ĐBQH Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) cho biết khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng hiện nay là chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa với các cơ quan chức năng.
Tài chính và đầu tư

Khó khăn lớn nhất của DN kinh doanh vàng là... chứng minh nguồn gốc

Lam Thanh 23/05/2024 17:41

ĐBQH Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) cho biết khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng hiện nay là chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa với các cơ quan chức năng.

Thảo luận tại Quốc hội ngày 23.5, ĐBQH Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) cho biết thời gian gần đây, các cơ quan chức năng siết chặt việc quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng. Về cơ bản cử tri rất đồng tình, tuy nhiên vẫn có những vướng mắc cụ thể từ phía các DN dẫn đến hiện tượng không ít DN tạm thời đóng cửa.

Ông Hậu cho biết qua đối thoại giữa các DN kinh doanh vàng và các cơ quan quản lý liên quan, khó khăn lớn nhất của các DN kinh doanh vàng hiện nay là chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa với các cơ quan chức năng.

Nguyên nhân của khó khăn này là phần lớn các DN kinh doanh vàng là DN tư nhân, chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể sang DN theo yêu cầu của quản lý nhà nước.

Do đó tài sản, hàng hóa, vốn kinh doanh còn chưa rõ ràng. Ví dụ số vàng của gia đình từ nhiều đời để lại được đưa vào kinh doanh mà không ghi trong vốn khi đăng ký thành lập DN và cũng không kê khai.

hau.jpeg
ĐBQH Trần Hữu Hậu (Tây Ninh)

Ngoài ra, theo ông Hậu, việc mua vàng lẻ của người dân mang đến bán do thói quen thì DN không kê khai thông tin, người dân cũng ngại không cung cấp thông tin cá nhân. Do đó, để thuận lợi cho việc mua bán, DN không lấy thông tin. Hơn nữa, vàng được mua từ nhiều người dân, nấu chung không thể xác minh nguồn gốc…, những điều này gây khó khăn cho công tác kiểm tra và quản lý của nhà nước.

Về mặt quản lý nhà nước, theo ông Hậu, mặc dù đã có những quy định rõ ràng từ lâu nhưng công tác kiểm tra, giám sát, quản lý của các cơ quan chức năng thời gian vừa qua còn chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên, khiến cho DN chủ quan, lơ là trong việc thực hiện các quy định.

hau-2.jpeg
Các đại biểu quốc hội thảo luận

Từ thực trạng trên, các DN kinh doanh vàng đề xuất cho phép các DN tự kê khai lại hàng hóa tồn kho theo một thời điểm mà nhà nước quy định, bảng kê khai này là căn cứ để xác định nguồn gốc vàng hiện có. Sau thời điểm đó, mọi hàng hóa xuất nhập DN phải thực hiện đúng, đủ các quy định về quản lý liên quan.

Đề cập đến vấn đề giá vàng tại thảo luận tổ, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết hai năm trở lại đây, giá vàng trong nước luôn cao hơn quốc tế, chênh 15-20 triệu đồng một lượng.

"Điều này khiến thị trường vàng trong nước trở nên nhạy cảm hơn, kích thích hoạt động đầu cơ và nhập lậu, ảnh hưởng lên tỷ giá. So với đầu năm, vàng miếng SJC trong nước tăng gần 24%, trong khi thế giới đắt thêm 20%. Điều người dân băn khoăn là việc tăng đột biến do ai, từ đâu", ông Đồng nêu.

Theo ông Đồng, vàng tăng giá do nguyên nhân thuần túy rằng đây là kênh đầu tư thay thế gửi tiền tiết kiệm, hay một nhóm lợi ích với các hành vi phi pháp, như tẩu tán tài sản, đầu cơ gây rối loạn thị trường?

hau-3.jpeg
Nhiều băn khoăn về việc giá vàng "nhảy múa"

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên cũng cho rằng phải có giải pháp để giải quyết tận gốc tình trạng giá nhảy múa.

"Chênh lệch lớn giữa giá trong nước và thế giới là lý do khiến tình trạng buôn lậu nhiều hơn, dòng tiền không vào sản xuất mà đưa vào vàng, đất", ông Thắng nói.

Nêu ý kiến về quản lý thị trường vàng, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đề nghị đặc biệt lưu tâm đến giá vàng tăng bất thường càng ngày càng chênh lệch cao so với giá vàng thế giới và phải có biện pháp điều tiết đưa giá vàng ngang bằng với thế giới một cách linh hoạt.

Theo đại biểu, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng để tăng nguồn cung cho thị trường nhưng lại xảy ra nghịch lý cứ sau đấu thầu giá vàng lại tăng, vì giá sàn cao nên DN trúng thầu phải bán giá cao hơn.

Do vậy, sắp tới có thể áp dụng đấu thầu ngược như đơn vị nào mua vàng xong bán sát giá tham chiếu nhất sẽ trúng thầu. Đặc biệt, về dài hạn phải sửa Nghị định 24/NĐ-CP, đại biểu Hoàng Văn Cường kiến nghị.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng cần nghiên cứu, tính toán lại việc độc quyền vàng miếng theo thương hiệu hiện nay, nhằm tránh tình trạng buôn lậu, tránh tình trạng phụ thuộc vào một vài nhà phân phối.

Theo ông, giải pháp căn cơ nhất là cần đánh giá rất kỹ và nhanh chóng sửa Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Theo đó, cần xem xét việc độc quyền vàng miếng. Việc đấu giá để đưa giá vàng đi xuống cũng không phải là giải pháp tốt.

Theo đại biểu Trịnh Xuân An, nên hiểu đây là một loại hình kinh doanh có điều kiện và vàng là một đối tượng đặc biệt. Do vậy, phải tính toán hết sức kỹ lưỡng cách thức vận hành và phải quản lý bài bản, phù hợp, có lộ trình vàng miếng trong điều kiện hiện nay.

Bài liên quan
An Giang: Cây mai vàng hơn 60 năm tuổi được rao bán gần 6 tỉ đồng
Cây mai vàng hơn 60 năm tuổi, sau nhiều ngày cập bến tại chợ hoa xuân trên đường Phạm Hồng Thái, TP.Long Xuyên (tỉnh An Giang) đã được rao bán với giá gần 6 tỉ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khó khăn lớn nhất của DN kinh doanh vàng là... chứng minh nguồn gốc