“Xét tốt nghiệp năm 2015 sẽ vẫn giữ ổn định như năm 2014 với 50% điểm thi kỳ thi chung và 50% kết quả học tập lớp 12” ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định, cho biết.
Hiện tại, có 428 trường ĐH, CĐ gửi thông tin tuyển sinh về Bộ GD&ĐT. Trong đó hầu hết các trường sử dụng kết quả kỳ thi chung để xét tuyển. Ngoài ra, một số trường top trên có thêm điều kiện sơ tuyển như ĐH Bách Khoa, ĐH Ngoại thương, ĐH Y Hà Nội… hay ĐH Luật TP.HCM và Học viện Báo chí và Tuyên truyền sau khi xét tuyển sẽ có kỳ phỏng vấn.
“Khi có điểm thi rồi học sinh mới được đăng ký xét tuyển. Đương nhiên các em có định hướng trước rồi theo tổ hợp môn thi đã đăng kí nhưng việc này sẽ hạn chế rủi ro việc “học tài thi phận”, may rủi…” ông Nghĩa cho biết.
Hiện tại, phương án xét tuyển vẫn phải giải trình nhưng sẽ đảm bảo nguyên tắc: Phải đảm bảo quyền lợi cho học sinh, giảm rủi ro, tỉ lệ ảo cho nhà trường. Trong quá trình xét tuyển, các trường phải công khai thông tin hiện nay có bao nhiêu thí sinh đăng kí vào ngành nghề của trường.
Đối với các cụm thi, Bộ GD&ĐT đã khảo sát một số địa điểm với tiêu chí tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho thí sinh, làm sao để quãng đường thí sinh đi thi ngắn hơn. Với các em vùng miền núi, khi thi tốt nghiệp xong thì có thể đi làm hoặc được xét tuyển theo các vùng quy định. Trên cơ sở đề xuất của một số tỉnh, Bộ sẽ thống nhất tổ chức một cụm thi đặt tại tỉnh. Công nghệ tổ chức kì thi sẽ hoàn toàn giống nhau, phải đảm bảo sự phối hợp giữa trường ĐH và sở GDĐT.
Cũng theo ông Trần Văn Nghĩa, Bộ GD-ĐT đang tích cực hoàn thiện Quy chế thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ để công bố trong đầu năm 2015. Trước khi ban hành, các quy chế này sẽ được công khai lấy ý kiến dư luận.
Nguyệt Vũ