Hôm trước chỉ có 2, hôm nay thì có đến… 3 cái máy ghi âm đã bị “vô hiệu hóa”, mặt Diệp Hiểu Vân lập tức giãn ra, không thắc mắc gì nữa. Dưới gầm bàn, chân phải tôi thọc dài đến trước miệng của A Lý…
Kỳ 1: Tưởng bị bắt cóc đi gặp Năm Cam nhưng đối diện A Lý
Kỳ 2: Cay đắng với vụ bắn người ở Vũ trường Métropolis năm 2001
Kỳ 3: Đối đầu với Năm Cam chỉ có thể là A Lý
Kỳ 4: Tái ngộ A Lý trong cảnh 'một mình giữa bầy sói'
Kỳ 5: Tôi khuyên đường chủ bang Trúc Liên ra đầu thú
Kỳ 6: Tôi và A Lý tung mồi nhử nhau trong cuộc đối đầu cân não
Tôi có tất cả 3 máy ghi âm, 2 máy sử dụng tốt, 1 máy bị hư, tất cả đều sử dụng băng từ, khả năng ghi liên tục không quá 60 phút. Muốn ghi âm A Lý một cách bí mật, cần phải có một máy ghi âm nhỏ hơn cho dễ cất giấu, đồng thời dung lượng phải lớn để phòng khi máy được bật từ trước khi nhập cuộc trao đổi một thời gian, tránh bị phát hiện khi có thao tác gây nghi ngờ.
Trên thị trường lúc bấy giờ đã có máy ghi âm kỹ thuật số của hãng Sony, với dung lượng ghi âm liên tục lên đến 72 giờ, nhưng nó mắc, đến hơn 4 triệu đồng/ máy, bằng hơn nửa tháng lương của tôi thời đó.
Mắc cũng kệ, khi cần thì phải “nghiến răng lại”. Tôi về tòa soạn, lục trong tủ bàn làm việc, xem số tiền mà mình giấu vợ để tiêu riêng lên đến bao nhiêu: Chỉ có 2,9 triệu. Thêm số tiền tôi đang có trong túi, tổng cộng là 3,7 triệu đồng, vẫn còn thiếu 500 ngàn. Tôi hỏi Thành: “Mầy có 500 ngàn cho anh mượn?” Nó cười khổ, gãi đầu: “500 ngàn làm sao em có, đại ca?” Đối với mấy thằng sinh viên “cóc ké” này, số tiền tôi hỏi mượn đúng là không nhỏ… Tôi chạy vội về nhà, xin vợ 500 ngàn, rồi chạy ngược ra đường Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM), mua chiếc máy ghi âm hằng mơ ước.
Xong việc thì trời đã tối, tôi với thằng nhóc về ăn mỗi đứa 1 tô phở to, nhiều thịt, ngay trước cửa nhà tôi, rồi kêu vợ cho nó 100 ngàn đổ xăng, dặn nó ngày mại tiếp tục theo tôi làm “công tác bảo vệ”.
Buổi sáng đến rất nhanh, trước khi đi làm tôi chuẩn bị “đồ chơi” thật kỹ cho lần lâm trận mang tính quyết định này. Trước tiên, tôi bỏ 2 máy ghi âm vào 2 túi quần (1 máy hư, 1 máy còn dùng được). Chiếc máy ghi âm băng từ tốt nhất, tôi dùng băng keo dán vào trong nách trái, mặc sơ – mi bên ngoài, bỏ áo trong quần bình thường. Riêng chiếc máy ghi âm xịn mới mua, vì nó nhỏ, dài, dẹp, nên tôi dán nó dưới cổ chân phái, mang vớ trùm lên trên, mang luôn đôi giày bốt trùm bên ngoài, ngay lỗ thu của máy, tôi tạo 1 vết rách nhỏ trên chiếc vớ cũ. Thế là xong, bây giờ thì dù có đa nghi cỡ nào, cũng không ai có thể ngờ rằng tôi mang theo nhiều máy ghi âm đến như vậy.
