Hòa bình lập lại, năm 1955 bố mẹ tôi tập kết ra miền Bắc và được phân công về tham gia xây dựng Kho xăng dầu Đức Giang tại huyện Gia Lâm (nay là quận Long Biên – Hà Nội).

Ký ức về 12 ngày đêm tháng 12.1972

Tạp chí Công Thương | 22/12/2022, 14:24

Hòa bình lập lại, năm 1955 bố mẹ tôi tập kết ra miền Bắc và được phân công về tham gia xây dựng Kho xăng dầu Đức Giang tại huyện Gia Lâm (nay là quận Long Biên – Hà Nội).

Tôi sinh ra và lớn lên tại đây, luôn tự hào có bố mẹ làm trong ngành xăng dầu từ những ngày đầu thành lập. Những năm tháng giặc Mỹ đánh phá miền Bắc thì các kho xăng dầu luôn là mục tiêu đầu tiên của chúng, vì vậy, thời niên thiếu tôi được chứng kiến nhiều trận đánh phá ác liệt của giặc Mỹ vào Tổng kho Xăng dầu Đức Giang và vùng lân cận, vào khu nhà lá thân yêu của tôi bằng đủ các loại rocket, bom tạ, bom tấn, bom bi và cả bom rải thảm B52 nữa.

Nhân kỷ niệm 50 năm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, tôi ghi lại một số ký ức của mình về sự khốc liệt của chiến tranh khi hầm trú ẩn của tôi chỉ cách vài chục hoặc vài trăm mét so với những trái bom của Mỹ rải xuống.

Những ngày cuối năm 1972 thật đẹp, thời tiết hanh khô, rét ngọt, chúng tôi vẫn cắp sách đến trường mặc dù đã được thông báo phải rất cảnh giác vì Mỹ có thế tiếp tục leo thang chiến tranh và đánh phá miền Bắc. Vâng, chúng tôi không chủ quan nhất là sau trận ném bom ngày 16.3.1972, nhưng cuộc sống thì vẫn tiếp diễn. Ở trường cũng có hầm trú ẩn và ở nhà cũng vậy (nhà tôi có một hầm chữ A và một hố cá nhân do chính tay tôi đào).

hanoi2.jpg
Những ngày tháng 12 năm 1972 ở Hà Nội

Những ngày đó, hai anh em đã sửa sang thêm hầm trú ẩn cho sạch sẽ. Không khí trong xóm nhà lá vẫn bình an như bao ngày, người quét nhà, người quét tường, người gánh nước xuôi ngược. Các cô chú công nhân đã đi làm về và chuẩn bị bữa cơm chiều. Bản tin thời sự lúc 6 giờ tối thông báo: “Đoàn cán bộ Việt Nam tại Hội nghị Paris do cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ đã về đến Hà Nội”. Chúng tôi đã quen với thông báo này! Mỗi lần Bác Thọ về đến Hà Nội là ngay sau đấy giặc Mỹ lại trút bom đạn xuống miền Bắc hòng gây áp lực với chúng ta trên bàn đàm phán tại Paris. Rồi mọi người đều ăn bữa cơm chiều với không khí không sôi nổi như những bữa cơm chiều khác.

Bố tôi do yêu cầu công tác nên thường xuyên xa nhà. Khi ấy ông đang tham gia xây dựng tuyến ống B12 do Liên Xô giúp ta xây dựng. Chị cả Xuân học trường sơ tán tại Bình Đà (Hà Tây cũ), ở nhà chỉ còn mẹ, chị Chung, em Minh và tôi. Như thường lệ, sau bữa cơm tối chúng tôi nghe thời sự qua đài phát thanh trước khi học bài. Ngồi vào bàn học chưa lâu thì còi báo động của thành phố vang lên. Chúng tôi vội tắt đèn và nhanh chóng ra hầm trú ẩn.

Tôi vẫn nhớ rõ mình ngồi hố cá nhân, mẹ, chị Chung, em Minh ngồi hầm chữ A và rồi thì liên tục tiếng máy bay địch gầm rú, tiếng đạn phòng không ở các trận địa bắn lên rợp trời; rồi tiếng bom nổ tứ phía - chúng tôi biết chúng đang dội bom xuống sân bay Gia Lâm, cầu phao Đông Trù, khu vực cầu Chui Gia Lâm và các hạ tầng quan trọng khác của Thủ đô nhưng đều bị lực lượng phòng không của ta đánh trả quyết liệt. Nhìn xung quanh bầu trời sáng rực, những đám khói, những đám cháy mỗi lúc một nhiều hơn, tiếng gầm rú của máy bay cường kích liên tục hết đợt này đến đợt khác. Giữa những đợt oanh kích của máy bay Mỹ, tiếng mọi người lại gọi hỏi nhau râm ran nhằm xua tan không khí nặng nề đang bao trùm. Hồi còi báo yên ả, mọi người ra khỏi hầm trú ẩn lại bàn tán, phán đoán những nơi có thể bị trúng bom của giặc Mỹ.

