Ceauşescu ra lệnh đập phá tan hoang một số nhà thờ Công giáo ở Rumania để rồi bị xử bắn bởi phe đối lập vào lễ Giáng sinh 25.12.1989…
* Năm 1969, Nixon đặt chân đến thủ đô Bucharest của Rumania - là tổng thống Mỹ đầu tiên sang thăm chính thức một quốc gia cộng sản.
Gặp nhau, bên rượu nho Pháp và hoa hồng Bulgaria, Nixon kín đáo nhờ Ceauşescu giúp Mỹ mở “một cánh cửa mới” khai thông ngoại giao bình thường với Trung Quốc. Ceauşescu nhận lời, phái một quan chức cấp cao trong chính phủ thay mặt mình bay sang Bắc Kinh trực tiếp chuyển lời mời gọi của Nixon tới Mao.
* Không lâu sau, đến lượt Ceauşescu sang thủ đô Washington của Mỹ thăm đáp lễ Nixon và tiếp tục làm sứ giả kết nối đường dây liên lạc giữa Mỹ với Trung Quốc, dẫn đến việc Chu Ân Lai (theo chỉ thị Mao Trạch Đông) gửi Henry Kissinger (cố vấn an ninh quốc gia của Nixon) một “thông điệp hảo hữu”… Kỳ 32: Những "lừa dối hào nhoáng" của Mao Trạch Đông
Với những đóng góp hữu hiệu cho “thỏa hiệp Bắc Kinh – Washington 1972”, Ceauşescu giành được thiện cảm đặc biệt của Mao. Thêm nữa, trước đó vào những năm cuối thập niên 1960, Mao rất hài lòng bởi Ceauşescu ngày càng thể hiện đường lối độc lập khác với Liên Xô như:
- Chỉ trích khối Warszawa can thiệp quân sự vào nội bộ Tiệp Khắc (1968);
- Vẫn giữ quan hệ ngoại giao với Israel lẫn các nước thuộc khối Ả Rập (đang căng thẳng nhau).
- Hòa hiếu với Đông Đức (Cộng hòa dân chủ Đức) lẫn Tây Đức (Cộng hòa liên bang Đức).
- Giao hảo với Mỹ và các nước phương Tây dân chủ khác (đang mâu thuẫn với Liên Xô)…
Rõ ràng Ceauşescu muốn “lưỡng giao” cùng lúc vừa với các quốc gia theo chế độ cộng sản, vừa với những nước tư bản và trung lập. Nắm được hướng đi và thế đứng có phần phiêu lưu của Ceauşescu qua các tường trình và đánh giá bởi tình báo Trung Nam Hải nên Mao quyết định phải lôi kéo Ceauşescu ngã về phía Trung Quốc nhiều hơn nữa, tới mức đủ để tác động Ceauşescu biến Rumania thành “tiền đồn tư tưởng của Mao” ở Đông Âu chống lại Liên Xô…
* ĐƯA “THIÊN ĐƯỜNG NHIỄM ĐỘC” KIỂU MAO VÀO RUMANIA
Trước hết Mao mời Ceauşescu sang thăm Bắc Kinh, tiếp đãi yến tiệc và làm mọi cách để Ceauşescu cảm nhận (thực ra là ngộ nhận) rằng đã được Mao đối xử công bằng và trân trọng như một “hoàng đế phương Đông”. Rồi Mao, với thâm ý sẵn có, đã giới thiệu để đưa Ceauşescu đi thăm hai mô hình “xã hội chủ nghĩa đầy ấn tượng” ở Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên (Bắc Hàn) và Việt Nam dân chủ cộng hòa (Bắc Việt).
Đến Bắc Hàn, dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Kim Nhật Thành, Ceauşescu choáng ngợp với những thay đổi tận gốc - nơi “tôn giáo đang hoàn toàn bị loại bỏ - nhà thờ, chùa chiền bị phá hủy, tăng sĩ, giáo sĩ bị cưỡng bách lao động (…) nếp sống của dân chúng hoàn toàn đặt dưới quyền kiểm soát của Đảng, xã hội đặt dưới thể chế cá nhân toàn trị: Kim Nhật Thành là cha – Đảng là mẹ, có độ chừng 2,3 triệu đảng viên trong số 18,5 triệu dân (số liệu 1982)”. So tỉ lệ dân số, thì “Bắc Hàn là nước có nhiều đảng viên cộng sản hơn tất cả các nước cộng sản khác” (Trần Quang Thuận - Phật giáo Đại Hàn, NXB Tôn Giáo – Hà Nội -2008, tr. 221, 255 và 256). Giới trí thức gồm các bác sĩ, giáo sư, nhà văn, nghệ sĩ đều phải “tham gia các tổ chức chuyên nghiệp do cán bộ cộng sản kiểm soát” (sđd, tr. 256)…
Những gì Ceauşescu tận mắt “chiêm ngưỡng” ở Bắc Hàn (và Bắc Việt) trong chuyến đi nghiệt ngã năm 1971 ấy đã tạo “mặt bằng tâm lý” để Ceauşescu dễ tiếp nhận những bài học về “cách mạng văn hóa vô sản” do phía Mao thuyết giảng ảnh hưởng mạnh tư tưởng Ceauşescu những ngày tiếp sau.
