TS Trần Du Lịch cho rằng có sự chồng chéo giữa các quy định, đúng sai không rõ ràng và những DN làm ăn chân chính thì nản chí, còn những DN “luồn lách” vẫn còn đất sống.

Khó khăn bủa vây, doanh nghiệp Việt 'tự thúc thủ', nản chí

Lam Thanh | 24/09/2023, 06:10

TS Trần Du Lịch cho rằng có sự chồng chéo giữa các quy định, đúng sai không rõ ràng và những DN làm ăn chân chính thì nản chí, còn những DN “luồn lách” vẫn còn đất sống.

DN đang “tự thúc thủ”

Cảnh báo của Ngân hàng Thế giới về “một thập niên mất mát” trong trung hạn (đến 2030) và “các cơn gió nghịch” ở năm 2023-2024 cho thấy xu thế khó khăn của kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn đang ở trước mắt. Trong đó, sự khó khăn của cộng đồng DN là một ví dụ điển hình.

Trong 8 tháng đầu năm, bình quân mỗi tháng có 18.600 DN lập mới và tái gia nhập thị trường trong khi 15.600 DN “rút lui”.

PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng đây là một cảnh báo nghiêm túc nhưng ít được chú ý.

“DN đóng cửa là DN đang tồn tại thực, tạo việc làm và thu nhập thực, đóng góp GDP và ngân sách thực, trong khi DN đăng ký thành lập chưa tồn tại “thực” và có thể không tồn tại thực. Nếu DN mới thành lập có tồn tại và hoạt động thì đóng góp “thực” cho nền kinh tế cũng chỉ diễn ra từng bước sau 3-6 tháng, trong khi DN “đóng cửa” gây “tổn thất” cho nền kinh tế ngay lập tức”, ông Thiên nêu và bày tỏ lo ngại cho tăng trưởng những tháng cuối năm 2023 và đầu 2024.

tdl-2.jpg
PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng cộng đồng DN Việt Nam đã phát triển khá nhanh trong 30 năm qua, nhưng số lượng vẫn chưa nhiều, tốc độ gia tăng số DN đang hoạt động hàng năm là không cao và đang giảm dần; các mục tiêu về số lượng DN đang hoạt động theo mốc thời gian đều không đạt được và khoảng cách đến mục tiêu ngày càng xa dần.

“Đại bộ phận (gần 70%) là DN siêu nhỏ, thiếu vắng DN vừa; cầu nối giữa DN lớn với DN nhỏ, siêu nhỏ. DN trong nước chưa chủ động hội nhập; mức độ hội nhập, năng lực hội nhập kinh tế quốc tế và sức chống chịu còn rất yếu; làm cho nền kinh tế dễ bị tổn thương trước các tác động bất lợi từ bên ngoài”, ông Cung nêu.

Ngoài ra, ông Nguyễn Đình Cung nhìn nhận DN tư nhân trong nước yếu thế toàn diện so với FDI, không chỉ về hội nhập mà cả năng lực cạnh tranh ngay trên “sân nhà”.

Chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch cũng nhận định rằng DN Việt đang đuối tầm trong môi trường hội nhập. Nhìn tổng thể cả nền kinh tế thì DN Việt vẫn là lực lượng yếu kém và nhiều thương hiệu Việt xây dựng trong nhiều năm đã bị DN nước ngoài thôn tính; hệ thống bán lẻ ở thị trường nội địa, thương mại điện tử... DN nước ngoài đang chi phối.

“DN Việt thua ngay trên “sân nhà” đang là thực tế, chứ không còn là nguy cơ và dường như khu vực này đang “tự thúc thủ”, nhất là sau đại dịch COVID-19”, ông Lịch nói.

tdl-1.jpeg
Chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch

Theo ông Lịch, Hiến pháp năm 2013 và Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư năm 2014 đã có bước đột phá về mở rộng quyền kinh doanh cho DN khi chuyển cơ chế “chọn cho sang chọn bỏ”, DN được kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên, trên thực tế với vô vàng những quy định dưới luật vẫn duy trì cơ chế xin- cho dưới nhiều hình thức.

