy khi chính quyền nhiệm kỳ trước làm ẩu, chính quyền nay đang siết lại xử lý hậu quả.

Dọc con sông Hàn, ngay trung tâm TP.Đà Nẵng cũng xảy ra những điều chướng tai gai mắt mà có nhiều thời gian người ta chỉ dám xì xầm. Dự án bến du thuyền trên sông Hàn của Vũ ‘nhôm’ án ngữ trước thành Điện Hải được chính quyền thành phố này cấp phép xây dựng. Sau khi Vũ bị bắt, mới thấy được sai phạm của dự án này.

Phải đến khi dự án Marina Complex bị dư luận phản ứng dữ dội vì lấp cửa sông Hàn, giới chức Đà Nẵng mới có động thái ‘ghi điểm’ với dân: cho tạm dừng dự án để rà soát lại và lấy ý kiến phản biện. Nhưng động thái này cũng là thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy chứ không xuất phát từ cơ quan chính quyền, vốn sinh ra để hành pháp.

Có thể thấy rõ sự thiếu bản lĩnh hoặc uẩn khúc gì đó của chính quyền thành phố này ngay tại cuộc họp báo được tổ chức ngày 24.4 mới đây. Đó là với câu hỏi hiện có bao nhiêu dự án lấn sông Hàn nhưng ông Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch thành phố nói không trả lời được vì đang rà soát.

Con sông Hàn rất ngắn, ngồi trên tòa nhà hành chính TP.Đà Nẵng có thể nhìn hết con sông này. Muốn lấn không phải dễ, phải tầm dự án của Vũ ‘nhôm’ mới họa may. Vậy mà có bao nhiêu dự án lãnh đạo cấp cao thành phố không nói được!

Lãnh đạo cấp cao nói không được nên dễ hiểu vì sao chúng tôi gửi câu hỏi phỏng vấn Sở Xây dựng Đà Nẵng về các dự án trên sông Hàn nhưng tuần này qua tuần khác vẫn bặt vô âm tín.

Hai nhà máy thép được quy hoạch không bài bản từ chính quyền Đà Nẵng là nguồn gốc của vấn đề doanh nghiệp phải chịu long đong

>> Quan ngại Quảng Nam nhưng Đà Nẵng lại có 2 nhà máy thép gây ô nhiễm

Và rất nhiều dự án, công trình khác tại Đà Nẵng cũng có nguy cơ tương tự. Ngay cả việc mở lối xuống biển dọc các khu resort, khó có thể dùng quyền lực nhà nước để cưỡng chế khi mà chính quyền trước đây đã quyết định giao đất cho doanh nghiệp bằng giấy trắng mực đen. Nếu làm quá thì doanh nghiệp buộc phải kiện ra tòa, thậm chí là tòa án quốc tế.

Nhìn vào những diễn biến thời gian qua, nhiều doanh nghiệp cho rằng họ đầu tư vào Đà Nẵng mang tính rủi ro khi mà chính quyền nay đúng mai sai, hết sai lại cho đúng; còn doanh nghiệp thì lãnh đủ.

Chính ông Đặng Việt Dũng phải thừa nhận trước báo giới: “Thời gian vừa qua Đà Nẵng phát triển tốt, cuộc sống người dân tăng lên nhưng trong quá trình làm có cả sai sót, khuyết điểm, thậm chí là vi phạm pháp luật. Vừa rồi có nhiều chuyện đau lòng của thành phố nhưng do tồn tại từ trước và phải qua một giai đoạn phát triển mới nhận thấy được nên tiến hành rà soát lại. Nhiều chỉ đạo của thành phố không được nhanh, như lối xuống biển chẳng hạn, cần cân đối hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, người dân và chính sách pháp luật nữa. Phải làm sao đó phát triển bền vững mang lại lợi ích cộng đồng, từng bước điều chỉnh lại những cái trước đây làm chưa phù hợp đảm bảo điều kiện sống của người dân ngày cảng tốt hơn”.

Đà Nẵng 2 năm nay lấy chủ đề là thu hút đầu tư, kêu gọi doanh nghiệp nhưng với tiết lộ lên kịch bản ứng phó như ông Giám đốc Sở TNMT tiết lộ khiến người ta giật mình. Nếu Đà Nẵng đường hoàng làm đúng theo luật sẽ không có chuyện nay đúng mai sai. Nếu không có vun vén lợi ích nhóm thì cả dàn lãnh đạo Đà Nẵng trước đây đã không bị khởi tố bà bắt giam như vừa rồi.

Cho nên, việc của chính quyền và quan chức Đà Nẵng cần làm là phải thượng tôn pháp luật, xây dựng thành phố theo quy hoạch khoa học, có tầm nhìn vì cộng đồng chứ không phải chụp giật cảm tính để đến khi vỡ lỡ lại lên kịch bản ứng phó với doanh nghiệp!

Lê Đình Dũng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi quan chức phải lo kịch bản ứng phó doanh nghiệp