Quả vậy, khi về nước Ceauşescu quyết định xóa bỏ những đường nét dân chủ do ông tạo lập trong những năm cầm quyền trước đó, khởi xướng luận cương tháng bảy (7.1971) gần như rập khuôn theo Mao và Kim Nhật Thành, báo trước cuộc “cách mạng văn hóa kiểu Mao” (với quy mô nhỏ hơn) sẽ tái hiện tại Rumania, qua 17 điểm, với vài nội dung thiết yếu thường nghe nói đến, đại khái:
· Tăng cường sự lãnh đạo của đảng.
· Đưa chương trình giáo dục ý thức hệ cộng sản vào trường học các cấp (kể cả đại học) và các đoàn thể xã hội (kể cả thiếu nhi).
· Định hướng các nội dung tôn vinh đảng và tuyên truyền chủ trương của nhà nước trên tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng.
· Chỉ đạo hoạt động văn học nghệ thuật theo hướng phục vụ nhiệm vụ chính trị, ca ngợi điển hình cách mạng; công bố danh sách các tác phẩm bị cấm lưu hành và lên án các tác giả thuộc “dòng nước ngược”…
· Theo dõi và kiểm soát triệt để đời sống tôn giáo, hoạt động thương mại xã hội và giao lưu nhân quyền.
Đáng sợ, Ceauşescu phác họa kế hoạch san bằng các làng quê, đẩy nông dân khỏi ruộng vườn thân thuộc của họ, để phải vào sống trong những khu “nhà hộp” xa lạ xây sẵn, bất chấp sở thích về môi trường truyền thống của miền quê Rumania. Để thực hiện, ông cho triệt phá một số di sản kiến trúc mỹ thuật ở thành thị, kể cả tại vùng trung tâm thủ đô Bucharest, không loại trừ việc biến các nhà thờ với các gác chuông cổ kính thành đống gạch vụn….
* CEAUŞESCU TRONG “NGÀY PHÁN XÉT CUỐI CÙNG”
Trên lộ trình khắc nghiệt đó, Ceauşescu tin dùng cán bộ tuyên giáo thay cho hàng ngũ các chuyên gia lành nghề, gây lũng đoạn và làm kiệt quệ nền kinh tế đất nước, đưa số nợ vay nước ngoài lên đến hơn 13 tỷ USD. Những mặt hàng thiết yếu cho đời sống dân chúng như bột mì, bơ sữa, gas và nhiên liệu sưởi ấm thiếu hụt trầm trọng. Đối phó với những chỉ trích nội bộ bùng phát, Ceauşescu dập tắt bằng biện pháp thanh trừng kín đáo bên trong. Ông dùng quân đội và lực lượng cảnh sát, mật vụ (securitate) để thanh toán đối lập, nhốt tù và thủ tiêu các chính khách thuộc phe dân chủ, đàn áp mọi đối kháng của dân chúng bên ngoài.
Dần dà những năm cuối thập niên 1980, Ceauşescu sa vào tệ “sùng bái cá nhân” – xem mình là “lãnh tụ vĩ đại (Conducător)”, hoặc “thiên tài Carpathian (Geniul Din Carpati)”, thỏa mãn trước sáng tác của các “nghệ sĩ vô sản” tôn ông lên mây xanh. Những bài báo, bài thơ, bức họa ca ngợi Ceauşescu xem ra cũng không khác bao nhiêu với Bắc Hàn – nơi ông đến gặp và tham khảo “triết lý Juche” với lãnh đạo Kim Nhật Thành, thấy rõ:
Nơi tổ phụ và song thân của Kim Nhật Thành từng sinh sống được “trùng tu thành những ngôi đền để dân chúng khắp nơi đến chiêm bái, thưởng ngoạn – hình tượng Kim Nhật Thành, bà con thân quyến và vợ qua đời (của ông) được dựng lên khắp nơi (…) Những bài ca, vở kịch, phim ảnh là để vinh danh thành quả cách mạng của Đảng, đặc biệt là thành quả của Kim Nhật Thành, như: Thống soái Kim Nhật Thành là mặt trời của chúng ta, Bài ca thống soái Kim Nhật Thành. v.v…. Những bài hát được trẻ con hát nhiều nhất là: Chúng ta là những thiếu nhi sung sướng nhất thế gian, Chúng ta có tất cả không còn mong ước gì hơn trên thế giới này, Chúng con đội ơn đại lãnh đạo Kim Nhật Thành với sự chăm sóc và tình thương của Người….” (Trần Quang Thuận – sđd, tr. 255).
