Gần đây, báo chí rộ lên tin thí điểm lại việc nhập một số tỉnh khiến tôi lan man nghĩ lại kỷ niệm thời... tách tỉnh Nghĩa Bình ra làm Quảng Ngãi và Bình Định.

Lan man nhớ thời chia tách tỉnh

Nhà thơ Thanh Thảo | 22/09/2021, 14:44

Gần đây, báo chí rộ lên tin thí điểm lại việc nhập một số tỉnh khiến tôi lan man nghĩ lại kỷ niệm thời... tách tỉnh Nghĩa Bình ra làm Quảng Ngãi và Bình Định.

Bước tới Bình Đê lệ nuốt vào…”, có một vị quan chức cấp sở thuộc tỉnh Nghĩa Bình cũ, nhưng là người Quảng Ngãi, khi chia tỉnh về lại quê nhà đã “tức cảnh sinh tình” viết bài thơ cảm thán. Tôi không biết bài thơ này, mà chỉ biết một câu trong bài thơ đã bị một “nhà thơ” Quảng Ngãi độ lại, thêm thắt và chế giễu: “Bước tới Bình Đê lệ nuốt vào/H.N sao lại nói tào lao”.

Thực ra, vị quan chức nói trên không hề “nói tào lao”. Đó là những nỗi niềm, thậm chí là những bức xúc của ông sau nhiều năm sống và làm việc trong môi trường một “tỉnh ghép”. Do không biết trọn bài thơ, nên tôi không thể bình nhiều về nó. Về lại Quảng Ngãi, buồn hay vui? Vì sao mà “lệ nuốt vào” khi bước qua đèo Bình Đê, nơi phân cách địa giới Quảng Ngãi - Bình Định?

Tôi là người Quảng Ngãi, ở Quy Nhơn (Bình Định) tới 10 năm, nhưng khi tách tỉnh được về Quảng Ngãi quê nhà, tôi cũng không thể xác định được cảm xúc của mình: buồn hay vui? Tôi có nhiều bạn thân người Bình Định, và phải chia tay họ là một nỗi buồn đối với tôi. Về quan hệ giữa Quảng Ngãi - Bình Định, tôi không biết và cũng chẳng dây dính gì tới mức phải bày tỏ cảm xúc khi chia tỉnh. Nhiều vị quan chức người quê Quảng Ngãi có rất nhiều tâm trạng khi tỉnh Nghĩa Bình lại chia đôi thành Quảng Ngãi và Bình Định. Thực ra, việc nhập tỉnh khi ấy, đã được thực hiện trên toàn cõi Việt Nam chứ không riêng gì với 2 tỉnh.

Sau này, khi tôi có dịp chơi với một ông cựu Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi ngày tỉnh nhà mới giải phóng, nghe ông kể về nỗi tức tưởi của cá nhân ông, sau một lần đi họp ở Hà Nội về, ông tá hỏa khi vào trụ sở Ủy ban tỉnh (Quảng Ngãi), thấy vắng tanh vắng ngắt. Thì ra, trong lúc ông đi họp ở trung ương, tại quê nhà người ta đã “nhập tỉnh”, đã kéo cả Ủy ban tỉnh “di cư” vào Quy Nhơn mà không hề báo một tiếng cho ông - đương kim Chủ tịch tỉnh - biết, để còn… chạy theo vào. Đó cũng là một điều kỳ lạ trong vô số những điều kỳ lạ sau ngày thống nhất đất nước.

Năm 1989 chia tỉnh. Phải qua mùa hè, tôi mới chính thức về “ngụ” tại quê hương mình, do phải chờ hai đứa con nhỏ hoàn thành năm học tại Quy Nhơn, trong khi vợ tôi đã theo báo Quảng Ngãi về trước. Mấy tháng đầu về Quảng Ngãi, vợ tôi phải ở nhờ gia đình nhà thơ Nguyễn Trung Hiếu. Tổng biên tập báo Quảng Ngãi Trương Đình Chiểu cũng phải tá túc đâu đó để chuẩn bị ra số báo đầu tiên, hình như vào đầu tháng 7.1989.

Tôi có đóng góp vào số báo đầu tiên ấy bài thơ Cứ thế sông Trà với giọng thơ đầy… cảm khái, theo kiểu Kinh Kha qua sông Dịch: “Nghìn năm trước sông Trà vẫn thế/Nghìn năm sau cứ thế sông Trà”. Hình như nhiều người về lại Quảng Ngãi cũng có tâm trạng “qua sông” như tôi. Nghìn năm sau, sông Trà dĩ nhiên vẫn là sông Trà, có gì mà mình cảm khái dữ vậy! Nhưng hồi ấy là thế.

