Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một trong những nước có thương mại điện tử phát triển hàng đầu ASEAN. Ở góc độ hành lang pháp lý cho thương mại điện tử phát triển, giới chuyên gia cho rằng còn nhiều vấn đề cần xử lý.
Ngày 14.8, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Phát triển thương mại điện tử - Cơ hội, động lực và thách thức”.
Dòng chảy hàng hoá, dữ liệu, tài chính...
Thảo luận về hành lang pháp lý để phát triển thương mại điện tử, chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành đề cập đến 3 vấn đề lớn.
Trước hết là các văn bản, khung pháp lý ứng xử với dữ liệu, bởi đây là nguồn lực mới, một nhân tố sản xuất mới và toàn bộ các hoạt động. Dù là công nghệ hiện đại đến đâu thì đều dựa trên dữ liệu, nhất là dữ liệu lớn (Big Data).
Thứ hai là các nền tảng kết nối, trao đổi điện tử với sự tham gia của rất nhiều bên liên quan, cùng các vấn đề về trách nhiệm, tranh chấp.
Thứ ba là tuân thủ các cam kết, thỏa thuận hợp tác và chuẩn mực quốc tế về dịch chuyển hàng hóa, dòng thông tin, dòng tài chính.
“Thương mại điện tử hay kinh tế số nói chung là sự kết hợp sao cho nhuần nhuyễn nhất giữa kinh tế thực, dòng chảy của hàng hóa dịch vụ thấp với dòng chảy của thông tin, dòng chảy của dữ liệu và dòng chảy của tài chính. Do đó, tôi muốn nhấn mạnh đó là vai trò của người đứng đầu. Thay vì cấp phó thì cấp trưởng phải đứng ra thì mới xử lý được”, ông Thành nêu.
TS Thành cũng cho hay hiện nay, ASEAN đang nỗ lực phát triển kinh tế số, thương mại số. Theo đó, các vấn đề cần suy nghĩ sâu hơn như dịch chuyển dữ liệu, xử lý tranh chấp xuyên biên giới, bảo đảm cạnh tranh công bằng.
Từ góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam Trần Tuấn Anh đánh giá chi phí tiếp cận mạng Internet thấp nhất thị trường Đông Nam Á. Điều này có nghĩa là người tiêu dùng ở bất cứ vùng miền nào đó có thể tiếp cận. Đây là tiền đề phát triển cho bất cứ công nghệ nào liên quan đến thương mại điện tử.
Tiếp theo hạ tầng, ông Tuấn Anh cho hay trước đây đơn hàng thời gian có thể từ 4 đến 5 ngày trên toàn quốc, nhưng hiện tại chỉ dưới 2 ngày trên toàn quốc và ở thành phố lớn thì gần như là trong ngày…
Ngoài ra, quy mô thị trường Việt Nam rất lớn, dân số đông, tiếp cận những sản phẩm mới rất nhanh cũng như thu nhập của người dân đang tăng; sản xuất nội địa rất mạnh... là tiềm lực để Việt Nam tận dụng nguồn nhân lực có kỹ năng để phát triển hơn nữa.
“Mong đợi của chúng tôi là các cơ quan chức năng có những cơ chế hỗ trợ để giúp doanh nghiệp, cá nhân được tiếp cận, tạo ra những sản phẩm, phương thức kinh doanh thương mại điện tử mới”, ông Tuấn Anh nêu.
Đại diện Shopee cũng cho rằng trải nghiệm khách hàng, giải quyết khiếu nại, bảo vệ người tiêu dùng là vấn đề sống còn của doanh nghiệp thương mại điện tử.
“Chúng tôi đã đầu tư rất lớn vào thị trường Việt Nam, có những cơ chế nhất định để kiểm soát, tăng trải nghiệm cho người tiêu dùng như giao hàng nhanh hơn, tăng sự an tâm cho người tiêu dùng. Song song với đó, chúng tôi mong có sự hướng dẫn từ các bộ, ngành cũng như địa phương trong những trường hợp cụ thể”, ông Tuấn Anh nêu.
Thúc đẩy liên kết giữa các địa phương
Ở góc độ quản lý, Bộ Thông tin và Truyền thông được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng toàn bộ hệ thống thể chế để phát triển giao dịch điện tử.
Năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã báo cáo Chính phủ và cũng đã được Quốc hội phê duyệt Luật Giao dịch điện tử 2023. Đây là luật có tác động sâu rộng trong toàn bộ hoạt động của kinh tế - xã hội trên môi trường số và bảo đảm sự triển khai các dịch vụ giao dịch số một cách liền mạch không bị đứt quãng trong thời gian qua.
Trên cơ sở Luật Giao dịch điện tử được Quốc hội phê duyệt, Bộ Thông tin và Truyền thông được giao xây dựng một số nghị định. Trong đó, có 2 nghị định quan trọng để thúc đẩy giao dịch điện tử trên môi trường số: Nghị định quy định về chữ ký số và các dịch vụ tin cậy; Nghị định về giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước và hệ thống thông tin phục vụ dịch vụ. Đây là những nghị định sẽ tạo được hành lang pháp lý rất tốt cho giao dịch điện tử.
Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) Lại Việt Anh cho rằng cần gắn những định hướng phát triển chuỗi cung ứng trong thương mại điện tử với những quy hoạch phát triển vùng, hệ thống phân phối.
Theo bà, mắt xích quan trọng nhất là thúc đẩy liên kết giữa các địa phương trong những vùng kinh tế trọng điểm. Điều này để xác định được những địa phương nào có những ưu thế những mặt hàng gì, địa phương nào có ưu thế trong lĩnh vực logistics... để có thể tối ưu hóa hiệu quả của chuỗi cung ứng trong bối cảnh của khu vực.
Bà Lại Việt Anh cũng cho rằng cần làm việc với những sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa có hàm lượng sản xuất tại Việt Nam cao, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, nhất là trong cao điểm mùa vụ.
Lâu dài hơn, cần xây dựng những thương hiệu trực tuyến cho hàng hóa Việt Nam, hướng đến để đưa những sản phẩm của Việt Nam ra nước ngoài; xây dựng và phát triển thương hiệu trực tuyến cho hàng hóa Việt Nam, đây cũng là một trong những định hướng ưu tiên.
Sau cùng, theo bà Việt Anh là quy hoạch và phát triển mạng lưới logictics. Tỷ trọng logictics hiện nay tương đối cao trong giá thành sản phẩm, đặc biệt là thương mại điện tử.