Trong nhiệm kỳ 5 năm qua (2011-2016), bình quân hàng năm, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) thực hiện khoảng 180-200 cuộc kiểm toán với quy mô năm sau tăng hơn năm trước khoảng 10%.

Kiểm toán Nhà nước thực hiện khoảng 200 cuộc kiểm toán mỗi năm

Một Thế Giới | 23/03/2016, 08:37

Trong nhiệm kỳ 5 năm qua (2011-2016), bình quân hàng năm, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) thực hiện khoảng 180-200 cuộc kiểm toán với quy mô năm sau tăng hơn năm trước khoảng 10%.

Kiến nghị xử lý 101.037 tỉ đồng

Báo cáo công tác KTNN trước Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nguyễn Hữu Vạn nhấn mạnh rằng, hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN ngày càng được hoàn thiện, năng lực kiểm toán ngày càng được nâng cao, hoạt động ngày càng chuyên nghiệp hơn. Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ từng bước được củng cố, kiện toàn cả về cơ cấu, số lượng và chất lượng.

Báo cáo cũng cho biết, trong nhiệm kỳ vừa qua, quy mô kiểm toán tăng một cách hợp lý, bình quân hàng năm thực hiện khoảng 180-200 cuộc kiểm toán với quy mô năm sau tăng hơn năm trước khoảng 10%.

Chất lượng và hiệu lực kiểm toán ngày càng tiến bộ thông qua việc chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, chủ trương đổi mới, qua đó đã góp phần tăng thu, giảm chi ngân sách và xử lý tài chính khác 101.037 tỉ  đồng, bằng 55% số kiến nghị xử lý tài chính trong 21 năm hoạt động của KTNN (184.486 tỉ đồng), trong đó 3 năm gần đây số liệu kiến nghị thực tăng thu, giảm chi ngân sách tăng cao gần hai lần so với các năm trước (năm 2013 là 8.683 tỉ đồng, năm 2014 là 8.061 tỉ đồng, năm 2015 là 12.658 tỉ đồng).

Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 360 văn bản. Báo cáo cũng khẳng định, hoạt động của KTNN cũng đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và năng lực quản trị doanh nghiệp nhà nước, nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Không ít hạn chế

Bên cạnh những thành tựu đạt được thì KTNN cũng thừa nhận những hạn chế của mình. Theo ông Nguyễn Hữu Vạn, trong nhiệm kỳ, vẫn còn những tồn tại hạn chế về quy mô, chất lượng, hiệu lực kiểm toán.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp với các bộ ngành địa phương còn hạn chế; chất lượng cán bộ còn bất cập, việc xây dựng các chuẩn mực kiểm toán có lúc chưa theo kịp định hướng đổi mới và yêu cầu đặt ra.

Ông Nguyễn Hữu Vạn cũng cho biết, những hạn chế đó đều xuất phát từ nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Đồng thời Báo cáo cũng đề xuất các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm và nêu một số kiến nghị đối với cấp có thẩm quyền nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng kiểm toán đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước, phù hợp với các chuẩn mực kiểm toán quốc tế.

Về phương hướng trong nhiệm kỳ mới, Tổng KTNN Nguyễn Hữu Vạn khẳng định, ngành kiểm toán sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp kiểm toán nhằm nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán; tập trung kiểm toán các lĩnh vực, đối tượng kiểm toán tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng, lãng phí.

Ngay sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đã trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011 - 2016 của Tổng KTNN. Bên cạnh việc ghi nhận những thành tích đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua của KTNN, ông Phùng Quốc Hiển cũng chỉ ra một số hạn chế trong công tác của KTNN nhiệm kỳ qua.

Theo đó, công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán, quy mô kiểm toán, việc ứng dụng CNTT còn hạn chế nhất định. Thời gian kiểm toán còn dài, thời gian ban hành báo cáo kiểm toán còn chậm và chất lượng báo cáo một số cuộc kiểm toán còn hạn chế.

Bên cạnh đó, một số kết luận chưa sát thực tế, trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức của một bộ phận kiểm toán viên chưa cao.

Báo cáo thẩm tra ông Phùng Quốc Hiển trình bày cũng đề nghị KTNN tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Đảng, Quốc hội trong xây dựng, thực hiện các kế hoạch kiểm toán; không ngừng củng cố hệ thống bộ máy, đẩy mạnh đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực, phẩm chất đội ngũ cán bộ.

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng các chuẩn mực kiểm toán tiên tiến,... để không ngừng nâng cao chất lượng các mặt hoạt động kiểm toán, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn mới.

Trí Lâm

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyên gia nói gì về dự thảo nghị định điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu?
Chuyên gia đồng tình việc ghi nhận sản lượng điện giá 0 đồng khi chưa tính toán được toàn bộ lợi ích-chi phí và những hệ lụy của việc các hộ điện mặt trời tự sản, tự tiêu bán điện vào lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, cần tính toán cụ thể về lợi và hại của lượng điện này.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kiểm toán Nhà nước thực hiện khoảng 200 cuộc kiểm toán mỗi năm