Không chỉ là nhà văn hiện thực vĩ đại, Lev Tolstoi (Ngà) còn là nhà lãng mạn vĩ đại, người mơ tưởng vĩ đại. Nếu bây giờ ông đem những lời ấy nói với những người lãnh đạo giáo dục Việt Nam, họ sẽ kính cẩn lắng nghe, mỉm cười lịch sự và… quên ngay sau đó.

“Khoa học nền” của giáo dục

20/03/2016, 21:00

Không chỉ là nhà văn hiện thực vĩ đại, Lev Tolstoi (Ngà) còn là nhà lãng mạn vĩ đại, người mơ tưởng vĩ đại. Nếu bây giờ ông đem những lời ấy nói với những người lãnh đạo giáo dục Việt Nam, họ sẽ kính cẩn lắng nghe, mỉm cười lịch sự và… quên ngay sau đó.

Trong suốt cuộc đời tìm kiếm của mình, Lev Tolstoi vĩ đại đã không ít lần nói tới giáo dục - một đề tài đang rất “hot” hiện nay ở nước ta. Điều mà ông quan tâm ở giáo dục chính là “khoa học nền” cần được truyền thụ cho học sinh trên toàn thế giới: đó là tôn giáo và đạo đức. Tolstoi viết (trong một bức thư về giáo dục): “Cách lý giải duy nhất cái cuộc sống điên rồ, ghê tởm đối với ý thức, mà loài người thời đại chúng ta đang sống, chính là ở điểm đó - ở vấn đề là người ta đang dạy cho thế hệ trẻ vô số các môn học phức tạp nhất, khó khăn nhất và cũng không cần thiết nhất, người ta chỉ không dạy họ một điều rất cần thiết, đó là lẽ sống của cuộc đời một con người là gì, cuộc sống phải được hướng đạo bởi điều gì, những con người thông thái nhất xưa nay trên toàn thế gian này đã nghĩ gì về điều đó và đã giải quyết nó ra sao” (trích theo cuốn Đường sống của Lev Tolstoi do Phạm Vĩnh Cư và cộng sự tuyển chọn, dịch và chú giải. NXB Tri Thức).
Không chỉ là nhà văn hiện thực vĩ đại, Tolstoi còn là nhà lãng mạn vĩ đại, người mơ tưởng vĩ đại. Nếu bây giờ ông đem những lời ấy nói với những người lãnh đạo giáo dục Việt Nam, họ sẽ kính cẩn lắng nghe, mỉm cười lịch sự và… quên ngay sau đó. Nhưng với Tolstoi, thì đó là cốt lõi của nguyên do tồn tại, là lẽ sống của con người ở đời. Tolstoi dường như có một khát vọng: thống nhất tôn giáo trên toàn thế giới, và gắn chặt tôn giáo với đạo đức sống, đạo đức làm người. Dĩ nhiên, thống nhất tôn giáo là điều bất khả, còn tôn giáo gắn với đạo đức sống thì tôn giáo nào hiện tồn trên thế giới cũng đều rao giảng, kêu gọi điều đó, nhưng nó khả thể tới đâu, thực chất thế nào thì còn phải bàn rất nhiều. Dù sao, Tolstoi đã đặt rất nặng về giáo dục lẽ sống hướng thiện, vì mọi người, vì cộng đồng, cho con người, một điều ai cũng tán đồng nhưng lại gần như vắng bóng trong chương trình giáo dục phổ thông và đại học ở nước ta. Những “guru” (bậc thầy) như Tolstoi, phải nghìn năm nhân loại mới có một người. Vậy mà đã mấy ai nghe ông?
Hồi học phổ thông, tôi đã được đọc Tolstoi. Sau vào đại học lại được đọc Dostoievski. Nhưng phải khi vào chiến trường Nam Bộ, tôi mới được đọc nhiều tác phẩm của Dos. Không dám so sánh giữa hai ngọn núi này, như Andre Gide đã so sánh. Nhưng càng về sau, tôi càng thấy Tolstoi về thực chất là phức tạp hơn Dos. Dos xoáy sâu vào thân phận con người, còn Tolstoi mở ra mối quan tâm tới thân phận cả nhân loại. Yêu cả tỉ người vẫn dễ hơn yêu một người, nhưng rồi, yêu cả tỉ người lại khó hơn yêu một người rất nhiều. Mỗi khi có một chiến thắng của tình người, ta lại thấy Tolstoi hiện lên.

Với Tolstoi, giáo dục không đơn giản chỉ là dạy và học kiến thức. Giáo dục nhằm tạo nên con người theo nghĩa giản dị và cao đẹp của con người.

Vì thế, nếu được chọn “ngọn lửa tư tưởng” cho mình, tôi xin chọn Lev Tolstoi và tư tưởng “hòa bình xanh” của ông. Tôi nghĩ, đó là tư tưởng thực sự vì con người, hiểu con người, muốn giải thoát cho con người nhưng luôn đặt con người trong hoàn cảnh hiện thực. Và không ảo tưởng về con người.
Nhiều người vẫn nói học thuyết của Tolstoi là ảo tưởng. Nhưng nó vẫn được tải rộng ra trên bình diện toàn nhân loại, và được thể hiện sâu sắc bởi văn học. Với vô vàn phức tạp của đời sống nội tâm con người, chứ không đơn thuần chỉ là những thuyết giảng. Tôi đã từng dự đoán, Lev Tolstoi sẽ là nhà văn và nhà tư tưởng “hot” nhất ở thế kỷ 21. Cứ chờ xem, vì bây giờ thế kỷ 21 mới đi được 15 năm đầu tiên. Nhưng đã có những tín hiệu về sự trở lại của Tolstoi và học thuyết của ông - học thuyết của một nhà văn luôn đau đáu về số phận con người, nhất là những người nghèo khổ trên trái đất.
Về cuối đời, Tolstoi chỉ muốn trở thành một “palomnhik” (người hành hương) đi suốt học thuyết của mình. Ông đã hành hương vì tư tưởng, chỉ muốn đi trên đường, chứ không đơn giản là thoát ra khỏi một ngôi nhà cụ thể nào, và đã trút hơi thở cuối cùng ở một ga xép miền Trung nước Nga. Đó là cuộc đào thoát vĩ đại để mong biến tư tưởng thành hiện thực, để trải nghiệm điểm nút cuối cùng của cuộc sống, như một người hành hương nghèo khổ. Tolstoi vĩ đại ở chỗ đó. Ông đã đi tới tận cùng học thuyết và những suy tưởng của mình. Sự thuyết phục của Tolstoi hiện hữu theo thời gian vì ông không chỉ là một nhà văn vĩ đại, ông còn là một hiền nhân.
Thế giới ngày càng hiếm những người như thế.

Thanh Thảo

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương Đảng đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi các chức vụ
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Khoa học nền” của giáo dục