Thất bại lớn nhất của FDI trong những năm qua là không chuyển giao được công nghệ, không phát triển được công nghệ quốc gia.

Liệu FDI có làm thui chột doanh nghiệp trong nước?

04/10/2018, 11:14

Thất bại lớn nhất của FDI trong những năm qua là không chuyển giao được công nghệ, không phát triển được công nghệ quốc gia.

Ảnh minh họa từ báo Xây Dựng

Ngày 4.10 Hội nghị “Tầm nhìn mới, cơ hội mới cho FDI trong kỷ nguyên mới”sẽ được tổ chức để tổng kết 30 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.

Một chặng đường dài

Kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài ra đời vào tháng 12.1987, một trong những thành tự đầu tiên của Đổi mới, cho đến nay Việt Nam đã trải qua quá trình hơn 30 năm thu hút nguồn vốn FDI. FDI đã trở thành khu vực kinh tế quan trọng của Việt Nam.

Đến nay đã có hơn 182 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào Việt Nam, được thực hiện trong hầu hết các ngành nghề và lĩnh vực của nền kinh tế, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Khu vực FDI chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Đã có nhiều chuyên gia, học giả cho rằng, FDI đang áp đảo nhiều lĩnh vực, ngành nghề, chiếm cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam, và hơn hết là làm nền kinh tế trở nên phụ thuộc.

Khi đặt ra câu chuyện FDI, TS.Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, không thể bàn riêng doanh nghiệp FDI mà phải bàn chung trong tổng thể nền kinh tế.

Vấn đề cần giải quyết không phải là doanh nghiệp FDI mà chính là giải quyết vấn đề của kinh tế tư nhân, làm thế nào để kinh tế tư nhân phát triển.

Liệu FDI có làm thui chột doanh nghiệp trong nước?

Việc thu hút và sử dụng vốn FDI trong hơn 30 năm qua đã để lại dấu ấn quan trọng nhất, đó là góp phần tích cực hoàn thiện thể chế kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh theo các nguyên tắc của kinh tế thị trường; nâng cao năng lực quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp, hỗ trợ quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế…

Bên cạnh những đóng góp không thể phủ nhận của khu vực FDI đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam thì vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định trong quá trình phát triển, mà hạn chế lớn nhất là việc chuyển giao và tiếp thu công nghệ từ các doanh nghiệp FDI không đạt được như kỳ vọng.

Chưa kể, ngày hôm nay bối cảnh kinh tế chính trị thế giới đã có nhiều thay đổi, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang ảnh hưởng đến toàn cầu, thế giới dang chạy đua phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo, xu hướng bảo hộ đang lan rộng ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư toàn cầu. Tất cả những khó khăn và thách thức đó đòi hỏi Việt Nam phải có định hướng chiến lược mới trong thu hút FDI giai đoạn tới.

Vấn đề cần giải quyết không phải là doanh nghiệp FDI mà chính là giải quyết vấn đề của kinh tế tư nhân, làm thế nào để kinh tế tư nhân phát triển. Chúng ta thiếu những đổi mới cần thiết để thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân và cải cách doanh nghiệp nhà nước. Ý thức hệ lâu nay vẫn là doanh nghiệp nhà nước phải là chủ đạo.

Sau khi tham gia WTO, FDI các địa phương tăng vọt trên mọi phương diện. Đó là hệ quả nhãn tiền của việc các doanh nghiệp nhà nước thất bại mà doanh nghiệp tư nhân trong nước chưa lớn mạnh. Vì thế, chính quyền địa phương phải mời doanh nghiệp FDI về để phát triển kinh tế địa phương bằng việc xây dựng các khu nghỉ dưỡng, sân golf, khách sạn với mục đích làm để có ngay chứ không phải thay đổi nền tảng.

Bởi muốn thay đổi nền tảng cần phải thay đổi việc phân bổ nguồn lực. Tuy nhiên, điều này chưa làm được do đó mà doanh nghiệp tư nhân trong nước vẫn không lớn mạnh lên được.

Chúng ta có tự do trong kinh doanh nhưng lại tiềm ẩn quá nhiều bất ổn trong vấn đề sản xuất kinh doanh. Khi đó, họ sẽ tìm kiếm những cơ hội ngắn hạn, núp theo hình thức nhỏ lẻ chỉ để đủ sống qua ngày cho đến khi họ đã kiếm được một khoản tiền và tìm cơ hội ra nước ngoài để sinh sống và làm việc chứ không có ý định ở lại Việt Nam để làm ăn nữa.

