Ngày 18.10, Thường trực Thành ủy TP.HCM có buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) về một số nội dung liên quan đến vấn đề đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất.

Kiến nghị tháo gỡ những điểm nghẽn lớn liên quan đến đất đai tại TP.HCM

Tú Viên | 18/10/2022, 15:39

Ngày 18.10, Thường trực Thành ủy TP.HCM có buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) về một số nội dung liên quan đến vấn đề đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất.

Buổi làm việc cũng trao đổi thêm một số nội dung về những đề xuất thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội và những kiến nghị giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực đất đai tại TP.HCM.

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho rằng, TP xác định có 5 vấn đề đang là điểm nghẽn lớn nhất cần phải được xem xét, tháo gỡ ngay, như tiến độ công tác lập quy hoạch TP.HCM chưa đáp ứng yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết 11/NQ-CP.

Thủ tục hành chính giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất phụ thuộc vào các quy định pháp luật khác như pháp luật về đầu tư, về đấu thầu, pháp luật về nhà ở, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công… trong khi các quy định này chưa thống nhất dẫn đến việc giải quyết hồ sơ kéo dài.

Việc xử lý đất và các tài sản khác gắn liền với đất là tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, tuy nhiên khái niệm “tài sản công” vẫn chưa được quy định cụ thể.

z3809356564488_e18e1374256f898049e0b1889027762c.jpg
Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi họp - Ảnh: P.V

Từ 5 vấn đề đang là điểm nghẽn nêu trên, ông Phan Văn Mãi kiến nghị tách phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai TP thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 để thực hiện độc lập; sau khi hoàn tất sẽ tích hợp vào quy hoạch TP.HCM. Đồng thời, cần thống nhất thủ tục hành chính giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định pháp luật về đất đai. Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật này với các luật khác về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì thực hiện theo quy định của Luật Đất đai.

Ông Mãi cũng đề xuất cho UBND TP thí điểm thực hiện thủ tục về thuê đất, thuê đất có mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai; không thực hiện thủ tục thuê khu vực biển được quy định tại Luật Biển Việt Nam và Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo như hiện nay đối với các dự án về cảng biển; cho phép Trung tâm Phát triển quỹ đất triển khai công tác khai thác ngắn hạn đối với các khu đất do Trung tâm quản lý nhưng chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất…

Ngoài ra, phân cấp cho TP thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; cấp giấy phép môi trường đối với các dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với công suất trung bình. Đối với dự án nhóm A có cấu phần xây dựng được phân loại theo tiêu chí quy định của pháp luật đầu tư công, xây dựng và không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Đối với các dự án xử lý rác mới, ông Mãi đề nghị cho TP thí điểm được triển khai đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công xử lý chất thải rắn sinh hoạt; trong đó, TP giao đất, cho thuê đất trong các khu liên hợp xử lý chất thải đã được quy hoạch và đưa ra các yêu cầu về công suất, tiêu chí về công nghệ, tiêu chuẩn môi trường, đơn giá và các yêu cầu khác có liên quan nhằm lựa chọn nhà đầu tư có năng lực thực hiện dự án đầu tư xây dựng và vận hành nhà máy để xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu đất được giao trong các khu liên hợp xử lý chất thải của TP.

Bên cạnh đó, cần bổ sung khái niệm về chuyển mục đích sử dụng đất và quy định chuyển mục đích sử dụng đất cũng là một quyền của người sử dụng đất nhằm làm rõ các thuật ngữ giao đất, cho thuê đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong đó người sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất được sử dụng đất theo hình thức giao đất hoặc thuê đất.

18-10-2022-tphcm-kien-nghi-nhieu-noi-dung-quan-trong-ve-quan-ly-dat-dai-moi-truong-55a2ffbd-details.jpeg
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: P.V

Đối với đất do các doanh nghiệp đã thực hiện xong việc cổ phần hóa đang quản lý, sử dụng: Không lập lại Phương án sử dụng đất đối với doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa nhưng không có Phương án sử dụng đất. Đồng thời, giải quyết các thủ tục đất đai (ký Hợp đồng thuê đất, ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất hoặc thu hồi đất) theo đúng các quy định pháp luật đất đai.

Cần bổ sung khái niệm “đất do Nhà nước trực tiếp quản lý”, từ đó xác định cụ thể những trường hợp đất đai là đất do Nhà nước trực tiếp quản lý để có chế định quản lý, sử dụng đất đặc biệt; tránh gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước cũng như tránh áp dụng pháp luật tùy tiện đối với các loại đất khác không phải là đất do Nhà nước trực tiếp quản lý.

Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ, qua đại dịch COVID-19, TP.HCM nhìn thấy tinh thần khát khao phát triển và sức mạnh nội sinh rất lớn trong nhân dân và doanh nghiệp. Do đó, việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn, nút thắt; tạo điều kiện thông thoáng hành lang pháp lý bảo đảm an toàn thì TP.HCM sẽ phát triển nhanh, mạnh và bền vững hơn.

Qua các ý kiến liên quan đến vấn đề đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, Bí thư Thành ủy TP.HCM yêu cầu, những việc TP.HCM chưa làm thì tiếp tục tập trung làm trong thời gian tới. Đồng thời, TP.HCM không đề xuất những vấn đề thuộc thẩm quyền của TP, những việc đã có trong quy định pháp luật.

Dù vậy, ông Nguyễn Văn Nên khẳng định lại, những vấn đề mới chưa có hoặc quy định không còn phù hợp thì TP.HCM đề xuất đăng cai thí điểm thực hiện để tổng kết rút kinh nghiệm.

“Thời gian rất quan trọng. Một trong những điều tiếc nhất đó là bỏ qua cơ hội phát triển”, Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh và bày tỏ rằng cơ chế thí điểm rất quan trọng, cần thiết đối với TP.HCM lúc này.

Sau khi nghe ý kiến các thành viên trong đoàn, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến, kiến nghị đề xuất thí điểm nhiều cơ chế, chính sách về đất đai, môi trường của TP rất đúng và có cơ sở xác đáng.

Bộ trưởng Bộ TN-MT khẳng định, đến thời điểm này, có ít nhất 16/18 nhóm vấn đề khó khăn, vướng mắc mà TP.HCM kiến nghị đã được đưa vào nội dung dự thảo Luật đất đai mới.

Bài liên quan
TP.HCM dự định lắp đặt 1.900 đèn tín hiệu giao thông và đèn rẽ phải
Sở GTVT TP.HCM thông tin, thành phố đã tiến hành rà soát và lên kế hoạch lắp đặt 1.900 đèn tín hiệu giao thông và đèn tín hiệu rẽ phải tại 524 giao lộ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
39 phút trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kiến nghị tháo gỡ những điểm nghẽn lớn liên quan đến đất đai tại TP.HCM