Bên cạnh việc xây dựng hạ tầng kết nối tiên tiến, các chuyên gia cho rằng việc giảm thiểu những rào cản về chi phí, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng AI một cách dễ dàng là cách đưa công nghệ này tới tay tất cả mọi người.
Khoa học - công nghệ

Làm thế nào để AI thực sự phát huy tiềm năng?

Nhật Anh 17:50 05/12/2024

Bên cạnh việc xây dựng hạ tầng kết nối tiên tiến, các chuyên gia cho rằng việc giảm thiểu những rào cản về chi phí, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng AI một cách dễ dàng là cách đưa công nghệ này tới tay tất cả mọi người.

Sáng kiến về “đám mây quốc gia”

Tại Internet Day 2024, theo ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, thế giới hiện đang bước vào kỷ nguyên mà trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ là xu hướng mà còn là động lực cốt lõi thúc đẩy đổi mới sáng tạo trên mọi lĩnh vực. Để AI thực sự phát huy tiềm năng, việc xây dựng các hạ tầng kết nối tiên tiến là yếu tố không thể thiếu.

Ông Lê Hoài Nam - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu Việt Nam (VNCDC) cho biết, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển mạnh mẽ, ngành điện toán đám mây (Cloud Computing) và trung tâm dữ liệu (Data Center) của Việt Nam đứng trước những cơ hội lớn lao nhưng cũng không ít thách thức.

Theo ông Nam, báo cáo của MarketsandMarkets cho thấy thị trường điện toán đám mây toàn cầu có với tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm (CAGR) là 17,9% thời kỳ 2022-2027.

Về trung tâm dữ liệu, dữ liệu của Statista cho thấy tổng chi tiêu cho trung tâm dữ liệu trên toàn thế giới năm 2023 đạt 227 tỉ USD và dự kiến tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ khi nhu cầu xử lý dữ liệu gia tăng bởi AI và IoT.

tri-tue-nhan-tao-ai.jpg
AI là động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở mọi lĩnh vực - Ảnh: Internet

Tại Việt Nam, thị trường điện toán đám mây năm 2023 đạt trị giá ước khoảng 480 triệu USD, với tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm 25 - 30%. Dự báo đến năm 2025, con số này có thể vượt 1 tỉ USD, trở thành một trong những thị trường tiềm năng nhất khu vực Đông Nam Á.

Về trung tâm dữ liệu, theo báo cáo từ Research and Markets, Việt Nam hiện có khoảng 27 trung tâm dữ liệu lớn, tập trung ở các khu vực kinh tế trọng điểm. Con số này dự kiến tăng lên nhờ nhu cầu ngày càng cao từ các ngành ngân hàng, viễn thông và chính phủ số.

Ngoài ra, ông Nam cũng cho biết một khảo sát gần đây cho thấy 90% doanh nghiệp tại Việt Nam đã hoặc đang có kế hoạch chuyển đổi sang sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng các đám mây nội địa vẫn còn hạn chế, chiếm chưa đến 40% thị phần. Điều này cho thấy tiềm năng và nhiệm vụ lớn cho các nhà cung cấp dịch vụ trong nước.

Cùng với chính sách chuyển đổi số quốc gia, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ phát triển các nền tảng, hạ tầng số “Make in Vietnam” đủ sức cạnh tranh với khu vực và thế giới. Các sáng kiến về “đám mây quốc gia” đang được xây dựng để đáp ứng nhu cầu an ninh, bảo mật và tối ưu hóa chi phí.

“Những số liệu này không chỉ thể hiện sự tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu mà còn nhấn mạnh vai trò quan trọng của công nghệ này trong việc thúc đẩy kinh tế số, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam”, ông Nam nhấn mạnh.

a3725599c8af72f12bbe-1-17333158391242046877907.jpg
Quang cảnh tọa đàm Triển khai trí tuệ nhân tạo (AI) trong thực tế - Ảnh: VGP

Với những mục tiêu cụ thể, Chủ nhiệm VNCDC nhấn mạnh điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu không chỉ là những công nghệ mới mà còn là nền tảng thiết yếu cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong kỷ nguyên AI.

VNCDC mong muốn người dùng và cộng đồng có cái nhìn toàn diện hơn về vai trò, lợi ích, tiềm năng của lĩnh vực này tại Việt Nam.

Đặc biệt, Việt Nam không chỉ tiêu thụ công nghệ mà còn có thể làm chủ và phát triển các sản phẩm công nghệ đám mây mang thương hiệu “Make in Vietnam”. Điều này đòi hỏi sự đầu tư và đổi mới không ngừng từ các công ty công nghệ trong nước.

Ngoài ra, để thị trường phát triển bền vững, ông Nam cho rằng chúng ta cần giải quyết những vấn đề nổi cộm trong thị trường Việt Nam, đồng thời mang lại những lợi ích thiết thực cho cả người sử dụng và doanh nghiệp.

Con người vẫn giữ vai trò quyết định

Tại tọa đàm Triển khai Trí tuệ nhân tạo (AI) trong thực tế, diễn ra tại Hà Nội trong chuỗi tọa đàm Khoa học vì cuộc sống, thuộc Tuần lễ KH-CN VinFuture 2024, GS Yann LeCun cho rằng AI sẽ ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn, thông minh hơn, nhưng con người vẫn sẽ giữ vai trò quyết định trong việc định hướng và kiểm soát sự phát triển của công nghệ này.

Lợi ích của AI là không thể phủ nhận nhưng một trong những hạn chế lớn nhất của các hệ thống này hiện nay là sự thiếu khả năng suy xét, dự đoán các hậu quả của hành động cũng như lập kế hoạch hành động.

Theo GS Yann LeCun, để AI thực sự tạo ra tác động mạnh mẽ, chúng ta cần phải phát triển các hệ thống AI không chỉ biết học từ dữ liệu mà còn có khả năng hiểu sâu về thế giới xung quanh.

TS Bùi Hải Hưng - Tổng giám đốc VinAI cho rằng một trong những thách thức lớn đối với việc triển khai AI tại Việt Nam chính là nguồn lực hạn chế cả về tài chính và nhân lực. Tuy nhiên, ông Hưng tin rằng sự hạn chế này có thể trở thành động lực để Việt Nam đổi mới sáng tạo, phát triển các ứng dụng AI phù hợp với thực tiễn trong nước.

Theo TS Bùi Hải Hưng, tương lai không chỉ nằm ở việc tạo ra những công nghệ AI mạnh mẽ hơn, mà còn ở việc đưa công nghệ này tới tầm tay của tất cả mọi người. Do đó, phải giảm thiểu các rào cản về chi phí và tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng AI một cách dễ dàng và hiệu quả...

Bài liên quan
TP.HCM: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác điều hành của lãnh đạo
TP.HCM sẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các công nghệ phân tích dữ liệu lớn để dự báo, đưa ra các giải pháp giúp UBND TP, Thường trực UBND TP chỉ đạo, điều hành.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
26 phút trước Theo dòng thời sự
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm thế nào để AI thực sự phát huy tiềm năng?