Đây là cảm nhận của một bạn đồng tính nam sau khi đọc bài viết 'Tôi được gay', đăng tải trên Một Thế Giới vào ngày 10.08.2014.

Là gay - được hay bị?

Một Thế Giới | 17/12/2014, 13:51

Đây là cảm nhận của một bạn đồng tính nam sau khi đọc bài viết 'Tôi được gay', đăng tải trên Một Thế Giới vào ngày 10.08.2014.

“Tôi được gay” là tiếng nói đầy suy nghiệm của một người bạn đồng tính, nhưng lại khiến cho nhiều trái tim đồng dạng khác phải rung động. Câu chuyện của tác giả, nó quá quen thuộc với tôi. Đa số những người đồng tính như tác giả và tôi đều đã và đang trải qua những nỗi niềm như thế. Song, những lời khẽ khàng đầy tâm tư này, chúng lạ ở chỗ, ngày hôm nay đã dám cất lên ở chốn đông người, để rồi vỡ òa ra trong sự phát hiện của nhiều người khác nữa – những cá nhân vốn đã quen với lặng lẽ và cô độc: Thì ra, cũng có người giống mình đến vậy!
Tôi cũng sinh năm 1986 như tác giả, nhưng đến giờ, tôi vẫn chưa dám chắc mình “được” hay “bị”. Câu chuyện phiếm giữa những người bạn cùng cảnh ngộ thuở nào vẫn còn trong tôi, rằng chắc kiếp trước mình làm chuyện gì mắc tội, nên kiếp này mang “phận gay” trả nghiệp. Lý lẽ chua chát ấy, chẳng ngờ lại có thể an ủi tôi qua nhiều biến cố. Tôi nghĩ, khi tác giả bảo rằng bạn “được” gay, đó là vì niềm hạnh phúc đang lan tỏa trong bạn, khi bạn được mẹ chấp nhận. Niềm hạnh phúc ấy lớn lao đến mức, nó làm dịu đi những tổn thương và cay đắng mà bạn đã phải chịu đựng. Là gay, là bisexual hay là straight… nếu không nhận được tình yêu thương, sự thấu hiểu từ những người thân, nếu không có được một điểm tựa trong đời, thì cũng sẽ đều là bi kịch cả.
gay
Tôi không biết khi nào sẽ "come out" với bố mẹ nữa. Nhưng chắc chắc phải là khi tôi đã hoàn thành xong việc học, đã đi làm và có thể tự nuôi sống thân mình. Bởi tôi hiểu rằng, sự nóng vội công khai trong thời điểm mà bản thân mình còn chưa sẵn sàng chỉ có thể đưa tôi đến ngõ cụt. Một người bạn của tôi đã phải uống thuốc tự tử khi rơi vào ngõ cụt ấy. May thay, cậu được đưa vào bệnh viện kịp thời. Mẹ của bạn sau đó, vì muốn dỗ dành con mà tỏ ra chấp nhận, nhưng trong lòng bà vẫn thầm tin và hy vọng con trai sẽ thay đổi, khi cậu thêm lớn khôn.
Xâu lại những câu chuyện vụn vặt mẹ từng kể tôi nghe, hay tôi nghe lóm được từ trong những cuộc trò chuyện giữa mẹ và những người bà con… tôi biết, mẹ đã chịu cực rất nhiều, vì anh em tôi, và vì cả một thời trai trẻ nông nổi của bố tôi nữa. Trước khi anh em tôi ra đời, tôi được biết còn có hai anh nữa. Hai anh đều chết khi còn là trẻ sơ sinh. Trong giấc mơ của mẹ, mẹ đã thấy một ông lão râu tóc bạc phơ bế hai anh đi… Nếu hai anh còn sống, anh em tôi đã không có mặt trên đời này. Càng ý thức được mình là gay, tôi lại càng tự hỏi sao ông Trời lại bắt hai anh tôi đi, để tôi và anh ba ở lại… Mẹ khổ với anh ba từ thời anh còn đi học đến giờ. Tôi sắm vai đứa trẻ ngoan hiền, học giỏi trong gia đình và dòng họ. Tôi là niềm an ủi của mẹ. Vì vậy mà tôi sợ, một ngày nào đó mẹ biết được sự thật về tôi… Tôi không lo cho mình. Tôi lo cho mẹ. Tôi không muốn mẹ lại nghĩ tôi là một “đày ải” nữa mà kiếp sống này mẹ phải gánh chịu. Mẹ đã chịu quá nhiều khổ đau rồi.
Tôi mơ hồ nghĩ đến một ngày, tôi sẽ dẫn người con trai tôi yêu ra mắt bố mẹ, rồi bố mẹ sẽ có thêm một cậu con trai, thay vì một cô con gái. Có người yêu, tôi mới dám tìm thêm cho mình lí do, và cả sức mạnh, để có thể thổ lộ với bố mẹ, để khi những giờ phút khó khăn nhất ập đến, ít ra tôi biết mình còn có chỗ tựa nương. Nhưng giấc mơ ấy hãy còn xa vời lắm. Kể từ khi tôi nhận ra cảm xúc khác lạ mình dành cho những cậu bạn trai, tức là từ năm lớp sáu, cũng là từng ấy năm tôi tập sống chung với những mối tình đơn phương. Tình yêu trong tôi đơn giản chỉ là những cái nhìn len lén từ xa, hy vọng, thất vọng, rồi lại hy vọng.
