Đứng trước nguy cơ toàn quân bị diệt, Lê Lợi bất đắc dĩ phải tụ họp các tướng lại nói: “Nay trận thế hiểm nguy, có ai dám bắt chước việc Kỷ Tín (tướng nhà Hán, chết thay cho Lưu Bang) thời xưa, thân khoác hoàng bào mà chết thay ta không?”

Lê Lợi cảm khái tiễn anh hùng, Lê Lai cưỡi ngựa thề huyết chiến

13/06/2017, 20:18

Đứng trước nguy cơ toàn quân bị diệt, Lê Lợi bất đắc dĩ phải tụ họp các tướng lại nói: “Nay trận thế hiểm nguy, có ai dám bắt chước việc Kỷ Tín (tướng nhà Hán, chết thay cho Lưu Bang) thời xưa, thân khoác hoàng bào mà chết thay ta không?”

Kỳ 1: Âm mưu thâm hiểm của nhà Minh sau khi tiêu diệt nhà Hậu Trần

Kỳ 2: Lam Sơn tụ nghĩa, rồng cuộn chờ thời​

Buổi đầu dựng cờ khởi nghĩa, lực lượng dưới trướng Bình Định vương Lê Lợi rất ít ỏi so với quân Minh. Theo sách Nguyễn Trãi toàn tập thì tính hết quân số, nghĩa quân Lam Sơn chỉ độ hơn 2000 người. Trong đó, chỉ có lực lượng nòng cốt gồm 200 quân Thiết đột, 200 Nghĩa sĩ, 300 Dũng sĩ là được trang bị tương đối tốt và có trình độ chiến đấu. Số quân còn lại vẫn chỉ là nông dân cầm vũ khí mà thôi. Chẳng những lực lượng ít, quân Lam Sơn ban đầu còn thiếu thốn vũ khí, quân nhu, quân lương bởi vì thời gian chuẩn bị cho khởi nghĩa đã bị rút ngắn lại ngoài dự kiến.

Chỉ một vài ngày sau lễ xuất quân, nghĩa quân Lam Sơn đã bước vào một trận chiến không cân sức. Trong tháng 2/1418 (tháng Giêng năm Mậu Tuất Âm lịch), tướng Minh là Mã Kỳ đốc suất 45.000 quân Minh, hàng trăm ngựa chiến, có cả voi chiến đến đánh. Tương quan lực lượng chênh lệch cực lớn, nghĩa quân Lam Sơn phải chiến đấu với tỷ lệ 1 chọi trên 20 quân giặc. Bất chấp chêch lệch, Lê Lợi cùng 47 tướng văn, tướng võ chia nhau dẫn quân mai phục ở Lạc Thủy, đón đánh quân Minh. Mã Kỳ cậy quân đông gấp nhiều lần, nên chia quân thành nhiều hướng hòng một mẻ diệt gọn quân Lam Sơn.

Trung tuần tháng Giêng, một nhánh quân Minh lọt vào trận địa mai phục của quân ta, bị đánh phá dữ dội. Bản thân Lê Lợi là một hổ tướng võ nghệ rất giỏi, cùng quân tướng cố sức lăn xả giết địch. 3000 quân Minh bỏ thây trong một trận chớp nhoáng, quân Minh từ các hướng sau đó mới dồn lại tấn công. Liệu thế không chống nổi số đông, Lê Lợi cho quân rút lui sang Mường Một (huyện Lang Chánh, Thanh Hóa). Quân Minh đuổi theo, Lê Lợi phải rút lên núi Chí Linh (thuộc Lang Chánh) cố thủ, mang theo nhiều khí giới vừa cướp được để tự trang bị.

Núi Chí Linh là một ngọn núi hiểm trở dễ thủ khó công. Khắp vùng là rừng núi hoang vu, dân cư thưa thớt. Với việc lui quân về đây, quân Lam Sơn tạm thời thoát khỏi cuộc vây ráp quy mô lớn của giặc, nhưng lại chịu cảnh thiếu thốn lương thực. Quân Minh lùng lục không được, bèn lui quân. Quãng thời gian đó, Lê Lợi và quân tướng của mình phải chịu đói khát. Trong hơn 10 ngày đóng trên núi Chí Linh, nghĩa quân đã phải ăn phấn đá (gọi là Vũ dư lương) trộn mật ong để sống sót.

Quân Minh tạm thời rút đi có thể là vì thiếu lương thực cho một chiến dịch dài hạn. Và chúng đã nhanh chóng trở lại sau đó. Lê Lợi dẫn quân vừa dẫn quân quay về căn cứ địa Lam Sơn chưa lâu thì lại phải đối đầu với trận càng quét mới. Lần này, Mã Kỳ được sự chỉ điểm của tên hai Việt gian tên là Ái và Đỗ Phú, đem quân đánh úp vào hậu phương của quân ta, bắt cóc nhiều vợ con của tướng sĩ, cả gia quyến của Bình Định vương Lê Lợi gồm vợ và con gái cũng bị giặc bắt, chúng còn quật mả nhà họ Lê lấy hài cốt đem đi, rồi kêu gọi Lê Lợi và quân tướng ra đầu hàng.

