Tôi mong muốn các doanh nghiệp bình tĩnh. Lãnh đạo thành phố luôn đảm bảo quyền lợi của người dân và doanh nghiệp. Những vấn đề sai sót pháp lý thuộc về cán bộ quản lý nhà nước sẽ bị xử lý, không để ảnh hưởng đến việc kinh doanh của doanh nghiệp", Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến khẳng định.

Lãnh đạo TP.HCM khuyên doanh nghiệp bất động sản... bình tĩnh

24/01/2019, 12:29

Tôi mong muốn các doanh nghiệp bình tĩnh. Lãnh đạo thành phố luôn đảm bảo quyền lợi của người dân và doanh nghiệp. Những vấn đề sai sót pháp lý thuộc về cán bộ quản lý nhà nước sẽ bị xử lý, không để ảnh hưởng đến việc kinh doanh của doanh nghiệp", Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến khẳng định.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến tại một sự kiện diễn ra ngày 23.1 - Ảnh từ PLO

Trước sự lo ngại về việc TP.HCM rà soát hồ sơ pháp lý của một số dự án bất động sản thời gian qua, lãnh đạo TP.HCM cam kết Thành phố luôn đảm bảo quyền lợi của người dân, doanh nghiệp. Những sai sót pháp lý thuộc về cán bộ quản lý nhà nước sẽ bị xử lý, không để ảnh hưởng đến việc kinh doanh của doanh nghiệp.

Thông tin này được ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch UBND TP.HCM đưa ra tại cuộc họp giữa lãnh đạo TP.HCM với các doanh nghiệp bất động sản diễn ra chiều 23.1.

Doanh nghiệp “kể khổ” vì vướng mắc pháp lý

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nói rằng, theo phản ảnh của các hội viên, hiện vẫn còn nhiều quy định, thủ tục về cấp phép đầu tư dự án bất động sản gây khó khăn cho các doanh nghiệp.

Đơn cử thời gian gần đây, những quy định mới về việc tạm ngưng cấp phép dự án mới ở trung tâm, tạm ngưng chuyển mục đích sử dụng đất một số dự án tại quận Phú Nhuận đã gây hoang mang cho cả chủ đầu tư lẫn người mua nhà. Việc này cũng có thể gây khan hiếm nguồn cung dự án mới của thành phố trong những năm tới.

Tại buổi làm việc, đại diện một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn như TTC Land, Phú Long, Hưng Thịnh, Vietcomreal, Lê Thành, Quốc Cường Gia Lai... cùng gửi kiến nghị tháo gỡ nhiều vấn đề vướng mắc về thủ tục pháp lý đến lãnh đạo thành phố. Nhiều chủ đầu tư cho rằng những vấn đề vướng mắc này khiến không ít dự án triển khai hàng chục năm của doanh nghiệp vẫn chưa thể hoàn thành.

Cụ thể, đại diện Công ty Địa ốc Sài Gòn Thương Tín đề xuất UBND TP.HCM và các sở ngành liên quan hướng dẫn trình tự thủ tục để doanh nghiệp này và UBND quận 5 hoàn thành công tác đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ điểm nghẽn về đất công đối với dự án khu liên hợp nhà ở - văn phòng - thương mại Tản Đà - Hàm Tử tại phường 10, quận 5.

Doanh nghiệp này cũng đề nghị Sở Tài nguyên - Môi trường xem xét, đề xuất trình UBND TP.HCM thu hồi đất để thực hiện dự án theo quy định tại Luật Đất đai đối với dự án chỉnh trang đô thị không qua đấu thầu.

Còn ông Nguyễn Văn Đực - Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng địa ốc Xanh cho biết, một dự án ở quận 8 của công ty ông không thể được triển khai bởi 125 m2 đất dư ra khi phần lộ giới của dự án giảm từ 40 m xuống 30 m. Tuy nhiên, việc đóng tiền sử dụng đất cho phần diện tích tăng thêm này đang vướng mắc. Nguyên nhân là phần diện tích tăng thêm quá nhỏ nhưng phải thực hiện các thủ tục thẩm định giá theo quy định.