Rồi hồi còi báo động lại vang lên liên tục, liên tục, tiếng còi như giục giã hơn, khẩn trương hơn. Mọi người lại xuống hầm trú ẩn - lúc ấy khoảng 9h15’ tối. Tôi vừa nhảy xuống hố cá nhân thì hai chiếc Mic-21 của không quân ta xuất kích, rồi lại tiếp tục những tiếng gầm rú của máy bay Mỹ, tiếng đạn phòng không của chúng ta bắn trả, tiếng bom nổ khắp bốn phía, đạn đan dọc ngang khắp bầu trời sáng rực. Tôi vẫn còn nhớ tiếng động cơ rất lạ, ì ì ì ì như tiếng cối xay lúa liên tục, liên tục. Tiếng bom nổ xa như sấm rền cả đêm hôm ấy - đêm ngày 18 rạng sáng ngày 19.12.1972.

Trời mờ sáng, tiếng còi báo yên, mọi người ra khỏi hầm trú ẩn sau một đêm thức trắng nhưng vẫn hỏi han chuyện trò. Chúng tôi lăn ra ngủ lúc nào không biết. Đêm qua Mỹ đã đánh phá rải thảm gây nhiều thương vong cho nhân dân ở Hà Nội và Hải Phòng. Chúng ta đã bắn rơi nhiều máy bay địch trong đó có 3 pháo đài bay B52.

Vừa tỉnh giấc, vừa ngạc nhiên tôi liền chạy sang nhà bác Thiết - Bác có con rể là Nguyễn Bá Nam từng nhiều năm là bộ đội lái xe đoàn 559 vượt Trường Sơn chở hàng chi viện cho chiến trường. Anh nói với tôi “Đêm qua khi nghe tiếng máy bay anh đã biết là B52 nhưng mà anh không dám nói sợ mọi người hoang mang”.

coquan1.jpg
Tác giả Trần Văn Thịnh - nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)

Mọi công việc vẫn diễn ra bình thường nhưng khẩn trương hơn. Mẹ vào công ty, khi ấy mẹ làm ở tổ phụ trách kho vật tư nên ngoài việc bảo quản còn phải xuất nhập hàng ngày phục vụ sản xuất. Mẹ dặn chúng tôi ở nhà chuẩn bị đồ đạc thật gọn gàng. Nói là đồ đạc chứ ngày ấy nhà nào cũng chỉ có một chiếc chăn bông, mỗi người 2 bộ quần áo, mỗi nhà có 1 đến 2 xe đạp cùng với thùng gạo mà thôi. Rồi chừng 9 giờ sáng ngày 19.12.1972 mẹ về nói chúng tôi phải đi sơ tán. Tôi nói chị và em tôi đi trước, tôi ở nhà thu xếp rồi đi chuyến chiều. Sơ tán lần này là đi khỏi trung tâm thôi, xuống chợ Đường Cái thuộc huyện Như Quỳnh (Hưng Yên). Xe tải công ty chạy nhiều chuyến như con thoi. Đến buổi chiều thấy mọi nhà đều có người ở lại. Nhà bác Thiết có anh Nam, chị Bích.

Nhà bác Hợi có chị Bình, anh Hòa. Nhà bác Hiệp thì cả cuộc chiến tranh phá hoại hai bác vẫn ở lại Đức Giang. Nếu tôi cũng đi sơ tán thì mẹ ở nhà một mình. Thấy vậy, lấy lý do không kịp chuyến xe chiều nên tôi ở lại cùng mẹ. Rồi chiều tối đến, các gia đình có người ở lại đều nấu cơm và mang sang nhà tôi ăn chung. Vẫn những câu chuyện bom đạn xen lẫn công việc hàng ngày không dứt. Khi đang dọn dẹp sau bữa ăn thì còi báo động lại vang lên, rồi ai lại về hầm nhà người ấy. Rồi các đợt máy bay Mỹ gầm rú liên tục trút bom xuống mọi nơi, tiếng pháo phòng không đan xen đỏ rực bầu trời, những ánh chớp xanh rờn đèn của những tên lửa rời bệ phóng. Những tiếng reo hò khi máy bay địch bị bắn cháy…