Tháng ngày lận đận bia làm bạn

Bây giờ nghĩ lại, hóa ra, cái thời mới tách tỉnh với bao nhọc nhằn nhếch nhác lại là thời nhiều niềm vui nhất. Chẳng biết vui vì cái gì, nhưng hình như cái gì mình cũng thấy vui. Như cái chuyện ở. Tôi ăn theo cơ quan của vợ - báo Quảng Ngãi - để có chỗ ở. Báo Quảng Ngãi được tạm chia cả tầng 2 ngôi nhà vốn là bảo tàng hay gì đó. Cả ban biên tập và phóng viên tờ báo xúm xít vừa ở vừa làm việc trên tầng 2 ấy. Gia đình tôi được kê 2 cái giường cá nhân, quây ri đô xung quanh là thành… căn hộ cho 4 khẩu. Gia đình Tổng biên tập Trương Đình Chiểu cũng vậy.

Lúc bấy giờ họ đã có một con, vợ Chiểu làm ở Sở Kế hoạch - Đầu tư lại đang mang bầu. Hai “căn hộ” chúng tôi ở cách nhau… 1,5 mét. Quá tốt! Ở gần nhau như thế, hai gia đình càng thân thiết, càng dễ chia sẻ với nhau từ chén mắm tới bó rau. Ấy là hai bà vợ. Còn cánh đàn ông chúng tôi thì chủ yếu chia sẻ… bia với nhau. Nhà ở riêng, bia uống chung. Và không chỉ tôi với Chiểu, mà nhiều anh em, từ phóng viên tới… lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện và cả anh em… thất nghiệp, vẫn thường xuyên tụ tập tại tầng hai “ngôi nhà báo” để chia sẻ với nhau nhiều thứ, nhất là chia sẻ… bia rượu.

Hồi ấy mồi nhậu khan hiếm, chúng tôi lại không có tiền, nhưng chẳng biết làm cách nào mà mấy anh em chúng tôi vẫn xoay được bia, từ bia chai Sài Gòn tới bia lon ngoại, từ bia hơi “Đặng An” tới rượu đế quê nhà tự nấu, để vui với nhau mỗi buổi chiều tà. Tôi là phó thường dân, nhưng “đối tác” thường xuyên uống bia với tôi là Phó chủ tịch thường trực tỉnh Trần Anh Kiệt (Hai Kiệt), là Bí thư kiêm Chủ tịch huyện Tư Nghĩa Nguyễn Thanh Tân (Sáu Tân), là Phó giám đốc Công an tỉnh Lê Văn Diêu (Mười Diêu), là Tổng biên tập báo Quảng Ngãi Trương Đình Chiểu… toàn “quan chức cộm cán”. Trong khi tôi, Thái Anh, Tăng Quỳnh… đều diện “lính lác”, nhà thơ nhà báo lằng nhằng, trên răng dưới... cát tút.

Vậy mà anh em chơi với nhau rất thân thiết, nghĩa tình, tuyệt nhiên không phân biệt. Cứ “hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” như thế mà chơi với nhau. Còn nhớ, đối diện với tầng hai “Nhà báo” là nhà công vụ của Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Quang Thắng. Ông Năm Thắng, chúng tôi quen gọi như vậy, là người rất hiền lành. Nhiều hôm, ông ngồi bên nhà mình nhìn sang “nhà” chúng tôi, thấy “đám trẻ” tụ tập ăn nhậu cười la toang toác, chắc ông cũng không thú vị lắm. Khổ nỗi, chúng tôi lại toàn là những đứa em quen thân với ông, nên ông không nỡ la mắng. Vì thế, chỉ thấy ông… cười cười, nói bọn mày uống bia cho lắm rồi đái bậy, làm ô nhiễm môi trường. Đúng là lời “phê bình nội bộ” của một vị lãnh đạo thật hiền và thật dễ chịu.

