Chia tay cố đô Luang Prabang, theo quốc lộ 13 ngược về phía Nam, tôi tìm về thủ đô Viêng Chăn.

Kỳ 4: Qua cổng Khải Hoàn Môn, khám phá Viêng Chăn

CTV Nguyễn Minh | 01/07/2016, 10:22

Chia tay cố đô Luang Prabang, theo quốc lộ 13 ngược về phía Nam, tôi tìm về thủ đô Viêng Chăn.

Kỳ 1: Đường đến đất nước Triệu voi và cánh đồng chum bí ẩn

Kỳ 2: Động Phật Pak Ou linh thiêng và kỳ bí

Kỳ 3: Dấu ấn những ngôi chùa linh thiêng ở Luang Prabang

Sau hơn 6 tiếng đồng hồ, vượt qua đoạn đường dài gần 350km, cuối cùng Viêng Chăn cũng hiện ra.

Điểm đầu tiên đánh dấu trung tâm thủ đô Viêng Chăn chính là Khải Hoàn Môn, cổng chiến thắng hay còn gọi là Patuxai (hoặc Patuxay), biểu tượng của thủ đô Viêng Chăn.

Được khởi công xây dựng từ năm 1962 và đến năm 1968 thì hoàn thành, cổng chiến thắng Patuxai mô phỏng theo kiến trúc của Khải Hoàn Môn Paris (Pháp) và được xây lên nhằm mục đích vinh danh những người lính Lào anh dũng trong chiến đấu.

Trở lại với lịch sử phát triển của thủ đô Viêng Chăn.Theo sử thi Lào, Phra Lak Phra Lam, người lập ra thành phố Viêng Chăn là Hoàng tử Thattaradtha, một nhân vật có ảnh hưởng lớn trong lịch sử của quốc gia này thời cổ đại và đặt tên là Maha Thani Si Phan Phao.

Năm 1354, khi Fa Ngum lập ra vương quốc Lan Xang, Viêng Chăn trở thành một thành phố hành chính quan trọng, dù nó không phải là thủ đô.

Mãi đến năm 1899, Viêng Chăn mới chính thức trở thành thủ đô của Lào khi người Pháp đặt nền cai trị thuộc địa trên toàn vùng.

Và cũng giống như nhiều địa phương khác trên đất Lào, sự phát triển của Viêng Chăn luôn đồng hành cùng Phật giáo. Theo các tài liệu Phật giáo còn lưu lại, tên gọi Viêng Chăn bắt nguồn từ tiếng Pali, ngôn ngữ diễn đạt văn chương của Phật giáo tiểu thừa, và những nghĩa ban đầu của nó là “Khu rừng đàn hương của nhà vua”, loại cây quý vì mùi hương của nó.

Và một khi nhắc đến Lào, nhắc đến thủ đô Viêng Chăn không thể không nhắc đến tháp Thạt Luổng, một trong những biểu tượng của Phật giáo Lào.

Trong các tài liệu kiến trúc Phật giáo, tháp đóng một vai trò quan trọng, biểu trưng cho vũ trụ quan, kiến trúc của một ngôi tháp luôn hội đủ ba yếu tố: vòm tháp biểu trưng thượng đế, đế tháp biểu trưng cho cõi trần và tầng hầm tháp cõi âm hay nói cách khác, tháp là biểu trưng của Tam Thế Phật và tháp Thạt Luổng cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Về nguồn gốc ra đời của ngôi bảo tháp này có nhiều giả thuyết khác nhau.

Một trong những giả thuyết cho rằng, ngoài việc biểu trưng cho giá trị Phật giáo ra ngôi bảo tháp này được dựng lên nhằm lưu giữ xá lợicủa Đức Phật.

Truyền thuyết đó kể lại rằng, vào năm 236 Phật lịch, tức thế kỷ thứ III trước công nguyên, một nhóm năm nhà sư người Lào sau khi tu học ở Ấn Độ trở về đã mang theo chiếc xương đầu gối của Đức Phật.

Năm nhà sư nói trên tới mường Viêng Chăn và thuyết phục Chăm-tha-bu-li Pạ Xit-thi xắc, người cai trị Viêng Chăn vào thời điểm này, cho dựng Thạt Luổng để cất giữ xá lợi Phật và tháp Thạt Luổng đã ra đời từ đó.

Về mặt kiến trúc, tháp Phật Thạt Luổng được xem là một trong những tháp Phật lớn nhất ở Lào với diện tích chân rộng 90m x 90m và cao 45m.

Nằm trong quần thể trên, ngoài tháp phật Thạt Luổng ra, còn có chùa Thạt Luổng, là nơi mà khi xưa, các nhà sư ở thủ đô Viên Chăng dùng làm nơi nghiên cứu Phật pháp, đào tạo tăng tài cho đất nước.

Ngày nay, nơi này trở thành nơi lưu giữ nhiều tác phẩm văn học liên quan đến sự hình thành và phát triển của Phật giáo trên đất nước Triệu Voi và là trụ sở chính của trường Đại học Phật giáo Lào.