9 giờ sáng, đúng giờ hẹn, người của A Lý gọi đến điện thoại của tôi bằng 1 sim rác, hẹn nhau ở khu vực ngã ba Phan Đình Phùng – Nguyễn Trọng Tuyển, Q. Phú Nhuận, TP.HCM. Đến nơi, tôi với Thành chui vào 1 quán bún bò Huế, vừa ăn, vừa chờ. Trong chốc lát, 1 chiếc taxi trờ đến địa chỉ tôi vừa cho, gã “Gạc - đờ - co” hôm qua bước xuống, mời tôi lên xe, quay lại để tay lên vai Thành, đẩy ra: “Hôm nay, em không cần theo ảnh nữa, không có chuyện gì đâu.” Biết không thể giấu đám người của A Lý được nữa, tôi chỉ quán cà phê bên cạnh, nói lớn tiếng: “Em chờ anh ở đó đi, nếu quá 12 giờ trưa mà thấy anh chưa về, thì làm như anh dặn” Tôi có kịp dặn Thành cái mẹ gì đâu, chỉ làm động tác giả để dọa gã “Gạc - đờ - co”, sợ lỡ có chuyện gì…
Gã “Gạc - đờ - co” không sợ lời dọa của tôi, nhưng lại sợ cái khác. Ngồi trong xe, gã chăm chú nhìn một hồi tôi rồi nói: “Em có nghe tiếng của anh. Theo anh, thì bây giờ em phải làm sao?” Thấy gã “Gạc - đờ - co” không có vẻ gì là người quá xấu, thực ra đi làm nghề này chỉ vì miếng cơm manh áo, tôi trả lời gọn lỏn: “Trốn!”. Gã “Gạc - đờ - co” hỏi lại: “Trốn hả anh?” Tôi đáp: “Phải, càng sớm càng tốt. Trong tình hình này, việc bị phát hiện, vây bắt không tính bằng ngày mà tính bằng giờ…”. Gã “Gạc - đờ - co” trầm ngâm suy nghĩ, miệng lẩm bẩm: “Dạ, em nghe anh!”
Xe chạy đến thẳng khách sạn Omi trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. A Lý, Diệp Hiểu Vân đang chờ tôi trong sảnh khách sạn. Nhưng, chúng tôi không làm việc tại đây mà quay lại khách sạn có hồ bơi hôm qua, gần siêu thị Miền Đông.
Trước khi nhập cuộc, tôi chủ động móc 2 máy ghi âm trong 2 túi quần và lấy điện thoại bỏ lên bàn, rút sổ ra chuẩn bị ghi chép. Diệp Hiểu Vân vẫn nhìn tôi cười cười, như muốn nói gì đó… Tôi bực mình, giả bộ rất… bất đắc dĩ, mở nút áo, móc luôn cái máy ghi âm dán dưới nách ra, đặt tiếp lên bàn. Hôm trước chỉ có 2, hôm nay thì có đến… 3 cái máy ghi âm đã bị “vô hiệu hóa”, mặt Diệp Hiểu Vân lập tức giãn ra, không thắc mắc gì nữa.
Dưới gầm bàn, chân phải tôi thọc dài đến trước miệng của A Lý…
Tôi giả bộ điểm qua tất cả các đề mục thông tin đã trao đổi với nhau ngày hôm qua để ghi âm lại lời của A Lý. Xong, để cho chắc ăn, tôi đề nghị A Lý ký tên vào tất cả các trang giấy đã ghi chép của tôi, xác nhận bằng tiếng Hoa (vì A Lý không biết viết tiếng Việt) là đã có cuộc trao đổi này, với nội dung như đã ghi… Đương nhiên, A Lý không đồng ý ký tên ngay, đòi phải suy nghĩ thêm.
“Tôi đã không được sử dụng máy ghi âm, không được sử dụng điện thoại, máy chụp hình, đến gặp anh chỉ có một mình… Chứng tỏ là tôi rất tin anh, thực sự muốn giúp anh. Chỉ có mỗi một động tác ký tên này mà anh cũng không chịu làm, anh đâu có tin tôi… Anh sợ cái gì? Cuộc gặp gỡ này không công bằng!” - Lời nói khích bác của tôi dường như đã đánh thức bản chất giang hồ trong A Lý (giang hồ sòng phẳng, nói là làm), y đưa tay ra, nói: “Tôi ký!”.
Cuốn sổ tay của tôi được đưa cho Diệp Hiểu Vân đọc kỹ từng trang, từng chữ, dịch lại cẩn thận cho A Lý nghe. Đoạn nào thấy tôi ghi không đúng ý, A Lý đòi sửa lại, được Diệp Hiểu Vân xác nhận đàng hoàng, rồi mới ký. Ký xong, A lý nhìn tôi như muốn hỏi: Giải pháp mà tôi đã tập trung suy nghĩ ra để giúp anh ta trong suốt đêm qua là gì?
(còn tiếp)
Hữu Phú