Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM cho biết luôn đề cao cảnh giác trước nguy cơ mất ATTP. Trong đó, nguy cơ lớn là tình trạng bùng phát các chợ tự phát, bán hàng online.
Theo dòng thời sự

Lo ngại nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm từ bán hàng online

Lam Thanh 23/08/2024 15:35

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM cho biết luôn đề cao cảnh giác trước nguy cơ mất ATTP. Trong đó, nguy cơ lớn là tình trạng bùng phát các chợ tự phát, bán hàng online.

Nguy cơ mất an toàn thực phẩm từ bán hàng online

Ngày 23.8, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về An toàn thực phẩm, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết 6 tháng đầu năm 2024, toàn ngành y tế kiểm tra 232.702 cơ sở, phát hiện 15.046 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP), chiếm 6,46% cơ sở được kiểm tra, giảm so với cùng kỳ năm 2023.

Bình quân số tiền phạt đối với 1 cơ sở trong 6 tháng đầu năm 2024 là 8,69 triệu đồng, tăng so với cùng kỳ năm 2023 (4,09 triệu đồng).

Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc ghi nhận 70 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 2.942 người mắc và 12 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ tăng 4 vụ (6,1%), số người mắc tăng 1.986 người, số tử vong giảm 1 người.

Nguyên nhân là do đã xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm có số lượng lớn người mắc liên quan đến vi sinh vật (điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của vi sinh vật gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột).

Theo ông Đỗ Xuân Tuyên, các chương trình giám sát ATTP được duy trì, mở rộng kiểm tra chuyên ngành sang thanh tra đột xuất đã giúp kịp thời phát hiện, cảnh báo, áp dụng các biện pháp khắc phục và xử lý nghiêm các vi phạm ATTP.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết những tháng đầu năm, thành phố không xảy ra vụ việc nghiêm trọng về ATTP. Tuy nhiên, Sở ATTP luôn đề cao cảnh giác trước nguy cơ mất ATTP vì dân số TP.HCM rất lớn. Trong đó, nguy cơ lớn là tình trạng bùng phát các chợ tự phát, điểm bán hàng không phép, bán hàng online.

long-2.jpg
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM - Ảnh: VGP

Đối với Hà Nội, theo Phó giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương, thành phố bảo đảm cung ứng 60% nhu cầu thực phẩm, còn lại là nhập từ các địa phương khác và từ nước ngoài. Do đó, việc kiểm tra xuất xứ nguồn gốc là vấn đề quan trọng. Dự kiến, thời gian tới, thành phố tập trung vào kiểm tra ATTP trong trường học, xung quanh trường học và dịp Tết Trung thu.

Ông Cương cũng nêu thực trạng về việc khó kiểm tra sản phẩm kinh doanh qua mạng, "khi phát hiện sai phạm nhưng đến kiểm tra thì địa chỉ không đúng hoặc đóng cửa, trang web không hoạt động nữa".

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chế biến, Chất lượng và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) cho biết kiểm tra kênh thương mại điện tử còn khó khăn, "nhiều vật tư nông nghiệp được bán qua thương mại điện tử, kể cả sản phẩm chưa được cấp phép lưu hành". Đây là thách thức đối với quản lý ATTP.

Bộ Công an thời gian qua đã quyết liệt kiểm tra về ATTP. 6 tháng đầu năm, các đơn vị trong công an nhân dân đã phát hiện, đấu tranh, xử lý 3.060 vụ (tăng 31 vụ so với cùng kỳ năm 2023) với 3.074 đối tượng vi phạm pháp luật về ATTP; khởi tố 6 vụ với 10 đối tượng (trong khi cùng kỳ năm 2023 chỉ khởi tố 1 vụ).

Bà Nhữ Thị Như Nguyệt, Cục phó V03 (Bộ Công an) nhấn mạnh tiếp tục kiểm tra, xử lý các vụ việc với tinh thần "làm 1 vụ cảnh tỉnh cả vùng". Bà Nguyệt kiến nghị Chính phủ sớm kiện toàn mô hình quản lý ATTP theo hướng thống nhất đầu mối; xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành về ATTP; ban hành danh mục đầy đủ các chất cấm sử dụng trong thực phẩm.

Khó tăng thêm biên chế

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng, có 2 yếu tố quan trọng đối với công tác bảo đảm ATTP là tuyên truyền và xử phạt nghiêm minh. Cần có mô hình tuyên truyền hiệu quả hơn, trong đó, chú ý nêu ra các định hướng cụ thể cho người dân, tuyên truyền về kỹ năng bảo đảm ATTP chứ không chỉ đưa thông tin về các vụ ngộ độc.

Phó thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh công tác bảo đảm vệ sinh ATTP được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Nguy cơ mất ATTP vẫn hiện hữu. Trong đó, có những vấn đề nổi lên là ngộ độc thực phẩm với số lượng đông người mắc, số vi phạm phát hiện được và phải áp dụng các chế tài tăng…

long-1.jpg
Phó thủ tướng Lê Thành Long - Ảnh: VGP

Theo Phó thủ tướng, nhu cầu của xã hội ngày càng cao nhưng còn khoảng cách lớn giữa nguồn lực và khả năng đáp ứng của chúng ta đối với công tác này.

Trước ý kiến của các bộ, địa phương về vấn đề tăng biên chế cho công tác này, Phó thủ tướng cho rằng tăng thêm biên chế là rất khó khăn, cần nghĩ thêm giải pháp khác.

Phó thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành đề xuất hoàn thiện thể chế về ATTP, trong đó đề xuất sửa đổi Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP theo hướng có trọng tâm, trọng điểm và có đầu ra cụ thể, không nói chung chung; Bộ Y tế nghiên cứu, xử lý đề xuất của TP.HCM liên quan đến việc sử dụng bộ test nhanh ATTP…

Bộ Y tế, Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương vận hành đúng công suất, thiết thực hệ thống cơ sở dữ liệu, tiếp tục đầu tư trong khả năng của mình để làm giàu cơ sở dữ liệu, kết nối với hệ thống của Bộ Y tế để vận hành một cách thông suốt.

Phó thủ tướng cũng cho rằng trong bảo đảm ATTP thì ý thức của người dân rất quan trọng. Việc hình thành thói quen tiêu dùng thông minh, văn hóa tiêu dùng thì mới bền vững, chứ chỉ tăng lực lượng đi kiểm tra thì cũng chưa chắc hiệu quả.

“Cần tăng cường công tác kiểm tra đột xuất, khi phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm và truyền thông để cảnh tỉnh. TP.HCM tiếp tục vận hành mô hình Sở ATTP, có đánh giá trong quá trình thực hiện thí điểm để đóng góp ý kiến cho Trung ương đề xuất mô hình, kiện toàn tổ chức, tăng cường nguồn lực”, Phó thủ tướng nêu.

Bài liên quan
Vụ máy bay rơi tại Bình Định: Tìm thấy hai phi công an toàn
Cả hai phi công trong vụ rơi máy bay quân sự Yak-130 (số hiệu 210 D) đã được tìm thấy, tình hình sức khỏe của cả hai phi công cơ bản ổn định và đang được đưa xuống núi.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại đô thị lớn của Việt Nam
9 phút trước Khoa học - công nghệ
Theo báo cáo, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội và TP.HCM có chiều hướng gia tăng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lo ngại nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm từ bán hàng online