Tôi từng có mong ước được làm con gái, không phải để được tô son, đánh phấn, được mặc áo váy màu mè... Tôi mong được làm con gái, đơn giản vì những người con trai mà tôi thương, họ toàn yêu con gái. Làm con gái để có thể đường hoàng yêu thương người đàn ông của mình như bao phụ nữ khác. Tôi mong được sinh con cho anh. Những đứa con sẽ là sự nối tiếp kì diệu của anh, của tôi và của tình yêu hai đứa. Mong ước này khiến tôi quay ra mặc cảm về bản thân mình. Người đàn ông nào lỡ yêu một thằng gay như tôi, anh ấy sẽ thiệt thòi lắm… Tôi đã nghĩ tôi sẽ chỉ cho phép mình yêu người đàn ông ấy một thời gian thôi, rồi còn phải để anh đi lấy vợ, lập gia đình như bao người đàn ông khác. Phải nhìn anh được trọn vẹn như vậy, tôi mới yên lòng.
Tôi từng làm giáo viên cấp ba ở một trường phổ thông. Môi trường học đường càng khiến tôi phải che đậy thật kỹ. Vậy nhưng thi thoảng, tụi học trò “đầu gấu” vẫn không chịu để yên cho ông thầy nom như trẻ con mới về trường. Chúng xì xào những điều khó nghe khi tôi đi ngang, chúng gọi tôi là “chị”… nhưng tôi vẫn phải cố bình tĩnh bước đi bình thường nhất có thể, như không hề nghe thấy, không hề cảm thấy những nhát dao vô hình đang cứa vào lòng tự trọng. Tôi tự dặn mình, tụi học trò còn quá nhỏ để hiểu hết mọi chuyện.
Nhỏ bạn thân của tôi chỉ mới biết tôi là gay cách đây vài năm. Tôi nói ra với nhỏ trong một lần suy sụp tinh thần. Chúng tôi có vẻ thân hơn vì tôi đã có thể nói ra cho nhỏ nghe về những cảm xúc phức tạp của mình. Dĩ nhiên là, tôi không thể chia sẻ với nhỏ về tất cả. Nhiều người nghĩ, gay mà có bạn thân là nữ, chắc hai người sẽ như “hai chị em”. Nhưng tôi không giống vậy. Tôi vẫn ý thức được mình là con trai và bạn tôi là con gái. Tôi sợ có khi mình “làm quá” mà mất điểm trong mắt nhỏ, tôi sợ nhỏ sẽ hiểu lầm về những người đồng tính như tôi. Thực tế, đôi khi tôi vẫn thấy nhỏ có vài phát hiện ngô nghê về gay, khiến tôi không khỏi bối rối. Nhỏ nói giờ đi đâu cũng thấy gay, như thể gay là một phong trào nào đó đang “hot” trong giới trẻ vậy. Tôi đủ nhạy cảm để thấy nhột, dù hiểu rằng nhỏ chỉ thấy sao nói vậy, không hàm ý gì. Tôi e ngại khai ra mình là gay với những người bạn khác, cũng là vì sợ rằng những người xung quanh sẽ củng cố thêm niềm tin “gay đang nở rộ”; cũng vì sợ người ta sẽ nhìn mình, quan tâm đến mình bằng những con mắt khác biệt –mà tôi thì chỉ muốn được bình thường như mọi người, tôi không muốn bị chú ý, bị hỏi thăm hay bị thương hại… Gay, khác với những người xuyên giới (transgender - chuyển giới hoặc không chuyển giới) ở chỗ họ rất nhạy cảm với sự soi mói của người đời. Nó như một kiểu phản xạ phòng vệ vốn được tôi luyện từ sau những năm tháng dài tuổi thơ bị phân biệt đối xử và kì thị.
Tôi còn có nhỏ bạn thân khác, cô bạn này làm điều dưỡng, có ít nhiều kiến thức y khoa song lại là người tỏ ra cứng rắn với gay nhất. Với nhỏ, gay như một căn bệnh, một dạng tệ nạn trong đám thanh niên không thể nào chấp nhận nổi. Trước sự căng thẳng này, tôi đã chọn cách… im re để còn có thể tiếp tục trò chuyện với nhỏ. Tôi không trách nhỏ. Tôi cần sự thông cảm của nhỏ, và nhỏ cũng cần sự cảm thông của tôi. Tất cả chúng ta đều cần thời gian để hiểu rõ những điều xa lạ. Nếu được chọn lựa, bạn sẽ chọn mình là dị tính (straight) để sống như bao nhiêu người đàn ông khác, hay vẫn sẽ chọn mình là đồng tính (gay)? Bạn sẽ không chọn lại, sẽ sống thật với bản thân mình hay muốn mình là "straight" để sống như bao người đàn ông khác? “Được” và “bị” - đâu là cảm nhận chung nhất của những người đồng tính?
Đường đi khó thì chả mấy ai chọn, chỉ số ít những người-đồng-tính-“lì-lợm” chọn sống thật với chính mình. Tôi tin những con người can đảm này ít nhiều sẽ làm lay động số đông còn lại, sẽ làm giật mình không ít những kẻ đã từng hả hê với muôn kiểu bắt nạt, nhục mạ người đồng tính. Bởi, điều ngạc nhiên là những người luôn bị cho là yếu đuối, là “đàn bà” của những ngày tháng co ro, buồn tủi năm nào, nay vẫn còn có thể hiên ngang tiếp tục đứng dậy, vẫn dám chọn là chính mình trong kiếp phận này, dù có ra sao.
Rốt cuộc là đồng tính, dị tính hay lưỡng tính, với tôi tất cả đều là những thử thách và cơ hội, là cuộc hành trình dài gian nan tìm về với những chân giá trị -mái nhà bình an cho mỗi tâm hồn.
Một bạn đọc giấu tên
Nguồn: ThatMah
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Là gay - được hay bị?