Ngày 29.6, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2022.

Kinh tế TP.HCM phục hồi nhanh, hiện đã cơ bản đạt được 80% mức trước dịch

T.V | 29/06/2022, 13:01

Ngày 29.6, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2022.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, qua tham vấn ý kiến của các chuyên gia có 70-80% ý kiến chuyên gia cho rằng kinh tế Thành phố phục hồi nhanh, đồng bộ, đến thời điểm hiện đã cơ bản đạt được 80% mức trước dịch. Tuy nhiên, theo ông Phan Văn Mãi, vẫn còn một số ý kiến chuyên gia cho rằng, nếu so sánh với các đô thị lớn trên cả nước và so sánh với khu vực và quốc tế, việc phục hồi của Thành phố chưa đạt được mức tiềm năng.

“Mặc dù vậy, Thành phố thống nhất đánh giá, kinh tế TP.HCM 6 tháng đầu năm 2022 đã phục hồi nhanh, đồng bộ và gần chạm được trạng thái trước dịch”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

hoinghi.jpeg
Toàn cảnh hội nghị-Ảnh: TTBC

Về những tồn tại và hạn chế, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, mặc dù, trong quý 4.2021 và 6 tháng đầu năm 2022, UBND TP.HCM, các sở, ngành, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện đã có nhiều nỗ lực trong việc tháo gỡ các vướng mắc để hoạt động kinh tế, xã hội được diễn ra thông suốt và dòng vốn được chạy, nhằm tạo ra công ăn việc làm, tạo ra thu nhập cho người dân, doanh nghiệp và cho ngân sách.

“Tuy nhiên, việc giải quyết các thủ tục hành chính vẫn là điểm nghẽn lớn nhất, ảnh hưởng đến việc hấp thu vốn kể cả việc giải ngân vốn đầu tư công cũng gặp khó khăn; Việc hấp thu vốn từ xã hội cũng bị vướng mắc rất nhiều thủ tục và rất nhiều dự án không chạy được, cho nên dòng tiền không chảy vào hoạt động sản xuất kinh doanh, không tạo ra công ăn việc làm, không tạo ra giá trị cho nền kinh tế…”, ông Phan Văn Mãi nhìn nhận.

Từ những nhận định trên, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu từng ngành, từng quận, huyện và TP.Thủ Đức cần phải tập trung khắc phục những vướng mắc này để công việc của người dân của doanh nghiệp được chạy xuyên suốt, qua đó, đẩy nhanh phục hồi và tăng tốc trong năm 2023.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng yêu cầu các sở, ngành, các địa phương ngoài việc tập trung hoàn thành những chỉ tiêu đề ra của năm 2022, cũng cần phải chuẩn bị nền tảng, tạo đà tốt hơn cho việc tăng tốc trong năm 2023.

Trình bày báo cáo kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, Giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai nhận định, kinh tế - xã hội thành phố đã phục hồi sớm hơn so vói kỳ vọng. Kinh tế tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ, tạo tâm lý và tin tưởng cho người dân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh.

Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 728.706 tỷ đồng, tăng 3,82% so với cùng kỳ. Từ mức giảm sâu ở quý III, IV năm 2021 lần lượt là -24,97% và -11,64%, 6 tháng đầu năm 2022 tăng 3,82%, quý II năm 2022 ước tăng 5,73%, phục hồi tăng trưởng theo hình chữ V và đến nay đã ổn định.

“Điều này cho thấy quá trình phục hồi kinh tế đi đúng hướng, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát huy hiệu quả tích cực, hoạt động kinh tế - xã hội đã trở lại như trước khi có dịch”, Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM nhận định.

Tuy nhiên, các khu vực kinh tế tăng trưởng chưa cao, chưa tận dụng hết dư địa để phát triển. Một số ngành có chỉ số lao động giảm như: Sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 36,3%; sản xuất đồ uống giảm 22,4%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hoá chất giảm 21,4%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác giảm 16,6%.

Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 chưa đạt như kỳ vọng; chỉ số cải cách hành chính năm 2021 còn thấp. So với năm 2020, chỉ số cải cách hành của TPHCM đã tụt hạng, hạng 43 so với hạng 23 của năm 2020.

Về khả năng hấp thụ vốn của nhiều lĩnh vực còn thấp, chưa đạt kế hoạch. Bà Lê Thị Huỳnh Mai đánh giá một phần nguyên nhân là những vướng mắc, cản trở về thể chế, chính sách nói chung. Nhưng mặt khác, môi trường đầu tư còn chưa hấp dẫn, trong đó có nguyên nhân chủ quan từ phía đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, nhất là trong phối hợp giải quyết các thủ tục đầu tư, đất đai, tài sản công còn mất nhiều thời gian.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Người Việt có gien về KH-CN, là lợi thế để phát triển ngành bán dẫn
38 phút trước Nhịp đập khoa học
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay Việt Nam có nhiều lợi thế về công nghiệp bán dẫn, trong đó đáng chú ý là người Việt có gien về khoa học công nghệ. Lợi thế này không kém gì lợi thế về địa chính trị.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kinh tế TP.HCM phục hồi nhanh, hiện đã cơ bản đạt được 80% mức trước dịch