Khi vào lãnh thổ Việt Nam ở ngã ba Long Bình (huyện An Phú, tỉnh An Giang), sông Hậu được chia thành hai dòng. Dòng chính chảy hướng đông nam, gọi là sông Bassac, còn có tên sông Bát Sắc, Ba Thắc. Dòng phụ chảy theo hướng tây nam, gọi là sông Bình Di, men theo biên giới giữa Việt Nam và Campuchia, ôm gần một nửa cù lao tả ngạn.

Lan man xuôi dòng sông Hậu

Nhà văn Trương Chí Hùng | 12/06/2023, 12:40

Khi vào lãnh thổ Việt Nam ở ngã ba Long Bình (huyện An Phú, tỉnh An Giang), sông Hậu được chia thành hai dòng. Dòng chính chảy hướng đông nam, gọi là sông Bassac, còn có tên sông Bát Sắc, Ba Thắc. Dòng phụ chảy theo hướng tây nam, gọi là sông Bình Di, men theo biên giới giữa Việt Nam và Campuchia, ôm gần một nửa cù lao tả ngạn.

Những tưởng cuộc chia ly giữa hai nhánh sông chốn biên thùy sẽ không mong gì có ngày tái ngộ, ngờ đâu qua những gập ghềnh đục trong, chúng lại hợp lưu ở Châu Đốc, tạo nên vùng “giáp nước” tấp nập xuồng ghe, trên bến dưới thuyền.

Người xưa bảo, Châu Đốc là xứ sở “tiền tam giang, hậu thất lĩnh”, nghĩa là phía trước có ba dòng sông chảy qua, sau lưng có bảy ngọn núi án ngữ (Thất Sơn). Thế đất ấy chỉ thịnh chứ khó suy. Hẳn vì thế mà từ đầu thế kỷ 20, triều Nguyễn đã chọn Châu Đốc để xây đồn đắp lũy.

Không dừng lại ở đó, vua Gia Long còn hạ lệnh cho đào kênh Vĩnh Tế nối liền Châu Đốc với Hà Tiên, dài gần trăm cây số. Kênh Vĩnh Tế là công trình kinh tế - quân sự, như một phòng tuyến vững chắc ngăn bước ngoại bang ở vùng biên viễn Tây Nam Tổ quốc từ thời khẩn hoang lập ấp.

Cũng như bao con sông hay kênh đào khác trên đất Việt, Vĩnh Tế vẫn gánh vác những trọng trách của lịch sử, góp phần trấn an bờ cõi, giữ từng tấc đất quê hương. Gươm chìm giáo gãy, con kênh lại trở về với vẻ đẹp hồn hậu vốn có, như cô gái quê miền Tây dịu dàng e ấp, ngày ngày chuyên chở phù sa bồi đắp ruộng đồng, và là chốn tựa nương của những kiếp thương hồ xuôi ngược. Đặc tính hiền hòa và bao dung của kênh Vĩnh Tế có lẽ được thừa hưởng từ sông Hậu.

1-chi-hung.jpg
Một chiếc thuyền du lịch đang ngược dòng sông Hậu - Ảnh: Tô Văn

Vốn dĩ cái tên sông Hậu được đặt theo vị trí địa lý của dòng sông này, có lẽ trong quá trình “mang gươm đi mở cõi”, ông cha ta từ miền Đồng Nai, Gia Định hướng về phía cực nam bắt gặp hai con sông lớn cản bước trường chinh. Gặp trước, gọi là “sông Tiền”, gặp sau, gọi là “sông Hậu”.

Nhưng từ “hậu” trong phương ngữ Nam Bộ còn có một nghĩa khác, chỉ sự hiền lành, bao dung, nó gần nghĩa với từ “hiền hậu”. Dân quê tôi còn gọi sông Hậu là sông Cái, nghĩa là con sông lớn. Từ “cái” cũng dễ khiến ta liên tưởng đến bậc mẫu thân, người đã sinh ra và chở che cho ta, sẵn sàng gánh chịu những nông nổi của chúng ta, “con dại cái mang”. Ngay trong cách gọi tên, đã thấy trong tâm thức của lưu dân phương nam, sông Hậu không phải là một thực thể vô tri. Sông có đời sống, có tâm hồn, số phận.

Những lần có dịp trên chuyến bay về sân bay Trà Nóc (Cần Thơ), nếu may mắn trời trong, tôi lại tranh thủ thu vào tầm mắt hình ảnh sông Hậu phía dưới. Cơ hồ con sông như dải lụa mềm mà các tiên nữ chốn Bồng Lai vô tình đánh rơi, vắt hờ hững trên cánh đồng bát ngát, đẹp tựa khúc hát giao duyên.

