Số lượng tàu bè ra biển để đánh bắt giảm rất nhiều… Nhiều tàu cá phải nằm bờ, các công nhân khóc ròng vì sẽ thất nghiệp.

Kiên Giang: Ngư trường cạn kiệt, nhiều tàu cá nằm bờ

01/08/2019, 09:23

Số lượng tàu bè ra biển để đánh bắt giảm rất nhiều… Nhiều tàu cá phải nằm bờ, các công nhân khóc ròng vì sẽ thất nghiệp.

Nhiều tàu cá nằm bờ do nguồn thủy sản cạn kiệt - Ảnh: Tô Văn

Trong 6 tháng đầu năm, chỉ tiêu trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh Kiên Giang đạt rất thấp so với mọi năm. Trong đó đáng lo ngại là sản lượng đánh bắt hải sản có thể không đạt chỉ tiêu đề ra. Năm nay dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian sắp tới.

Qua thông kê chưa đầy đủ thì hiện nay có khoảng 1.000 tàu cá đang nằm bờ và phần lớn các tàu làm ăn không hiệu quả như những năm về trước. Từ đầu năm đến nay, các cơ sở thu mua, chế biến hải sản ở cảng cá Tắc Cậu không còn không khí nhộn nhịp, tấp nập, khẩn trương như mọi năm do không đủ sản lượng hàng để tiêu thụ. Nguyên nhân chủ yếu là do số lượng tàu bè ra biển để đánh bắt giảm quá nhiều vì thế không có sản phẩm để thu mua.

Cảng cá Tắc Cậu vắng tanh, không còn cảnh nhộn nhịp tấp nập, khẩn trương như mọi năm - Ảnh: Tô Văn

“Mực khô năm ngoái mỗi chuyến tàu về 1 tháng, công ty tôi có thể thu mua được khoảng 2 - 3 tấn. Nhưng năm nay sản lượng giảm phân nữa. Riêng cá thì chỉ mua được khoảng 60% so với năm rồi”, một giám đốc công ty mua bán chế biến thủy sản bộc bạch.

Hầu hết các đơn vị thu mua hải sản lớn ở tỉnh Kiên Giang đều gặp khó, sản lượng thu mua từ đầu năm đến nay giảm từ 60%. Việc các tàu cá nằm bờ nhiều, sản lượng giảm kéo theo xuất khẩu hải sản giảm, nên lượng công nhân thất nghiệp sẽ tăng lên.

Theo ghi nhận hiện trạng, hầu hết các đơn vị thu mua hải sản đều đầu tư tiền cho các chủ tàu để ra khơi hàng tỉ đồng. Sau mỗi chuyến đi biển thì các chủ tàu sẽ bán nguyên liệu cho các cơ sở hay công ty đã đầu tư vốn. Nhưng năm nay, các chủ tàu cho tàu nằm bờ, không ra khơi đánh bắt vì không hiệu quả nên các chủ tàu không có tiền trả cho các cơ sở, công ty thu mua.

Các ngân hàng hiện nay cũng rất lo lắng vì khoản vay nợ của các chủ tàu rất lớn nếu nằm bờ thường xuyên thì sẽ không có tiền trả nợ vay. “Hiện tại, chúng tôi rất lo lắng về khoản vay ngân hàng, chi phí mỗi chuyến ra khơi (một cặp tàu - PV) của chúng tôi ngốn khoảng 1 tỉ đồng, trong đó tạm ứng trước cho 20 ngư dân, mỗi ngư dân từ 15 - 20 triệu đồng.

Đánh bắt trái phép thủy sản làm nguồn tôm, cá cạn kiệt - Ảnh: Tô Văn

Nếu chúng tôi đánh bắt không hiệu quả coi như lỗ trắng. Theo tôi nhìn nhận, nguồn lợi hải sản năm nay không cao, ngư trường trong nước đã cạn. Một số chủ tàu khác đang cho tàu nằm bờ hoặc giải quyết công nợ, bán tàu”, một chủ tàu tâm sự.

Ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch hội Nghề cá TP.Rạch Giá cho biết: “TP.Rạch Giá có tỉ lệ tàu cá nằm bờ hơn 50% số lượng tàu. Chính bản thân tôi có 6 cặp tàu mà phải đậu 4 cặp, chỉ chạy có 2 cặp. Nếu bán tàu thì tôi lỗ nặng nhưng vẫn bán, mà bán bây giờ không có ai mua. Một cặp tàu nếu trong thời điểm bình thường đóng chừng 15 tỉ, còn bây giờ mà bán thì lỗ hơn phân nữa”.

Kiên Giang là 1 trong những tỉnh có số lượng tàu cá nhiều nhất cả nước, hiện cả tỉnh có hơn 10.000 tàu. Vì thế, UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu Sở NN-PTNT và các sở ngành liên quan nghiên cứu để có những biện pháp thiết thực hỗ trợ cho bà con ngư dân để bám biển.

Một lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: “Hiện tại, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm các tình trạng đánh bắt trái phép, nhưng một mặt cũng phải có giải pháp hỗ trợ hoạt động đánh bắt hợp pháp để ổn định tình hình. Nếu làm không khéo giải pháp này thì có khả năng các chủ tàu, doanh nghiệp sẽ phá sản”.

Tô Văn

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều cơ hội
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết trong quý 1/2024, gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường gạo thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kiên Giang: Ngư trường cạn kiệt, nhiều tàu cá nằm bờ