Ngoài ra, ông Đực cho rằng thị trường địa ốc TP.HCM năm 2019 sẽ rất khó khăn, trong đó đáng chú ý là việc Thành phố đang rà soát lại hồ sơ pháp lí các dự án. Nhiều khả năng trong giai đoạn 2019-2020, Thành phố sẽ khó có các dự án mới đưa ra thị trường.

Tương tự, ông Đinh Văn Mười - Chủ tịch HĐQT Công ty Vietcomreal nói rằng nhà đầu tư nước ngoài rất e ngại tình trạng quy định pháp lý của Việt Nam thay đổi liên tục và khả năng hồi tố của chính sách. Nhiều dự án đầu tư đến giai đoạn chuẩn bị bàn giao nhà rồi mà vẫn bị tạm dừng khiến nhà đầu tư hoang mang…

Lãnh đạo UBND TP.HCM, các sở ngành tại buổi làm việc với doanh nghiệp bất động sản - Ảnh: Phan Diệu

Cam kết đảm bảo quyền lợi cho người dân lẫn doanh nghiệp

Trả lời về các kiến nghị của doanh nghiệp, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho rằng sự phát triển của TP.HCM hiện nay có đóng góp rất lớn của doanh nghiệp, trong đó phần không thể thiếu là doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản. Thế nhưng, thị trường bất động sản cũng rất phức tạp khi nhiều doanh nghiệp lợi dụng để kinh doanh dù chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý.

Do vậy, việc rà soát hồ sơ pháp lý của một số dự án thời gian qua là việc làm hết sức bình thường. UBND TP.HCM cũng chưa chỉ đạo về tạm dừng cấp chủ quyền tại các dự án này, nhưng một số thông tin chưa rõ đã làm người mua nhà cũng như các chủ dự án hoang mang.

Theo ông Tuyến, những dự án nào cơ quan nhà nước cho phép, TP.HCM sẽ bảo vệ quyền lợi hợp pháp đó. Doanh nghiệp nào đã được sự đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bỏ tiền ra đầu tư rồi, nếu có sai sót thủ tục mà phần sai của cán bộ nhà nước thì không ảnh hưởng quyền lợi doanh nghiệp, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. Trừ trường hợp sai sót thất thoát đất công, tài sản của Nhà nước có sự tiếp tay của doanh nghiệp thì sẽ xử lý theo pháp luật.

"Tôi mong muốn các doanh nghiệp bình tĩnh. Lãnh đạo thành phố luôn đảm bảo quyền lợi của người dân và doanh nghiệp. Những vấn đề sai sót pháp lý nào thuộc về cán bộ quản lý nhà nước sẽ bị xử lý, không để ảnh hưởng đến việc kinh doanh của doanh nghiệp", ông Tuyến khẳng định.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM còn nhấn mạnh đến việc nhận diện, xử lý các doanh nghiệp hoạt động không lành mạnh, như bán nhà cho dân rồi mà dự án vẫn cầm cố thế chấp trong ngân hàng, dự án quảng cáo chất lượng cao mà giao nhà chất lượng kém cho người mua...

"Từ năm 2019, TP.HCM sẽ công khai minh bạch tình trạng pháp lý của dự án để người dân tiếp cận và tìm hiểu thông tin trước khi mua nhà, không mập mờ như trước đây. Việc công khai tình trạng pháp lý của dự án nhằm tránh tình trạng những dự án dù chưa có gì đã rao bán lấy tiền của dân. UBND TP.HCM đã giao Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Xây dựng phối hợp công khai thông tin", ông Tuyến thông tin.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
một giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lãnh đạo TP.HCM khuyên doanh nghiệp bất động sản... bình tĩnh