Mùa khô, dải lụa nhuộm màu xanh ngọc điểm tô những khóm mây trắng rải rác. Mùa mưa, tấm lụa chuyển sang màu nâu xám, chỉ cần một cơn gió nhẹ cũng có thể phất phơ bay. Đó là vẻ bên ngoài của dòng sông, chứ tính nết của nó thì cũng không dễ gì thấu hiểu.

Tôi nhớ, cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp từng ví dòng sông giống như tâm tính của một cô gái trẻ lúc đang yêu, có khi vui, có khi buồn, khi hờn ghen vô cớ. Đi dọc theo thủy trình sông Hậu sẽ thấy có những khúc sông vui như hội, tiếng nước reo ca hòa với tiếng xuồng ghe bạn hàng bán buôn trên chợ nổi. Có những lúc, sông âm thầm chảy giữa đôi bờ hoang vắng. Buồn như bóng bần.

Bữa đi phà Trà Ếch từ huyện Kế Sách (Sóc Trăng) qua huyện Cầu Kè (Trà Vinh) tôi mới thấm thía nỗi buồn của dòng sông. Trong màn mưa chiều mờ đục, những rặng dừa nước hai bên bờ rũ ra sông như chới với níu kéo cuộc phân ly. Con đò xập xình ướt sũng, chầm chậm lướt trên mặt sông trắng xóa.

Những bóng người ngồi trong khoang đò như những pho tượng gỗ, mắt nhìn về phương vô định. Một bà lão quấn cái mền dày, đầu choàng khăn, nằm gối đầu lên chân đứa con gái đi cùng. Mắt bà khép hờ, hơi thở run run khó nhọc. Thỉnh thoảng, bà gượng mở mắt ra, di chuyển cái nhìn mệt mỏi về phía tôi, rồi hướng ra mũi đò, nơi con sông Hậu thản nhiên trôi. Con gái bà rưng rưng kể với mọi người là bệnh của bà nặng lắm, bác sĩ không chữa được, nằm ở bệnh viện hoài chịu không nổi nên bà đòi về. Nhà bà bên cồn Mỹ Phước, giữa dòng sông Hậu.

Cô kể, ở đó yên tĩnh lắm, chỉ có mấy nóc nhà thôi, cây trái xanh ngắt bốn mùa, đứng chỗ nào cũng thấy gió sông mát rượi. Ước nguyện của bà là được nằm lại trên cồn đất quê hương, nơi trăm năm trước ông cha bà đã vượt sông đến đây lập nghiệp. Nằm nơi đây, bà sẽ được những bóng bần che mát, nghe gió thổi xạc xào mấy rặng dừa nước đầu bãi, nghe con sông Hậu trở giấc sớm chiều.

Mưa nặng hạt hơn. Tôi ngồi nhìn dòng sông, nghĩ về những bãi bồi, những cồn nổi mà nó đã tạo nên trong suốt hành trình. Có biết bao nhiêu người đang sống trên dòng sông hiền hòa này, để rồi luyến lưu từng hạt phù sa, xem như một phần máu thịt không thể thiếu. Đến khi về với đất, họ vẫn mong muốn được nằm bên cạnh dòng sông, cho con sông ngày đêm ru giấc thiên thu.

Ba má tôi phải duyên nhau, theo con nước ngược về cắm sào bên bờ sông Hậu, dựng cái chòi nhỏ để có chỗ che nắng che mưa. Ba tôi giỏi nghề hạ bạc, lại rất siêng năng, má tôi cũng tháo vát nên cả hai bám vào con nước vẫn vun vén được cuộc sống. Mấy anh chị em tôi lần lượt ra đời, ăn con tôm con cá sông Hậu mà lớn lên.

Thuở trước cá sông Hậu còn nhiều lắm. Vào mùa nước giựt, giăng câu giăng lưới một đêm lưng xuồng cá là chuyện bình thường. Những người chất chà ven sông, mỗi lần dỡ chà được vài trăm ký cá, phải rọng trong ghe đục để hôm sau đem ra chợ bán. Cá nhiều đến mức đong bằng thúng, bằng bao, ăn không hết mần mắm mần khô để dành năm này qua năm khác.

Lâu lâu, xóm tôi lại có người bắt được con cá hô hay cá tra dầu nặng cả trăm ký, xẻ thịt bán xong mua được mấy chỉ vàng. Tiếc là khi tôi lớn lên, những con cá khổng lồ trên sông Hậu đã ngày càng ít. Nghề hạ bạc cũng khó khăn hơn. Con sông không còn chuyên chở nổi những cuộc mưu sinh nên những người dân nghèo cũng dạt trôi tứ xứ.

