Trong bữa tiệc kỷ niệm sinh nhật lần thứ 71 của mình, Mao Trạch Đông đã uống một bình rượu Bạch Sa Dạ, xong nói có người đang muốn “cướp quyền” Mao, liệu quân đội còn ủng hộ Mao không?

Kỳ 70: Ai giết nguyên soái Hạ Long?

16/10/2014, 07:57

Trong bữa tiệc kỷ niệm sinh nhật lần thứ 71 của mình, Mao Trạch Đông đã uống một bình rượu Bạch Sa Dạ, xong nói có người đang muốn “cướp quyền” Mao, liệu quân đội còn ủng hộ Mao không?

Một số sách báo Trung Quốc xuất bản những năm gần đây giải thích vì sao Mao đưa câu hỏi ấy ra. Là do bấy giờ Mao (về danh nghĩa) bị đẩy khỏi “tuyến một” về “tuyến hai” của chính trường Trung Nam Hải (sau thất bại Đại tiến vọt) và uy tín đang xuống. Mao muốn dựa vào quân đội để khởi sắc và nêu câu hỏi trên trực tiếp nhằm vào Lâm Bưu (Phó chủ tịch đảng, Phó thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) đang là thượng khách của Mao trong tiệc rượu. Mao hỏi, Lâm Bưu không khỏi nghĩ đến hai nhân vật quyền lực hiện đang mâu thuẫn với Lâm:

1. Đại tướng La Thụy Khanh, Phó thủ tướng, Tổng thư ký Quân ủy trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an và Tổng tham mưu trưởng quân đội.

2. Nguyên soái Hạ Long, Phó thủ tướng, Phó chủ tịch thường trực Quân ủy trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban công nghiệp quốc phòng.

Việc vu cáo bức hại La Thụy Khanh mời các bạn xem Kỳ 5 (Kỳ 5: Đại tướng La Thụy Khanh nhảy lầu tự vẫn).

Dưới đây nói về thủ đoạn đánh đổ Hạ Long.

Hạ Long sinh năm 1896 tại Hồ Nam. Năm 31 tuổi, Hạ Long chỉ huy quân khởi nghĩa Nam Xương (Giang Tây) chống lại Tưởng Giới Thạch (đứng đầu Quốc dân đảng) đang mở đợt lùng bố, giết hại các đảng viên đảng Cộng sản và những người cách mạng cánh tả Trung Quốc.
Theo cuốn “Cha tôi Đặng Tiểu Bình” của Mao Mao (sđd ở Kỳ 53-54), khoảng một triệu người bị tàn sát trong các đợt khủng bố trắng (từ 1927 - 1932): “chỉ riêng tháng 1 đến tháng 8.1928 đã có hơn 10.000 người hy sinh, tổ chức đảng cũng bị phá hoại nghiêm trọng. Đến cuối năm 1927, số lượng đảng viên từ trên 50.000 giảm xuống còn hơn 10.000” (tr. 218).
Trong tình thế hiểm nghèo, Hạ Long (cùng Bí thư Quân ủy trung ương Chu Ân Lai và Diệp Đình, Chu Đức, Lưu Bá Thừa) phát động khởi nghĩa Nam Xương ngày 1.8.1927. Tài liệu của Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (đã dẫn Kỳ 58) ghi có 30.000 binh sĩ tham gia khởi nghĩa, sau thất bại chỉ còn lại gần 2.000 quân. Tuy không thành công, nhưng đó là sự kiện quan trọng đánh dấu sự xuất hiện (lần đầu tiên) của lực lượng vũ trang do đảng Cộng sản lãnh đạo. Nên ngày 1.8 trở thành ngày kỷ niệm thành lập quân đội nhân dân Trung Quốc. Và tên tuổi nguyên soái Hạ Long gắn liền sự kiện đó (tổng chỉ huy quân khởi nghĩa).
Tên ông lại thường ghép cạnh Robin Hood (nhân vật anh hùng của thời Trung cổ trong truyền thuyết phương Tây - pha lẫn chất “giang hồ Lương Sơn Bạc” phương Đông) để gọi: “Robin Hood Hạ Long”.
Hạ Long có “tính tình đặc biệt phóng khoáng” và rất gần gũi thân thiết với gia đình Đặng Tiểu Bình: “Ở Tây Nam, hai gia đình ở tầng trên, tầng dưới, con cái lại sấp xỉ tuổi nhau, cùng vui chơi, cùng cãi lộn. Sau giải phóng, cha tôi thường dẫn chúng tôi đến chơi nhà bác, người lớn nói chuyện vui vẻ, trẻ con chơi nghịch, người ngoài không biết, tưởng như người trong một gia đình. Kể cũng lạ, trong mười vị đại nguyên soái, cha tôi có quan hệ rất tốt với 9 người, chỉ riêng với Lâm Bưu là không hề qua lại. Đó chủ yếu là do tính tình Lâm Bưu rất kỳ cục, không qua lại chơi bời với bất kỳ ai” (Mao Mao - sđd. tr. 845).