Nhưng đêm nay mật độ các đợt không kích của chúng nhiều hơn và dày hơn nên không còn còi báo yên như đêm trước. Không khí tĩnh lặng, tôi ra khỏi hầm trú ẩn thấy tiếng anh Nam gọi mẹ tôi: “Cô sang hầm nhà cháu cho vui”. Mẹ tôi quý anh Nam lắm, chắc vì là bộ đội Trường Sơn. Mẹ và anh Nam cùng sở thích uống trà và đàm đạo thời cuộc, thế là mẹ, anh Nam, chị Bích và tôi cùng chiếc đèn bão, cái phích nước, bộ ấm chén trong căn hầm rộng rãi và chắc chắn nhà bác Thiết. Trời đêm se lạnh, tôi ngủ thiếp đi lúc nào không biết, rồi chợt bừng tỉnh bởi những đợt không kích gần và rồi những tiếng động cơ rì rì như tiếng cối xay lúa lại xuất hiện mỗi lúc một gần hơn. Những tiếng rít từ trên không trung rồi bịch bịch bịch bịch tiếng bom chạm mặt đất, những tiếng nổ chói tai vang lên liên hồi. Cả căn hầm chao đảo như đánh võng, ánh sáng từ chiếc đèn bão vụt tắt. Ánh sáng từ những tiếng nổ rực sáng như ban ngày, không khí bị ép vào cửa hầm làm bật tung nắp thông hơi… lúc ấy chừng 4 giờ sáng ngày 20.12.1972.

Những đợt dội bom đã ngớt, trời mờ mờ sáng, chúng tôi ra khỏi hầm (hầm trú ẩn chúng tôi chỉ cách biên ngoài vệt bom chùng 150m), một cảnh tượng thật khủng khiếp, nhà cửa bị xiêu vẹo, cây cối đổ ngổn ngang, đất đá văng khắp nơi, nhìn phía công ty thật hoang tàn, vệt bom rải thảm B52 trải dài từ Hóa chất Đức Giang tới gần đường sắt.

Trời sáng dần, mẹ nói “Con đạp xe xuống ngay nơi sơ tán, mẹ vào công ty thu xếp rồi xuống sau”. Lúc này tôi phải chấp hành lệnh của mẹ - chân đi đất dắt xe qua những ruộng khoai lang để đi tắt ra đường Quốc lộ 1 rồi đạp xe về hướng Quốc lộ 5. Khu vực Cầu Chui cũng bị B52 rải thảm nên cảnh tượng thật kinh hoàng, hố bom khắp mọi nơi, bùn đất lấp đầy mặt đường trơn nhầy nhụa. Tôi đang cố tiến về phía trước thì từ xa có bác dân phòng giơ cao cờ hiệu yêu cầu tôi xuống xe. Tôi chấp hành xuống dắt xe và nhìn xung quanh - Trời, một cảnh tượng mà suốt đời tôi không thể quên, một chiếc xe khách từ Hải Phòng về đến đây đã gặp nạn, người chết nằm rải rác xung quanh hai bên đường; Bác hỏi Tôi đi đâu và yêu cầu tôi xuống xe như để mặc niệm những người đã chết. Tôi cứ lầm lũi đi chừng một km rồi đạp xe về nơi sơ tán.

Những ngày sơ tán ở Chợ Đường Cái thật bình dị, hằng ngày các cô, chú lên công ty làm việc, chiều tối lại về, chúng tôi ở nhà ôn bài vui chơi, có 3 chị em nên có gì ăn nấy. Tôi vẫn nhớ mãi những chiếc bánh bột mì luộc do chị tôi làm chấm với muối mà ăn vẫn rất ngon. Mẹ ở luôn trong kho vật tư vì buổi tối chỉ có ba người trực cơ quan và ở ngay cổng thường trực có chiếc hầm chú ẩn lớn và kiên cố.