Ngoài ra, ông Lịch cũng cho rằng sự chồng chéo giữa các quy định, đúng sai không rõ ràng, nên môi trường tự do kinh doanh chưa cải thiện đáng kể. Tình trạng những DN làm ăn chân chính thì nản chí, còn những DN “luồn lách” vẫn còn đất sống.

Tự do kinh doanh và cải cách thể chế

Theo TS Trần Du Lịch, khi đặt ra một nội dung quản lý, cơ quan chức năng cần đặt ra câu hỏi quản lý để đạt mục đích gì? Đây là việc của Nhà nước hay việc của thị trường? Nhà nước không làm thay thị trường, nhưng cũng không thể bắt thị trường làm thay việc của Nhà nước. Đây đang là vấn đề tồn tại lớn hiện nay.

“Nếu thiếu tư duy hệ thống về quản lý nhà nước phù hợp với sự vận hành của thể chế kinh tế thị trường, thì mọi nỗ lực cải cách riêng lẻ sẽ không mang lại hiệu quả. Về nguyên tắc, Nhà nước không bao cấp rủi ro cho DN, nhưng cũng không tạo ra những rủi ro cho DN bằng các quyết định hành chính của mình”, ông Lịch nhấn mạnh.

Theo đó, ông Lịch cho rằng cần xây dựng lộ trình từng bước tách biệt cơ quan xây dựng chính sách và cơ quan thực thi chính sách từ trung ương đến địa phương.

tdl-3.jpeg
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương

TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh rằng còn không ít dư địa mở rộng và phát triển hơn nữa quyền tự do kinh doanh. Một số giái pháp có thể thực hiện ngay là bãi bỏ, thu hẹp tối đa điều kiện kinh doanh, bởi đây là một trong các rào cản lớn nhất hiện nay đối với tự do kinh doanh. Ngoài ra, trong xây dựng luật pháp, phải tiếp cận theo phương pháp “chọn bỏ” thay vì nguyên tắc “chọn cho” như hiện nay.

Đặc biệt, theo ông Cung, cần hạn chế tối đa, tiến tới loại bỏ hình sự hoá các quan hệ kinh tế dân sự. Bất cứ tranh chấp, hay vi phạm pháp luật trong các quan hệ nói trên đều giải quyết qua toà kinh tế dân sự.

“Trong trường hợp luật pháp chưa rõ ràng, còn có nhiều cách hiểu và có thể áp dụng khác nhau, thì sử dụng cách hiểu và cách áp dụng có lợi nhất cho người dân và DN”, ông Cung nêu.

tdl-4.jpeg
Doanh nghiệp Việt đối mặt không ít khó khăn

PGS-TS Trần Đình Thiên chia sẻ rằng quá trình đổi mới thực sự diễn ra nhờ áp dụng một công thức phát triển đơn giản hiếm thấy: Từ bỏ việc cấm đoán kinh tế tư nhân và các thị trường, chính thức thừa nhận và cho phép vận hành nền kinh tế nhiều thành phần (thực chất là cho phép kinh tế tư nhân hồi sinh) và các thị trường đầu vào được hoạt động công khai.

“Nền kinh tế bao cấp phi thị trường đang khủng hoảng nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ sụp đổ, ngay lập tức hồi sinh và trỗi dậy một cách thần kỳ. Bài học thành công thật sự đơn giản, đó là khai thông các thể chế thị trường, khai thông càng triệt để, thành tích phát triển càng lớn. Mấu chốt chính là thể chế, cách khơi thông nguồn lực (các thị trường) và cơ chế phân bổ chúng phù hợp (cạnh tranh thị trường)”, ông Thiên nói.

Bài liên quan
Chủ tịch nước Lương Cường: Việt Nam sẽ là cửa ngõ kết nối các doanh nghiệp Peru với thị trường ASEAN
Trưa 14.11 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Lima, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Peru và tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2024, Chủ tịch nước Lương Cường đã có buổi tiếp lãnh đạo một số doanh nghiệp tiêu biểu Peru. Đây đều là doanh nghiệp lớn của Peru trong các lĩnh vực khai khoáng, năng lượng, đầu tư cảng biển, dịch vụ tài chính, quản lý quỹ tương hỗ, điện và bảo hiểm...

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
13 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khó khăn bủa vây, doanh nghiệp Việt 'tự thúc thủ', nản chí