Còn nhiều gian truân

Do đó, giải pháp mà TS.Nguyễn Đình Cung đưa ra không cách nào khác phải nâng cao chất lượng FDI. Thất bại lớn nhất của FDI trong những năm qua là không chuyển giao được công nghệ, không phát triển được công nghệ quốc gia. Cần tạo ra không gian để năng lực công nghệ Việt Nam được phát triển. Đó là xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, tạo ra những vườn ươm công nghệ.

Việt Nam cần thu hút những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu về đây để chuyển giao công nghệ. Muốn vậy chúng ta phải xây dựng trung tâm dịch vụ kết nối công nghệ để vừa có công nghệ sản xuất và qua các trung tâm thực hiện được hoạt động chuyển giao công nghệ, đồng thời tạo những kết nối giữa doanh nghiệp Việt với các trung tâm này. Nhà nước cần hỗ trợ bằng nguồn kinh phí được lấy ra từ những kinh phí nghiên cứu khoa học không cần thiết.

Vấn đề đặt ra là chính sách FDI như thế nào để thu hút được nhiều doanh nghiệp công nghệ đầu tàu. Khu công nghệ cao Hoà Lạc sắp tới phải trở thành những trung tâm đổi mới sáng tạo, đặc biệt là sáng tạo công nghệ. Những khu trung tâm công nghệ cao hiện nay vẫn xu hướng thiên về công nghiệp.

Từ đó cần tìm những nhà đầu tư hàng đầu trong ngành mình ưu tiên phát triển, xây dựng vườn ươm. Phát triển trung tâm chuyển giao công nghệ, xây dựng hệ sinh thái vùng phải có các trường đại học, các viện nghiên cứu, các khu đô thị cao.

Ba trụ cột chính là nhà đầu tư, vườn ươm doanh nghiệp đổi mới sáng taọ, những dịch vụ hỗ trợ phát triển ý tưởng, những trung tâm dịch vụ công nghệ kết nối với doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Vũ Đại Thắng cho rằng, cần hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh để lựa chọn, thu hút các dự án FDI chất lượng cao, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trước mắt, cần ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao của các tập đoàn xuyên quốc gia trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin và các lĩnh vực dịch vụ mà Việt Nam có tiềm năng và lợi thế so sánh.

Chọn lọc những dự án có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ nguồn có giá trị gia tăng cao, những dự án lớn của các tập đoàn xuyên quốc gia để tạo ra sức lan tỏa thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển, phát triển công nghiệp hỗ trợ thông qua sự kết nối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.

Việc thúc đẩy tính lan tỏa từ hiệu ứng thu hút FDI và gia tăng kết nối giữa khu vực FDI với doanh nghiệp trong nước là cực kỳ cần thiết trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt khi cuộc cách mạng 4.0 đã và đang làm thay đổi phương thức sản xuất trên toàn thế giới theo hướng tự động hóa, sử dụng trí tuệ nhân tạo... vào sản xuất, kinh doanh và dịch vụ ở tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.

Để làm được điều này, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước nói chung, cũng như đối với khu vực doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp FDI nói riêng, nhằm hạn chế những mặt tiêu cực của FDI thời gian qua như nhập khẩu thiết bị công nghệ lạc hậu, tình trạng ô nhiễm môi trường, vấn đề chuyển giá, trốn thuế, đình công, lãn công….

Khi Việt Nam đã có định hướng chiến lược mới, gắn với phát triển bền vững, với tái cơ cấu đổi mới mô hình tăng trưởng, cũng sẽ mở ra cơ hội mới, tầm nhìn mới cho thu hút FDI trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của cách mạng công nghiệp 4.0, mà nếu không tận dụng được cơ hội này, nhiều khả năng Việt Nam sẽ tụt hậu.

Điều Việt Nam mong chờ hiện nay là các nhà đầu tư sẽ tiếp tục chia sẻ tầm nhìn mới của Việt Nam trong thu hút FDI và đồng hành với Việt Nam trong quá trình phát triển sau này.

Tuy nhiên, để điều mong chờ ấy thành hiện thực thì không cách nào khác, như TS.Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, đó là Việt Nam cần phải tiếp tục hoàn thiện và thay đổi thể chế.

Lan Anh/VNN

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp kinh doanh vàng
một giờ trước Theo dòng thời sự
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh và làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nếu có hành vi thao túng thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Liệu FDI có làm thui chột doanh nghiệp trong nước?