Ba tôi ngồi nhìn mấy tay lưới, mẻ câu đóng bụi trong góc nhà, buông một tiếng thở dài não nuột. Ông lặng nhìn dòng sông, trong mắt chất chứa những nỗi niềm rưng rức. Trên sông bây giờ hiếm thấy xuồng ghe làm nghề câu lưới, thay vào đó là mấy chiếc ghe hút cát như mấy con mối sắt khổng lồ, đêm ngày gặm nhấm lòng sông. Phù sa sông Hậu cũng không còn bao nhiêu bởi những đập thủy điện phía thượng nguồn Mekong, như những nhát chém lạnh lùng, chặt nát con sông.

Trong những giây phút cuối đời, ba tôi vẫn không quên tâm nguyện được đi hết thủy trình của sông Hậu, nhưng bất thành. Anh em chúng tôi chỉ có thể đưa ba ra bến sông, nhìn con nước để hồi ức về những tháng ngày xuôi ngược.

Sau này, hễ có dịp là tôi lại đi dọc theo dòng sông Hậu, như một cách thực hiện di nguyện của người đã khuất. Tôi luôn tin rằng, ở một thế giới nào đó, ba tôi vẫn luôn dõi theo từng bước chân tôi. Vài lần, gặp xuồng câu lưới ở giữa dòng, tôi muốn kêu lên một tiếng thật to, như tôi vẫn thường kêu ba về ăn cơm thuở nhỏ. Nhưng dòng sông vẫn điềm nhiên còn tôi chẳng cất được thành lời, chỉ có tiếng gió xào xạc cùng sóng nước.

Càng về phía biển, sông Hậu chảy càng chậm. Dường như nó quá mệt mỏi vì sông mẹ Mekong trước đó đã trải qua một hành trình dài hơn bốn ngàn cây số lắm thác ghềnh. Nhiều lúc tôi nghĩ, dòng sông cũng không khác gì dòng đời của mỗi chúng ta. Những ngày thơ ấu và thanh xuân, ta hăm hở, mạnh mẽ bao nhiêu, thì càng về cuối đời, tính cách mỗi người thường trầm lắng lại. Mỗi người già như một nhà minh triết, bởi họ dành phần lớn thời gian để chiêm nghiệm, nghĩ suy.

Trước đây, sông Hậu đổ ra biển Đông bằng 3 cửa, Ba Thắc, Định An và Trần Đề (hay còn gọi là Tranh Đề). Thế nhưng, hiện nay cửa Ba Thắc đã bị lấp do sự biến thiên của địa hình, kể cả những vị cao niên ở khu vực này cũng không còn xác định được vị trí của nó. Chỉ còn hai cửa Định An và Trần Đề ôm lấy Cù Lao Dung.

Con phà An Thạnh vượt cửa biển Định An, đi từ huyện Duyên Hải (Trà Vinh) qua huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) tải trọng 50 tấn. Chiều hôm đó, khi bước xuống phà tôi cảm thấy nó vô cùng vững chãi, nhưng lúc ra giữa dòng tôi mới biết mình đã lầm. Sóng chồm lên từng đợt, nước tràn vào bên trong phà.

Giữa mênh mông nước, tôi không thể xác định nổi đâu là ranh giới của dòng sông, đâu là biển cả, chỉ thấy những bóng cây xanh mờ xa. Gió rít lên từng cơn rồi mưa ào ào trút xuống. Chủ phà gào lên yêu cầu hành khách nhanh chóng mặc áo phao làm chúng tôi càng bất an hơn.

Chỉ có ông lão lái phà là bình tĩnh, chậm rãi điều khiển nó nương theo từng đợt sóng, cập bến an toàn. Khi hành khách lần lượt lên bờ hết, ông mới ra phía trước mũi phà, đưa tay quẹt mấy giọt nước mưa còn đọng trên trán, rồi châm thuốc hút. Ánh mắt ông nhìn đăm đăm ra cửa biển, như thách thức từng cơn sóng dữ. Gương mặt chai sạm vì nắng gió với những nếp nhăn ngang dọc, bình thản một cách lạ thường.

Phải chăng, trong cuộc tựa nương sinh tồn giữa con người và thiên nhiên, có lúc đôi bên cũng phải tỏ ra gan góc, bản lĩnh như vậy để chế ngự phía còn lại. Nhưng rồi, thiên nhiên và con người cũng đâu thể tách rời, lại phải quyện hòa lẫn nhau, tuy hai mà một.

Trong tâm thức, tôi chưa bao giờ nghĩ một con sông sẽ có điểm kết thúc. Nếu có, chẳng qua là do con người tự ý vẽ ra. Dòng nước kia nếu hòa vào biển thì đâu hẳn kết thúc hành trình, mà là bắt đầu cho một hành trình mới, bất tận.

Kiếp phù sinh của chúng ta, hình như cũng vậy.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lan man xuôi dòng sông Hậu