6 thứ trưởng và 5 tổng cục trưởng của Bộ Tài chính sẽ tự túc phương tiện di chuyển từ nơi ở đến cơ quan, thậm chí có người sẽ phải đi taxi sau quyết định khoán xe công này. Nhưng liệu đó có phải là bước đệm cần thiết để tiến tới loại bỏ hoàn toàn cơ chế sử dụng xe công lãng phí và đầy tranh cãi ở Việt Nam hiện nay?

Khoán xe công: Vấn đề là có muốn hay không?

25/09/2016, 11:17

6 thứ trưởng và 5 tổng cục trưởng của Bộ Tài chính sẽ tự túc phương tiện di chuyển từ nơi ở đến cơ quan, thậm chí có người sẽ phải đi taxi sau quyết định khoán xe công này. Nhưng liệu đó có phải là bước đệm cần thiết để tiến tới loại bỏ hoàn toàn cơ chế sử dụng xe công lãng phí và đầy tranh cãi ở Việt Nam hiện nay?

Một câu chuyện nhận được nhiều sự chú ý của người dân và xã hội trong những ngày gần đây là việc Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 1997/QĐ-BTC quy định chế độ khoán kinh phí sử dụng xe ô tô, được áp dụng với các chức danh Thứ trưởng Bộ Tài chính, tổng cục trưởng và tương đương.

Và khi quyết định này chính thức có hiệu lực vào ngày 1.10 tới, thì 6 Thứ trưởng và 5 tổng cục trưởng của Bộ Tài chính sẽ tự túc phương tiện di chuyển từ nơi ở đến cơ quan, thậm chí có người sẽ phải đi taxi. Đó dĩ nhiên là một tín hiệu đáng mừng, khi cuối cùng chính phủ cũng có dấu hiệu xiết chặt vấn đề lãng phí trong sử dụng xe công lên tới hơn nửa tỷ USD mỗi năm, dù mới chỉ là bước đầu và mới thí điểm ở một bộ mà thôi.

Hy vọng rằng việc khoán xe công ở Bộ Tài chính sẽ chỉ là bước đệm cần thiết để tiến tới loại bỏ hoàn toàn cơ chế xe công đầy tranh cãi ở Việt Nam hiện nay. Vì có rất nhiều trường hợp các quốc gia trên thế giới đã tìm ra những giải pháp hữu hiệu để giải quyết tận gốc vấn đề này, vấn đề là liệu Việt Nam có thực sự muốn áp dụng hay không mà thôi.

Xét trên khía cạnh câu chuyện khoán xe công ở Việt Nam trong vài năm gần đây, thì những gì đang diễn ra ở Bộ Tài chính có thể xem như một bước tiến không nhỏ. Trên thực tế, Quyết định số 1997/QĐ-BTC vừa được bộ này ban hành không phải là lần đầu tiên vấn đề khoán xe công được đặt ra đối với các cơ quan chính phủ.

Quy định khoán xe công mới nhất của chính phủ được đưa ra từ năm 2015, tại quyết định 32/2015 được thủ tướng phê duyệt trong đó đưa ra cơ chế khoán xe công rất rõ ràng; tuy nhiên theo Cục quản lý công sản (Bộ Tài chính) thì đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có địa phương hay bộ ngành nào báo cáo với Bộ Tài chính về vấn đề này.

Theo lý giải của Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng, thì cơ chế khoán xe công ban hành ở quyết định 32/2015 có nhiều điểm bất hợp lý, chẳng hạn như mức khoán 10 triệu đồng/xe là quá thấp và không đủ bù chi phí thực tế.

Ngoài ra, quy định này cũng không bắt buộc, mà chỉ khuyến khích những người trong diện có tiêu chuẩn xe công phục vụ tự nguyện đăng ký mà thôi. Hai nguyên nhân này khiến cho cơ chế khoán xe công trong quyết định 32/2015 nhanh chóng chết yểu.

Tuy nhiên, những gì Bộ Tài chính đạt được qua quyết định 1997/QQD-BTC mới chỉ là thành quả bước đầu trong cuộc chiến dai dẳng về việc khoán xe công đối với các cơ quan nhà nước mà thôi. Cơ chế khoán được áp dụng với hàm thứ trưởng và tổng cục trưởng này mới chỉ áp dụng trong quá trình di chuyển từ nơi ở đến nơi làm việc của các quan chức này mà thôi.

Cụ thể, mức khoán kinh phí đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc hàng ngày được xác định bằng đơn giá khoán (đồng/km) x số km khoán x 2 lượt x số ngày làm việc của tháng. Còn nhu cầu di chuyển liên quan đến công việc thì các quan chức này vẫn sử dụng xe công đưa đón.

