Hà Thanh Vân là Tiến sĩ ngành Ngữ văn, hiện đang giảng dạy tại một số trường đại học. Là một người ngưỡng mộ nhà văn Kim Dung nên ngoài những công trình về văn học Việt Nam, chị cũng đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu về tiểu thuyết võ hiệp của ông.

Kim Dung qua góc nhìn của một 'nữ hiệp giang hồ'

TIỂU VŨ | 01/11/2018, 05:39

Hà Thanh Vân là Tiến sĩ ngành Ngữ văn, hiện đang giảng dạy tại một số trường đại học. Là một người ngưỡng mộ nhà văn Kim Dung nên ngoài những công trình về văn học Việt Nam, chị cũng đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu về tiểu thuyết võ hiệp của ông.

Vì thích tác phẩm ca Kim Dung nên trong bạn bè vẫn thường gọi vui Hà Thanh Vân là "Nữ hiệp giang hồ".

Được tin nhà văn qua đời ở tuổi 94, TS Hà Thanh Vânđã dành cho báo điện tử Một Thế Giới cuộc trao đổi về những tác phẩm của Kim Dung qua góc nhìn chị.

Nhà văn Kim Dung và những nhân vật của ông trên màn ảnh - Ảnh: Tiểu Vũ

P.V: Một cái nhìn tổng quan của chị về tiểu thuyết võ hiệp của nhà văn Kim Dung ?

- Tiến sĩ Hà Thanh Vân: Nói đến Kim Dung, chúng ta liên tưởng đến một nhà văn đồng thời là một nhà ký hiệu học Italia hiện đại, Umberto Eco. Trước tình hình thực tế là ở phương Tây, những cuốn sách xếp vào hàng best - seller là những cuốn mà giới trí thức không bao giờ để mắt tới, còn ở công chúng bình thường thì tình hình ngược lại, ông đã viết cuốn sách “Tên của đóa hồng” với ý định sẽ biến cuốn sách của mình thành một sản phẩm thu hút sự chú ý của mọi tầng lớp độc giả. Và ông đã làm được điều ấy. Người đọc bình thường cho rằng đây là một cuốn tiểu thuyết vụ án ly kỳ. Người ham mê lịch sử có thể tìm thấy ở đây nhiều tư liệu lịch sử hấp dẫn. Những tín đồ Thiên chúa giáo thì thích thú nó với tư cách là một cuốn sách tôn giáo. Tầng lớp trí thức thì hết lời khen ngợi về những tư tưởng triết lý mà nhà văn đã đề cập đến trong tác phẩm.

Kim Dung trên một phương diện nào đó cũng giống như Umberto Eco. Những nhà văn như vậy trên thế giới hẳn là không nhiều lắm. Mỗi nhà văn là một tài năng không giống nhau, đa dạng trong nhiều vẻ, nhiều hình thức, và do vậy, công chúng văn học của họ dường như cũng không giống nhau. Kim Dung là nhà văn có công chúng thuộc mọi tầng lớp, và có lẽ đối với bất kỳ một người cầm bút nào, đấy là niềm tự hào và vinh dự.

- Theo chị, tác phẩm của Kim Dung đã ảnh hưởng như thế nào đến đời sống của người Việt ?

- Kể từ lần đăng báo đầu tiên cho đến nay hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng những tác phẩm của Kim Dung vẫn chứng tỏ rằng nó không hề mất đi sức thu hút đối với độc giả, mà ngược lại, theo thời gian, số độc giả của nó ngày càng tăng lên.

Một tác phẩm khi được nhà văn hoàn thành, được nhà xuất bản in ấn thành một cuốn sách hoàn chỉnh, thực sự vẫn chưa đi hết con đường của nó. Tác phẩm chỉ bước vào đời sống khi được công chúng biết đến. Quá trình tác phẩm văn học bước vào đời sống được gọi là quá trình tiếp nhận văn học. Những tác phẩm của Kim Dung ngay từ khi ra đời đã được đông đảo công chúng văn học đón nhận. Phải nói ngay là đối tượng đọc Kim Dung cũng hết sức phong phú, đa dạng, đủ mọi tầng lớp, mọi thành phần trong xã hội. Đây là điều hết sức đặc biệt vì số nhà văn viết được như vậy không nhiều.

