Vu Lan, không chỉ là nghi lễ riêng trong Phật giáo vào dịp Rằm tháng 7 hằng năm mà còn trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt.
Văn hóa

Lễ Vu Lan và nét đẹp văn hóa người Việt

Minh An 17:28 11/08/2024

Vu Lan, không chỉ là nghi lễ riêng trong Phật giáo vào dịp Rằm tháng 7 hằng năm mà còn trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt.

Nguồn gốc ngày lễ Vu Lan

Xuất phát từ sự tích Đại đức Mục Kiền Liên (đệ tử của Phật Thích Ca) đại hiếu cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói), Vu Lan đã trở thành ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn dưỡng dục của cha mẹ và tổ tiên (nói chung).

Theo kinh Vu Lan thì ngày xưa, Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mẹ ông là bà Thanh Đề đã qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm. Thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sanh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận địa ngục để dâng mẹ. Tuy nhiên nghiệp ác đã đến lúc phải trả quả thì không ai có thể ngăn cản được, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng đã hóa thành lửa đỏ.

Cũng theo kinh Vu-Lan-bồn, Mục Kiền Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: "Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương, hồi hướng công đức để tiêu trừ nghiệp ác mới mong giải cứu được. Ngày Rằm tháng Bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó".

Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng: Chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp). Từ đó, ngày lễ Vu Lan ra đời.

nhung-viec-nen-lam-trong-le-vu-lan-16933606259731786807791.jpg
Vào ngày lễ Vu Lan, người Việt Nam dành thời gian đến chùa cầu bình an, sức khỏe cho cha mẹ, hoặc cầu siêu cho bậc sinh thành đã khuất - Ảnh: Internet

Ngày lễ Vu Lan sau đó đã trở thành ngày lễ mang nét đẹp nhân văn và là một trong những hoạt động văn hóa truyền thống, tập quán tốt đẹp để tỏ lòng báo hiếu, tri ân của con cháu đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, với những người thân đã khuất. Đây cũng là dịp để cầu siêu cho các Anh hùng liệt sĩ, thể hiện đạo lý “uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc.

Lễ Vu Lan tại Việt Nam và một số nước châu Á

Việt Nam

Ngày lễ Vu Lan là ngày lễ trọng đại trong văn hóa, tín ngưỡng Phật giáo của người Việt Nam.

Lễ Vu Lan năm 2024 theo dương lịch diễn ra vào ngày 18.8 (Chủ Nhật). Vào ngày lễ Vu Lan, người Việt Nam dành thời gian đến chùa cầu bình an, sức khỏe cho cha mẹ, hoặc cầu siêu cho bậc sinh thành đã khuất. Trong các nghi lễ của ngày Vu Lan thường có nghi thức “cài hoa hồng lên áo” để ghi nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.

Trong ngày này, các gia đình Việt còn làm mâm cơm cúng với lễ vật, hương hoa để dâng lên ông bà, tổ tiên.

Lễ Vu Lan còn trùng với Tết Trung nguyên của người Trung Quốc và cũng trùng hợp với ngày Rằm tháng 7 xá tội vong nhân của phong tục Á Đông. Theo tín ngưỡng dân gian, là ngày mở cửa ngục, ân xá cho vong nhân nên còn có lễ cúng cô hồn (vào buổi chiều) cho các vong linh không nơi nương tựa, không có thân nhân trên dương thế thờ cúng, và là ngày mọi tù nhân ở địa ngục có cơ hội được xá tội, được thoát sanh về cảnh giới an lành.

Lễ Vu Lan gợi nhắc tới sự vô thường và luân hồi, khuyến khích mọi người sống đạo đức và biết ơn trong cuộc sống hằng ngày.

nguon-goc-va-y-nghia-nghi-thuc-bong-hong-cai-ao-trong-le-vu-lan.jpg
Trong các nghi lễ của ngày Vu Lan thường có nghi thức “cài hoa hồng lên áo” để ghi nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ - Ảnh: Internet

Nhật Bản

Lễ Vu Lan ở xứ Phù tang có tên gọi là Obon (hay Bon, mang nghĩa “Ngày của người chết”) - một ngày lễ truyền thống Phật giáo ở Nhật Bản, thường diễn ra vào tháng 8 dương lịch hằngnăm. Lễ Obon không chỉ mang ý nghĩa tinh thần đối với người Nhật mà còn thu hút rất nhiều khách du lịch tham dự hằng năm.

Nét đẹp văn hóa tâm linh này nhằm mục đích tưởng nhớ tổ tiên. Người Nhật tin rằng vào ngày này, vong linh của tổ tiên sẽ trở về thăm họ, đồng thời đây cũng là dịp sum họp của cả gia đình, mọi người sẽ cùng nhau trở về nơi ở của những người quá cố để lau dọn bàn thờ, thăm viếng phần mộ và dâng cúng bánh trái cho những người thân đã khuất.

Hoạt động nổi bật trong thời gian này là điệu múa dân gian Bon Odori. Điệu múa này mang ý nghĩa chào đón linh hồn người đã khuất. Vũ điệu này ở mỗi vùng có hình thức các điệu nhảy và âm nhạc khác nhau thể hiện lịch sử và nét đặc trưng của nơi đó.