Nói cách khác, Bộ Tài chính mới khoán được mức kinh phí đơn giản nhất và dễ tính toán nhất là chi phí đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc vốn cố định về chiều dài quãng đường và tần suất di chuyển hàng tháng mà thôi. Còn mức chi phí lớn nhất, phức tạp nhất và cần có kế hoạch cắt giảm nhất là di chuyển liên quan đến công việc thì Bộ Tài chính vẫn chưa có cơ chế và giải pháp cụ thể.

Dĩ nhiên, việc khoán kinh phí di chuyển từ nơi ở đến nơi làm việc của các thứ trưởng và tổng cục trưởng của Bộ Tài chính cũng sẽ đồng nghĩa với việc tiết kiệm được khá nhiều chi phí.

Theo dự kiến, mỗi tháng số tiền khoán xe cho 6 thứ trưởng của Bộ Tài chính sẽ chỉ là khoảng 44,22 triệu đồng mà thôi; so với con số 320 triệu đồng/năm chi phí cho mỗi chiếc xe công thì số tiền trên là quá nhỏ (dù chưa tính chi phí di chuyển liên quan đến công việc vẫn sử dụng xe công của các quan chức này).

Theo thống kê của Cục quản lý công sản, thì hiện nay cả nước có khoảng 40.000 xe công và chi phí cho mỗi xe trung bình là 320 triệu đồng/năm, ước tính một năm số tiền ngân sách phải bỏ ra lên tới khoảng 12.800 tỉ đồng (chưa kể số tiền bỏ ra ban đầu như tiền mua xe).

Nhưng, nếu xét vấn đề trên khía cạnh giải quyết dứt điểm bài toán xe công đối với Việt Nam hiện nay, thì giải pháp khoán của Bộ Tài chính không có nhiều ý nghĩa. Việc khoán một số tiền cố định như quyết định 32/2015 của chính phủ hay khoán kinh phí di chuyển từ nơi ở đến nơi làm việc như quyết định 1997/QĐ-BTC của Bộ Tài chính đều không phải là giải pháp khả dĩ hữu hiệu.

Khoán một số tiền cố định sẽ rất dễ rơi vào tình trạng hoặc là quá thấp không đủ bù chi phí di chuyển thực tế, hoặc là quá cao gây lãng phí. Còn khoán kinh phí dựa trên số km di chuyển như Bộ Tài chính đang làm thì chỉ có thể áp dụng với quãng đường dễ tính toán (từ nơi ở đến nơi làm việc) mà thôi, không thể áp dụng để giải quyết tận gốc khi mà nhu cầu di chuyển công việc của từng người là khác nhau.

Thực tế tham khảo các quốc gia trong khu vực và trên thế giới đã cho thấy, có không ít các giải pháp hữu hiệu có thể giải quyết tận gốc bài toán xe công mà Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng. Một giải pháp phổ biến đang được khá nhiều quốc gia sử dụng là thuê các hãng xe tư nhân cung cấp dịch vụ di chuyển cho các quan chức có đủ tiêu chuẩn.

Việc sử dụng các hàng xe tư nhân có thể giúp cho việc kiểm soát chiều dài quãng đường di chuyển một cách chuẩn xác, và thanh toán chi phí cũng sẽ chính xác và tiết kiệm hơn rất nhiều so với việc nhà nước bỏ tiền ra mua xe mới, bỏ tiền ra thuê tài xế riêng cũng như chi phí vận hành xe như Việt Nam đang làm hiện nay.

Nói cách khác là tạo ra một dịch vụ taxi riêng cho các quan chức, trong đó chi phí sẽ được kiểm soát nghiêm ngặt và đầy đủ. Điển hình cho giải pháp này là Nhật Bản, khi chỉ có thủ tướng là được đi xe công mà thôi, còn các cấp thấp hơn chủ yếu sử dụng xe tư nhân.

Vấn đề cốt lõi vì thế là ở chỗ, liệu Việt Nam có thực sự muốn giải quyết dứt điểm bài toán xe công hay không mà thôi. Nếu như những gì đang diễn ra ở Bộ Tài chính chỉ là bước đệm ban đầu để tiến tới việc áp dụng chính sách tương tự như ở Nhật Bản, thì đó là điều đúng đắn.

Nhưng nếu như đó chỉ là một thí nghiệm cho việc theo đuổi giải pháp tính chi phí dựa trên số km di chuyển – vốn là một nhiệm vụ bất khả thi – thì nó lại có rất ít ý nghĩa thực tế.

Nhàn Đàm

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khoán xe công: Vấn đề là có muốn hay không?