Báo New York Times (NYT, Mỹ) ngày 5.9 đưa ra những thông tin khẳng định Triều Tiên có bom hạt nhân từ sự đồng lõa của Bắc Kinh, và chính thứ vũ khí này ‘ngáng chân’ Trung Quốc thực hiện tham vọng bá chủ quyền lực.

Kỳ 1: Triều Tiên có bom hạt nhân từ sự đồng lõa của Bắc Kinh

08/09/2017, 14:03

Báo New York Times (NYT, Mỹ) ngày 5.9 đưa ra những thông tin khẳng định Triều Tiên có bom hạt nhân từ sự đồng lõa của Bắc Kinh, và chính thứ vũ khí này ‘ngáng chân’ Trung Quốc thực hiện tham vọng bá chủ quyền lực.

Mao Trạch Đông (giữa) tiếp Thủ tướng Bhutto của Pakistan (phải)-Ảnh: Getty Images

Triều Tiên trở thành một quốc gia hạt nhân với 6 lần thử từ năm 2006 đến nay, phần nào từ những đường lối của Bắc Kinh, và trở nên một thách đố dễ khiến Trung Quốc cáu giận.

Vây quanh Trung Quốc là hàng xóm có vũ khí hạt nhân

Trung Quốc có nhiều hàng xóm có vũ khí hạt nhân (VKHN) nhất: Nga, Ấn Độ, Pakistan và nay là Triều Tiên. Nhưng tình hình này phần nào do chính Bắc Kinh gây ra.

Theo NYT, nguồn gốc chương trình hạt nhân Triều Tiên là từ một thỏa thuận năm 1976, giữa Mao Trạch Đông với Zulfikar Ali Bhutto, lúc đó là Thủ tướng Pakistan.

Năm 1974, Ấn Độ thử bom hạt nhân đầu tiên, ông Bhutto không muốn chịu thua láng giềng. Bắc Kinh xem Ấn là mối đe dọa tiềm năng và hai bên đã có cuộc chiến tranh biên giới năm 1962. Nên Mao đồng ý giúp ông Bhutto.

Sau khi Mao qua đời, nhiều quan chức Pakistan qua dự lễ tang. Năm 1982, Trung Quốc chuyển uranium có thể tạo bom cho Pakistan, theo A. Q. Khan, nhà vật lý hạt nhân lập chương trình làm giàu uranium cho dự án bom hạt nhân của Pakistan.

Năm 1990, Trung Quốc trao bãi thử Lop Nur cho Pakistan, lặng lẽ để nước này thử quả bom hạt nhân đầu tiên ở đó, theo cuốn Chuyến tàu tốc hành hạt nhân của hai chuyên viên kỳ cựu của chương trình hạt nhân Mỹ.

Mỹ bực tức hành xử của Bắc Kinh gồm bán công nghệ hạt nhân cho các nước đang phát triển nên ở sau hậu trường thúc ép ngăn chặn và thuyết phục Trung Quốc ký tham gia Hiệp định cấm VKHN năm 1992.

Nhưng Bắc Kinh nhận ra nguy cơ tràn lan vũ khí hạt nhân quá muộn. Năm 1998, khi Ấn tiến hành 5 cuộc thử hạt nhân, Pakistan phản ứng bằng cách công khai thử hạt nhân trong chưa đầy 3 tuần sau đó.

Cùng lúc, Pakistan chia sẻ công nghệ làm giàu uranium cho Triều Tiên gồm lò phản ứng, linh kiện, bản thiết kế và nhiên liệu cần thiết cho bom hạt nhân để đổi lấy công nghệ tên lửa và mẫu thiết kế của Bình Nhưỡng.

Sau này, Pakistan đổ tội cho Khan tự hành động, nhưng Khan khẳng định ông được chính quyền Pakistan bật đèn xanh.

Năm 2002, chuyện đổi chác quá công khai, Pakistan đưa một chiếc vận tải cơ C-130 (của Mỹ) qua Triều Tiên chở linh kiện tên lửa đạn đạo về nước. Vệ tinh Mỹ phát hiện chuyến bay này.

Một số nhà phân tích nói: Bắc Kinh đồng lõa trong vụ đổi chác, thậm chí xúi giục Pakistan chia sẻ công nghệ hạt nhân cho Triều Tiên, và làm ngơ cho vụ đổi chác.

Toby Dalton, một chuyên viên không phổ biến VKHN ở Viện carnegie ủng hộ hòa bình quốc tế và là cựu quan chức Bộ Năng lượng Mỹ, nói: “Suy nghĩ của tôi trùng với các nhà phân tích phương tây, là các quan chức Trung Quốc biết rõ vụ đổi chác, do quan hệ thân thiết giữa các cơ quan hạt nhân Trung Quốc-Pakistan”.

Ông Dalton còn nói nếu không có vụ đổi chác này, ngày nay Triều Tiên không thể có bom hạt nhân.