Mê truyện Kim Dung nên TS Hà Thanh Vân mặc trang phục cổ trang

Ở Việt Nam, không phải chỉ thế hệ trung niên đã từng tiếp xúc với tác phẩm Kim Dung trước giải phóng mới say sưa, hâm mộ. Ngay cả những thế hệ sau này, trẻ hơn, với nhiều thú vui giải trí hơn, và dù quay cuồng trong thời buổi kinh tế thị trường vẫn cứ ham mê đọc truyện Kim Dung như ngày xưa cha họ, anh họ từng ham mê. Theo tôi biết đã có nhiều bạn trẻ tự nguyện đánh máy vi tính hàng ngàn trang sách của Kim Dung, đưa lên mạng Internet miễn phí cho mọi người cùng thưởng thức, và kêu gọi mọi người cùng tham gia viết bài bình luận chỉ với hai điều kiện: là người Việt Nam và phải mê truyện võ hiệp. Thậm chí, cũng giống như ngày xưa, họ ký tên dưới mỗi bài viết của mình bằng những bút danh lấy từ tên nhân vật trong tác phẩm: Độc Cô, Vạn lý độc hành Điền Bá Quang, Vô Kỵ…

Trước kia, trên một tờ báo xuất bản tại TP.HCM chuyên mục cờ tướng, các kỳ thủ vẫn được gọi bằng những biệt danh cũng từ truyện Kim Dung. Chẳng hạn nữ Quốc tế đại sư Lê Thị Hương được gọi là Diệt Tuyệt sư thái… Như vậy, từ một hiện tượng văn học, tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung đã đi vào đời sống xã hội.

Vì sao tác phẩm của Kim Dung lại có sức hút với người Việt Nam đến thế ?

Để giải thích vì sao tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung lại có sức thu hút độc giả thuộc mọi tầng lớp, các nhà nghiên cứu đã nêu lên nhiều lý do khác nhau, nhưng nhìn chung có thể tóm tắt lại như sau:

- Truyền thống tiểu thuyết võ hiệp Trung Quốc đã đóng vai trò nền tảng, tạo cho công chúng, đặc biệt là công chúng các nước châu Á một tâm thức dễ dàng đón nhận tiểu thuyết Kim Dung.

- Nối tiếp được truyền thống tiểu thuyết võ hiệp Trung Quốc, nhưng hơn thế nữa, nhà văn Kim Dung đã mang lại những sắc thái hiện đại cho một thể loại tưởng chừng như đã cổ xưa. Điều này thể hiện trong cách xây dựng nhân vật, trong kết cấu tác phẩm, trong quan niệm nghệ thuật của nhà văn…

Với sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, người viết cho rằng tác phẩm của Kim Dung sở dĩ có sức thu hút mọi tầng lớp độc giả chính là ở chỗ kết cấu trùng trùng điệp điệp, nhiều tầng nhiều nghĩa. Và ở mỗi loại công chúng khác nhau, tầm tiếp nhận của tác phẩm lại mở ra trên nhiều cấp độ khác nhau.

Một số tác phẩm của nhà văn Kim Dung xuất bản tại Việt Nam

Người đọc bình dân thì bị thu hút bởi những võ công kỳ lạ mà ngay như tên gọi đã gợi sự tò mò cao độ: Nhất dương chỉ, Hàm mô công, Giáng long thập bát chưởng, Càn khôn đại nã di tâm pháp… hay những mối tình éo le, với đủ mọi thăng trầm, trắc trở, dù là kết thúc bi thảm hay có hậu: Dương Tiêu và Kỷ Hiểu Phù, Trương Vô Kỵ và Triệu Minh, Kiều Phong và A Châu… Các bậc trí thức thì tâm đắc với cách lý giải chính - tà, quan niệm về thiện - ác của Kim Dung, về thân phận con người giữa bao la thế giới, tâm đắc với những kiến thức lịch sử rộng lớn hay kiến thức về một nền văn hóa Trung Hoa mênh mông, vĩ đại. Dường như mỗi tầng lớp độc giả đều tìm thấy ở tác phẩm của Kim Dung những điều mà họ cần, những điều mà họ quan tâm và cả những điều mà họ chia sẻ.

- Tác phẩm nào của Kim Dung gây ấn tượng mạnh mẽ cho chị ?

- Trong những tác phẩm của Kim Dung, tôi thích nhất "Tiếu ngạo giang hồ". Tôi thích "Tiếu ngạo giang hồ" không phải vì những chiêu thức kiếm thuật "vô chiêu thắng hữu chiêu" của "Độc cô cửu kiếm", cũng không phải vì mối tình hội ngộ ngẫu nhiên mà gắn kết trọn đời giữa Lệnh Hồ Xung - Nhậm Doanh Doanh, cũng không phải vì những cuộc tranh cãi hài hước bất tận của Đào Cốc Lục Tiên… mà thích vì tinh thần "cô đơn cười ngạo giang hồ" mà Kim Dung thể hiện trong tác phẩm này.