Quân tướng Lam Sơn bị mất gia đình, nhiều người sinh nản chí không còn tâm trạng chiến đấu. Quân Minh lại đến đánh, quân Lam Sơn tan vỡ mỗi người chạy một ngả. Lê Lợi cùng các tướng Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Phạm Vấn, Lê Bí, Lê Đạp lại phải chạy lên núi Chí Linh. Các quân lính của Bình Định vương sau đó mới lần lượt chạy theo. Quân Minh vây núi, ngót gần 3 tháng trời nghĩa quân Lam Sơn bị tuyệt lương, còn gian khổ hơn lần trước rút lên núi. Ban đầu, Lê Lợi dùng lời trung nghĩa khích lệ quân sĩ, tinh thần mọi người lại phấn chấn. Quân Minh dẫn quân đánh lên núi đều bị quân ta cơ động đánh lui được. Thế nhưng quân lương đã cạn, nghĩa quân dần đi đến chỗ chịu chết đói. Trong những ngày tháng đó, quân ta phải ăn cả măng tre, rễ cỏ để sống. Bao nhiêu voi ngựa trong quân cũng phải đem giết thịt nuôi quân. Không những vậy, bốn phía quân Minh bủa vây đánh phá. Tình thế khốn đốn được miêu tả trong Chí Linh Sơn Phú của Nguyễn Mộng Tuân:

“Chín phần tử, một phần sinh. Tuy ở chốn hiểm nghèo mà ngất trời khí thế

Bao nhiêu nghịch, bấy nhiêu thuận. Khéo tùy cơ lợi dụng, thực tột bậc anh hùng”

Đứng trước nguy cơ toàn quân bị diệt, Lê Lợi bất đắc dĩ phải tụ họp các tướng lại nói:

“Nay trận thế hiểm nguy, có ai dám bắt chước việc Kỷ Tín (tướng nhà Hán, chết thay cho Lưu Bang) thời xưa, thân khoác hòang bào mà chết thay ta không?”

Các tướng im lặng nhìn nhau. Chỉ có Lê Lai người thôn Đặng Tú khảng khái đáp lời: “Thần nay nguyện được tử trận thay cho chúa công. Ví như sau này giành được giang sơn thì xin nghĩ đến công lao của thần, khiến cho con cháu muôn đời được nhờ quốc ân, được vậy thần chết cũng nhắm mắt”.

Lê Lợi vô cùng cảm khái. Lê Lai tiếp lời: “Tình hình nguy khốn, nếu ngồi khư khư, quân thần chung mạng, bao công sức đây hãy còn gì. Nếu theo kế này, may ra có thể thoát được. Kẻ trung thần chết vì nước nào có tiếc gì?”

Lê Lợi vái trời khấn rằng: “Lê Lai có công đổi áo, nếu sau này khôi phục nghiệp xưa, nếu không nhớ đến công lao ấy, thì xin cho cung điện biến thành rừng núi, ấn triện biến thành cục đồng, gươm thần biến thành dao cùn”

Lê Lợi khấn xong, Lê Lai liền khoác áo báo của chúa, cùng 500 quân cảm tử và 2 thớt voi xông thẳng xuống núi khiêu chiến. Quân Minh xuất quân nghênh chiến, Lê Lai thân cưỡi ngựa xông thẳng vào trận giặc, hô to: “Ta là chúa Lam Sơn đây”. Quân Minh tưởng thật, dồn sức vây chặt lấy. Lê Lai cùng quân cảm tử giao chiến với giặc kịch liệt, khiến quân Minh phải mất khá nhiều lực lượng. Sau một hồi, giặc vây càng đông, Lê Lai đuối sức bị bắt và bị giặc phanh thây. Bấy giờ là vào ngày 29.4.1419. Giặc Minh tưởng rằng đã giết được Lê Lợi, nên nới lỏng vòng vây, rút khỏi Lam Sơn về thành Tây Đô. Lê Lợi bấy giờ mới thoát hiểm, bí mật gom quân trở về Lam Sơn gây dựng lại căn cứ địa.

Người anh hùng Lê Lai cùng đội quân cảm tử đã đem tính mạng của mình để tiếp tục thắp lên một tia hy vọng cho dân tộc. Sự hy sinh đó đáng được muôn đời sau trân trọng. Lê Lợi sau đó ngầm sai người tìm thi hài Lê Lai về Lam Sơn mai táng. Về sau, Lê Lợi lên ngôi đã truy phong Lê Lai hàm Thiếu úy, liệt vào hàng Nhất Đẳng Công Thần. Khi sắp mất, Lê Lợi còn căn dặn làm giỗ Lê Lai trước ngày giỗ của mình như là một cách thể hiện lòng biết ơn với vị trung thần đã quên mình cứu chúa, cũng là cứu cho cuộc khởi nghĩa không sớm bị tiêu diệt. Ngoài những sự truy tặng của triều đình nhà Hậu Lê, Lê Lai còn được thờ phụng rộng rãi trong dân gian. Các thế hệ người Việt vẫn mãi lưu truyền câu chuyện về ông.

(còn nữa)

Quốc Huy

10 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ nhất

22 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ hai​

16 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ ba

18 phần về cuộc Bắc phạt thần thánh của Lý Thường Kiệt

33 kỳ cuộc chiến chống ngoại xâm từ nhà Hồ đến nhà Hậu Trần

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lê Lợi cảm khái tiễn anh hùng, Lê Lai cưỡi ngựa thề huyết chiến