Những cảnh quay của bộ phim đình đám ‘Ma làng 1’ được thực hiện tại bản Suối Cốc gây ấn tượng bởi cây sanh đầu làng. Những năm tháng chiến tranh, khu vực cây sanh không hề hấn gì, hễ cứ nghe tiếng máy bay giặc là dân trong vùng Hợp Hòa lại kéo nhau trú ngụ dưới tán sanh.
Cây sanh cổ - cổng làng bản Suối Cốc
Nằm trong kho tư liệu của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE), cây sanh cổ thụ ở bản Suối Cốc (xã Hợp Hòa, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) có một vị trí rất đặc biệt. Đó là cây sanh có tổng chu vi gốc lớn nhất Việt Nam; đồng thời cũng là cây đầu tiên của tỉnh Hòa Bình được công nhận cây Di sản Việt Nam.
Năm 2012, khi trao Quyết định và bằng công nhận Cây di sản Việt Nam cho cây sanh, VACNE đã xác định, cây sanh cổ không phải chỉ có một thân mà có tới 79 thân. Cây thuộc hạng cổ thụ, có tuổi đời trên 800 năm.
Để bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình đối với cho cây sanh bản Suối Cốc nên khi trao bằng công nhận Cây di sản Việt Nam, TS Nguyễn Ngọc Sinh - Chủ tịch VACNE đã làm một bài thơ: “Cây là nguyên khí quốc gia/ Còn cây còn cả sơn hà niềm tin/ Ai ơi giữ lấy cây thiêng/ Muôn nghìn năm vẫn vững bền Việt Nam”.
Những ngày giữa tháng 7 đổ lửa ở miền Bắc, chúng tôi tìm về bản Suối Cốc để tận mắt chiêm ngưỡng cây sanh cổ thụ ấy. Nằm cách trung tâm Hà Nội chừng hơn 60km đi theo Quốc lộ 6 sẽ mất chừng một giờ đồng hồ chạy xe.
Bản Suối Cốc cách Quốc lộ 6 khoảng 2km, chạy sâu mãi vào gần chân núi. Để vào bản, phải chạy xe qua một cánh đồng. Những thửa ruộng vùng Bắc Bộ vừa trải qua vụ cấy, lúa đang bắt đầu bám đất, vươn lên trong cái nắng nóng gay gắt giữa mùa hè.
Men theo con đường bê tông chạy vắt giữa đồng hướng về phía chân núi, chúng tôi thấy nổi bật lên một màu xanh rậm rạp. Nhớ lại lời người phụ nữ trung niên lúc hỏi đường ở ngoài Quốc lộ 6, đến ngã 3 thứ hai, chúng tôi rẽ phải và chạy thẳng về hướng lùm cây xanh.
Vừa đến chỗ lùm cây, chúng tôi chứng kiến những thân cây xù xì đang vươn mình lên trời cao. Đặc biệt, 2 thân cây ở 2 bên vệ đường bắt chéo nhau tạo thành một chiếc cổng làng vô cùng độc đáo. Ai muốn vào bản Suối Cốc cũng đều phải đi qua chiếc cổng làng đặc biệt này. Chiếc cổng hình vòm, đủ để các phương tiện như ô tô 4 chỗ, xe tải cỡ nhỏ, xe máy, xe đạp… đi qua.
Vừa bước chân vào bóng cây, chúng tôi đã có cảm giác mát lạnh khác lạ so với không khí nóng bức bên ngoài trời. Những thân, nhánh cây vạm vỡ cỡ vài người ôm mới hết vươn lên, kết tụ lại thành một khối thống nhất.
“Thần hộ mệnh” của cả bản
Giữa trưa hè oi bức, nghỉ chân bên dưới gốc sanh cổ quả thật khiến người ta quên đi cái nóng bức. Đứng dưới gốc cây nhìn lên, chúng tôi có cảm giác như đang đứng trong một khu rừng nguyên sinh chứ không phải đứng dưới một gốc cây.
Nhìn qua một vòng, thật khó để nhận biết đâu là thân chính của cây bởi, các cành nhánh có kích thước khá tương đồng nhau. Những cành nhánh, rễ… quấn chặt vào nhau tạo thành một khối thống nhất trồi lên từ lòng đất, vươn lên trời cao.
Với những người có trí tưởng tượng phong phú, những thân cây sanh giống như một con hươu cao cổ, con rồng, hoặc một con bạch tuộc, một vài nhánh kết hợp với nhau nhìn lại giống hình khủng long… Tất cả đều nói lên sự kỳ vĩ của cây sanh, tuyệt tác của thiên nhiên núi rừng Hòa Bình.
Đang ngồi nghỉ chân dưới gốc sanh, bà Đinh Thị Khương (75 tuổi, người làng Suối Cốc) chia sẻ, từ khi sinh ra, bà đã thấy những cây sanh này tồn tại ở đây. Ngay cả mẹ bà hay những người cao niên trong làng khi còn sống cũng không biết cây có từ khi nào hay ai trồng.
Chỉ biết, mỗi dịp trưa hè nóng bức hay mất điện, người dân Suối Cốc lại đổ ra gốc sanh ngồi hóng gió. Mọi người từ già trẻ, gái trai trải chiếu ngồi cười đùa, nói chuyện rôm rả. Hay những người đi làm đồng về, nghỉ chân một lát dưới tán cây sanh sẽ quên hết mệt mỏi.
Theo bà Khương, ngày trước, cây sanh còn nhiều thân cành và rậm rạp hơn nhiều. Những cây phong lan, tầm gửi, dây rừng… bám đầy thân sanh. Chim chóc, muông thú về làm tổ, kiếm thức ăn, sinh sống dưới tán cây sanh rất nhiều.
“Trước kia, cây sanh có hơn 100 gốc nhưng trải qua nhiều năm, nhiều thân, cành cây bị chặt, phần để làm đường, phần mất trộm… khiến số lượng giảm. Hồi những năm 59, 60, tôi còn thấy một vài người còn chặt rễ sanh bó thành từng bó mang ra mãi Sơn Tây, Hà Nội bán làm củi”, bà Khương kể.
Những năm tháng chiến tranh khốc liệt, máy bay giặc càn quét khắp nơi, ném bom dữ dội nhiều vùng. Thế nhưng, tuyệt nhiên khu vực cây sanh không hề hấn gì. Vậy là, hễ cứ nghe tiếng máy bay giặc là dân trong vùng Hợp Hòa lại kéo nhau trú ngụ dưới tán sanh.
Mọi người trong làng ai cũng coi cây sanh như “thần hộ mệnh” che chở, mang lại sự bình yên cho dân làng. Kể từ khi được công nhận Cây di sản Việt Nam, người dân Hợp Hòa càng quý trọng cây sanh hơn. Họ đưa cây sanh vào hương ước của làng, xã để cùng nhau bảo vệ. Họ cắt cử người để mắt tới cây sanh, không cho “sanh tặc” có cơ hội ra tay phá hoại “báu vật” của làng.
Theo Triệu Quang/Dân Việt