Đoạn trên ít nhiều cho thấy tính cách khác nhau giữa Hạ Long và Lâm Bưu.

Điều ấy không quan trọng bằng mâu thuẫn giữa hai bên về quan điểm xây dựng quân đội. Một bên, Lâm Bưu chủ trương đặt trọng tâm vào công tác chính trị. Bên kia, Hạ Long đặt nặng công tác huấn luyện quân sự nên (cùng La Thụy Khanh, Diệp Kiếm Anh) mở hội thao võ thuật toàn quốc với hơn 13.000 cán bộ thuộc 18 quân khu tham dự.

Lúc đầu, Mao Trạch Đông (với Chu Ân Lai, Chu Đức và Đặng Tiểu Bình) hoan nghênh cao trào “đua tài kỹ thuật quân sự dấy lên trong các quân binh chủng”, khen ngợi Hạ Long và những tướng lĩnh đề xướng.

Đến sau tiệc mừng thọ 71 tuổi (26.12.1964), Mao đổi thái độ, ủng hộ Lâm Bưu vì Lâm Bưu ra chỉ thị (29.12.1964) phải đẩy mạnh phong trào “học tập tác phẩm Mao Trạch Đông trong toàn quân”. Mao để mặc Lâm Bưu phủ định “cao trào đua tài kỹ thuật”, phê bình Hạ Long và La Thụy Khanh, bảo họ đã hạ thấp vai trò giáo dục tư tưởng Mao trong quân đội, kéo dài các đợt hội thao mất thời gian và tốn kém.

Phần Mao, trong thâm ý, việc làm ấy của Lâm Bưu (đầu năm 1965) đã giúp củng cố thanh thế Mao trong quân đội để chuẩn bị mở trận địa “cách mạng văn hóa vô sản” (mùa thu 1966). Trên trận địa đó, Lâm Bưu cùng Khang Sinh (cố vấn của Giang Thanh) lập tổ chuyên án điều tra Hạ Long về “âm mưu gây binh biến”, “tự tiện điều động quân đội”“bố trí đại pháo hướng nòng súng về chỗ ở của Mao chủ tịch”, rồi ra lệnh bắt giam.
Bị truy bức, khủng bố tinh thần, không được cấp thuốc chăm sóc khi ngã bệnh, nên Hạ Long đã chết lúc 15 giờ chiều 9.6.1969. Ai là thủ phạm chính bức tử Hạ Long?. Có thể nói hai người “cộng lực”: Mao Trạch Đông (nhằm loại bớt những “ngôi sao” kỳ cựu đang có ảnh hưởng trong quân đội và trên chính trường đương thời) và Lâm Bưu (nhằm giải quyết mâu thuẫn về quan điểm xây dựng quân đội dẫn đến tranh chấp quyền lợi chính trị) - bên cạnh tất nhiên có “đảng hoàng hậu” của Giang Thanh tiếp sức.
Loại trừ Hạ Long và một số danh thần khai quốc khác, Lâm Bưu bước lên vị trí số 2 (sau Mao Trạch Đông). Nhưng thực chất đó là “vị trí đệm” để Lâm Bưu “chuyển giao quyền lực” cho Giang hoàng hậu. Nhưng Lâm Bưu không sớm nhận ra nước cờ lắc léo của Mao và đã phải chết trên đường lưu vong. (còn nữa).
>>Hồ sơ đặc biệt: Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay
Giao Hưởng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân lên đường thăm chính thức Malaysia
4 giờ trước Sự kiện
Nhận lời mời của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và Phu nhân, sáng 21.11, Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân Ngô Phương Ly cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội, lên đường thăm chính thức Malaysia từ ngày 21 đến ngày 23.11.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 70: Ai giết nguyên soái Hạ Long?