Tất cả những công trình kiến trúc ấy cứ hòa quyện, đan xen vào nhau tạo nên một không gian vừa cổ kính, vừa linh thiêng.

Và đó là lý do mà ngàn đời nay, ngôi bảo tháp này cùng những quần thể xung quanh nó trở thành biểu tượng đầy tự hào, một điểm tựa tâm linh cho các thế hệ Phật tử trên miền đất Phật Viêng Chăn.

Riêng với tôi, tháp Phật Thạt Luổng và những công trình phụ cận không chỉ mang giá trị về mặt tôn giáo mà nó còn là một minh chứng về khả năng kiến trúc tài ba của người Lào.

Nếu như tháp Thạt Luổng được xem là biểu tượng Phật giáo mang phong cách Lào thì ngôi chùa mà người hướng dẫn sắp đưa chúng tôi đến chính là linh hồn của người dân trên đất thủ đô, chùa Wat Si Muang (hay còn gọi là Sỉ Muông).

Chùa Sỉ Muông

Cùng với tháp Thạt Luổng, chùa Sỉ Muông là một trong hai công trình phật giáo cổ nhất ở thủ đô Viêng Chăn.

Sở dĩ người ta gọi ngôi chùa có tuổi đời gần 5 thế kỷ này là linh hồn bởi lẽ, nơi đây chính là chốn để người ta tháo bỏ những muộn phiền trần tục để khoát lên mình sự may mắn; là nơi người người nguyện cầu cho sự bình an của gia đình, bạn bè; nơi để các đôi nam nữ nguyện thề ước hẹn, kết tóc se duyên.

Nguyên do để người dân tin tưởng vào sự linh ứng của ngôi chùa xuất nguồn từ truyền thuyết về người phụ nữ tên Nàng Sỉ.

Tương truyền nơi chùa Sỉ Muông tọa lạc là địa điểm vô cùng linh thiêng, thế nên vương triều lúc đó đã quyết định dựng lên tại đây một chiếc cột trấn quốc.

Trong quá trình động thổ, chẳng may đụng phải một mạch nước ngầm mạnh, ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng. Để ngăn nước ngầm không phun trào, một thiếu phụ tên Nàng Sỉ đã quyết định sử dụng mạng sống mình là nút chặn ngăn dòng nước.

Cảm kích tấm lòng trung trinh nghĩa liệt của thiếu phụ này, từ đó người ta gọi vùng đất này là Sỉ Muông tức lãnh địa của nàng Si.

Để tưởng nhớ đến công trạng của bà, người ta cho xây một ngôi chùa đặt tên là Sỉ Muông và tên gọi ấy tồn tại cho đến ngày nay.

Và có lẽ, chính sự linh thiêng ấy mà từ ngàn đời nay, chùa Sỉ Muông là nơi mà người dân ở thủ đô Viêng Chăn thường tìm đến để thực hiện nghi thức buộc chỉ may mắn ở cổ tay.

Nghi thức buộc chỉ mà người Lào gọi là "ba xỉ xù khoẳn"là một trong những nghi thức quan trọng đối với đời sống của người dân Lào từ ngàn đời nay.

Trong tiếng Lào, từ “ba”có nghĩa là nam giới và từ “xỉ” có nghĩa là nữ giới, gộp hai từ này lại trở thành "ba xỉ xù khuẳn"tức buộc chỉ cổ tay cầu phúc cho nam-nữ.

Thực ra nghi thức cột chỉ cầu phúc xuất phát từ thói quen thờ cúng đa thần của người xưa và nó xuất hiện trước khi đạo Phật được du nhập vào Lào. Thế nhưng, theo thời gian nghi thức này tiếp biến và trở thành một phần trong tín ngưỡng Phật giáo Tiểu thừa Theravada.

Với người dân Lào ngày nay, nghi thức buộc chỉ không chỉ được dùng trong quan hệ nam nữ mà nó lan tỏa và ăn sâu vào mọi ngóc ngách cuộc sống và họ xem nó như là một sợ dây gắn kết những điều may mắn lại với nhau.

Chẳng hạn như gia đình anh Khon Say mà tôi có dịp tiếp xúc khi viếng thăm ngôi chùa linh thiêng này và tài sản mà anh cùng mẹ mình mang đến chùa là chiếc xe mà anh mới mua.

Như một lời cầu chúc cho sự may mắn, cho những chuyến đi an toàn, anh đã mang chiếc xe này đến chùa Si Mương cho các nhà như làm phép, thực hiện nghi thức buộc chỉ. Trong suy nghĩ của hai mẹ con anh, sợ chỉ chính là sợi dây liên kết họ lại với nhau.

Buộc chỉ tay may mắn là nghi thức truyền thống ở Lào - Ảnh mang tính minh họa

Sự linh nghiệm là điều thời gian sẽ trả lời, song niềm tin vào nghi thức buộc chỉ, vào sự linh thiêng của chùa Sỉ Muông là điều có thật và chính là một nét tạo ra sự thú vị cho chúng tôi trong hành trình đi qua vùng đất Phật Viêng Chăn.

Nguyễn Minh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
3 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 4: Qua cổng Khải Hoàn Môn, khám phá Viêng Chăn