Đó là những lãnh tụ ca “Đông phương hồng nho nhỏ”. Ở Rumania cũng có. Nếu chúng hâm nóng lòng tự mãn cho nhà độc tài Ceauşescu và ru ngủ ông trong hoang tưởng về sự “vĩ đại” của mình, thì ngược lại đã gây phản cảm trong tầng lớp trí thức văn nghệ sĩ và dân chúng yêu tự do. Họ bày tỏ bất bình, phản đối việc trục xuất mục sư Laszlo Tokes khỏi nhà thờ và kéo xuống đường biểu tình tại Timisoara. Cuộc đối kháng ban đầu với những khẩu hiệu mang màu sắc tôn giáo bỗng nhanh chóng biến thành cuộc nổi dậy chống chế độ độc tài toàn trị của Ceauşescu và đảng cộng sản Rumania, lan rộng sang nhiều thành phố trong nước và đỉnh điểm là làn sóng người từ khắp nơi kéo về bao vây trụ sở trung ương Đảng cộng sản Rumania giữa thủ đô Bucharest.
Dầu quân đội của Ceauşescu nổ súng bắn thẳng vào biển người chống đối, làm hàng ngàn người chết trên đường phố (giống sự kiện Thiên An Môn đẫm máu ở Trung Quốc), song vẫn không giải vây nổi cho ông. Để cuối cùng ông phải liên lạc cấp báo với đội đặc nhiệm vũ trang và mật vụ đưa “lực lượng phản ứng nhanh” đến cứu. Họ nhổ bỏ những cây ăng-ten làm vướng bãi đáp trên nóc tòa nhà trung ương, giúp chiếc trực thăng mở đường máu cứu nguy hạ cánh khẩn cấp chở vợ chồng Ceauşescu thoát lên không, hướng về phía biên giới.
THAM KHẢO THÊM TÀI LIỆU CỦA VIỆN LỊCH SỬ QUÂN SỰ VIỆT NAM (BỘ QUỐC PHÒNG) VỀ CÁI CHẾT CỦA CHỦ TỊCH CEAUŞESCU:
Cuốn “Thế giới thế kỷ XX – những sự kiện quân sự” do Viện Lịch sử quân sự Việt Nam tổ chức biên soạn (NXB Quân đội nhân dân, 475 trang – Hà Nội 2003, tr. 369), đề cập đến những ngày cuối cùng của chủ tịch Ceauşescu và gọi diễn biến làm sụp đổ nhà nước xã hội chủ nghĩa Rumania là một “cuộc chính biến” - nguyên văn:
“Từ cuối năm 1989, lực lượng đối lập liên tiếp tổ chức các cuộc bạo động lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Rumania do Ceauşescu đứng đầu. Mở đầu là cuộc biểu tình của nhân dân thị trấn Timisoara ngày 16.12.1989 phản đối chính phủ Ceauşescu bắt mục sư Tin lành Laszlo Toekes, người bảo vệ quyền lợi của dân tộc thiểu số người Rumania gốc Hungaria. Làn sóng đấu tranh lan nhanh trong các thành phố khác, đặc biệt là ở thủ đô Bucharest. Chính quyền Rumania ra lệnh đóng cửa biên giới với Hungaria và Nam Tư.
“Ngày 22.12.1989, thủ tướng và toàn bộ chính phủ Rumania buộc phải từ chức. Lực lượng đối lập thành lập Mặt trận cứu nước Rumania, tuyên bố giải thể bộ máy quyền lực cũ. Ngày 25.12.1989, chủ tịch nước N. Ceauşescu bị xử tử hình. Các thành viên chính phủ lần lượt bị bắt. Toàn bộ hệ thống Đảng, chính quyền sụp đổ. Ngày 26.12.1989, chính phủ lâm thời được thành lập do Ion Iliescu làm chủ tịch nước (đến năm sau - 1990 - được bầu làm tổng thống) và Roman làm thủ tướng. Ngày 29.12.1989, Hội đồng Mặt trận cứu nước Rumania công bố quyết định đổi tên nước là Cộng hòa Rumania” (thay vì Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Rumania bỗng chốc phải lùi vào quá khứ).