Những nhà phân tích khác nói dù chắc chắn Bắc Kinh giúp Pakistan có bom hạt nhân, Trung Quốc không muốn chuyển giao công nghệ cho Triều Tiên.

Daniel Markey, một chuyên gia về Pakistan ở đại học Hopkins, nói: “Đối với Trung Quốc, giúp chương trình hạt nhân Pakistan rõ ràng có lợi về chiến lược. Nhưng sự chuyển giao công nghệ cho Triều Tiên là một hậu quả vô tình mà Bắc Kinh không nhìn thấy trước được”.

Triều Tiên phóng tên lửa

Máu và phản bội trong quan hệ “môi hở răng lạnh” Trung-Triều

Phương tây thường dẫn lời Mao nói quan hệ Trung-Triều ‘thân cận như môi với răng”. Nhưng theo NYT, Mao mượn một thành ngữ cổ Trung Hoa mang ý: “môi hở, răng sẽ bị lạnh”.

Mao từng cảnh báo Trung Quốc lâm nguy nếu không có Triều Tiên. Năm 1950, ông cử hơn 1 triệu quân Hồng vệ binh, có cả con trai ông tham gia Chiến tranh Triều Tiên, giúp Triều Tiên chống Mỹ-Hàn.

Khi Hiệp đình đình chiến được ký ở Bàn Môn Điếm năm 1953, hơn 400.000 lính Trung Quốc chết trận và bị thương. Đó là một cuộc hy sinh đẫm máu để thể hiện sự tận trung giữa Trung-Triều.

Nhưng theo NYT, vẫn luôn có một bờ vực cho mối quan hệ ‘môi răng kề cận’, hình thành từ sự đối đầu giữa Mao và nhà lập quốc Triều Tiên Kim Nhật Thành, và giữa Mao với lãnh tụ Liên Xô Josif Stalin. Lúc đó, ông Kim Nhật Thành thanh trừng một bè phái lãnh đạo cấp cao thân Liên Xô, hồi năm 1955.

Hai năm sau, cuộc thanh trừng tiếp tục với hơn chục sĩ quan Quân đội nhân dân Triều Tiên thân cận Mao. Nhiều người bị bắt, chỉ một số ít trốn thoát qua Trung Quốc.

Liên Xô kêu gọi Mao cùng họ trả đũa Kim Nhật Thành. Khi ấy, quân Trung Quốc chưa rút hết khỏi Triều Tiên. Nhưng Mao do dự, theo một bài báo gần đây của Sergey Radchenko, một giáo sư khoa nghiên cứu quốc tế của Đại học Cardiff, trích dẫn các tài liệu được Cục tàng thư Nga giải mật.

Theo đó, Mao ‘tha tội bất trung’ cho Triều Tiên vì sợ mất nước vào tay Liên Xô lúc đó hỗ trợ mạnh cho Triều Tiên.

Thỏa thuận ‘môi hở răng lạnh” chỉ còn là mảnh giấy lộn

Nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, Trung Quốc tha hồ hành động. Năm 1992, Trung Quốc lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc để có nơi mua-bán hàng hóa, khiến Triều Tiên cáu bẳn vì bị cô lập thêm, nghèo thêm.

Theo nhà sử học người Trung Quốc Thẩm Thiếu Hoa - chuyên về quan hệ Trung-Triều, từ đó, “thỏa thuận liên minh Trung-Triều trở thành một mảnh giấy lộn”.

Vào lúc Trung Quốc muốn Pakistan cạnh tranh với Ấn, họ không thể biết sẽ hưởng lợi gì từ việc Triều Tiên có công nghệ hạt nhân. Khi ấy, Bắc Kinh đang có quan hệ cải thiện với Hàn Quốc. Hiện Trung Quốc nhập khẩu nhiều hàng hóa Hàn Quốc nhất, trong khi Hàn Quốc xem Trung Quốc là thị trường xuất-nhập khẩu lớn nhất.

Một trong những đường lối đối ngoại đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là tranh thủ quan hệ này để làm suy yếu quan hệ Hàn-Mỹ.

Sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ tư hồi đầu năm 2016, Tổng thống Hàn Quốc lúc đó, bà Park Geun-hee nhờ ông Tập giúp kiềm chế ông Kim Jong-un.

Trợ lý của bà Park không thu xếp được cuộc điện đàm, theo báo giới Hàn. Các nhà phân tích Trung Quốc nói ông Tập không sẵn lòng thực hiện đề nghị “trừng phạt nặng Triều Tiên” của bà Park.

Khi từ chối bỏ rơi Bình Nhưỡng, ông Tập mất thế ở Seoul. Bà Park củng cố quan hệ với Mỹ, đồng ý để Mỹ dàn hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc.

Bắc Kinh phản đối động thái này, nói radar mạnh của THAAD có thể do thám mọi động thái quân sự của Trung Quốc.

(Còn tiếp...)

Vĩnh Thụy (theo New York Times)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 1: Triều Tiên có bom hạt nhân từ sự đồng lõa của Bắc Kinh