Chiều 27.12.1972, mẹ theo xe xuống chỗ sơ tán và nói riêng với tôi rằng “Nhà mình mất rồi vì trúng 1 quả bom trong đợt bom B52 trải dài từ làng Thượng Cát qua các kho kim khí - hóa chất - xí nghiệp sửa chữa ô tô 19/8 - kho Nội thương qua kho xăng dầu Đức Giang đến giáp làng Thanh Am, còn mẹ trú ẩn trong công ty nên an toàn”. Nghe tin tôi rất bàng hoàng nhưng cũng không thể hình dung được cảnh tượng thực tế ra sao, chỉ biết rằng đêm ngày 26 rạng sáng 27.12 năm ấy là chúng sử dụng nhiều máy bay B52 nhất, đánh phá dữ dội nhất không chỉ Đông Anh, Gia Lâm mà cả khu An Dương, bệnh viện Bạch Mai, khu phố Khâm Thiên… giết hại nhiều đồng bào ta vào đêm hôm ấy. Bác Phạm Văn Đạt - Tổng giám đốc Tổng công ty đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tại trụ sở chính số 01 Khâm Thiên, chúng cũng bị chúng ta đánh trả quyết liệt bắn rơi nhiều máy bay trong đó có 08 pháo đài bay B52, bắt sống nhiều giặc lái.

Mẹ lại về công ty để làm việc như thường lệ, tôi nằm thao thức mãi không ngủ được, tiếng bom đạn vẫn nổ rực sáng cả bầu trời khi nhìn về phía Bắc.

Bị thua đau nên Mỹ phải tuyên bố tạm dừng đánh phá miền Bắc và tiếp tục đàm phán tại Hội nghị Paris. Thấy tình hình yên ổn, tôi nói với chị cho tôi về trước nghe ngóng tình hình. Nói mãi chị cũng đồng ý và bảo chiều phải xuống vì sợ mẹ biết. Vẫn theo đường tắt, tôi về đến nhà một cảnh tượng khủng khiếp bao trùm cả khu vực Xóm nhà lá. Định hình mãi mới xác định được vị trí nhà của tôi vì chỉ là một hố bom sâu hoắm với một góc móng nhà được xây bằng gạch ta.

Rồi các nhà trong xóm cũng có người về xem xét tình hình, tôi gặp bác Liệu và anh Hiệp (anh hơn tuổi tôi nhưng học cùng lớp). Nhà Bác cũng bị đổ sập, bác đang tìm kiếm một số vật dụng còn sót lại. Bác Liệu là bộ đội chống Pháp nên rất gan dạ. Nơi sơ tán của bác là giữa cánh đồng đã gặt lúa giữa hai làng Kim Quan và Quán Tình gần đê Sông Đuống. Bác tìm nơi thấp nhất để làm túp lều tre và ở luôn đây với suy nghĩ “Mỹ cũng chắc chẳng nhiều bom mà thả giữa cánh đồng mênh mông này”. Anh Hiệp rủ tôi ở đấy cho vui và tôi đồng ý luôn. Hàng ngày vào bới tìm đồ đạc còn sót lại, chiều đá bóng trên những thửa ruộng và buổi tối ngủ được ngắm muôn vì sao. Bác Liệu rất cẩn thận - bác xin mẹ cho tôi được sơ tán ở đây.

Sau 12 ngày đêm chiến đấu và chiến thắng cuộc tập kích chiến lược bằng B52 vào Hà Nội và Hải Phòng, đế quốc Mỹ đã thất bại nặng nề với 81 máy bay bị bắn rơi trong đó có 34 pháo đài bay; chúng phải chấm dứt đánh phá ở Miền Bắc và ký kết Hiệp định Paris.

Nhịp sống ở Hà Nội dần trở lại; các cô chú công nhân lại tập trung sửa chữa lại hệ thống cơ sở vật chất bị hư hỏng, dọn dẹp xây dựng lại nhà cửa kho tàng phục vụ sản xuất. Chúng tôi cũng được thông báo chuẩn bị trở lại trường học. Sau nhiều ngày suy tính, mẹ quyết định trở về nơi ở cũ, bên cạnh hố bom còn một chút gọi là mặt bằng; chúng tôi cùng mẹ dùng cuốc xẻng san gạt cho bằng phằng - trải chiếu, chăn, dựng cột tre mắc màn để ngủ bình thường; hôm nào sương nhiều thì dùng vải mưa trải trên màn cho đỡ lạnh, đun nấu thì đơn giản thôi dùng ba hòn gạch làm “Ông bù rau” để bắc nồi. Chúng tôi vẫn đạp xe đi học hàng ngày ở nơi trường sơ tán - lớp 9C học tại làng Bắc Cầu ngay dẻo cát ngã ba sông với những khóm dâu xanh tốt trồng để nuôi tằm.

