Lăng Cha Cả là một di tích quan trọng của Sài Gòn, một Sài Gòn bắt đầu xây dựng lại trù phú sau những lần chiến tranh giữa nhà Nguyễn và Tây Sơn…

Lăng Cha Cả và vài suy nghĩ về lịch sử

Lê Học Lãnh Vân | 03/01/2021, 17:05

Lăng Cha Cả là một di tích quan trọng của Sài Gòn, một Sài Gòn bắt đầu xây dựng lại trù phú sau những lần chiến tranh giữa nhà Nguyễn và Tây Sơn…

Nếu lấy nhà thờ Đức Bà làm trung tâm Sài Gòn, hơn một năm sau trận chiến Mậu Thân, năm 1969, địa điểm xa trung tâm nhất mà Vương đi chơi với chúng bạn là Lăng Cha Cả cách đó khoảng sáu bảy cây số.

Cũng phải thôi, kể từ sau năm Mậu Thân 1968, trong tâm trí người cẩn thận, Sài Gòn đang bị phủ bóng chiến tranh. Con cái những gia đình như thế được cha mẹ khuyên răn không nên đi chơi xa, không nên đi gần những nơi dễ có giao tranh như phi trường, cầu cảng… Năm đó, trong một buổi học mà thầy nghỉ dạy hai tiếng đồng hồ, không cưỡng lại được lời dụ dỗ của anh bạn lớn hơn chừng chục tuổi, thằng học sinh lớ ngớ lớp tám trường Petrus Ký trèo lên yên sau chiếc xe Honda 50 cho ảnh chở về nhà ảnh ở gần Lăng Cha Cả rồi ghé qua thăm lăng.

Từ xa xa, Vương thấy lăng to như một cái đình, không khác những cái đình trên vùng đất Thủ Dầu Một từng được thăm viếng. Và nó chợt nhớ lại sáu bảy năm trước, lúc học lớp tư lớp ba tiểu học, chị Hai và một chị bạn của chị từng đưa nó tới đây dự một đám tang. Lúc đó cảnh vật còn hoang sơ hơn, Lăng Cha Cả mái nâu đỏ cổ kính được nhìn thấy từ xa với tấm bình phong án phía trước…

Năm 1983, Lăng Cha Cả bị giải tỏa.
Người đàn anh chở Vương thăm Lăng Cha Cả năm xưa đã chết mất tích năm 1975 trên đường chạy loạn từ Nha Trang vào Sài Gòn.
Vương ngồi với bố anh ấy trong con hẻm đường Bùi Thị Xuân, gần Lăng Cha Cả. Đường Võ Tánh, đường Chi Lăng đã được đổi tên. Thấy đằng kia, từ lăng, vài đám bụi mù trắng bốc lên…

Lăng Cha Cả là mộ của nhà truyền giáo, giám mục Bá Đa Lộc, một người Pháp sát cánh với Nguyễn Ánh trong công cuộc chống lại rồi lật đổ triều đình Tây Sơn. Lăng được hoàn thành năm 1799, ba năm trước khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua. Lễ di hài cốt ông Bá Đa Lộc vô lăng là một sự kiện rất lớn của Sài Gòn thời đó, đám rước được các nhà truyền giáo ghi lại là rất to và chúa Nguyễn Ánh từ Qui Nhơn vào Sài Gòn dự lễ.

Lăng Cha Cả là một di tích quan trọng của Sài Gòn, một Sài Gòn bắt đầu xây dựng lại trù phú sau những lần bị chiến tranh giữa nhà Nguyễn và Tây Sơn tàn phá.

Cái tên Cha Cả có thể gợi cho ta hiểu cách ăn nói và rộng hơn cách sinh hoạt của một thời đại của vùng đất Sài Gòn xưa không?
Lăng Cha Cả là lăng của một cha cố đạo Công Giáo, người Pháp. Được nhà cầm quyền trân trọng tuyên dương công lao, lăng của ông hoàn toàn mang kiến trúc Việt Nam hòa hợp với con người và vùng đất nơi ông an nghỉ. Có tinh thần tự chủ nào toát ra từ vẻ giản dị lặng lẽ mang tính cách và tâm hồn Việt Nam của Lăng Cha Cả không?

