Ngày này cách đây 42 năm, Trung Quốc xua mấy chục vạn quân xâm lược Việt Nam. Những ký ức về cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc năm 1979 đã ăn sâu vào đầu một đứa trẻ 6 tuổi là tôi khi ấy.
Hơn 40 năm đã qua, nhưng những ký ức về cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc năm 1979 hào hùng ngày ấy vẫn còn nguyên vẹn trong tôi.
Hôm ấy - tôi không nhớ ngày và cũng không nhớ năm tháng, mãi sau này lớn lên mới biết là tháng 2 năm 1979 - làng tôi được lệnh sơ tán khẩn cấp. Quê tôi ở bắc Thanh Hóa mà đã phải chuẩn bị và tiến hành với một không khí khẩn trương như vậy thì chắc hẳn các tỉnh phía trên càng phải khẩn trương thế nào.
Tôi nhớ lúc 8 giờ sáng, kẻng đánh liên hồi và dân quân đi đến từng nhà đốc thúc mọi người tập trung ra sân kho hợp tác xã. Cha tôi khi đó đang ở một trung đoàn cách xa nhà gần 100km nên bà nội tôi, mẹ tôi đã tất bật chuẩn bị để sơ tán. Khi dân quân vào đốc thúc, bà nội tôi cương quyết không đi và nói rằng bà đã 78 tuổi nên quyết ở lại đây, sống chết bà cũng không đi đâu nữa. Bà nói bà sẽ ở lại để canh ngôi nhà và canh xóm làng và nếu có chết bà cũng cam lòng.
Sau một hồi vận động và chúng tôi khóc lóc, bà đồng ý đi. Mẹ tôi vét tất cả trong nhà còn không tới 5 bơ (lon sữa bò) gạo bỏ vào tay nải, bà tôi một bên đeo tay nải đựng gạo còn tay kia dắt tôi. Mẹ tôi quảy trên vai đòn gánh với hai bên là hai cái rổ, một cái em trai tôi ngồi, một bên em gái tôi cùng lỉnh kỉnh nồi niêu, xoong chảo, các đồ vật dụng của gia đình.
Sau khi tập trung ở sân kho hợp tác, thực hiện điểm danh xong chúng tôi được đưa về tập trung tại sân lớn của một gia đình khá giả trong xóm, tôi nhớ khi đó khoảng 2 giờ chiều. Từ sáng cho tới khi ấy chúng tôi không có gì trong bụng. Trưởng công an xã lên nói một thôi một hồi - tôi không nhớ gì - chỉ nhớ mỗi chi tiết là giặc đã tràn sang các tỉnh biên giới phía bắc, gây nhiều tội ác với người dân. Khi ấy, lũ trẻ chúng tôi mặt cắt không còn giọt máu.
Cái sợ đã át đi cái đói khi cả ngày không có gì vào bụng. Thế nhưng điều mà chúng tôi mong mỏi và dõi mắt trông từng phút một là cha tôi, giờ này ông đang ở đâu? Khi ông về tìm chúng tôi liệu có tìm thấy (khi ấy làm gì có điện thoại). Rất may, khoảng gần 5 giờ chiều, nắng đã gần tắt hẳn (năm ấy tháng 2 nhưng trời nắng to vào ban ngày, ban đêm lạnh giá) tôi thấy cha hớt hải đạp chiếc xe đạp cà tàng về. Ông thông báo với mọi người là tình hình rất căng thẳng. Khoảng 7 giờ tối, chúng tôi được lệnh tất cả về nhà chờ đợi lệnh vào ngày hôm sau.
Cả ngày hôm sau, rồi hôm sau nữa chúng tôi vẫn ở yên trong ngôi làng của mình. Mãi sau này tôi mới biết bộ đội ta đã ngăn được bước tiến của quân thù. Ngay chiều hôm sau, cả làng tôi được lệnh đào hầm trú ẩn. Cha tôi đã đi ngay sáng hôm ấy vì nhiệm vụ, mẹ con tôi chỉ đào được mỗi cái hầm chữ nhật nho nhỏ mà 5 người trong gia đình tôi chỉ vừa đủ ngồi thụp đầu xuống trong chật chội. Tôi còn nhỏ nhưng đã biết nhiều và nói với mẹ tôi: Nếu giặc tới đây mà hầm nhà ta thế này chắc bà và mẹ con ta sẽ chết. Những gia đình có nhiều người khỏe đào được những căn hầm chữ A, chữ U rất lớn nằm dưới gốc cây cổ thụ có thể chứa cả chục người dưới lòng đất.
Mỗi đêm, dân quân tập luyện rầm rập. Hằng đêm, chúng tôi tập trung vào nhà duy nhất trong làng có đài để nghe bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Chúng tôi hát theo đến thuộc lòng: "Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới”. Lớp lớp những người anh, người chú của chúng tôi lại lên đường và lâu lâu chúng tôi lại thấy xã tổ chức một buổi lễ long trọng truy điệu những người hy sinh.
Thực tiễn của cuộc sống khi ấy đã dạy cho chúng tôi biết cách cảnh giác cao độ. Bất kỳ người lạ nào lảng vảng trong khu vực làng là chúng tôi chú ý và nếu thấy bất thường sẽ đi báo với những người có trách nhiệm. Tôi nhớ năm ấy có một người lang thang ăn xin, nhìn điệu bộ rất khả nghi, chúng tôi báo cáo và sau này các vị ở trên thông báo rằng ta đã bắt vì đó là gián điệp.
Cũng vậy, một hôm có một người bán thuốc bắc đến làng tôi, ông trình đủ giấy tờ hợp lệ và xin ở nhờ một gia đình hàng xóm nhà tôi. Khi tiếp xúc, tôi thấy ông có rất nhiều biểu hiện khả nghi, tôi đi báo cáo cho trưởng công an xã, ông chỉ nói các cháu đừng đánh động gì, cứ để từ từ ta theo dõi. Sáng hôm sau, chủ nhà dậy sớm thấy thuốc thang còn bỏ vương vãi lại rất nhiều còn ông thày thuốc đã cao chạy xa bay không để lại dấu vết.
Cuộc chiến đấu bảo vệ đất đai Tổ quốc năm ấy đã có 60 nghìn đồng bào và chiến sĩ ta bị giết hại và hy sinh anh dũng. Nếu không có sự hy sinh anh dũng và quả cảm ấy có lẽ những ngày năm đó chúng tôi không biết sống chết ra sao. Có một nhà thơ nổi tiếng đã viết: “Không có ai tẻ nhạt trên đời/Mỗi số phận chứa một phần lịch sử”. Sự hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân là hành động cao đẹp nhất. Chúng ta không chống nhân dân Trung Quốc, chúng ta cũng không muốn “đòi nợ” Trung Quốc, bởi đâu chỉ Trung Quốc, nếu đòi nợ thì Việt Nam có quá nhiều con nợ, nhưng phải trả về cho lịch sử những giá trị chân chính nhất, công minh, chính xác nhất như những gì nó đã diễn ra.