Dĩ nhiên, không phải vị lãnh đạo nào cũng như ông Năm Thắng. Một số vị thấy chúng tôi hay chơi với nhau, uống bia rượu với nhau thì tỏ vẻ khó chịu. Nhất là trong “đám bia rượu” ấy có cả những anh đang là lãnh đạo cấp tỉnh hay cấp huyện. Họ nghĩ, hay chúng tôi tụ tập như thế để có chuyện gì, làm chuyện gì. Thực ra, chỉ có mỗi một chuyện “tháng ngày lao đao lận đận, bia làm bạn, bạn làm bia” thôi.

Cái chí của tờ báo, nghề báo của tờ tạp chí

Tổng biên tập Trương Đình Chiểu - con nhà nòi cách mạng - là một người có chí khí làm báo. Trong tay Chiểu, tờ báo Quảng Ngãi hưởng ứng “Những việc cần làm ngay” của cụ N.V.L, xông lên đấu tranh chống tiêu cực. Nghe nói, khi báo mới ra, đã làm liền mấy số về vụ “Bức tường” gì đấy, gây được tiếng vang. Đối với quê Quảng Ngãi vốn lặng lẽ lành hiền của tôi, thì “tiếng vang” nghe đã có vẻ mệt! Người đọc báo Quảng Ngãi chia làm hai phe qua vụ “Bức tường”, một nửa ủng hộ quan điểm của báo, một nửa không tán thành. Làm báo mà gây được tranh luận như thế, đã là vui! Sau đó, báo Quảng Ngãi còn làm mấy cái phóng sự điều tra gì nữa, và tiếp tục gây được tiếng vang.

Nhưng kể từ đó, sóng gió bắt đầu nổi lên, cũng từ một vài bài báo. Tổng biên tập bắt đầu phải giải trình, phải nhọc lòng vì chính tờ báo của mình. Nhưng Trương Đình Chiểu vẫn thể hiện được cái chí làm báo của mình, dù có lúc, tôi thấy anh cũng không thật ổn lắm. Có một lần, vào đêm khuya thanh vắng, Chiểu qua huyện Sơn Tịnh uống bia với nhà báo Hà Minh Đích bấy giờ còn làm trưởng Đài truyền thanh Sơn Tịnh, lúc trở về nhà đi bộ trên cầu Trà Khúc (cũ). Trăng sáng dãi dề, lai láng khắp mặt sông Trà. Chiểu kể lại với chúng tôi là anh thấy một… cái bóng cứ lặng lẽ đi theo sau anh. Nghi kẻ gian, hoặc nguy hơn là bọn “tiêu cực” bám theo anh để ra tay “hõm hại” (hãm hại), Tổng biên tập Chiểu đã nhiều lần dừng lại trên cầu, sẵn sàng tung “chưởng” tay bo với bọn “tiêu cực”. Nhưng cái bóng đen ấy cứ lặng lẽ theo anh mà không động thủ. Tôi nghe chuyện, đã hơi nghi nghi, bèn nói nhỏ với mấy anh em. Tất cả đều xác nhận rằng, cái “bóng đen bí mật” bám theo sát sau Trương Đình Chiểu chính là… cái bóng của anh, vào một đêm trăng sáng. Ấy, nghề báo nguy hiểm là thế! Nhiều khi, chính cái bóng của ta cũng khiến ta phải… giật mình.

Nhưng, cho tới khi không còn làm tổng biên tập báo nữa, Trương Đình Chiểu vẫn giữ được phẩm chất cương trực và chí khí “tấn công tiêu cực” của một nhà báo chân chính. Anh đã từng phải dự (bất đắc dĩ) nguyên một ngày người ta kiểm điểm tôi (Thanh Thảo) vì tạp chí Sông Trà số 1, bản thân anh cũng nhiều lần phải giải trình và kiểm điểm, nhưng Chiểu vẫn đầy nhiệt tình và hơi… hoang tưởng. Không còn thấy “bóng đen” theo sau mình, nhưng anh lại thấy con đường sự nghiệp làm báo phía trước của mình hơi… mờ mịt. Dù như vậy, dù sau này không còn làm báo nữa, nhưng Trương Đình Chiểu vẫn là nhà báo hồn nhiên và dễ thương bậc nhất mà tôi gặp trong suốt cuộc đời làm báo.