Qua nắm bắt tình hình thực tế, Công đoàn ban chuẩn bị sản xuất B12 (nơi bố tôi làm việc) cho nhà tôi mượn lán trại di động cho công nhân thi công tuyến ống bằng vải bạt của Liên Xô (đã thanh lý) để làm chỗ ở tạm. Không sợ nắng trưa và những cơn mưa đầu mùa, cuộc sống đã trở lại như thường nhật. Sau những cơn mưa nhỏ đầu mùa, mẹ tôi thấy rất nhiều vết nứt ngang dọc trên mặt đất, chúng tôi cũng rất ngạc nhiên… và, ồ không, chuối đang nảy mầm; Mẹ tôi bảo phải theo dõi thường xuyên và chuẩn bị hố để trồng và rồi các mầm chuối được trồng vào những nơi còn có thể, Tôi vẫn nhớ lời giảng của cô Hoàn - giáo viên dạy môn Hóa “cùng với ánh chớp của sấm sét, cùng với ánh chớp khi phát nổ của đạn bom đều tạo ra muối Nitorat - thành phần chính của phân đạm tự nhiên”.

Rồi một ngày hè năm 1973, đoàn quân áo xanh cùng xe máy rầm rập kéo về đỗ hai bên đường và tản dần vào những khu đất còn trống, hối hả san lấp lấy mặt bằng làm lán trại và bãi thi công. Đó là lực lượng chủ lực của Công ty xây lắp I nhận lệnh về xây dựng lại Kho xăng dầu Đức Giang. Không khí làm việc thật khẩn trương và nhộn nhịp.

Hòa niềm vui chung, mẹ tôi quyết định nhà mình tập trung lấp hố bom. Thế là mỗi sáng dậy hoặc khi đi học về chúng tôi dùng xà beng bẩy từng tảng đất lớn bị ép chặt dưới sức ép khi bom nổ, đất lăn xuống như thác đổ. Thấy không khí vui và khẩn trương anh em trong xóm vào tham gia. Chẳng mấy chốc hố bom sâu hoắm nông dần. Nhờ những cơn mưa mùa hạ, đất lấp tới đâu được nén chặt tới đó. Đến ngày trả lại căn nhà bạt cũng là lúc hố bom cơ bản được lấp đầy. Rồi mẹ nói phải bằng mọi cách dựng lại căn nhà, cỏ gianh xin từ trong kho để đánh gianh lợp.

Một số cây soan đào bị bom phạt ngọn làm xà gồ. Mẹ mua thêm 1 số vật liệu còn thiếu và chợt nhớ cây vú sữa bố tôi trồng để luôn nhớ về quê hương Miền Nam. Ban đầu chúng tôi tưởng nó bị bom phá tan từng mảnh. Sau nhiều ngày tìm kiếm, anh em tôi thấy cây vú sữa bị tách thành 2 nhánh bay xa chừng 700 mét, chúng tôi hì hục đào bới khiêng về được mẹ thiết kế thành hai cột nhà phía hố bom. Cũng vì hố bom mà căn nhà mới xoay 90 độ về hướng Đông Bắc.

Căn nhà tôi hoàn thành cũng là lúc các nhà trong khu cũng sửa chữa xong. Không khí vui tươi đến mọi nhà nhân dịp năm mới. Rồi công trình tuyến ống B12 hoàn thành. Bố tôi được chuyển về làm việc gần nhà, Kho Xăng dầu Đức Giang khánh thành vui như ngày hội. Tiếng máy bơm reo suốt ngày đêm phục vụ xây dựng Miền Bắc cũng như bơm chuyển xăng dầu cho quân đội chi viện cho chiến trường Miền Nam.

Thấm thoát 50 năm đã trôi qua, nhớ lại những ký ức về 12 ngày đêm năm ấy, đọc lại những dòng nhật ký được tìm thấy trong hố bom của Đặng Thị Hà (Học cùng trường cấp III- Nguyễn Gia Thiều với tôi) bị bom Mỹ giết hại. Đọc lại bài viết “Thầy giáo của Hà viết về Hà” của thầy Nguyễn Cao Lý - giáo viên dạy môn văn, Bí thư đoàn trường; Thắp hương tưởng nhớ bác Phạm Văn Đạt – cố Tổng giám đốc và những nạn nhân phố Khâm Thiên vào những ngày mùa đông năm ấy… Lòng tôi vô cùng bồi hồi, xúc động. Được sống trong hòa bình, hạnh phúc hôm nay là biết bao gian khổ, mất mát, hy sinh của cả dân tộc. Chúng ta nguyện đoàn kết, ra sức phấn đấu trong cuộc sống, lao động và học tập góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh - trường tồn.

Trần Văn Thịnh - nguyên Tổng giám đốc Petrolimex

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ký ức về 12 ngày đêm tháng 12.1972