Trong lễ hội này, người dân Nhật Bản thường treo đèn lồng Chochin trước cửa nhà với ý nghĩa đưa lối cho linh hồn của tổ tiên về với gia đình; đến cuối lễ, những chiếc đèn lồng lại được thả xuống dòng sông, hồ hoặc biển để dẫn đường cho những linh hồn trở về với thế giới của họ.

nguon-goc-vu-lan-bao-hieu-chi-tiet.jpg
Dù mỗi quốc gia có một tên gọi và nghi thức khác nhau, nhưng điểm chung của lễ Vu Lan các nước châu Á là nghi lễ tâm linh và nét đẹp văn hóa thể hiện tấm lòng tri ân với cha mẹ, ông bà, tổ tiên - Ảnh: Internet

Hàn Quốc

Với người Hàn Quốc, dịp Lễ Vu Lan báo hiếu diễn ra vào Rằm tháng 7 là dịp để mọi người thể hiện tấm lòng tri ân, báo ân, cùng cầu nguyện cho cha mẹ hiện tại có thêm phúc thọ, cha mẹ, ông bà quá cố được siêu thoát.

Tùy theo hoàn cảnh kinh tế mà người Hàn Quốc có những cách báo hiếu khác nhau, từ việc làm nhỏ như tự tay chuẩn bị những tấm thiệp tình cảm hay tặng món quà đắt tiền... Tất cả đều như một lời cảm ơn chân thành dành cho người nhận.

Trung Quốc

Tại Trung Quốc, lễ Vu Lan hay lễ hội Trung Nguyên diễn ra vào ngày 15.7 (âm lịch) hằng năm. Đây là ngày lễ truyền thống của Trung Quốc và có lịch sử lên đến hàng nghìn năm.

Vu Lan ở đất nước này là nghi lễ nhằm tưởng nhớ đến những người thân đã khuất, bắt nguồn từ phong tục cổ xưa của người Trung Quốc là cúng tế tổ tiên trong mùa thu hoạch nông sản.

Theo truyền thuyết của Đạo giáo tại Trung Quốc, vào ngày này, cánh cửa địa ngục sẽ mở và tất cả các vong linh được thả tự do trong một khoảng thời gian nhất định; những vong linh có người thân sẽ về nhà, những ai không có gia đình thì trở thành cô hồn vất vưởng, lang thang khắp trần gian. Do đó, lễ hội được tổ chức vào thời gian này để cúng tế vong linh của tổ tiên và cô hồn vất vưởng chết vì thiên tai, dịch bệnh, không thể siêu thoát… Người ta thắp đèn hoa sen để soi đường cho các linh hồn trở về với gia đình.

Ngoài ra, vào ban đêm, mọi người sẽ dọn thức ăn lên bàn và kê những chiếc ghế trống cho những người đã khuất, không ai được ngồi trên những chiếc ghế đó. Song song với việc cúng tế là lễ cầu nguyện trong khi đốt vàng mã cho những người đã khuất.

Campuchia

Nếu như Việt Nam có ngày lễ Vu Lan thì ở đất nước Campuchia cũng có lễ hội với ý nghĩa tương tự nhưng với tên gọi khác theo tiếng Khmer, đó là Pchum Ben.

Đây là lễ hội lớn nhất của Campuchia, kéo dài 15 ngày, từ mùng 1 đến ngày 15 của tháng 10, tính theo lịch của người Khmer và rơi vào cuối mùa an cư của chư tăng nước này.

Trong suốt thời gian đó, những người còn sống sẽ thể hiện lòng biết ơn và sự thương nhớ đối với linh hồn của người thân quá cố. Lễ hội này diễn ra luôn thu hút rất đông những tín đồ Phật giáo tham gia, đặc biệt tại các chùa trong mùa lễ hội luôn nhộn nhịp người đến cúng bái.

14 ngày đầu tiên được gọi là “Kan Ben”. Trong những ngày này, các gia đình thay phiên nhau dâng cúng thức ăn cho chư tăng tại chùa ở địa phương để cầu nguyện cho vong linh của tổ tiên họ thoát khỏi các nghiệp xấu ác. Ngoài ra, họ dùng một nắm xôi có kèm theo vừng và dừa để cúng cho các vong linh vào lúc sáng sớm, vì họ tin rằng các vong linh mang tội lỗi nặng nề không thể nhận thức ăn vào ban ngày.

Ngày thứ 15 là lễ chính thức với tên gọi “Ben Thom”. Vào dịp này, mọi người đều mặc trang phục truyền thống và tập trung đến chùa để cúng dường bánh nếp, thức ăn, y phục và thuốc men cho các nhà sư.

image-pchum-ben-mot-le-hoi-ton-giao-dac-biet-cua-campuchia-165095093380296.jpg
Pchum Ben là lễ hội tôn giáo lớn của Campuchia - Ảnh: Internet

Món ăn đặc trưng của ngày lễ này là món bánh “Bay Ben”, được làm từ bột gạo nếp nấu với nước cốt dừa. Ngoài ra, trong mùa lễ hội còn có các nghệ sĩ trình diễn những điệu nhạc truyền thống như yike và lakhon basac.

Malaysia

Đại lễ Vu Lan còn gọi là Ngày tổ tiên hay Lễ hội tháng 7. Vào tháng 7 âm lịch, mọi người sẽ treo đèn lồng quanh nhà và ngoài đường phố.

Ngoài những việc thể hiện tinh thần hiếu đạo như thăm viếng mộ người thân, tảo mộ, dâng cúng vật phẩm, người Malaysia còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, tôn giáo mang màu sắc riêng như cầu siêu cho vong linh đã khuất.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bão số 4 giật cấp 10 cách Đà Nẵng 200km
11 phút trước Sự kiện
Sáng sớm nay (19.9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía đông bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành cơn bão số 4.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lễ Vu Lan và nét đẹp văn hóa người Việt