Lúc đó Công giáo chưa phát triển tại Việt Nam như bây giờ. Sự hiện diện, tồn tại và trở thành một địa danh thân thiết của Lăng Cha Cả có cho thấy tinh thần chung sống hòa bình và tôn trọng lẫn nhau của lương và giáo không?

Lăng Cha Cả đã hiện diện nơi vùng đất Sài Gòn một thời gian bằng hai phần ba số tuổi của Sài Gòn. Dù muốn dù không, Lăng đã là một địa điểm văn hóa, một địa điểm lịch sử, đã là một phần của lịch sử Sài Gòn. Đáng tiếc là giờ địa điểm này không còn gì ngoài cái tên, nhưng lịch sử về Lăng Cha Cả thì vẫn còn đó.

Trên mâm cơm, gia đình chúng tôi thường luận bàn những câu chuyện lịch sử. Một trong những đề tài được chúng tôi nhắc tới là tại sao nhà Nguyễn, được lập nên bởi chúa Nguyễn Ánh, một anh hùng cái thế và phóng khoáng, trải bao gian lao sống chết mới dựng nên vương triều trong tinh thần rộng mở và thân cận với văn hóa và kỹ thuật phương Tây, lại khép cửa với phương Tây một cách nghiệt ngã sớm như vậy để quay đầu thần phục nhà Thanh? Ý bài viết này muốn nói sự thần phục mê muội chứ không phải chỉ thần phục ngoại giao.

Nếu nhà Nguyễn không mê muội thần phục triều đình Bắc phương, thì vào nửa cuối thế kỷ XIX, khi Thanh triều suy đồi nghiêng ngửa, Việt Nam đã rất có thể canh tân xứ sở để hùng mạnh như Nhật Bản. Chứ không phải là một thuộc địa trầm luân chậm tiến tới bây giờ!
Cái gì đã xô đẩy Việt Nam vào số phận lẩn quẩn này?

Chúng tôi đã bàn luận nhau phải chăng do lúc đó sự xung đột văn hóa Tây - Đông đã quá mạnh, các nhà truyền giáo phương Tây, đại diện là giám mục Bá Đa Lộc, không chỉ truyền giáo, mà còn đả phá phong tục thờ cúng ông bà và giềng mối gia đình của người Việt? Giám mục Bá Đa Lộc có thiếu chính trị trong khi tiến hành truyền đạo không? Đừng quên rằng không chỉ truyền đạo cho dân chúng, ông đã truyền đạo cho hoàng tử Cảnh, người sắp nắm vận mệnh nước Việt thời đó!

Khoan nói ý đồ ông Bá Đa Lộc là đúng hay sai, có lợi cho Việt Nam hay không, việc ông muốn đưa cách hành xử Công Giáo can thiệp quá sâu vào phong tục thờ cúng ông bà của Việt Nam khiến Nguyễn Ánh, một người gắn bó với truyền thống tổ tiên, phải e ngại, đề phòng.

Tâm lý e ngại, đề phòng này có ảnh hưởng gì trên việc chọn người kế vị vua Gia Long không? Tâm lý e ngại, đề phòng này, nếu được truyền trong gia tộc, có góp phần tạo tâm lý bài Tây dương mạnh mẽ thời Minh Mạng, Thiệu Trị… không? Có góp phần khiến “cái vận số nước mình nó vậy” không?

Cô con gái trong nhà, người theo học khoa học kỹ thuật, nói con rất yêu thích Văn, Sử. Phải chi thầy cô trong trường dạy Sử mà thảo luận như thế này thì học trò yêu Sử biết bao nhiêu. Muốn được yêu, lịch sử phải thực thà, chân thành, mời gọi suy nghĩ.

Lịch sử phải nói lên sự thật từ nhiều góc độ khác nhau và để người học, người đọc tự suy ngẫm. Lịch sử là để người đời sau rút ra những bài học, chứ không phải là những bài được cắt xén hay bẻ chuốt cong để minh họa cho chính sách hay ý đồ chính trị nào đó. Lịch sử phải là người thầy dạy kinh nghiệm cho đời sau.

Cứ dạy Sử như hệ thống giáo dục chúng ta đang dạy, càng dạy học sinh càng quay lưng với lịch sử. Đúng ra là học sinh quay lưng với lịch sử khi chúng phải học lịch sử tư duy một chiều, khô khan và thiếu biện chứng!

Bài liên quan

(7) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
2 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lăng Cha Cả và vài suy nghĩ về lịch sử