"Tiếu ngạo giang hồ" là tác phẩm diễn tả những nỗi cô đơn và cô độc. Các nhân vật trong "Tiếu ngạo giang hồ", xét cho cùng đều là những nhân vật sống với cái tôi cô độc của mình, với những tâm sự cô đơn triền miên, dù ở nhiều sắc thái khác nhau.

Lệnh Hồ Xung là đứa trẻ mồ côi, được cưu mang, dạy dỗ. Cuộc đời tưởng đã mở rộng trước mắt chàng: sư phụ và sư mẫu thương yêu, sư đệ quý mến, và có mối duyên thanh mai trúc mã với cô tiểu sư muội ngây thơ. Nhưng chàng đã bị đẩy đến tận cùng của nỗi đau mất mát: sư phụ đuổi khỏi môn phái, tiểu sư muội yêu người khác, thân mang thương tích hiểm nghèo, bị hàm oan, bị nghi ngờ. Đó là nỗi cô đơn của một con người tưởng đã với tay chạm vào hạnh phúc.

- Những nhân vật nào trong truyện của Kim Dung khiến cho chị bị ám ảnh ?

- Kim Dung xây dựng nhiều hình tượng nhân vật si tình, khổ vì tình. Mỗi nhân vật lại có một dáng vẻ riêng, cách ứng xử riêng với nỗi đau tình đơn phương. Tôi nhớ nhất và ám ảnh bởi hai nhân vật si tình đơn phương là Lý Mạc Sầu trong “Thần điêu hiệp lữ” và Du Thản Chi trong “Thiên long bát bộ”. Đó đều là hai nhân vật tột cùng đau khổ vì tình. Nhưng Du Thản Chi còn hơn Lý Mạc Sầu ở chỗ dù phải trở thành một quái nhân vì A Tử, anh chàng này vẫn có diễm phúc được theo hầu hạ, mua vui cho người mình yêu, thậm chí có lúc nhờ A Tử mù lòa, mà còn được nàng tưởng là mộtchàng trai phong lưu tuấn nhã, võ công cao cường. Dù Du Thản Chi cũng chết theo người mình yêu, nhưng vẫn có niềm an ủi sau cuối là cùng vùi thân nơi đáy vực.

Nhân vật Lý Mạn Sầu của Kim Dung trên màn ảnh

Còn Lý Mạc Sầu mới thật là một nhân vật cô độc đớn đau. Dù si tình đến mấy nhưng có mấy ai nỡ biến tình sầu thành tình hận, thề sẽ giết người mình yêu, trả thù đến cả những người thân thuộc, chỉ riêng Lý Mạc Sầu làm vậy. Chứng kiến cảnh đám cưới của Lục Triển Nguyên và Hà Nguyên Quân, mười năm dài mong có ngày trả hận hai người. Nhưng cuối cùng thì hận không trả được, bản thân mình thì ôm mối hận tình vùi thân trong biển lửa! Cả đời của Lý Mạc Sầu là nỗi cô độc triền miên. Sư phụ không ưu ái, ghen tức với sư muội là Tiểu Long Nữ. Bạn bè không có, xuất gia để diệt tình mà vẫn không xong. Mặc áo đạo cô mang phất trần đi ngao du giang hồ để nổi danh là một nữ ma đầu độc ác! Vậy mà đến lúc chết, con người đó vẫn băn khoăn vì một chữ tình! Cả cuộc đời tự hỏi tình là gì? Nhắm mắt xuôi tay vẫn tìm ra không ra lời giải!

Truyện của Kim Dung có tình si của Đoàn Dự với Vương Ngữ Yên, có tình thảm giữa Tiêu Phong và A Châu, có tình thơ của Ân Ly với Trương Vô Kỵ, có tình nhớ của Quách Tườngvới Dương Quá, có tình sầu giữa Đinh Điển và Lăng Sương Hoa, và vô số mối tình khác. Nhưng có lẽ chỉ có một tình hận giữa Lý Mạc Sầu và Lục Triển Nguyên.

Xin cảm ơn chị !

Tiểu Vũ thực hiện
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
28 phút trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kim Dung qua góc nhìn của một 'nữ hiệp giang hồ'