Phần tôi, không làm báo, mà làm tạp chí văn nghệ. Nhưng tôi vốn là nhà báo chuyên nghiệp, nên khi làm tạp chí, dù là tạp chí văn nghệ văn gừng, tôi vẫn muốn đưa “chất” báo chí vào tạp chí, khiến nó sinh động, hấp dẫn và dễ đọc hơn với nhiều đối tượng người đọc. Tôi đã làm tạp chí Sông Trà số 1 trên tinh thần “đưa báo vào chí” như vậy. Cất công ra tận Hà Nội để phỏng vấn GS vật lý Nguyễn Hoàng Phương về đề tài “trường sinh học” nổi tiếng của ông hồi ấy, tôi đã có cho Sông Trà số 1 bài phỏng vấn sinh động và hấp dẫn. Đặt bài cho nhiều nhà báo về những đề tài mang đậm tính báo chí bên cạnh những sáng tác và phê bình văn học, tôi muốn Sông Trà mang được “hơi thở đương đại”. Bây giờ nhớ lại, tôi vẫn thấy hài lòng về cách làm tạp chí văn nghệ của mình.

Nhà văn Tô Hoài, một đại thụ của văn xuôi Việt Nam, cũng là người không hề xa lạ với hoạt động báo chí, đã từng viết thư khen cách làm tạp chí văn nghệ Sông Trà của tôi:  “Tôi mới viết được cái tạp văn về một người bạn đã mất, gửi Sông Trà, nhân đọc bài của Thanh Thảo viết Đọc nhật ký Dương Thị Xuân Quý (Sông Trà tháng 7). Tôi thường đọc tạp chí Sông Trà (mượn của thư viện Hội Văn nghệ Hà Nội), Thanh Thảo làm tạp chí rất giỏi, bài vở mang dấu vết Sông Trà nhưng mà cả nước đọc được, đọc hay”.

Vậy mà với Sông Trà số 1, khổ nhỏ, in giấy xấu, trông rất khiêm nhường, tôi đã phải chịu cảnh “lên bờ xuống ruộng” vì những cuộc kiểm điểm, những lần rút giấy phép xuất bản. May mà tôi “ở hiền gặp lành” nên rút cuộc, mọi chuyện lùm xùm rồi cũng qua.

“Rượu này làm Gooc-ba-chốp đau đầu đây!”

Tết Nguyên Đán đầu năm 1990, tôi rời “tổ ấm” báo Quảng Ngãi trên tầng 2 để “về nhà mới” - một căn hộ khiêm nhường tỉnh phân cho gia đình tôi. Khỏi nói, tôi đã mừng như thế nào. Thế là, Tết ấy có nhà mới, anh em “khu vực báo Quảng Ngãi” chúng tôi lại kéo nhau đi nhậu mừng xuân. Đến nhà Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Quang Thắng chúc tết, ông Năm Thắng rất vui, bèn mang ra một chai rượu vodka Latvia mời chúng tôi. “Đoàn chúc tết” gồm anh Trần Anh Kiệt, Trương Đình Chiểu, Thái Anh, Tăng Quỳnh và tôi nhìn chai rượu Bí thư Tỉnh ủy mời mà… sướng bừng lên!

Tôi săm soi chai rượu, rồi nói như… thật: “Anh Năm à, thứ rượu vodka Latvia này đã làm cho Goóc-Ba-Chốp đau đầu lắm đây!”. Ông Năm Thắng hơi ngạc nhiên, tôi lại nói rõ hơn: “Thì Latvia đòi tách khỏi Liên bang Xô viết, có lẽ do họ nghĩ mình có thứ rượu vodka này rồi nên không cần rượu vodka Nga nữa đấy mà”. Ông Năm Thắng biết tôi nói đùa, nhưng trong đó có một chút sự thật của khoảng thời gian đầy phức tạp ấy, nên cho qua, và giục chúng tôi uống. Thế là anh em mừng quá, trợn mắt nốc. Chỉ một loáng, đã bay chai vodka Latvia. Sau đó chúng tôi còn rồng rắn đi chúc tết nhiều nhà khác. Ở đâu cũng được mời bia rượu, và ở đâu chúng tôi cũng tận tình không khách sáo.

Với tôi, “Quảng Ngãi ngày trở về” chỉ toàn những chuyện “tào lao” như thế. Nhưng mà vui. Vui và nhớ mãi. Bây giờ, nếu lại có “nhà thơ” nào tức cảnh phang tôi: “Bước tới “lầu hai” bia nốc vào/Cha này sao lại nói tào lao”, thì tôi phải công nhận, mình cũng tào lao thật.

Nhưng nghề báo, không nói tào lao nó cũng mất vui đi. Mà tôi thì lại ham vui.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
một giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lan man nhớ thời chia tách tỉnh